Tình trạng của các nạn nhân buôn người ở một số quốc gia


2006.05.02

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Trong một buổi phát thanh cách đây không lâu, Phương Anh đã gửi đến quí vị các ý kiến của các tổ chức trong cũng như ngoài nước quan tâm đến tệ nạn buôn người, về nguyên nhân và bản chất của tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài, cũng như việc các công nhân người Việt bị lừa gạt khi sang lao động ở xứ người.

MalaysiaTrafficking150.jpg
Người đàn ông lướt web tại buổi hội thảo về nạn buôn người ở Kuala Lumpur hôm 8-11-2005. AFP PHOTO

Trong chương trình hôm nay, để tìm hiểu tình trạng này đang xảy ra ở các nước liên hệ như Đài Loan, Mã Lai, Thái lan, Cambodia và các nước Đông Âu hiện nay ra sao, Phương Anh đã liên lạc với các tổ chức hiện đang chuyên lo về vấn nạn này và gửi đến quí vị những thông tin. Mời quí vị theo dõi.

Mã Lai, nước có nạn buôn người tệ hại nhất

Theo các thông tin và báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hàng năm, đối với các nước trong vùng Đông Nam Á, Mã Lai là nước có nạn buôn người tệ hại nhất. Đằng sau những vụ mua bán người là các băng đảng, mafia, khiến cho các cơ quan hữu trách cũng phải kiêng dè. Bà Angile Fernsdez, hiện đang làm việc cho tổ chức Tenaganita ở Kuala Lumpur, một tổ chức hoạt động chống buôn người từ bao lâu nay ở Mã Lai, cho biết:

“Chúng tôi được biết là có những người bị bán từ Việt Nam sang Thái lan, rồi từ Thái Lan sang Malaysia. Ngay cả khi họ bị bán sang Malaysia rồi, mà có khi bọn buôn người còn bán họ sang cả Singapore nữa. Năm vừa qua, chúng tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Malaysia với hình thức là các cô dâu Việt lấy chồng Malaysia, và toàn là những ông già.

Trong số họ, có những người bị bán vào các ổ mại dâm. Không những thế, chúng tôi còn gặp cả những trẻ em Việt Nam, từ 13 đến 18 tuổi bị đưa sang Malaysia này. Chúng tôi cũng gặp những trường hợp những công nhân lao động Việt Nam, họ được hứa hẹn với tiền lương cao, nhưng thực tế, khi sang đây, thì bị đối xử thật tệ và lãnh lương thật ít, thậm chí có người cả năm vẫn chưa có được đồng nào.”

Chúng tôi được biết là có những người bị bán từ Việt Nam sang Thái lan, rồi từ Thái Lan sang Malaysia. Ngay cả khi họ bị bán sang Malaysia rồi, mà có khi bọn buôn người còn bán họ sang cả Singapore nữa. Năm vừa qua, chúng tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Malaysia với hình thức là các cô dâu Việt lấy chồng Malaysia, và toàn là những ông già.

Băng đảng và ma tuý

Khi được hỏi, có phải đằng sau tệ nạn buôn người này do các băng đảng chủ chốt hay không? Bà trả lời:

“Chắc chắn rồi, vì những trường hợp đưa người trái phép như thế thì phải liên hệ với nhóm mafia, và những nhóm mafia này thì lại là những tay buôn ma tuý. Sở dĩ tôi nói như thế là vì khi chúng tôi giải cứu được những phụ nữ bị nhốt trong các nhà chứa, trong các khách sạn, thì biết là ban ngày thì bị buộc phải tiếp khách, ban đêm thì bị tiêm ma tuý.

Có những trường hợp, là trẻ em, bị buộc phải tiếp từ 7 cho đến 10 khách mỗi ngày hay mỗi đêm, tùy theo từng trường hợp. Thường thường từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Có những nạn nhân không may có thai, thì bị buộc phá thai…Khi họ được giải cứu rồi, tất cả đều bị khủng hoảng rất sâu nặng về tâm lý. Trẻ em thì bị đau đớn về sinh lý.”

