Brian Đoàn, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Việt Nam


2006.07.16

Hoàng Khởi Phong

Brian Đoàn là một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Việt Nam. Ông đến Mỹ qua ngả HO cùng với gia đình vào những năm đầu của thập niên 90, và được đào tạo để trở thành nhiếp ảnh gia bởi các trường đại học Mỹ.

TheForgottenOnescover200.jpg

Mới đây ông thực hiện một cuốn sách về nhiếp ảnh, được đặt tên là The Forgotten Ones, với rất nhiều hình ảnh chụp các người tị nạn Việt Nam còn kẹt lại tại Phi Luật Tân trong nhiều năm qua.

Cuốn sách này đã là một trong những tài liệu hùng hồn giúp cho Luật sư Trịnh Hội và nhóm Luật sư LAVAS dùng để vận động với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và sau đó khoảng hai ngàn người còn sót tại Phi đã được chính phủ Hoa Kỳ đón nhận. Dưới đây là những nét chính trong cuộc mạn đàm của chúng tôi với nhiếp ảnh gia Brian Đoàn.

Hoàng Khởi Phong: Thưa anh Brian Đoàn, anh có thể cho thính giả của đài RFA biết nguyên nhân nào khiến anh thực hiện cuốn sách The Forgotten Ones?

Brian Đoàn: Thưa anh, tôi là người Việt tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, vì ba tôi là một sĩ quan của QLVNCH đã bị đi tù cải tạo nhiều năm, nên sau cùng đã tới Mỹ qua ngả HO. Trước đó gia đình chúng tôi đã có những lần tham dự vượt biên. Tôi có hai người anh ra đi từ năm 1979, và tới được đảo Palawan Phi Luật Tân.

Thời đó tôi nghĩ là các trại tị nạn là những cánh cửa mở vào thiên đường. Bản thân tôi đã ao ước được đặt chân lên một trong những cánh cửa này. Những tôi không được may mắn như hai người anh tôi, ra đi mười một lần mà không thoát. Dù thời gian đó tôi rất nhỏ, nhưng cũng đã từng ở tù hơn một năm.

Mãi hơn hai chục năm sau, khi đã định cư ở Mỹ, và vào dịp năm 2000, tức là 25 năm sau khi miền Nam sụp đổ, tôi muốn có một tác phẩm nhiếp ảnh nói về đời sống của người Việt Nam trong cuộc sống lưu vong ở hải ngoại, và một trong những hình ảnh cần có là ở các trại tị nạn.

BrianDoan150.jpg
Anh Brian Doan. Photo coutersy of www.theforgottenones.org

Vào thời điểm đó tất cả các trại tị nạn đã bị Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đóng cửa, ngoại trừ trại Palawan còn sót lại hơn hai ngàn người không bị Phi Luật Tân trục xuất.

Khi đến thăm trại này để chụp hình, tôi mới biết được đời sống thật của những người Việt còn sót lại tại Phi, đó là đời sống của những người bị lãng quên. Do đó tôi đặt tên cho tác phẩm này là The Forgotten Ones.

Hoàng Khởi Phong: Là một sinh viên chưa ra trường, không có công ăn việc làm, khi thực hiện tác phẩm này, anh có được một cơ quan nào trợ giúp anh về tài chánh.

Brian Đoàn: Cho tới giờ này tôi cũng không nhớ rõ tất cả các nguồn tài chánh của tôi trong khi thực hiện chuyến đi để hoàn thành cuốn The Forgotten Ones, thật khó mà nói về số tiền đó ở đâu, nhưng khi còn là sinh viên chúng tôi cũng có nhiều cách kiếm ra tiền.

Tôi đi Palawan hai lần. Lần đầu được một người bạn là anh Phát Bùi trợ giúp một phần. tôi chỉ lo tiền ăn ở, phim ảnh. Sau khi đi về tôi đưa các hình ảnh đã chụp cho cô Y Sa Le, của Hội VALAA. Hội VALAA và nhật báo Người Việt thấy rằng những hình ảnh này cần được phổ biến rộng rãi. Nhật báo Người Việt và Hội VALAA đã giúp chúng tôi phát hành cuốn sách này, và dùng nó như những bằng chứng để lobby cho người Việt còn sót lại tại Phi được nước Mỹ đón nhận.

Lần đầu ra mắt cuốn sách này thu được khoảng mười ngàn đô la, chúng tôi chuỷên ngay đến cho Luật sư Trịnh Hội, nhân vật đã tình nguỵên đến ăn ở tại Phi và là một nỗ lực chính trong việc vận động cho đ2ông bào tại đây được đi tị nạn tại đệ tam quốc gia.

