“Đàn bà đi biển…”

Cuộc bể dâu nào cũng tạo ra những đắng cay. Có những đắng cay vì phải làm người đàn bà chưa một ngày hạnh phúc trọn vẹn. Đó là câu chuyện của bà Bùi Thị Ngoan mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.04.03
052_01431283-305.jpg Một phụ nữ chở hoa ra chợ bán, ảnh minh họa
AFP photo

Chứng bệnh lạ

Bà Bùi Thị Ngoan là một người bình thường cho đến năm mười tuổi, cách đây hơn 30 năm. Khi đó, trong một lần bị suyễn và sốt nặng, bà được bố cõng lên trạm xá tiêm thuốc. Hai ngày sau, bà bị phản ứng với thuốc và uống thuốc nam để trị bệnh. Bệnh ho của bà được dứt nhưng cũng từ đó bà mang thêm chứng bệnh lạ. Cơ thể bà bắt đầu ngứa rát, nổi đỏ, máu đọng tím bầm và u nần mọc khắp toàn thân. Bà nói:

“Nó biến chứng thế nào tôi không nhớ, không biết nhưng càng lớn nó càng có mụn mọc đầy người. U nhỏ, u to, u thì khô u thì mềm. Khi nó cắn thì phải xoa”.

Theo chuẩn đoán, bà Ngoan bị chứng u đa thần kinh. Bà Ngoan càng lớn, những nốt u càng nhiều và to. Đặc biệt, hễ khi thời tiết thay đổi thì những khối u trên khắp cơ thể làm bà lên cơn co giật, nóng rát khắp người như bị cắn. Bà phải xoa bóp suốt đêm.

Bà Ngoan sinh trưởng trong một xóm nhỏ sau chân núi huyện Thách Thành, tỉnh Thanh Hóa. Hơn 40 năm trôi qua, bà không biết ai ngoài cái thôn bé tí này. Khối u khắp người và sự mặc cảm đã cướp đi mơ ước của người đàn bà. Và sự ra đi lần lượt của người thân càng đẩy bà vào cô quạnh.

Bà Ngoan sinh ra trong một gia đình bốn anh em. Hai người anh hi sinh trong chiến trường miền Nam, người chị cũng chết trong một lần sốt không qua khỏi. Cha mẹ bà cũng vì quá buồn rầu, tủi phận con cái mà lần lượt mất đi. Còn bà Ngoan thì vẫn làm bạn với nỗi buồn trong một cơ thể mà người ta gọi là “ma chê quỷ hờn”.

“Ở trong làng thì không sao nhưng những người ngoài làng thì xa lánh, lạnh nhạt với tôi. Họ cho rằng tôi là ma chê quỷ hờn. Họ sợ thôi. Họ thấy tôi họ lùi lại, làm tôi buồn lắm”, bà tâm sự.

Bà Ngoan sống trong một ngôi nhà tình nghĩa cấp bốn, mái tranh. Bất kể ngày hay đêm, cửa nhà bà cũng đóng im ỉm như muốn co rút vào chân núi.
Hơn hai mươi tuổi, bà Ngoan bỗng thèm được làm mẹ, làm một phụ nữ. Một đêm nọ cách đây hai mươi năm, bà được một người đàn ông cùng xã trao tình. Đó là một người đàn ông nghèo luống tuổi, đã có vợ con. Kết quả của đêm say là giọt máu tượng hình trong bà.

Nó biến chứng thế nào tôi không nhớ, không biết nhưng càng lớn nó càng có mụn mọc đầy người. U nhỏ, u to, u thì khô u thì mềm. Khi nó cắn thì phải xoa.

Bà Bùi Thị Ngoan

“Tôi có bệnh tật không ai thương cả. Đứa con này là tôi phải tìm kiếm trong đêm tối nhưng không phải là vợ chồng”.

Khó khăn lắm bà Ngoan mới tâm sự về ngày hạnh phúc duy nhất – dù không trọn vẹn – của mình. Bà cũng không biết nên đặt tên cho cái ngày ấy là buồn hay vui, chỉ biết sau đêm ấy bà cam phận làm bạn với giọt máu đang lớn dần: “Tôi cũng không dám yêu cầu gì cả. Tôi bệnh tật mà họ cho tôi một đứa con thì tôi cũng mang ơn rồi. Tôi không dám yêu cầu người ta chăm sóc gì cả”.

Lúc nghe tiếng trẻ thơ khóc vọng ra từ căn nhà tranh, người ta mới biết bà Ngoan đã trở dạ. Ngày vượt cạn, bà Ngoan tự mình lội bộ đến trạm y tế. Sự đau đớn và cái tủi hờn đã làm bà Ngoan bật khóc. Nhưng khi nghe tiếng khóc của đứa con gái bé bỏng chào đời, bà Ngoan lại cảm nhận được một niềm hạnh phúc dâng trào qua mi mắt. Bà hiểu rằng, đứa con gái này sẽ là người bạn duy nhất trong đời mình. Bà đặt tên cho con là Bùi Thị Hà, như dòng sông tuyệt đẹp trong mơ ước của bất cứ cô gái xuân thì nào.

