Những bài hát về Sài Gòn được viết sau 1975 từ hải ngoại

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014.04.20
sg2-305 Sài Gòn trước năm 1975.
File photo

 

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến ngày đánh dấu cuộc ra đi lớn nhất của những người Việt tị nạn sau biến cố 30/4. Và cũng kể từ thời điểm này, nhiều sáng tác viết về miền đất mẹ của những nhạc sĩ hải ngoại mang âm hưởng bi tráng, trầm buồn pha lẫn những nỗi niềm đau đáu, chất chứa về một tương lai bất định ra đi để trở về hay ra đi là mãi mãi?

Và trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi mời quí vị cùng nghe lại một số nhạc phẩm tiêu biểu viết về Sài Gòn của các nhạc sĩ hải ngoại sau năm 1975.

Sài Gòn niềm nhớ không tên

Sài Gòn là chủ đề lớn trong âm nhạc Việt Nam, nhất là sau biến cố 30/4, khi hàng triệu người Việt lưu lạc khắp năm châu bốn bể, khi nỗi nhớ quê nhà càng da diết thì những kìm nén càng dễ tuôn trào, để từ đó có những nhạc phẩm nói lên sự thống thiết, buồn thương về một quá khứ ai cũng từng yêu, từng nhớ. Những ca khúc ghi đậm một quãng đường lịch sử mà chắc hẳn nhiều người Việt xa xứ đều ghi khắc trong tâm khảm, pha chút chạnh lòng, bồi hồi, khắc khoải, tiếc thương như: Khi Xa Sài Gòn của Lê Uyên Phương, Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng, Nắng Paris, Nắng Sài Gòn của Ngô Thụy Miên, Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em của Nguyệt Ánh, hay Cho Thành Phố Mất Tên của Phạm Đình Chương và Sài Gòn Sáng Nắng Chiều Mưa, Sài Gòn Vĩnh Biệt Tình Ta của Ngọc Trọng và nhiều series khác viết về Sài Gòn của Phạm Duy hay Trần Chí Phúc… Còn nhiều nhiều lắm những nhạc phẩm để đời, nhưng hình như vang vọng trong ký ức về một khoảng trời xa vắng vẫn là những nỗi nhớ, niềm thương, ray rứt không gọi thành tên:

Nắng bên này buồn lắm anh ơi
Một mình em lê bước trên đời
Nắng nơi đây cũng là nắng ấm
Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương

Mưa Sài Gòn còn buồn không Em?

Nhạc sĩ Nam Lộc trong một lần trình diễn tác phẩm Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt. Screen capture.
Nhạc sĩ Nam Lộc trong một lần trình diễn tác phẩm Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt. Screen capture.

Sài Gòn hai mùa mưa nắng, Hòn Ngọc Viễn Đông một thuở xa vời… những ngày tháng tư, nhớ về Sài Gòn, nhiều người Việt tị nạn hẳn sẽ nhớ về những cơn mưa đến đi bất chợt mỗi chiều hè, nhớ cái nắng hoe vàng trên những con phố nhộn nhịp tiếng còi xe, nhớ những con đường đã đi vào văn thơ, tiểu thuyết: Nguyễn Du, Duy Tân, Lê Lợi… thơ mộng và phồn hoa… nhưng có lẽ hơn cả là nhớ giọng nói của người dân ngọt ngào, mềm mại đến nao lòng.

Với những người Sài Gòn, sẽ rất nhớ nhung khi không còn sống ở Sài Gòn… vẫn biết tương lai tháng ngày còn rất dài nơi đất mới, nhưng lòng vẫn đau đáu, âm ỉ về một quá khứ vàng son. Sau cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, bao người đã ngã xuống trên đất mẹ, bao người đã bỏ mình trên biển cả, bao nhiêu cuộc đời tưởng chừng sẽ là dĩ vãng… nhưng không, chính dòng nhạc viết về Sài Gòn của những nhạc sĩ hải ngoại đã khơi gợi, đã nhắc nhở, đã để cho thế hệ sau biết rằng từng có một trang sử buồn. Và trong dòng nhạc đó, tác phẩm Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của nhạc sĩ Nam Lộc được xem là đánh dấu cột mốc đầu tiên viết về chủ đề đó.

Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời.

Sài Gòn ơi thôi đã hết thời gian tuyệt vời.

Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi.

Những nụ cười ngắt trên môi.

Những giọt lệ ôi sầu đắng

Sài Gòn ơi vĩnh biệt

Viết về Sài Gòn sau ngày 30/4, thường các nhạc sĩ trước hết nói lên chính những suy tâm, hồi tưởng của mình về Sài Gòn, nhưng qua đó các tác phẩm của họ lại đủ sức lay động con tim của những người cùng cảnh ngộ, hầu như những ca từ mà các nhạc sĩ khắc khoải nhớ về cũng chính là những chất chứa mà nhiều người Việt xa xứ, tị nạn muốn thốt lên cho thỏa nỗi niềm, vì thế, những bài hát viết về Sài Gòn sau ngày 30/4 luôn mang giá trị lan tỏa thật lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Thực sự có sống trong những tháng ngày li loạn ấy mới thấu hiểu được vì sao những nhạc phẩm viết về Sài Gòn sau ngày 30/4 có giá trị đến như vậy, bởi với những nhạc sĩ như Nam Lộc, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Phạm Duy… họ đã kinh qua những giây phút đau thương, được chứng kiến sự sống còn, và thấu hiểu được giá trị thực của sự tự do là thế nào.

Khi quá khứ đã khép lại, cuộc sống của người Việt dù là hải ngoại hay tại quê nhà đều hướng đến tương lai, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.

Vâng, trong những ngày tháng 4, một lần nữa chương trình âm nhạc xin được gửi tới quí vị một chút lắng đọng, một chút hồi tưởng, để tri ân, để nhớ về quá khứ và cũng để vui buồn cùng nhân tình thế thái, thời cuộc hôm nay…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.