Giã từ nhạc sĩ Anh Việt


2008.03.23

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Thời gian trôi qua, số các nhạc sĩ kỳ cựu của nền âm nhạc Việt Nam ngày càng vơi đi. Thời gian chẳng chừa ai, biết thế mà sao lòng cứ chùng xuống mỗi khi nghe tin có người ra đi vĩnh viễn. Mới đây, là hôm 15 tháng Ba với tin nhạc sĩ Anh Việt từ trần tại San Jose, Hoa Kỳ. Chương trình kỳ này, Thy Nga mời quý vị cùng nghe lại dòng nhạc của ông.

AnhViet150.jpg
Nhạc sĩ Anh Việt qua đời tại San Jose, thọ 81 tuổi. (Ảnh do các cựu chiến hữu của nhạc sĩ Anh Việt cung cấp)

“Bến cũ” qua “giọng hát vượt thời gian” Thái Thanh …

Trong vườn âm nhạc Việt Nam, Anh Việt là một cây đại thụ, tàng cây lớn, tỏa bóng mát làm cho người nghe nhạc của ông, luôn cảm thấy nhẹ nhàng, êm đềm dù rằng các bài đầu tiên ông viết là vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tức là khi đất nước đã bị bao trùm bởi chiến tranh. Như bao thanh niên khi đó, Anh Việt lên đường theo tiếng gọi của núi sông.

Nhà báo Sao Biển ở San Jose, cùng nơi định cư ở Mỹ như nhạc sĩ Anh Việt, viết rằng giòng nhạc Anh Việt

“làm dịu cơn đau, khỏa lấp sự kinh hoàng của chiến cuộc. Giống như “Một thời để yêu và một thời để chết” của nhà văn Erich Remarque khi nhìn thấy một cặp tình nhân gửi hồn nhau trong đáy mắt trên đường hành quân ngược xuôi.”

“Bến Kiên Giang” phổ ý thơ Lý Dũng Tâm, quý vị đang nghe Thanh Vân hát …

Kiên Giang là nơi nhạc sĩ Anh Việt ra đời. Chàng thanh niên tên thật là Trần Văn Trọng, vào năm 1945 khi 18 tuổi viết nhạc bản này để nhớ về nơi sinh trưởng của mình. Trên đường chinh chiến, một buổi cùng đoàn quân dừng chân trong rừng sâu, hoàn cảnh gây cảm hứng cho chàng trai viết nên nhạc bản “Chiều trong rừng thẳm”

“Chiều trong rừng thẳm” qua giọng hát Thanh Vân …

Bài này nhịp điệu hùng tráng, dễ hát nên rất phổ biến vào thời đó. Thế nhưng, có điều trớ trêu là bài nhạc về cuộc kháng chiến chống Pháp như vậy, mà Đài Phát thanh Pháp Á lại chọn làm nhạc hiệu, sau khi đổi tên và lời. Anh Việt còn có bài “Tự do” được chọn làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh Kháng chiến Nam bộ, và bài hát chính cho Liên đoàn Thanh Niên Việt.

Và như để tiếp nối bài “Bến cũ”, qua năm 1947 Anh Việt viết bài “Lỡ chuyến đò” thương cảm cho cô thôn nữ đợi chờ nơi bến xưa bên giòng sông Kiên Giang, nhưng người yêu cứ mải phiêu bồng.

“Lỡ chuyến đò” với tiếng hát Mai Hương … Sáng tác kế tiếp, Anh Việt viết vào năm 1951, bài “Thơ ngây” là một trong các nhạc phẩm được yêu thích nhất. Tình cảm lãng mạn nhưng vẫn trong sáng, và lời ca của cô gái ngọt ngào biết bao.

“Thơ ngây” Thu Minh đang hát đến quý vị và các bạn …

Hồi đó, từ thành thị đến nông thôn, khắp các nơi đều vang lên các nhạc bản vừa nói, đủ hiểu là nhạc Anh Việt phổ biến chừng nào.

Anh Việt lại khoác chiến y, lần này là ở ngành Quân Cụ Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng dùng tiếng nhạc để ca ngợi quân ngũ và quê hương, như các bài “”Quân Cụ hành khúc” vào năm 1956, “Nhảy Dù hành khúc” năm 68, và theo tài liệu của Trần Ngọc thì năm 1972, nhạc sĩ Anh Việt phổ một bài thơ hào hùng về cuộc hành quân Hạ Lào, do Phan Nhật Nam viết.

Song song, Anh Việt vẫn viết nhạc tình, và đóng góp những chương trình nhạc cho Đài Phát thanh Pháp Á, Đài Phát thanh Quân đội, Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Saigon. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội.

Được biết nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam cũng từng phục vụ trong ngành Quân Cụ, Thy Nga hỏi thăm về cố nhạc sĩ Anh Việt:

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam : Thưa Chị, tôi được quen anh Trần Văn Trọng (tức nhạc sĩ Anh Việt) từ năm 1966 khi tôi tốt nghiệp trường Bộ binh Thủ Đức, được về ngành Quân Cụ. Lúc đó, anh Trần Văn Trọng là Trung Tá Cục trưởng Cục Quân Cụ, còn mình mới là Chuẩn Úy!

