Nghề hàng mã ở Huế


2006.07.04

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Người Việt Nam chúng ta xưa nay vẫn có phong tục thật hay, đó là lòng tôn kính tổ tiên và luôn nặng lòng với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh em ruột thịt, khi người ấy đã qua đời. Và, ngay cả với những sinh linh bất hạnh, cũng được nhớ đến trong ngày rằm tháng bảy, mà chúng ta gọi là ngày lễ cúng “cô hồn”.

HangMa150.jpg
Hàng mã được đưa lên xe để ra chợ bán nhân ngày rằm tháng Giêng âm lịch ở Hà Nội. AFP PHOTO

Vào những ngày giỗ, ngoài việc cúng kỵ, thắp nhang, còn có việc đốt cho người đã khuất một ít tiền bạc, hay các bộ quần áo, đồ dùng …để những người bên kia thế giới có tiền bạc và phương tiện xử dụng. Tất cả những bộ đồ kỵ ấy đều làm bằng giấy, nhưng thật tinh vi, trông y như thật, mà chúng ta gọi là hàng mã. Trong chương trình kỳ này, Phương Anh xin dành để nói về nghề hàng mã ở Huế.

Trải qua nhiều thăng trầm

Theo lời kể của chị Ngọc ở Kim Long, thì nghề hàng mã cũng trải qua rất nhiều thăng trầm, nhất là sau năm 1975, chị nói: “Hồi mới giải phóng vào, các ông không tin mấy, họ cũng cúng vái, nhưng mua một cách kín đáo, nhưng bây giờ hàng mã thì sống hơn bất cứ hàng nào khác. Thí dụ trong gia đình, có người bộ đội mất, thì bây giờ họ làm luôn một chiếc xe Honda, xe Hoa kỳ, nhà lầu, đầy đủ hết. Những nhà hàng mã là họ để tại nhà một số như vali, áo quần, giầy dép, máy bay, xe, nhà lầu…khách tới đặt thì họ làm.

Con họ làm nghề gì trước đây thì họ đặt cái đó để đốt cho con họ. Chỉ có những ngày giỗ của con họ, thì họ mới đặt những cái đó, còn ngày rằm, ba mươi hay mồng một, thì bán áo binh và tiền vàng bạc, vì áo binh là cúng cho cô hồn thôi.”

Cũng theo lời chị cho hay, hiện nay ở Huế, ngoài bộ đồ kỵ, những người hàng mã còn làm thêm các hình nộm, vì:

“Ở Huế, có đạo tiên, hàng năm vào rằm tháng 3 hay tháng 7, thì người ta cúng cho những cô những cậu, gọi là tiên với thần thánh, thì họ thả những hình nộm đó sau khi cúng xong, nếu những hình nộm đó chìm xuống nước, thì những người đó người ta cho là viá không nhẹ, bị cô bà “bắt”, còn những hình nộm mà bơi thì được.”

Hồi mới giải phóng vào, các ông không tin mấy, họ cũng cúng vái, nhưng mua một cách kín đáo, nhưng bây giờ hàng mã thì sống hơn bất cứ hàng nào khác. Thí dụ trong gia đình, có người bộ đội mất, thì bây giờ họ làm luôn một chiếc xe Honda, xe Hoa kỳ, nhà lầu, đầy đủ hết. Những nhà hàng mã là họ để tại nhà một số như vali, áo quần, giầy dép, máy bay, xe, nhà lầu…khách tới đặt thì họ làm.

Chị cũng cho biết rằng, từ vài năm nay, ngoài tiền hàng mã, còn có tiền dollars giả đốt cho người âm, khiến cho một số người ngộ nhận ngay lúc ban đầu, chị kể lại:

“Tiền đô la giống như tiền thiệt, giống lắm, nhưng tờ giấy thì khác, hồi trước cách đây 3 năm, mới lần đầu, họ rải tiền đô la trong những đám tang, có những người lớn họ lượm về, tưởng là đôla thiệt, cũng cất đi, đem ra chợ xài, người ở chợ nói tiền ni không quen, họ nói là tiền Mỹ, rồi đem đi đối chiếu ở chợ Đông Ba, thì họ mới nói là tiền này là tiền âm phủ.”

