Đại hội âm nhạc truyền thống VN ở Sydney

Cát Linh, phóng viên RFA
2015.08.02
zmail.rfa-600.jpg Giới thiệu cho chương trình Đại hội âm nhạc truyền thống VN lần 3 tổ chức tại Sydney, Úc.
Photo: Viet Music Festival

 

Ca khúc “Tùng Quân và Đăng Đàn Cung,” ca khúc tổng hợp các thể loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam được trình diễn trong Đại hội âm nhạc truyền thống lần thứ hai ở Hoa Kỳ.

40 năm người Việt Nam ra đi sống cuộc đời xa xứ, để lại bên kia bờ đại dương một miền quê hương xa thẳm. Nơi đó, có tiếng Mẹ ru, có âm thanh xào xạc của luỹ tre làng, có tiếng gọi nhau í ới ra đồng khi mặt trời còn chưa tỉnh ngủ. có những dòng sông quê hiền hoà chảy dài khắp mọi miền đất nước. Họ ra đi, không chỉ mang theo trái tim của người Việt Nam, mà trong chiếc túi của hành trình viễn xứ còn đong đầy những câu hát dân ca, những khúc ngâm thơ ngọt ngào, những tiếng sáo trúc trưa hè, hay tiếng đàn bầu nỉ non khóc cho một đời dân tộc.

Họ mang theo tất cả những hình ảnh và âm thanh ấy đến bất cứ quốc gia nào họ dừng chân, mà theo như cách nói của nghệ sỹ đàn bầu Phạm Đức Thành, một trong những người khởi xướng Đại hội âm nhạc truyền thống ví von đó là “mang chuông đi đánh xứ người.”

Đây là chương trình Đại hội âm nhạc truyền thống cứ mỗi 2 năm được tổ chức 2 năm một lần, và luân phiên ở từng châu lục.
- Ông Lương Minh Hiệp

Và năm nay, là năm thứ ba, tiếng chuông ấy lại vang lên ở thành phố Sydney, nước Úc từ ngày 14 đến 16 Tháng Tám. Nghệ sĩ Phạm Đức Thành cho biết:

“Lần thứ ba chúng tôi tổ chức 1 đại hội có tính chất là mang đến tất cả những xứ sở của các nước với chương trình đại hội để cho các nghệ sĩ nhạc dân tộc có dịp trình diễn tham gia gặp gỡ và trao đổi những kinh nghiệm học hỏi cũng như để giới trẻ hải ngoại cũng biết về giá trị của âm nhạc dân tộc.”

Ngỏ lời thay cho nghệ sĩ đàn tranh Lê Kim Uyên, người sáng lập ra đại hội này, Lương Minh Hiệp, thành viên trong ban tổ chức cho biết:

“Đây là chương trình Đại hội âm nhạc truyền thống cứ mỗi 2 năm được tổ chức 2 năm một lần, và luân phiên ở từng châu lục. Lần đầu tiên ở Toronto, Canada. Lần thứ hai thì ở Seattle, Washington. Và lần này thì tổ chức ở Sydney.”

Đại hội âm nhạc truyền thống là chương trình không chỉ dành riêng cho những nghệ sỹ chuyên nghiệp, mà còn là nơi để những  tâm hồn yêu nghệ thuật âm nhạc truyền thống gặp nhau, thưởng thức và cùng nhớ về một miền quê hương đang ở rất xa.

Những bộ môn như chèo, chầu văn, dân ca miền Nam, miền Trung, hay nói một cách khác, là tất cả những nghệ thuật tinh tuý nhất của âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ vang lên trong đêm Gala Concert, đêm đại hội biểu diễn cho cộng đồng người Việt ở Sydney và cả người Úc.

Người xem sẽ được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật truyền thống kinh điển như Nhã nhạc Huế với bài Lưu thuỷ kim tiền; Xuân phong long hổ; Trăng khu dạ khúc; Lý kéo chài; trích đoạn vở cải lương nổi tiếng của miền Nam trước 1975: “Nửa đời hương phấn” do Hội nghệ sĩ VIệt Nam tại Úc biểu diễn.

