Vòng bánh xoay mở chuyện cổ tích

Du lịch vòng quanh thế giới không còn là một điều xa lạ. Thế nhưng du lịch vòng quanh thế giới bằng xe đạp thì hiếm có người thực hiện. Thú vị hơn, một trong hai nhân vật chính của chuyến đi này lại là một người Việt Nam.
Quỳnh Chi- RFA
Thùy Anh trên đường du hành thế giới.
photo courtesy electricbicycleworldtour.com

Để quên con tim

Chiếc xe đạp của Guim Valls Teruel vẫn thoai thoải chạy băng băng trên đường, qua hết bao nhiêu núi xanh sông trắng anh không đếm hết, và đang dừng chân ở Athens, nơi đất Hy Lạp với ánh sáng rực rỡ của văn minh chen lẫn sắc màu ảm đạm của những kiến trúc lịch sử đang suy tàn. Thành phố cổ có lịch sử 3 ngàn năm hẳn gây cho Guim nhiều ấn tượng, nhưng có lẽ cảm xúc mạnh mẽ nhất vẫn là cái cảm giác chinh phục được quốc gia thứ 16 bằng xe đạp điện.

không biết điều gì sẽ xảy ra khi anh đến một nước khác. Biết đâu anh lại gặp một cô phóng viên khác
Thùy Anh, phóng viên truyền hình đài VTV6 của Việt Nam .


Tháng 6 năm 2009 khi làm việc tại Bắc Kinh, Guim, chàng trai người Tây Ban Nha nảy ra ý định đi xe đạp điện vòng quanh thế giới để vừa ủng hộ bảo vệ môi trường, vừa khám phá cuộc sống. Guim nói: 

“Tôi luôn thích du lịch. Một ngày nọ, khi tôi đang sống và làm việc tại Bắc Kinh thì niềm đam mê đó kết hợp với chiếc xe đạp điện. Tôi nhận ra đây là một cơ hội khám phá thế giới và làm mọi người biết về chiếc xe đó. Bởi khi đạp xe điện như thế, nó sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt, cảm thấy vui vẻ và nó còn tốt cho môi trường nữa”.

Ba tháng sau đó, Guim cùng chiếc xe đạp điện có mặt tại Việt Nam, và cũng chính nơi đây đã tạo mối nhân duyên để sau này anh có thêm người bạn đồng hành không chỉ trong cuộc hành trình mà còn trong cuộc sống. Đến Việt Nam vào tháng 9 năm 2009, anh được đài truyền hình VTV6 mời phỏng vấn. Rồi sự duyên dáng và thông minh của cô biên tập viên Thùy Anh, người phỏng vấn Guim, đã làm anh bị cuốn hút. Đổi lại, Thùy Anh cũng cảm thấy được sự thú vị nơi chàng trai này. Cô nói:

“Sau khi nói chuyện 3 tuần thì cả tôi và anh Guim đều nhận ra tình cảm của nhau nhưng tôi không nghĩ sẽ lâu dài vì anh đang trên chặng hành trình và không biết anh sẽ dừng lại lúc nào và cũng không biết điều gì sẽ xảy ra khi anh đến một nước khác. Biết đâu anh lại gặp một cô phóng viên khác”.

Vòng bánh xoay mở chuyện cổ tích 
Guim trên một đoạn đường đèo- electricbicycleworldtour.com photo
Guim trên một đoạn đường đèo- electricbicycleworldtour.com photo

Thế nhưng, Thuỳ Anh chỉ đúng một nửa. Đôi chân Guim vẫn tiếp tục cuộc hành trình cùng chiếc xe đạp điện qua khoảng 10 quốc gia, nhưng trái tim đã để lại Việt Nam sau cuộc phỏng vấn đó. Để rồi Guim phải trở lại Hà Nội đúng 1 năm sau đó và kết quả cuộc tình thú vị này là một đám cưới như trong cổ tích 4 tháng sau đó vào đầu năm nay.

“Trong một năm tìm hiểu, tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình và chúng tôi nói chuyện hầu  như là từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Đúng một năm sau tôi quyết định trở lại Việt Nam và cưới cô ấy”.

Bắt đầu từ đó, cuộc hành trình của Guim có thêm một người đồng hành, cũng có nghĩa là trong cuộc hành trình chinh phục thế giới, người ta thấy có thêm một chiếc xe đạp nữa.

“Đây là chiếc xe đạp điện. Nó có 2 bánh, bánh trước là động cơ. Bánh sau có gear.  Nó có bộ phận điện nhỏ gần vòng sên xe. Xe có pin có thể tháo rời và có thể sạc bằng cách cấm điện hay bằng năng lượng mặt trời”

Càng đi, bạn càng thấy được nhiều người tốt đẹp trên thế giới. Chưa bao giờ tôi muốn bỏ cuộc bởi niềm hạnh phúc mà tôi nhận được là tuyệt vời.