Cũng theo lời bà cho biết, vì bị kiểm soát chặt chẽ, nên các nạn nhân khó lòng mà tự trốn khỏi tay bọn buôn người. Họa hoằn lắm mới có trường hợp may mắn thoát ra. Bà cho biết một trường hợp gần đây- nhưng vì sự an toàn của nạn nhân – nên xin được phép dấu tên: “Có một trường hợp trốn thoát được và chạy đến với chúng tôi. Em ấy kể lại rằng, nơi em ấy bị nhốt còn có những phụ nữ khác như Indonesia, Cambodia, Thái Lan …Em ấy đã chứng kiến một đứa trẻ 13 tuổi, tìm cách trốn và bị bọn buôn người bắt lại.

Chúng đã tập trung tất cả những phụ nữ trong nhà lại để chứng kiến cảnh đứa trẻ này bị lột trần truồng, bị trói và treo ngược đầu, rồi dùng điện dí vào người em để tra tấn….những tiếng thét vì đau đớn của em bé đó đã làm tất cả những phụ nữ và trẻ em khác trong nhà kinh hoàng tột độ và không thể nào phai nhoà trong ký ức của mọi người được.

Đây là một trong những cách thức mà bọn buôn người dùng để hăm dọa những nạn nhân nào có ý tưởng trốn thoát khỏi bọn chúng.”

Công ty môi giới

Riêng với tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện đang liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tệ nạn buôn người thì cho hay:

“Tôi đã qua Mã lai và ở đó một thời gian vào cuối năm ngoái. Tôi đã có cơ hội tiếp xúc với một nhân viên toà đại sứ Hoa Kỳ đặc trách về vấn đề buôn người. Tôi cũng tiếp xúc với một số tổ chức cuả người Mã lai, và tiếp xúc trực tiếp với công nhân người Việt ở bên đó. Hiện nay có khoảng 80000 công nhân, và theo tôi lượng định gân như tất cả toàn bộ đều có thể liệt kê vào tình trạng bị buôn người.

ThailandTrafficking200.jpg
Áp phích một buổi hội thảo về nạn buôn người tổ chức tại Bangkok hôm 6-8-2004. AFP PHOTO

Công thức được xử dụng tại Mã lai là: một đằng các công ty ở Việt Nam làm môi giới, họ tuyển người ở khắp nơi trong nước rồi họ mới chuyển cho người môi giới là người Mã lai. Những người môi giới đó khi đón tiếp những công nhân ở phi trường lập tức họ có người bảo vệ đi kèm, không ai được tiếp xúc và những người này cũng không được tiếp xúc với ai hết, toàn bộ giấy tuỳ thân bị tịch thu, rồi họ được giao đến cho những công ty chủ nhân, mà nhiều khi không phải là công ty mà họ ký kết để đi hợp đồng lao động.

Thông thường, vì lợi nhuận, phía Việt Nam thường tuyển 5, 6 người một chỗ mà thôi. Cho nên, rất nhiều người Việt khi đến Mã Lai mới vỡ lẽ là không có công ăn việc làm. Họ không thể về nước vì còn ký giấy nợ và không có giấy tờ, họ còn phải làm trả nợ cho người môi giới ở tại Mã lai, hết nợ mới được về…tất cả những chuyện này hoàn toàn nằm trong định nghĩa buôn người.

Những người nào may mắn tìm được một người chủ đàng hoàng, lương không nhiều, nhưng ít ra cũng đủ sống, thì người môi giới có thể rút và bán họ lại cho chủ mới ở một vùng xa xôi nào đó, nhiều khi không được trả tiền, không hề được có một sự kêu ca nào cả và mọi thứ đều tuỳ thuộc hoàn toàn vào công ty môi giới.

Thông thường, công ty môi giới cũng nằm trong đường dây Mafia của bên Mã lai này, kiểm soát hết. Tôi cũng gặp được một số anh chị em công nhân, hiện nay không có công ăn việc làm, họ bị tịch thu, họ không còn tiền sống, họ không còn cách nào…

Trong thời gian tôi có mặt tại Mã Lai, thì họ đang tìm đường để trốn về Việt Nam bằng đường bộ qua ngả Cambodia, mất tất cả vốn liếng đầu tư của họ, họ phải chạy tháo thân bằng đường bộ về Việt Nam còn hơn sống ở Mã lai ngoài vòng pháp luật, đi đâu cũng không được, không dám ra khỏi nhà vì nếu cảnh sát bắt được là lập tức bị đánh đập.