Ở Cục, anh Trọng anh ấy cao quá, mình không có thời giờ liên lạc được, trừ trường hợp anh ấy lên Đà Lạt đi học lại, ghi danh vào trường Chính trị Kinh Doanh khóa 1. Tôi từ ngành Quân Cụ cũng được đổi lên Đà Lạt.

Thy Nga : Như thế là được có cơ hội gần với xếp lớn! Anh Nam thấy tình tình của anh Anh Việt như thế nào?

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam : Nếu mà không thân với anh ấy thì trông anh rất là nghiêm, ai cũng sợ. Thế nhưng thực sự, gần anh ấy mới biết anh ấy rất bình dân, điềm đạm. Cái tính văn nghệ của anh ấy lãng mạn thì ai cũng biết rồi. Tôi hồi còn trẻ, mình làm nhiều lỗi lầm, mấy thượng cấp của tôi mách anh ấy, thì anh ấy nói “Thôi, nó là văn nghệ sĩ, đừng có để ý cái chuyện đó”. Vì vậy mà tôi được anh ấy che chở rất nhiều. Thực sự phải nói là anh ấy thương em út lắm.

Thy Nga : Kỷ niệm nào, anh Nam ghi nhớ nhất về anh Anh Việt?

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam : Thưa Chị, một buổi chiều nhạt nắng, ở ngoài thì sương mù dày đặc trên đỉnh đồi, anh ấy chơi guitar và hát các bài mới sáng tác. Anh hát xong thì tôi mượn anh ấy, nói là cho em mượn về tập, nhưng thực sự là tôi đưa cái bản nhạc ấy cho ban nhạc sinh viên của Viện Đại học. Ban nhạc này cũng chơi ở phòng trà gọi là “Chic cabaret” tại đường Hoàng Diệu.

Tối hôm đó, với một số văn nghệ sĩ Saigon và các bạn anh ấy ở trường Chỉ huy Tham Mưu, tôi mời anh ấy đến nhà hàng đó. Anh Trọng vừa mới ngồi xuống thì anh Âu, trưởng ban nhạc giới thiệu “Giới thiệu cùng quý vị một bản nhạc mới sáng tác của nhạc sĩ Anh Việt” thế là mấy người ấy hát cái bài đó.

Anh Việt ngạc nhiên mà vừa vui tại vì cái bài ấy anh mới viết xong, đã có người hát ngay. Đêm hôm đó thực sự là một đêm nhạc thính phòng của Anh Việt. Kỷ niệm ấy, không bao giờ tôi có thể quên được.

Thy Nga : Tháng Tư năm 1975, Anh Việt phải rời quê hương, đi tìm bến bờ tự do. Chân ướt chân ráo trên xứ người, ông trải nỗi lòng qua bài “Ngày tôi xa Saigon”.

Có nhiều đêm nằm mơ, về gặp lại Saigon Saigon buồn hỏi tôi Bây giờ, anh vui mộng hải hồ bây giờ, anh quên tình sông núi. Không! tôi không quên Saigon đâu!

Cũng trong năm 75, nhạc sĩ Anh Việt viết “Đừng khóc nữa em ơi”, “Xuân viễn xứ”. Kế đến, dù bận xây dựng cuộc sống mới nơi xứ lạ, Anh Việt vẫn dành thời giờ cho tình yêu âm nhạc, và gửi gấm tâm sự của mình qua những nốt nhạc:

“Giọt sương đêm” vào năm 78, “Tôi sẽ về quê hương” và “Hè về đâu đây” viết năm 85, “Ngày xưa yêu nhau”, “Từ chiều đó”, và “Theo dấu thơ nhạc” phổ ý thơ Hoàng Liên vào năm 86. Sau đó, là bài “Giọt buồn” năm 87, “Một thời dễ thương” viết năm 90, “Bâng quơ” phổ ý thơ Tố Oanh vào năm 93. Tố Oanh là người bạn đời, luôn bên cạnh ông qua những trôi nổi của thế sự.

“Bâng quơ” với giọng hát Ái Vân …

Sau đó, dường như tâm hồn Anh Việt đã chùng lắng nên ông tìm đến cõi nhạc Thiền. Từ năm 93 đến 96, ông thực hiện được một tập nhạc và hai cuốn CD trong lãnh vực này.

Tiếp đến, năm 97 Anh Việt phổ các bài kinh, kệ, sám nguyện của đạo Phật, thành hai cuốn CD nhạc kinh trong đó, giọng ca của các phật tử hòa cùng với tiếng đàn Mandolin của ông.

Ra hải ngoại định cư, ông ẩn dật nhưng vẫn sáng tác, và luôn hướng về những đồng bào nghèo khó trong nước: Năm 1999, số tiền bán vé chương trình kỷ niệm 50 năm sáng tác, nhạc sĩ Anh Việt gửi về Việt Nam giúp nạn nhân bão lụt miền Trung.

Trong âm thanh ca khúc “Bâng quơ” Thy Nga xin kết thúc chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Anh Việt … tạm biệt quý thính giả …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.