Khấm khá hơn

Theo lời chị cho biết, với nghề hàng mã được tự do kinh doanh như hiện nay, cuộc sống của dân hàng mã thay đổi khá nhiều, chị nói: “Đa số họ làm hang mã thì đều khá cả, những cũng tùy theo, có người cũng xây nhà cao cửa rộng, có người thì cũng rất cực. Theo ý của những người lớn tuổi, thì những người làm nghề hàng mã phải đơn giản, thì dụ như mua 100 tờ áo binh, những người bán đếm đúng 100 tờ, nhưng tờ nào rách thì họ đổi, có người thì không, cho nên người dân mình thì nói là “làm chuyện không phải thì sẽ gặp chuyện không phải”…

Cho nên nhiều nhà xây lầu, có nhiều nhà thì rất khổ, vì họ nói là mình mua về, đốt cho người âm, mà người âm không dùng được, thì người bán sẽ gặp những chuyện không may…”

Phương Anh cũng hỏi thăm bà Tị, đã làm hàng mã từ 15 năm qua, bà cho biết: “Cũng làm hàng áo quần, nói chung là đủ thứ, người ta đặt cái chi thì mình làm cái nớ. Khó khăn nhất là hàng chạm nổi, những thứ mình dán lên áo…

Cái nớ rất nhiều dạng, hàng mã này rất đa dạng. Trong gia đình, có bố mẹ, anh chị, áo quần người lớn, đàn ông, đàn bà, các ông quan này ông quan nọ. Tuỳ theo người ta đặt cái gì thì mình làm cái nớ thôi. Trước đây, cái mẫu mã cũng có, nhưng mình học rồi mình phải tự làm ra.”

Còn anh Hải, ở Ngự Bình thì cho biết đã theo học nghề 4 năm rồi sau đó hành nghề được 12 năm qua. Anh kể lại:

“Hồi đó, gia đình cực khổ quá, không có tiền để đi học nghề khác, sau đó có ông dượng rể làm, nên đến xin học nghề. Cái nghề này không cần phải đòi hỏi khéo tay lắm, cái quan trọng là phải chịu khó, có cái đầu nhớ cho thật kỹ, vì công việc này đòi hỏi nhiều thứ, làm thì không có sổ sách, chỉ in trong đầu thôi, còn khéo tay thì làm một hồi thì được thôi, chứ không cần.”

HangMa200.jpg
Một quầy bán hàng mã và đồ trang trí cho Tết Âm Lịch. AFP PHOTO

Anh cũng cho biết, mặt hàng mã chủ yếu của Huế là hàng về tâm linh như các bộ áo quần, các bộ áo quan, vua chúa. Riêng các mặt hàng sau này như xe Honda, xe Dream, hoặc xe hơi thì đa số là lấy từ Sài gòn về. Được hỏi, số lượng khách đặt hàng ra sao, anh cho hay:

“Tết thì mới có nhiều, còn bình thường thì ngày có ngày không, mỗi hàng như thế họ có riêng chừng vài trăm khách của riêng mình. Cuối năm thì mới tập trung khách của mình về, thường ngày thì chỉ lai rai thôi…Với kinh tế Huế thì trung bình một ngày kiếm được 5, 7 chục ngàn thì cao rồi.”

Khách hàng đủ mọi thành phần

Riêng với anh Cự ở Đông Ba, thì cả gia đình anh đã theo nghề hàng mã từ 4 đời. Vì thế, anh rất am hiểu nghề hàng mã ở Huế, anh kể lại những ngày sau năm 1975:

“Khi mới giải phóng vô, nó không cho làm vì cho là dị đoan, sau này mới hồi phục lại. Thời gian đó bao cấp mà, cũng gặp nhiều khó khăn, làm hàng xong xuôi, nó đến đốt, đốt thì mình lại làm lại như cũ…Khoảng năm 1988 mới hồi phục lại cho đến bây giờ.”

