Tuổi già và những ngày cuối năm


2005.12.12

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Thời gian qua nhanh thế! Sắp sửa lại lễ Giáng Sinh, và một năm nữa trôi dần vào quá khứ … chúng ta người nào người nấy sẽ thêm một tuổi. Đối với các vị mà tuổi đời chồng chất thì thời gian dường như vụt bay khỏi tầm tay níu kéo của mình.

LeafAutumn200.jpg
AFP PHOTO

“Nắng chiều rực rỡ” …

Ánh nắng lúc ngả chiều vàng lên bao nỗi thiết tha. Nắng chiều hôm, nhất là vào mùa Thu, sở dĩ đẹp tuyệt vời là vì chứa chất cả một trời nuối tiếc. Những người đã bước vào Thu hoặc đứng trước mùa Đông của cuộc đời, không khỏi mang mang niềm nhớ về thời xa xưa, và kỷ niệm buồn vui lại chập chùng tìm về

“Nghìn trùng xa cách” …

Nỗi u sầu đó còn chất chứa nhiều hơn nơi những người sống xa quê hương. Thy Nga đọc thấy mới đây một bài viết nói lên nỗi niềm ấy, đó là bài “Tuổi già và những ngày cuối năm”. Mời quý vị cùng nghe tác giả Huy Phương trải bày tâm tư:

“Bạn tôi nghĩ gì khi vào cuối tháng Mười, lúc trời bắt đầu se lạnh và trời hình như bắt đầu tối nhanh hơn. Từ lễ Thanksgiving trở đi, các trung tâm thương mãi giăng đèn kết hoa, rộn ràng âm thanh và hình ảnh của những ngày lễ cuối năm.

Trẻ em hớn hở đón những ngày nghỉ sắp đến, quà cáp, ăn uống, sum họp. Những đôi vợ chồng trẻ lo lắng, sắp đặt chuyến đi chơi xa hay trở về nhà bố mẹ, lòng đầy phấn khởi nghĩ đến tương lai. Riêng tôi, mỗi năm lúc bắt đầu nghe tiếng nhạc Giáng Sinh, nhìn ánh đèn nhiều màu nhấp nháy trên những cành thông ngoài phố hay trong phòng khách, lòng bỗng xúc động lạ thường và một nỗi buồn xâm chiếm lấy tâm hồn.

Mời bạn tham gia mục Âm Nhạc Cuối Tuần. Mọi email xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org

Khi tuổi trẻ nghĩ đến tương lai thì người già nhìn lui về quá khứ. Ðã biết bao nhiêu mùa Giáng Sinh trôi qua, từ lúc cắp sách đến trường, tuổi biết yêu, rồi quê hương chiến trận đạn bom, rồi trại tù giá lạnh, rồi nước Mỹ mênh mông lạnh buồn làm chạnh lòng người xa xứ …”

Huy Phương, thưa quý vị, là bút hiệu về thơ văn của Lê Nghiêm Kính. Ông đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Tâm lý chiến Trung tâm huấn luyện Quang Trung thì biến cố tháng Tư 1975 xảy tới. Bị đi cải tạo 7 năm trời, ông cùng gia đình qua Hoa Kỳ cách nay 15 năm, định cư tại Nam California. Nơi đây, ông tiếp tục làm thơ, viết báo, viết sách và đã phát hành cuốn “Nước Mỹ lạnh lùng” nói về cuộc sống của người Việt tỵ nạn trên vùng đất mới.

Đến đây, Thy Nga xin tiếp lời Huy Phương để đọc đoạn tiếp, hầu quý thính giả.

“Nhìn lại tháng ngày qua, mới đó mà đã thật xa, thăm thẳm dài, nhìn tương lai đàng trước, còn lại chẳng bao nhiêu, thấy chừng rất ngắn ngủi. Khi sống trong đau khổ, ta muốn kéo sợi chỉ thời gian nhanh hơn; khi hạnh phúc, ta muốn giữ tháng ngày chậm lại nhưng ngày tháng vẫn trôi đi như dòng nước không bao giờ trở lại, như một nhà thơ đã nói “Thời gian và con nước không chờ đợi ai”

“Nước chảy qua cầu” …

Chẳng chờ đợi ai, thời gian thật phũ phàng. Những gì đã mất đi, nhất là về Tình yêu, hãy để hình ảnh cố nhân ngủ yên trong dĩ vãng dịu dàng. Đó là các hình ảnh đẹp của đời người, có thể chẳng bao giờ mình tìm lại được.

Trong cuốn sổ điện thoại, tên nhiều người bạn chưa được xóa đi nhưng các con số đó, ta đâu còn bao giờ gọi đến nữa Những đoạn đường hay thành phố qua đó, ta bỗng chạnh lòng nhớ đến vài người thân đã không còn. Chúng ta có bao nhiêu điều để buồn hay tiếc nuối về những lỗi lầm của tuổi trẻ, các cơ hội qua đi không bao giờ trở lại, như dòng sông vẫn trôi …

“Dòng sông khoảng đời” …

Nếu như được “đi lại từ đầu”, liệu chúng ta có sửa sang, khôn ngoan chọn và viết lại kịch bản đời mình, hay rốt cuộc cũng chẳng có gì đổi thay?

“Cõi buồn” … “Bây giờ mùa Ðông tới, trong những khớp xương nghe đau nhức như nỗi buồn đã thấm vào da thịt. Bây giờ người già trở lại như đứa trẻ thơ, nhớ nhớ quên quên, vụng về, lẫm chẫm. Những đứa cháu mới bé thơ năm nào nay đã lớn như thổi, vậy thì cũng không mấy ngạc nhiên khi tóc mình càng ngày càng thưa dần và chuyển sang bạc trắng.

Tre già bên những mầm măng mới mọc, lá vàng rơi xuống và nằm yên ẩm mục để làm nhựa cho cây. Vòng quay của sự sống diễn ra từng giờ trước mắt chúng ta nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện ra đi, người ta có bình thản như sắp trở về, đi trên con đường quê nhà quen thuộc thời thơ ấu, như một triết gia nào đó đã nói chăng?” Trong chương trình, quý vị đã nghe trích các nhạc bản “Nắng chiều rực rỡ” của Phạm Duy qua giọng ca Duy Quang; “Nghìn trùng xa cách” cũng của Phạm Duy với tiếng hát Thái Thanh; “Nước chảy qua cầu” Phạm Anh Dũng phổ thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Bảo Yến ca; Thu Hà với “Dòng sông khoảng đời” và “Cõi buồn”; và trong âm thanh ca khúc “Tiếng thời gian” Thy Nga xin chia tay cùng quý thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.