Lơ lửng mảnh trăng thề

Chẳng phải rằm, cũng chưa đến tháng Tám âm lịch, thế mà tuần qua, Trăng được mọi người đề cập đến hai dịp:
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2009.07.26
moon-305.jpg Lơ lửng mảnh trăng thề
Photo courtesy of Wikipedia

- 20 tháng Bảy dương lịch năm nay kỷ niệm 40 năm ngày con người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

- Hai hôm sau, thì trên bầu trời Á châu diễn ra hiện tượng nhật thực qua nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Người Á đông có nhiều truyện tích về Mặt Trăng. Thuở nhỏ, vào những đêm trăng sáng, đứa bé nào mà chẳng đòi bà, đòi mẹ kể truyện Chị Hằng, Thỏ Ngọc, Chú Cuội. Nghe đi nghe lại mãi không chán, vòi vĩnh trong vòng tay thương yêu của Bà, của Mẹ, có lẽ đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tuổi thơ.

Nhạc thiếu nhi ...

Trong các nền văn hóa Đông phương, truyện tích của người Hoa rất phổ biến. Chúng ta từng nghe kể là vào một thời rất xưa, có lúc nóng như thiêu như đốt vì sự xuất hiện của 10 con quạ lửa. Anh hùng Hậu Nghệ giương cung, bắn hạ 9 con, để lại một con quạ lửa là Mặt Trời cho muôn loài. Nhưng rồi, được ca tụng quá, Hậu Nghệ tự mãn và đâm ra tàn ác. Dân chúng ta thán, nhất là khi biết Hậu Nghệ có thuốc trường sinh và cứ sống mãi. Do đó, để cứu muôn dân, vợ Hậu Nghệ là Hằng Nga lấy cắp Linh Chi thảo, nuốt vào thì người bay bổng lên cung Trăng.

“Điển hay tích lạ” có đoạn viết về Cung Trăng:

“Ở đây, chẳng có Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trăm hoa không nở, không tàn. Vắng lạnh, không sinh, không hóa.

Hiu quạnh quá, Hằng Nga muốn trở về trần thế nhưng vì đã nuốt Linh Chi, nàng không bao giờ chết mà trẻ đẹp mãi trên Cung Quảng Hàn.”

Lại có tích Vua Đường Minh Hoàng vào một đêm rằm tháng Tám, được một đạo sĩ đưa lên Cung Trăng. Các tiên nữ nghinh đón ông với khúc nghê thường huyền ảo, làm cho ông nhớ mãi khi trở lại trần gian.

Khúc Nghê Thường ...

Nghe kể tích “Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện” đã nhiều lần, Thy Nga có điều thắc mắc là không biết ông có gặp Hằng Nga không, vì chỉ nghe nói là ông được các tiên nữ đón tiếp, ca múa mà thôi.

Khúc Nghê Thường ...

Cũng thế, 40 năm trước đây, hai chàng Mỹ lên thám hiểm, cũng chỉ báo cáo là bước xuống vùng “giông giống như sa mạc ở địa cầu” chứ nào thấy cung điện với lại Hằng Nga! Tức là chúng ta có thể diễn giải một cách nôm na là hai anh Mỹ ấy chỉ mới đến cái khu đất hoang, còn lâu mới tới được cung vàng điện ngọc để mong diện kiến Hằng Nga. Có lẽ chuyện này khiến Chị Hằng bực mình. Hai hôm sau, Chị đã cho mọi người dưới địa cầu biết tài bằng cách nuốt chửng ông Mặt Trời trong 6 phút 39 giây, tức là nhật thực dài nhất trong thế kỷ này.

Từ xa xưa và ở khắp nơi trên địa cầu, đã biết bao áng văn, câu thơ, nét họa, khúc nhạc ca ngợi vẻ đẹp của Cung Hằng. Trong lãnh vực thơ, người say đắm nhất với trăng là Lý Bạch, một thi hào đời Ðường. Thơ ông tràn đầy trăng và rượu.

“Yêu trăng” Linh Phương phổ ý thơ Hà Bỉnh Trung, Thùy Long hát ...

Ngà ngà say trên thuyền, thấy ánh trăng lung linh đẹp quá trên làn nước, Lý Bạch nhảy xuống bắt bóng trăng, và ông chết đuối trong dòng sông Thái Thạch.

Về sau, tại nơi đó, người ta dựng một ngôi đài và đặt tên là Tróc Nguyệt Ðài (Ðài bắt Trăng).

Thi nhân Việt Nam cũng thiết tha yêu trăng. Đam mê tới điên loạn thì có Hàn Mặc Tử với nhiều bài thơ về trăng.

“Hàn Mặc Tử” Hương Lan và Thanh Tuyền diễn ngâm ...

Kho nhạc Việt Nam có rất nhiều ca khúc về trăng, từ bài “Trăng rụng xuống cầu” do Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết ca, phổ thông trong dân chúng; đến các nhạc phẩm như “Trăng mờ bên suối” (Lê Mộng Nguyên), “Trăng sơn cước” và “Trăng sáng vườn chè” (Văn Phụng), “Trăng thanh bình” (Lam Phương), “Trăng soi duyên lành” (Trịnh Hưng), “Trăng thề” (Khánh Băng), “Trăng già” (Phạm Duy) và nhiều nhiều nữa ... tới ca khúc theo thể loại Jazz như bài “Trăng và em”, Thy Nga gởi đến quý thính giả sau đây:

“Trăng và em” lời Nguyễn Tấn Đạt, Jazzy Dạ Lam soạn nhạc và trình bày ...

Bước sang khu vườn nhạc cổ điển Tây phương, về trăng thì họ có các bài Nocturne, Clair de lune, và Moonlight Sonata được giới thưởng thức nhạc yêu thích vô cùng.

“Moonlight Sonata” ....

Nhạc khúc này, Ludwig Beethoven viết vào năm 1801 để tặng Giulietta Guicciardi. Sau khoảng một năm dạy nhạc cho cô, Beethoven đem lòng yêu Giulietta, lúc ấy cô 17 tuổi trong khi ông đã 31 tuổi. Đặc biệt là ông viết nhạc khúc này theo cảm xúc chứ không nghe được gì nhiều vì bị bệnh liên quan tới thính giác.

Beethoven xin cưới nhưng cha cô Giulietta không gả vì không môn đăng hộ đối (Guicciardi là dòng dõi vương giả).

Trở lại với không gian Á đông, chúng ta có nhiều điều tin tưởng, gắn bó với hành tinh Mặt Trăng. Nhà nông xem trăng tỏa ánh màu gì để suy đoán mùa màng. Vào Thu thì miền quê có các buổi hát trống quân, là dịp để trai gái ướm lời với nhau, và không ít người đã thành đôi. Phải chăng là nhờ “Ông Tơ Bà Nguyệt” từ Cung Trăng se chỉ hồng, thắt mối lương duyên?

Đối với những kẻ phải xa lìa nhau thì cảm thấy như được ánh trăng dịu dàng vỗ về. Ngước nhìn lên bầu trời, ta thầm nghĩ là ở nơi nào đó, người ấy cũng đang ngắm vầng trăng.

Trăng chỉ có một, tỏa ánh bàng bạc xuống khắp chốn trần gian nên cho chúng ta cảm tưởng gần với nhau hơn dù ở phương trời cách biệt.

Trong âm thanh ca khúc “Trăng viễn hoài” của Lê Tín Hương qua giọng hát Thái Hiền, Thy Nga xin tạm biệt quý thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.