Hòa nhạc, hợp xướng ca ngợi Tự Do

Ngày 11 tới đây đánh dấu 9 năm sự kiện khủng bố ở trung tâm nước Mỹ. 9 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau thương khó thể phai nhòa, nhất là đối với các gia đình nạn nhân mà trong số này, có cả người Việt.
Thy Nga, RFA
2010.09.08

Dàn nhạc Ukraine chơi nhạc Việt

KKateryna-Myronyuk-200.jpg
Nhạc sĩ Kateryna Myronyuk trong trang phục truyền thống Ukraine và cây đàn Bandura. Hình do chính nhạc sĩ cung cấp.
Nhạc sĩ Kateryna Myronyuk trong trang phục truyền thống Ukraine và cây đàn Bandura. Hình do chính nhạc sĩ cung cấp.
Người Việt định cư ở Mỹ mang ơn đất nước và người dân Mỹ đã cưu mang mình tới đây tỵ nạn, nên chia sẻ hoạn nạn đó cùng với người bản xứ.

Năm nay, Thy Nga ghi nhận một chương trình nhạc giao hưởng với tinh thần ấy: đó là buổi hòa nhạc “Ca ngợi Tự Do” tưởng nhớ đến những nạn nhân 11 tháng 9 và kỷ niệm 35 năm ly hương do nhạc sĩ Lê Văn Khoa tổ chức tại vùng thủ đô nước Mỹ vào đêm 11 tháng 9.

Đây là chương trình kết hợp với “Kiev symphony orchestra & chorus” dàn giao hưởng và hợp xướng gồm khoảng 100 nhạc sĩ và ca sĩ người Ukraine.

Về phía người Việt thì từ California cùng sang với nhạc sĩ Lê Văn Khoa, có 3 ca sĩ. Ông cũng mời ban hợp xướng ở địa phương là vùng Hoa Thịnh Đốn tham gia.

Thy Nga hỏi chuyện nhạc sĩ Lê Văn Khoa và được ông cho biết:

"Đây là lần đầu tiên, một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng quốc tế trình diễn nhạc Việt Nam của người Việt Nam viết, mà trình diễn tại Washington DC, thủ đô nước Mỹ. Ngày đó cũng là ngày đặc biệt bởi vì trong chương trình, sẽ có những bài ca ngợi Tự Do, những bài nói lên niềm đau của người Việt Nam đã phải lìa quê hương, kết hợp với cái phản ảnh của tôi về niềm đau của người Mỹ trong biến cố 11/9/2001 thành ra tôi lấy tên là Elegy để tưởng niệm những nạn nhân của biến cố đó. Tôi nghĩ đây là một việc làm rất quan trọng để nói lên tiếng nói nghệ thuật của người tỵ nạn Việt Nam trên đất Hoa Kỳ."      

Đây là lần đầu tiên, một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng quốc tế trình diễn nhạc Việt Nam của người Việt Nam viết, mà trình diễn tại Washington DC, thủ đô nước Mỹ.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa


Do không chấp nhận chế độ Cộng sản, nhạc sĩ Lê Văn Khoa phải bỏ tất cả những công trình về văn hóa nghệ thuật mà ông đã gầy dựng ở trong nước, để tìm đến bến bờ tự do. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa nói thêm:

"Ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, tôi đã tổ chức những buổi trình diễn nhạc, triển lãm ảnh, v.v… đi khắp các tiểu bang để lên tiếng cho người Mỹ biết cái thế của người Việt tự do."

Khi được hỏi buổi trình diễn tới đây, nhạc sĩ sẽ là người điều khiển dàn nhạc, hay là điều khiển chung với nhạc trưởng của họ, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho biết:

"Chương trình gồm 2 phần:

Phần một hát những bài ca ái quốc của Mỹ, của Ukraine do một nhạc trưởng chính thức của họ điều khiển, ông là người Mỹ. Họ là những người đã thành lập dàn nhạc giao hưởng này, mục đích là làm sao để cho người các nơi nghe được nhạc mà trong thời đô hộ của Nga Xô, dân chúng không được nghe những bản nhạc có tính cách tự do.

Phần thứ hai là hoàn toàn nhạc Việt Nam, nhạc do tôi viết, tôi sẽ điều khiển phần đó, theo lời yêu cầu của họ."