Anh cũng cho biết, với khả năng của anh hiện nay, anh có thể làm bất cứ hàng nào cho khách, từ những bộ quần áo thông thường như áo dài, áo vest, với những hàng nút, túi áo y như thật, cho đến những chiếc xe đạp, xe Honda, xe Dream với bánh xe quay được hẳn hoi. Anh nói:

“Làm đủ hết, người ta đặt cái gì thì làm cái đó. Nói chung, phải làm hàng sao cho giống như thiệt, làm giả, nhưng thiệt, có nghĩa là làm giả, nhưng người mặc được, làm chiếc xe, sao cho người đi được…”

Tuỳ theo xe, xe giống như thiệt thì khác, xe nhỏ thì khác, xe vẽ thì khác nữa. Xe vẽ thì khoảng 3500 đồng Việt Nam, xe làm trong khoảng 1 mét thì 100 ngàn, xe một triệu là to y như thiệt, vì công tới 10 ngày, gần nửa tháng mới xong một chiếc xe, xe Honda, xe dream thì khoảng nửa tháng. Xe đạp thì cầu kỳ và đắt công hơn, xe đạp thì phải làm bánh xe quay được, khoảng 2 triệu rưỡi Việt Nam vì công rất nhiều…

Theo lời anh cho hay, khách đặt hàng đủ mọi thành phần, kể cả các gia đình cán bộ nhà nước. Giá một bộ đồ kỵ từ 20 cho đến 25 ngàn một bộ, mắc nhất là ba chục ngàn. Riêng về các loại xe y như thật thì giá cả khác nhau:

“Tuỳ theo xe, xe giống như thiệt thì khác, xe nhỏ thì khác, xe vẽ thì khác nữa. Xe vẽ thì khoảng 3500 đồng Việt Nam, xe làm trong khoảng 1 mét thì 100 ngàn, xe một triệu là to y như thiệt, vì công tới 10 ngày, gần nửa tháng mới xong một chiếc xe, xe Honda, xe dream thì khoảng nửa tháng. Xe đạp thì cầu kỳ và đắt công hơn, xe đạp thì phải làm bánh xe quay được, khoảng 2 triệu rưỡi Việt Nam vì công rất nhiều…”

Được biết, với những người làm hàng mã như anh, hàng năm, còn có ngày giỗ Tổ phải ghi nhớ. Anh cho hay:

“Nghề này có nhà thờ Tổ ở đường Chi Lăng, thờ Thái Thượng Lão Quân, nghề này nghe cha ông nói lại là phát xuất từ Trung Quốc, ông cha mình lập đền thờ Thái Thượng Lão Quân ở Chi Lăng. Sau này, bọn em cứ ngày 24-4 hàng năm là về để cúng, để hương khói.”

Sua sự trao đổi với các dân cư làm hàng mã ở Huế, Phương Anh còn được biết thêm rằng, càng ngày, càng có nhiều khách hàng đặt nhiều món hàng rất độc đáo, chẳng hạn như có bà mẹ thương con trai chết trẻ, nên đặt một búp bê hình nhân xinh xắn để gửi xuống âm phủ để làm vợ cho con.

Cũng có người chồng đặt luôn cả căn phòng trong đó có hộp vàng bạc, nữ trang, ngọc thạch để đưa thầy cúng nhờ gửi qua bên kia thế giới cho vợ mình. Những người trong nghề lâu năm đều đồng quan niệm: ngày xưa, người đặt hàng mã rất đơn giản, chỉ bộ đồ kỵ, vài tấm giấy vàng mã…

Thế nhưng, thời đại công nghiệp hiện nay, thì dường như người dùng hàng mã muốn đem luôn cả đời sống này gửi xuống âm phủ cho thân nhân của mình. Đã có những lời phê bình chỉ trích về việc này nhưng dường như chẳng có ai để ý đến, vì ai tin thì cứ đặt, và người hàng mã thì cứ làm để sinh tồn. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị và các bạn trong kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.