Thùy Anh, bạn đường của Guim

Thùy Anh nói mỗi một xe có 2 cục pin để thay đổi, một cục để chạy và một cục để sạc trên đường đi. Nhưng chủ yếu họ vẫn phải sạc bằng điện khi dừng lại một nơi nào đó trên đường. Để sạc một tấm pin như thế thì bằng năng lượng mặt trời thì phải mất 8 giờ đồng hồ còn nếu sạc bằng điện thì mất khoảng 3 tiếng rưỡi.


Một cục pin đầy chạy khoảng 90 đến 100 km và mỗi ngày, Guim và Thùy Anh thường chạy hết pin mới dừng lại. Cho đến bây giờ, Guim đã vượt qua được hơn 18 ngàn cây số:


“Hầu như 90% - 95% thời gian đi vòng quanh thế giới là chúng mình đạp xe. Tuy nhiên, khi không xin được visa để đi qua một nước nào đó thì chúng tôi đành bỏ qua nước đó và đi máy bay. Ví dụ, khi đến Thái Lan, chúng tôi không xin được visa vào Miến Điện thì đành phải bay đến Ấn Độ để tiếp tục con đường của mình. Một ví dụ nữa là chúng tôi phải bay từ Ấn Độ sang Hy Lạp vì không vào được Pakistan, và cũng gặp trục trặc giấy tờ vào Iran và Thổ Nhĩ Kỳ”.

Dở khóc dở cười, và niềm hạnh phúc

Theo Guim, vấn đề visa, tài chính có thể thể trở nên khó khăn và làm gián đoạn cuộc hành trình. Và phải dừng lại bao lâu tại một quốc gia là điều khó nói. Chẳng hạn, mùa hè năm ngoái, Guim phải dừng lại Úc một thời gian để kiếm tiền trước khi có thể tiếp tục cuộc hành trình.
 
 “Mùa hè năm ngoái anh phải dừng lại Úc 4 tháng để kiếm tiền và đi tiếp. Anh làm rất nhiều việc để kiếm tiền: từ sơn nhà, làm quản lý nhà hàng và đào tạo nhân viên cho nhà hàng ấy. Nói chung anh làm tất cả việc gì có thể để có thu nhập. Anh ấy học ngành quản lý nhà hàng. Anh có thể làm quản lý nhà hàng, làm thợ chụp ảnh hay làm về marketing…”

Mỗi khi đến một nơi nào đó, đều khám phá những nét đẹp về văn hoá, con người nơi đó. Họ viết bài, chụp ảnh, quay phim…chính vì thế mà công việc của Guim và Thuỳ Anh bận hơn người ta có thể tưởng tượng.

“Chúng tôi làm việc rất nhiều. Mọi người cho rằng chúng tôi đi nghỉ mát nhưng mà thật ra không phải.  Cuộc hành trình này chỉ có tôi và bà xã cho nên chúng tôi phải tự làm rất nhiều việc. Chúng tôi viết báo, quay video, chụp hình, làm phóng sự…Có thể nói, chúng tôi làm việc suốt 24 tiếng một ngày”.

Khi có dịp dừng bất cứ nơi đâu, là Thùy Anh và Guim viết blog, viết báo và gởi hình ảnh về Việt Nam phát sóng mỗi tuần. Mặc dù vậy, ít ai biết rằng tất cả hành lý mang theo trên cuộc hành trình đều được Guim quy định và tính toán kỹ lưỡng:

“Tất cả đều ở mức tối thiểu và đều được tính toán kỹ càng bởi vì mỗi một thứ gì dù là nhỏ nhất cũng làm hành lý nặng thêm. Ví dụ, chúng tôi quy định mỗi người có 3 đôi tất, 2 cái áo, 2 cái quần, 2 laptop để viết bài và tìm cách liên lạc người địa phương trên chuyến đi, pin, sạc, đồ nấu nướng. Nói chung mọi thứ đều tối giản”.

...trời thì tối, người thì kiệt sức, xe thì chỉ cần không bóp thắng là trượt dốc. Và lúc đó tôi đã khóc vì quá sợ hãi.
Thùy Anh, bạn đồng hành của Guim

Tuy nhiên, dù có tính toán kỹ đến đâu, Thuỳ Anh vẫn không thể lường trước những việc dở khóc dở cười. Cô kể lại tuần đầu tiên của cuộc hành trình:

“Chúng tôi đi từ Việt Nam vào ngày 19 tháng 2 năm nay. Sau đó 6 ngày thì đến biên giới Việt  Lào . Từ đây, chúng tôi phải vượt qua một ngọn núi rất cao. Leo núi khoảng 2 tiếng rồi nhưng vẫn chưa đến đỉnh. Lúc đó là 6 giờ tối. Mùa đông ở núi mà 6 giờ tối là sương mù đã xuống dày đặc rồi. Lúc đó, trong khoảng 2 tiếng đồng hồ không có bất kỳ xe cộ nào đi qua trừ 2 chiếc xe đạp của chúng tôi. Lúc ấy xe cũng đã hết sạch pin.  Sườn núi lại dốc và hành lý lại nặng. Pin thì hết, trời thì tối, người thì kiệt sức, xe thì chỉ cần không bóp thắng là trượt dốc. Và lúc đó tôi đã khóc vì quá sợ hãi”.