Cảnh sát Mã lai thường có thói quen hễ thấy người Việt là trấn lột, hễ thấy cảnh sát Mã lai đến là anh em công nhân rút ngay bóp của mình và bao nhiêu tiền mặt là phải nộp hết, kèm theo cái cellphone, ít ra bị mất còn hơn là để bị đánh, cuối cùng rồi cũng mất hết…Đó là tình trạng của công nhân người Việt ở Mã lai hiện nay.”

Ở Cambodia

Công thức được xử dụng tại Mã lai là: một đằng các công ty ở Việt Nam làm môi giới, họ tuyển người ở khắp nơi trong nước rồi họ mới chuyển cho người môi giới là người Mã lai. Những người môi giới đó khi đón tiếp những công nhân ở phi trường lập tức họ có người bảo vệ đi kèm, không ai được tiếp xúc và những người này cũng không được tiếp xúc với ai hết, toàn bộ giấy tuỳ thân bị tịch thu.

Về tình trạng phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị đưa sang Cambodia, người đại diện cho tổ chức IOM ở Cambodia, chuyên lo về chương trình giúp các nạn nhân của sự buôn người, cho hay:

“Những phụ nữ và trẻ em Việt Nam sang Cambodia để làm việc mại dâm rất nhiều. Dĩ nhiên là họ không thể nào tự sang đây được mà đều qua hệ thống buôn người. Bọn buôn người đưa qua biên giới rất dễ dàng, tôi nhắc lại, rất dễ dàng, không cần giấy tờ gì cả và khi họ đến Cambodia, thì rất ít người có hộ chiếu, vì họ là những người Việt đã quá quen thuộc ngõ ngách trên đất nước Cambodia.

Ngay cả với những người mới đi chăng nữa thì cảnh sát Cambodia cũng chẳng bao giờ hỏi hộ chiếu. Một vấn đề khác nữa là chính gia đình của các nạn nhân cũng không lên tiếng trong chuyện buôn người với những tổ chức NGO hay cơ quan chức năng vì có tin đồn rằng nếu họ hợp tác thì gia đình của họ sẽ bị bọn buôn người đến thủ tiêu, hay sẽ bị tiêm vi khuẩn HIV vào người…

Bên cạnh đó, tôi cũng được biết rằng ngay cả khi các nạn nhân được các tổ chức NGO cứu giúp thì thời gian chờ đợi để trở về nguyên quán cũng phải kéo dài ít nhất 3, 4 tháng, nhưng vì họ quá nóng lòng muốn trở về nhà ngay, nên đã rời khỏi các nhà tạm trú của các tổ chức NGO một mình, thế là lại bị bọn buôn người bắt được. Và cả ngay khi họ về đến nhà một mình đi chăng nữa, thì các chủ nhân- là những người Việt Nam -mà họ đã đồng ý ký giao kèo trước khi ra đi- hay chính bọn buôn người- sẽ đến để bắt họ lại.”

Tiếng chuông cảnh báo

Với tệ trạng buôn người ngày càng cao ở các nước Đông Nam Á, tổ chức Vital Voices, có trụ sở ở Washington D.C, một cơ quan trước kia trực thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đã điều tra và lên tiếng cảnh báo với quốc tế về tệ nạn này. Bà Wenchi Yu Perkins, giám đốc chương trình Chống Buôn Người và Nhân Quyền của tổ chức Vital Voices cho biết:

“Tôi nhận thấy rằng nạn buôn người hiện nay rất nghiêm trọng tại các nước châu Á cũng như Đài Loan, bắt nguồn từ nguyên nhân chính là sự nghèo đói, nên càng ngày càng có nhiều người bỏ nước ra đi để tìm việc làm khá hơn, vì thế dễ dàng rơi vào tay bọn buôn người càng ngày càng nhiều.

Tôi không cho những cuộc hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan là tình trạng buôn người, vì có khá nhiều phụ nữ Việt đã tìm được những ông chồng rất tốt và sống rất hạnh phúc. Tôi xin nhắc lại một lần nữa là: chuyện lấy chồng Đài Loan không thể coi là human trafficking, ngoại trừ trường hợp mà người phụ nữ ấy, khi đến Đài Loan lại không được kết hôn với người mà cô ta đã đồng ý trước đây.