Sự kết hợp văn hóa âm nhạc

Kateryna-200.jpg
Nhạc sĩ Kateryna Myronyuk. Hình do chính nhạc sĩ cung cấp.
Nhạc sĩ Kateryna Myronyuk. Hình do chính nhạc sĩ cung cấp.
Thy Nga: Nếu mà nói về cái duyên giữa nhạc sĩ với dàn nhạc người Ukraine thì cái chuyện đến với nhau như thế nào, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: "Chuyện đó thì cũng qua biến cố 1975, tôi cố tìm một dàn nhạc mà mình có thể cùng làm việc để thực hiện CD Symphony Vietnam 1975. Tôi đã liên lạc với nhiều ban nhạc ở Mỹ, đã qua Úc, v.v… và cuối cùng, cũng là cái duyên mà mình gặp được dàn nhạc Ukraine này và họ sẵn sàng trình diễn cho tôi thâu thanh với cái giá mà mình có thể chịu đựng được. Từ đó, giao tình của chúng tôi ngày càng khắng khít hơn bởi vì họ thấy được cái giá trị của nhạc tôi viết. Chúng tôi cùng làm việc với nhau, họ đã giúp tôi sản xuất được 4 CD nhạc giao hưởng."    

Thy Nga: Nói về tâm tình của người dân Ukraine với tâm tình của người Việt như mình phải rời đất nước ra đi, thì có điểm tương đồng nào không, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: "Tôi nghĩ là có, bởi họ cũng là những người yêu chuộng tự do. Nga Xô đã cai trị, đã đô hộ Ukraine trong suốt 70 năm, và chế độ của Nga Xô đã giết trên 10 triệu người Ukraine. Dưới thời cai trị của Nga Xô, những người chơi đàn Bandura (có cái tên là nhạc cụ quốc gia của Ukraine) thành ra những người mà đàn Bandura giỏi thì bị đày đi Tây Bá Lợi Á không có ngày về...

“Se chỉ luồn kim” …

Tôi sử dụng âm thanh của đàn Bandura viết cho mấy bài dân ca Việt Nam để họ chơi trên nhạc cụ cổ truyền của họ, thành ra đó là một sự kết hợp cũng lạ lắm.

Nghe tiếng đàn Bandura, tôi nảy ý làm sao để đưa nhạc Việt của chúng ta qua khỏi biên giới mà hòa vào thế giới, và cái việc tôi làm đó đã được Bộ Khoa Học của quốc gia Ukraine ngạc nhiên, họ nói lần đầu tiên mới có hai nguồn văn hóa đưa vào nhau qua âm nhạc. Giai điệu là giai điệu dân nhạc Việt Nam, chơi bằng nhạc cụ cổ truyền Ukraine."         

Nghe tiếng đàn Bandura, tôi nảy ý làm sao để đưa nhạc Việt của chúng ta qua khỏi biên giới mà hòa vào thế giới, và cái việc tôi làm đó đã được Bộ Khoa Học của quốc gia Ukraine ngạc nhiên, họ nói lần đầu tiên mới có hai nguồn văn hóa đưa vào nhau qua âm nhạc.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa

 

Thy Nga: Xin nhạc sĩ cho biết sơ qua về cái đàn Bandura.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa: "Bandura là cái đàn rất nhiều dây (từ 40 đến 60 giây), rất khó chơi. Âm sắc của nó tương tự như đàn tranh của chúng ta, mà cái lối đàn thì giống như đàn tỳ bà.

Họ đàn tất cả những note mà mình viết ra.

Tiếng đàn Bandura, quý vị có thể nghe rất rõ như tiếng đàn tranh trong bài “Se chỉ luồn kim” và bài “Trống cơm” …

Tôi ngỏ ý với họ là để cho một vài nhạc sĩ Việt Nam ngồi chung với họ trong buổi trình diễn (dĩ nhiên là ở phần sau) cho có sự cộng tác đa văn hóa với nhau. Họ hoan hỉ nhận lời. Tôi nghĩ là kinh nghiệm rất quý cho nhạc sĩ Việt Nam được ngồi chơi chung với dàn nhạc danh tiếng thế giới vì đó là kinh nghiệm mà bình thường, chúng ta không thể có được.  

“Bình minh quê hương” Lê Hồng Quang (giọng Ténor) trình bày …

“Ca ngợi Tự Do” ban hợp ca người Ukraine sẽ hát chung với ban hợp xướng vùng Hoa Thịnh Đốn (của người Việt). Lúc bấy giờ trên sân khấu sẽ rất đông, tới một trăm mấy chục người vừa nhạc sĩ vừa ca sĩ đồng loạt hát lên, tiếng ca ngợi Tự Do để kết thúc chương trình." 

Với bài “Hymn to Freedom” (Ca ngợi Tự Do) Thy Nga hẹn tái ngộ quý vị trong kỳ tới.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.