Câu lạc bộ âm nhạc cho người mù ở Lâm Đồng
2007.11.29
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Câu lạc bộ âm nhạc dành cho người khiếm thị là giấc mơ chưa thành hiện thực của Hội Người Mù ở thành phố Đà Lạt, thuộc tỉnh Lâm Đồng, vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Những ai ở trong Hội Người Mù tỉnh Lâm Đồng đó ước muốn thành lập Câu Lạc Bộ Âm Nhạc của những người khiếm thị nơi đây liệu có xa vời lắm không?
Từ nhà phục hồi chức năng cho người khiếm thị
Trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, Thanh Trúc mời quí vị đến Nhà Phục Hồi Chức Năng Cho Người Khiếm Thị do Hội Người Mù tỉnh Lâm Đồng sáng lập, tham dự một buổi giao lưu để xem những người mất ánh sáng ở nơi đây có thể nào thành lập một câu lạc bộ âm nhạc cho chính mình hay không.
Nằm dưới hục một con dốc quanh co dẫn ra trung tâm thành phố, căn nhà của người khiếm thị chừng như thiếu rất nhiều ánh sáng đối với người sáng mắt, nhưng lại vô cùng ấm cúng trong khung cảnh quây quần của những người khiếm thị hôm ấy, dẫu rằng thời gian nương náu chỉ tính từng ngày vì nhà sẽ bị giải toả trong nay mai.
Tiếng nói mà quý vị đang nghe là lời anh Giám dốc Vũ Xuân Trường bị mất đi ánh sáng cuộc đời sau một tai nạn:
“Thì các em cũng đã được học và đưa được một số tin tức âm nhạc cơ bản bắt đầu. Hôm nay, trong cảnh thế này, trước hết anh em cũng muốn bày tỏ lòng cảm ơn của anh em - người khiếm thị ở Lâm Đồng, cảm ơn sự cưu mang và giúp đỡ của các thầy các cô, của cô bác.
Khi mà kết hợp anh em là những người khiếm thị muốn chia sẻ khát vọng của họ là muốn được sống, được học tập, được vui chơi, được ca hát và được làm việc. Khoái vào trong mắt nhau, bởi vì mất cái gì thì người ta thường khát vọng về cái đó, đặc biệt mất đi đôi mắt thì người ta ao ước được nhìn và được nhìn thẳng vào trong mắt nhau để thấy được tấm lòng rộng mở và sự cưu mang của cộng đồng.”
Thanh Trúc: Ka Cường học đàn từ lúc nào?
Ka Cường: “Dạ con học đàn từ lúc mà còn ở nhà, lên trên hội thì cùng với các bạn ở đây, con mới học được có 3 tháng. Con là người dân tộc K'hor”.
Hầu hết các em trong Nhà Phục Hồi Chức Năng Cho Người Khiếm Thị đều là người dân tộc, không kể anh Trường, chị Mai, anh Trực, được coi như các anh chị lớn trong nhà. Vì Hội Người Mù ở tỉnh Lâm Đồng thuộc vùng Tây Nguyên nên không có gì lạ khi phần lớn học viên được gom về đây là người dân tộc K'hor như lời anh Trường giải thích:
“Cũng do xuất phát từ khát vọng của bản thân tôi, cũng là một trong những người khiếm thị và cũng là để chia sẻ vớí người đồng cảnh đồng bệnh, coi như là sau khi bị tai nạn và bị mất đi đôi mắt thì tôi cũng đã xin phép và tổ chức thành lập ra Hội Người Mù tỉnh Lâm Đồng cũng như thành lập ra Nhà Phục Hồi Chức Năng Cho Người Mù. Thế còn một số các em khiếm thị thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì cùng đến với nhau.
Trong cuộc sống với nhau thì điều kiện còn nhiều khó khăn và đặc biệt các anh em ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng thì cón rất là khó khăn về giao thông, đi lại, hoặc là điều kiện về kinh tế thì rất là nghèo. Do vậy, ngay từ ban đầu điều kiện vật chất để phát triển kinh tế rất là khó khăn. Khi mà con cái của các gia đình đồng bào đó bị bệnh về mắt mà nếu được tiếp cận cơ sở y tế thì có thể là được chữa hết bệnh và các em không phải gánh chịu tình trạng như thế này. Nên cũng vì khó khăn cho nên đưa tới hoàn cảnh không may cho các em bị mang căn bệnh khiếm thị.
Đặc biệt còn có một thiệt thòi nữa là vì các em ở vùng sâu vùng xa cho nên gia đình cũng muốn cho các em được học chữ được hoc nghề cũng rất là khó khăn. Nhưng mà khi Hội Người Mù tỉnh Lâm Đồng được thành lập, chúng tôi tiến hành rà soát, thống kê và lên danh sách từng địa phương, từng xã, từng nhà, và đặc biệt các em ở đây chúng tôi được biết là cái nguyện vọng của các em là mong được học, được làm những việc có ích.