City of light ven bờ sông Vanarasi- Ấn Độ- ảnh electricbicycleworldtour.com
City of light ven bờ sông Vanarasi- Ấn Độ- ảnh electricbicycleworldtour.com
electricbicycleworldtour.com photo
Tuy nhiên, những thử thách đó đã không thể “làm khó” được Thùy Anh và Guim:

“Anh ấy kêu tôi bình tĩnh và anh đẩy từng xe lên. Anh đẩy xe anh lên núi chừng 10 mét là đặt xe ở đấy rồi lại quay lại đẩy tôi và xe của tôi lên. Cứ như thế trong 2 tiếng đồng hồ trong tuyệt vọng mà chưa lên đến đỉnh. Chúng tôi đã nghĩ đến việc phải ngủ qua đêm trên núi. Nhưng may thay sau đó có 1 chiếc xe hơi chạy qua và chúng tôi gần như là bò ra đường kêu cứu”.

Tình yêu có thể mang đến những điều kỳ diệu và chúng tôi rất hạnh phúc
Guim, người đạp xe quanh thế giới.


Nguy hiểm, khó khăn, vất vả… nhưng đôi vợ chồng luôn cảm thấy hạnh phúc bởi đối với họ, niềm vui chỉ đơn giản là được đi bên nhau. Đặc biệt đối với Guim, tình yêu luôn mang cho anh niềm hạnh phúc vô tận:

“Cái điều đẹp đẽ mà chúng tôi có được là chúng tôi đã ở bên nhau được 9 tháng rồi, và bây giờ thì ở bên nhau 24 tiếng một ngày. Dĩ nhiên việc gặp nhau nhiều như thế cũng có gây chút vấn đề nhưng chúng tôi đều là những người biết nói lên suy nghĩ của mình nên mọi chuyện rất tốt. Tình yêu có thể mang đến những điều kỳ diệu và chúng tôi rất hạnh phúc”

Mỗi khi đến một nơi nào đó, Guim và Thùy Anh đều được đông đảo người dân và truyền thông ủng hộ. Nhưng có lẽ điều làm họ vui nhất, là ít ra, họ có thể mang đến một sự thay đổi nào đó, dù là nhỏ, cho một ai đó:

“Trên đường đi, tôi gặp rất nhiều người. Họ rất có ấn tượng với việc chúng tôi làm. Điều quan trọng nhất là họ thường nói rằng chúng tôi đã làm thay đổi họ. Họ có thể chạy xe điện vòng quanh làng mạc, vừa mang đồ vừa coi như là tập thể dục luôn. Đặc biệt, họ nói là khi lái xe đạp điện như thế thì họ có  một cảm giác rất tốt, như siêu nhân vậy”.

Thùy Anh cũng cho biết, người ta có thể đọc báo, xem TV hay nhìn thấy xe đạp điện nhưng chỉ khi nào ngồi lên nó thì mới thấy nó tuyệt như thế nào. Và chính niềm hạnh phúc giản đơn đó là động lực để họ vượt qua tất cả. Guim nói:  

Đôi lứa vòng quanh thế giới: Guim và Thùy Anh- electricbicycleworldtour.com photo
Đôi lứa vòng quanh thế giới: Guim và Thùy Anh- electricbicycleworldtour.com photo
electricbicycleworldtour.com photo


“Thế giới thật tươi đẹp. Càng đi, bạn càng thấy được nhiều người tốt đẹp trên thế giới. Chưa bao giờ tôi muốn bỏ cuộc bởi niềm hạnh phúc mà tôi nhận được là tuyệt vời. Có rất nhiều cách để đi đến cuộc sống tốt đẹp. Trong trường hợp này, tôi được đi đây đó, vừa được rèn luyện sức khỏe. Tôi nhận ra rằng đạp xe điện như thế làm người ta vui vẻ. Tôi nghĩ mỗi người có thể cống hiến một chút cho hành tinh này”  

Sẽ không quá khó để nhận ra rằng “Có nhiều cách để sống tốt đẹp”. Đôi khi đó chỉ là cách người ta quan tâm nhau, cách người ta đối xử tốt với nhau và cách người ta nhìn nhận cái xấu của chính mình. Và có lẽ tất cả chỉ bắt đầu bằng cách người ta bớt thờ ơ.

Quý thính giả vừa đến với câu chuyện về Guim và Thùy Anh, một câu chuyện lãng mạn về tình yêu, kiên cường về nghị lực và đẹp đẽ về cách sống. Mời quý vị chia sẻ câu chuyện của mình với Quỳnh Chi tại địa chỉ QUYNHCHI@RFA.ORG hoặc trên Facebook và Twitter. Hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.