Và đặc biệt:

“Một tiết mục múa đệm trên nền nhạc âm hưởng của âm nhạc truyền thống của mình, đó là ‘Vũ khúc Đông Dương’. Đây là phát hiện của anh Nguyễn Lê Tuyên, hiện là giảng viên của trường Quốc gia âm nhạc bên Úc. Anh cũng là người trong ban tổ chức. Anh là người phát hiện ra nhạc phẩm này, đã được sử dụng từ năm 1900 tại Paris trong chương trình triển lãm thế giới ở Paris.”

Hình ảnh Đại hội âm nhạc truyền thống VN lần hai tổ chức Seattle, Washington
Hình ảnh Đại hội âm nhạc truyền thống VN lần hai tổ chức Seattle, Washington
Hình ảnh Đại hội âm nhạc truyền thống VN lần hai tổ chức Seattle, Washington

Theo nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên thì bản nhạc Danse de l'Indo-Chine, được dịch ra là "Vũ khúc Đông Dương", được ghi âm tại một hội chợ ở Pháp năm 1906. Và trong Đại hội âm nhạc truyền thống lần thứ 3 này, Vũ khúc Đông dương sẽ một lần nữa chứng minh rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam đã nhận được sư quan tâm từ rất lâu đời của những người phương Tây.

Từ sự quan tâm đó, cùng với tinh thần yêu nghệ thuật, âm nhạc truyền thống Việt Nam và Tây phương gặp nhau, tạo thành những vũ khúc Đông Tây mang màu sắc mới lạ nhưng không mất đi âm hưởng của nhạc dân tộc.

Hoặc đó là Lý con sáo được thể hiện qua dàn hợp xướng do các em thiếu nhi của các nước ngoại thể hiện.

‘Tre già măng mọc’

“Thứ nhất, đây là chương trình của những bậc tiền bối về âm nhạc dân tộc ở hải ngoại để mà có sự góp mặt tham gia và giới thiệu. Thứ hai là mỗi nhóm đều có chọn lọc những bài tinh chất của mình để ra giới thiệu. Một trong những cái rất hay của đại hội là những người có kinh nghiệm, giỏi về âm nhạc dân tộc đều có những bài thuyết trình để các em học hỏi thêm và tham khảo thêm.”

Những người nghệ sĩ ấy đã mang tiếng chuông dân tộc dóng lên ở khắp các quốc gia trên thế giới. Thoả niềm nhớ quê chỉ là một phần nhỏ. Mà hơn hết, họ mong muốn một thế hệ kế thừa, bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống ấy. Như tâm tình của nghệ sĩ Lê Kim Uyên qua lời nói của anh Lương Minh Hiệp:

Giới trẻ là một trong những người chúng tôi muốn đặt hy vọng vào tương lai của nền âm nhạc dân tộc. vì người ta nói ‘tre già măng mọc’.
- Nghệ sĩ Phạm Đức Thành

“Chị có ý nghĩ thành lập 1 cái sinh hoạt để cùng nhau bảo tồn, duy trì, phát triển, đem âm nhạc dân tộc đến cho giới trẻ để có thể tìm được 1 thế hệ sau này có thể tiếp nối con đường đó, để cho âm nhạc dân tộc không bị mai một.”

Nghệ sĩ đàn tranh tài hoa Phạm Đức Thành cũng không khác:

“Giới trẻ là một trong những người chúng tôi muốn đặt hy vọng vào tương lai của nền âm nhạc dân tộc. vì người ta nói ‘tre già măng mọc’. Chính tổ chức ở những xứ người thế này thì thấy các em rất ngạc nhiên và nhiều em bảo rằng tại sao nhạc cổ hay đến thế mà chúng cháu không thể biết được. Đấy là một trong những điều kiện để giới thiệu đến giới trẻ.”

Rồi sẽ có Đại hội âm nhạc truyền thống lần 4, lần 5, và nhiều hơn nữa. Và chắc chắn, tiếng chuông mà những người đi trước đã mang đi dóng lên ở xứ người sẽ vang xa và vang mãi ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.