Hạnh phúc ngoài tầm tay

034_753280-250.jpg
Hai mẹ con, ảnh minh họa . AFP photo
Hai mẹ con, ảnh minh họa . AFP photo
Nhưng cái giá của việc đấu tranh cho một lần được làm mẹ, một lần được hạnh phúc là những khối lớn kỳ dị xuất hiện. Từ khi sinh con, cổ bà Ngoan xuất hiện khối u rất lớn. Khối u ngày càng đè nặng lên khí quản khiến bà thở rất khó khăn. Có những lần bà Ngoan lội bộ bốn cây số đi thăm bà con, bà mệt lả người tưởng có thể chết đi vì không thở được. Em Bùi Thị Hà, con gái bà Ngoan tâm sự:

“Đôi lúc em cảm thấy ray rứt. Em nghĩ là nếu mẹ mà không sinh em ra chắc mẹ không bệnh như thế. Khi sinh em ra mẹ phải đánh đổi tất cả những thứ mẹ có. Đôi lúc em không cảm thấy thoải mái và thấy mình có lỗi. Bất cứ một đứa con nào đều cảm thấy đau lòng khi thấy mẹ mình như thế. Ai trong trường hợp như em đều muốn chia sẻ một chút  nào đó. Nếu có thể, em muốn chính mình là người bị bệnh thay vì mẹ. Nếu có thể thì em chỉ mong ước cho mẹ bình an, em có thể đánh đổi tất cả để mẹ được mạnh khỏe.”

Căn bệnh của bà dù không khiến bà chết được nhưng đủ tạo ra đau đớn và lấy đi khả năng nuôi con của người mẹ. Những khối u khắp người khiến bà đi đứng khó khăn và mệt nhọc. Không làm được những việc nặng nhọc, hai mươi năm nay, bà Ngoan chỉ biết cùng con tự trồng trọt trên vài ba sào ruộng nước, đổi gạo qua ngày. Hà cho biết:

"Bình thường nhu cầu cuộc sống ở đây rất thấp. Rau củ quả cũng có thể tự trồng được. Hai mẹ con tự làm ra và bán. Cuộc sống bình lặng như thế, em và mẹ đã quen rồi”.

Từ hai năm nay, Hà đậu đại học ở Thanh Hóa, cách nhà 80 cây số, mỗi tuần về nhà một lần. Người ta lại thấy bà Ngoan càng già nua và lầm lũi. Sau cánh cửa đóng im ỉm, thỉnh thoảng tiếng khóc ai oán lại vang lên.

“Tôi chỉ có hai mẹ con thôi. Đó là đứa con ngoài giá thú, không có bố. Tôi tìm kiếm một đứa con để làm bạn. Con tôi hiện đang đi học xa. Tôi ở nhà một mình. Đau cũng chịu, cũng khóc thế thôi. Mỗi cuối tuần con tôi lại về thăm. Hàng xóm thì chỉ đến được một lúc nào đó thôi”.

Cuộc sống cô quạnh của bà Ngoan trong ngôi nhà nhỏ nhiều lần khiến người ta đặt câu hỏi liệu bà có từng mơ về một ngôi nhà hạnh phúc. Mang câu hỏi này bà Ngoan chỉ nhận được cái thở dài. Còn Hà thì trải lòng:

“Đôi lúc cũng cảm thấy mình ích kỷ. Không phải em không muốn chia sẻ tình yêu thương của mẹ nhưng em biết là mẹ không bao giờ muốn điều đó hoặc mẹ có muốn nhưng chỉ âm thầm trộm nghĩ một lần mình được như thế. Nhưng có lẽ sự thật đã lấy đi cái hạnh phúc đó của mẹ. Em cũng ước mẹ được chia sẻ được quan tâm, được yêu thương từ tất cả mọi người.

Tôi cũng không dám yêu cầu gì cả. Tôi bệnh tật mà họ cho tôi một đứa con thì tôi cũng mang ơn rồi. Tôi không dám yêu cầu người ta chăm sóc gì cả.

Bà Bùi Thị Ngoan

Nhưng em cũng biết chắc không có một người đàn ông nào nghĩ đến điều đó nên cũng không dám ước như thế bởi vì nếu ước như thế thì em đã vô tình chà đạp lên cái tình yêu thương trong sáng của mẹ dành cho mình, nghĩ sai về mẹ. Và có lẽ cái ích kỷ của mình lớn hơn nên em không mong là mẹ sẽ có một người đàn ông yêu thương”.

Người trong thôn chưa bao giờ nghe bà Ngoan hé môi tâm sự về một bờ vai đàn ông để dựa dẫm dù chỉ là một câu nói bông đùa. Khi có người đàn ông gõ cửa nhà bà vào đêm tối cách đây hai mươi năm, có lúc người ta tưởng bà có thể ngả vai khóc cho đã đời cái số phận đọa đày, nhưng sau cuộc mây mưa, người phụ nữ có thân hình kỳ dị lặng lẽ nhìn người khách lỡ đường ra đi.

“Tôi có một đứa con. Tôi thì sao cũng được, chết lúc nào cũng được nhưng mong con tôi thành đạt để giọt máu của tôi ở lại với đời”.

Nghe bà Ngoan trải lòng về cuộc đời mình, khó ai tìm ra được một ngày bà hạnh phúc. Đứa con là niềm vui duy nhất cũng đến từ một tình yêu không trọn vẹn. Số phận của bà Ngoan với những lần băng qua cuộc đời đầy cam go làm người ta thấm thía nỗi buồn trong cảnh:

“Đàn ông đi biển có đôi,
Đàn bà đi biển mồ côi một mình”.

Mời quý vị đóng góp ý kiến với Quỳnh Chi tại: Quynhchi@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.