Thí dụ, cô ấy được hứa hẹn rằng sẽ được kết hôn với người chồng khoẻ mạnh, có học thức cao, nhưng thực tế, khi sang Đài Loan, thì lại phải kết hôn với người chồng bệnh hoạn, không có kiếm tiền được, lại hay hành hung, đánh đập vợ. Vì thế, để xác minh trường hợp nào là buôn người, phải có đầy đủ yếu tố như tôi vừa nói.

Đối với chính phủ Đài Loan thì hầu hết các cơ quan chức năng không hiểu rõ human trafficking là như thế nào. Họ chỉ cho đó là smuggling- tức nhập lậu mà thôi- là tội hình sự, và do đó, họ không có vấn đề bảo vệ nạn nhân. Chúng ta phải phân định rõ ràng giữa sự nhập lậu và buôn người. Sự nhập lậu thì không có nạn nhân. Một phụ nữ, khi được hứa hẹn đến Đài Loan để làm trong nhà hàng, trên thực tế, cô ấy lại bị ép tiếp khách và đã ký món nợ quá cao. Đó phải được gọi là human trafficking.”

GirlTrafficking200.jpg
Cảnh sát Cambodia đưa bé gái Việt Nam, 11 tuổi, ra khỏi một nhà chứa mãi dâm ở Phnom Penh. AFP PHOTO

Bà cũng nhận định về tình trạng ở Malaysia: “Còn ở Malaysia thì rất nhiều đàn ông, phụ nữ, trẻ em đến từ Việt Nam hay các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Cambodia, nhưng chính phủ Malaysia dường như không chú trọng đến vấn đề này. Họ không cho đó là nạn nhân của sự buôn người, mà chỉ cho đó là tình trạng mại dâm và lại trục xuất về nguyên quán ngay lập tức thay vì bảo vệ họ.

Chúng tôi thấy rằng chính phủ Malaysia đã coi những nạn nhân này như những người phạm tội hình sự mà thôi. Họ cũng điều tra những vụ án đưa người vào Malaysia, nhưng họ không có luật lệ rõ ràng và cụ thể về nạn buôn người. Họ không trừng trị nghiêm khắc những kẻ buôn người, và lại càng không bảo vệ nạn nhân, họ chỉ trả nạn nhân về nước ngay lập tức, mà không nghĩ đến hậu quả của việc trục xuất này sẽ làm cho nạn nhân lại rơi vào tay bọn buôn người.”

Đối với các nước Đông Âu

Đối với các nước Đông Âu, thì tệ nạn buôn người cũng chẳng giảm sút tí nào. Bà Tôn Vân Anh, hiện đang làm việc cho Viện Nghiên Cứu Soạn Thảo Chính Trị Paderewski ở Ba lan cho biết:

“Từ trước đến nay, tình trạng buôn người cho đến nay vẫn còn như cũ, không giảm đi, tình trạng rất căng thẳng. Nhưng trong năm nay, thì các nạn nhân đã được sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ cũng như luật pháp của một số nước dân chủ ở Đông Âu, bảo vệ cho các nạn nhân tốt hơn.

Nhưng đây mới chỉ là bước đầu vì còn phải chờ một thời gian nữa… hy vọng là với luật pháp mới thì sẽ có những điều kiện tốt hơn cho những nạn nhân. Hiện nay, số lượng người thoát thân rất ít, và hầu hết mà thoát ra được thì sống rất biệt lập, không dám tin tưởng vào bất kỳ ai để nhờ sự giúp đỡ hay nói về những quãng đường mình đã trải qua. Những nạn nhân như thế càng khó đối với các nhà hoạt động xã hội hay các tổ chức phi chính phủ…

Cho nên, bộ luật mới của Ba Lan hay các nước dân chủ ở Đông Âu có bổ xung thêm các điều khoản là giúp đỡ các nạn nhân để các nạn nhân có thể giúp trong việc truy lùng tội phạm trong việc buôn người, để giúp cho các nạn nhân có một cuộc sống tốt hơn.”

Vừa rồi là những thông tin về tình trạng buôn người ở Đông Âu và các nước Đông Nam Á. Đứng trước tệ nạn ngày càng cao như thế, nhà nước Việt Nam nên làm gì để ngăn chận việc buôn người và những nỗ lực của các tổ chức NGO hiện nay ra sao? Mời quí vị đón nghe vào chương trình kỳ sau. Thân ái chào tạm biệt.

Theo dòng câu chuyện

- Làm thế nào để ngăn chận nạn buôn người ở Việt Nam?

- Nguyên nhân của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.