Lần thứ hai ra mắt sách ở Houston thu được khoảng năm ngàn đô la, đã được chúng tôi chuỷên đến tổ chức VietPhi SOS, bởi vì nước Mỹ đã đón nhận gần hết người Việt tại Phi, chỉ trừ lại ba trăm người vì lập gia đình với người bản xứ, hay có dính líu đến pháp luật Phi, tổ chức Viet Phi SOS ở Canada đang tiếp tục việc vận động cho số người này được định cư tại Canada.

Hoàng Khởi Phong: Thưa anh Brian, đó là những gì liên hệ tới một tác phẩm đã hoàn tất. Trong tương lai anh có dự định thực hiện một tác phẩm nhíêp ảnh khác, hay là một tác phẩm trong bộ môn văn chẳng hạn?

2kids200.jpg
Hai bé gái song sinh bên hàng kẽm gai. Photo coutersy of www.theforgottenones.org >> See larger image

Brian Đoàn: Thưa anh tôi có khá nhiều dự định trong đầu. Ban đầu khi tới Mỹ tôi theo học ngành vi tính, nhưng sau khi đã tốt nghiệp, tôi quyết định bỏ nghề này để đi học về nhiếp ảnh. Bởi vì nhiếp ảnh giúp tôi nói được nhiều điều tôi muốn nói. Nhiếp ảnh đối với tôi cũng như ngòi bút của các người viết.

Chẳng những nó nói được cho riêng tôi, mà còn cho đồng bào tôi không may mắn bị đẩy ra khỏi đất nước. Vào thời điểm năm 2000, tôi bắt tay vào việc thực hiện một loạt chân dung của người Việt tị nạn. Đặc biệt là các người văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ đang hình thành dòng văn học ở hải ngoại hay chân dung của những người đang hình thành đời sống của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại.

Trong khi thực hiện bộ chân dung này, tôi tiếp tục học lên Cao Học của nghề này. Những năm gần đây cách tôi nhìn nhiếp ảnh đã khác năm năm trước rất nhiều, thí dụ trước kia tôi chụp ảnh một gia đình tị nạn, thì chỉ là hình ảnh của gia đình tị nạn đó mà thôi, nhưng giờ đây vẫn là hình ảnh của gia đình tị nạn mà thôi, nhưng tôi biết có tôi ở trong đó.

Hoàng Khởi Phong: Dường như người Việt ở trong nước cũng như ở hải ngọai đoạt rất nhìêu giải thửong quốc tế về bộ môn nhiếp ảnh. Anh nghĩ gì về nhiếp ảnh Việt Nam? Về các nhíêp ảnh gia người Việt ở trong nước cũng như ở hải ngoại?

Brian Đoàn: Quả là người Việt đoạt khá nhiều giải thửơng nhiếp ảnh quốc tế, nhưng tôi cần phải nói là những giải thửơng này thường do các Hội Nhiếp Ảnh Không Chuyên Nghiệp trao tặng. Hiện nay theo chỗ tôi được biết về nhiếp ảnh chuyên nghiệp thật sự ở hai trung tâm nhiếp ảnh hàng đầu trên thế giới là Luân Đôn và Nữu Ước mới chỉ có hai nhiếp ảnh gia Việt Nam thành danh.

Đó là Đinh Q. Le và An – My Le. Hai nhiếp ảnh gia này mặc dù là những tên tuổi lớn của bộ môn nhiếp ảnh nhà nghề, song trong cộng đồng Việt Nam dường như còn xa lạ với hai nhiếp ảnh gia này.

Tôi có thể nói tình trạng chung của nhiếp ảnh Việt Nam ở trong nước cũng như hải ngoại có tính nghiệp dư. Muốn chen vai thích cánh với nhiếp ảnh thực thụ của thế giới Việt Nam cần có một trường đại học chuyên nghiệp dậy về nhiếp ảnh như dậy về hội họa, âm nhạc...

Hoàng Khởi Phong: Về nhiếp ảnh chuyên nghiệp, anh mơ ước điều gì?

Mời bạn tham gia mục Văn học Nghệ thuật do Hoàng Khởi Phong phụ trách. Mọi email đóng góp xin gửi về Vietweb@rfa.org

Brian Đoàn: Tôi dự định bỏ ra mười năm để thực hiện một tác phẩm nhiếp ảnh cho riêng tôi.

Hoàng Khởi Phong: Con số mười năm cho một tập ảnh có là quá dài không?

Brian Đoàn: Không? Tôi biết nhìêu bực thầy của nhiếp ảnh đã bỏ ra cả đời, khoảng năm, bẩy chục năm để hoàn thành một tác phẩm duy nhất mà thôi. Con số mười năm của tôi khi so sánh với các bực thầy này là một con số khiêm tốn, do đó tôi sẽ bỏ hết công sức vào tập ảnh này.

Hoàng Khởi Phong: Xin thành thật cám ơn anh Brian Đoàn. Xin chúc anh gặt hái được những gì anh mơ ước, và xin hẹn gặp quý thính giả trong kỳ phát thanh tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.