Chúng tôi xin chính quyền địa phương cho phép chúng tôi tổ chức cái câu lạc bộ, như là câu lạc bộ tiếng Anh, tạo điều kiện cho các em học tập ấy mà trong môi trường nội bộ tỉnh Lâm Đồng tôi thấy là một trong những lý do mà hôm nay các em được giao lưu sinh hoạt học tập ở đây.”
- Dạ cháu là một người dân tộc Tày ạ.
Thanh Trúc: Em bị khiếm thị đã bao nhiêu năm rồi?
- Dạ cháu bị khiếm thị hôì 5 tuổi.
Thanh Trúc: Quê của em ở đâu?
- Dạ quê em ở Cao Bằng.
Thanh Trúc: Thanh Trúc thấy ở đây có nhiều máy vi tính, như vậy thì Khiêm đã sử dụng được máy vi tính chưa?
- Em đang tiếp cận và sử dụng được ạ.
Thanh Trúc: Hình như chương trình vi tính các em học là chương trình JAWS?
- Dạ. Dùng chương trình vi tính này thì phần lớn đều nói bằng tiếng Anh nên tụi em cũng muốn được học Anh văn để sử dụng máy thành thạo hơn, để mở rộng kiến thức nhiều hơn. Tụi em cũng muốn nói với các ban ngành cũng như các nhà thực hiện và hiện nay một điều ước từ lâu tụi em đã mong muốn, đó là có một miếng đất để xây dựng cơ sở. Hiện nay uỷ ban tỉnh cũng đã cấp một miếng đất khoảng 5 nghìn mét vuông, nhưng nó có hạn và cũng chưa triển khai được.
Thanh Trúc: Em mong ước cái gì?
- Dạ mong ước các nhà từ thiện và các tấm lòng hảo tâm làm sao có thể giúp đỡ tụi em vấn đề kinh phí để xây dựng, chứ còn chỗ này là ngôi nhà của các người hảo tâm để lại cho tụi em chỉ một thời gian mà mảnh đất này thì thuộc kế hoạch của công trình đô thị của thành phố.
Đến Câu lạc bộ âm nhạc cho người mù
Thanh Trúc không rõ lời ca tiếng hát của những em dân tộc như Ka Cuờng, Ka Hẽm ngày hôm ấy có làm quí vị xúc động không, nhưng đối với những người xa nhà một lần trở về để nghe lại âm hưởng của núi rừng qua các nhạc phẩm Tình Ca Lùng Làng, Ô Mơ Lơi hay Linh Leo của người K'hor thì Thanh Trúc như thấy lại một rừng thông bạt ngàn được gột rửa bởi những cơn mưa lạnh buốt miền cao.
Trong dáng đứng dáng ngồi cúi đầu khắc khổ chịu dựng của những con người mất ánh sáng đó vẫn tiềm ẩn một hạnh phúc bỏng cháy khi được cất tiếng hát và biết là có người đang lắng nghe mình hát.
Mời quí vị thưởng thức ngay bây giờ bài tình ca của người K'hor, Chuyện Tình Lùng Làng, mà Ka Cương và Ka Hẽm hát cho quí vị nghe... Và đây là bản nhạc Ot Ma Mi (Tình anh em) của một nhạc sĩ người dân tộc do Ka Cương hát. Vững Buớc là nhạc phẩm mà quí vị đã nghe ở đầu bài, bây giờ Thanh Trúc xin kết thúc bài hôm nay bằng nhạc phẩm Lình Lèo, (người đi rồi người sẽ quay về) như lời anh Trực trong nhà phục hồi chức năng cho người khiếm thị giới thiệu sau đây:
- Bài Lình Lèo có nghĩa là chúng ta đi rồi chúng ta sẽ quay trở lại. Thanh Trúc muốn hỏi là quí vị nhận thấy những anh chị em khiếm thị người dân tộc trong Hội Người Mủ tỉnh Lâm Đồng đã có thể lập ra cho họ một câu lạc bộ âm nhạc chưa?
Nay mai ngôi nhà tạm bợ mà những người mù này đang nương náu sẽ bị giải toả theo chương trình quy hoạch của thành phố Dalat. Thanh Trúc cầu mong mọi sư may mắm đến với các anh chị em người dân tộc bất hạnh đó. Ước mong những tiếng hát với cung đàn, dù khá là thô sơ, vẫn bay bổng va mang lại niền hạnh phúc bình thường gần gũi cho chính những người mất ánh sáng đó.
Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Các tin, bài liên quan
- Bộ phim Holly: Cảnh giác trước tệ nạn buôn bán trẻ gái Việt Nam vào đường lưới mãi dâm ơ Cambodia
- Dự án quốc tế giúp nạn nhân buôn người ở Việt Nam tái hòa nhập xã hội (phần 2)
- Dự án quốc tế giúp nạn nhân buôn người ở Việt Nam tái hòa nhập xã hội (phần 1)
- Cô Nguyễn Phương Thảo chạy bộ gây quỹ giúp trẻ em Việt Nam giải phẫu tim
- Kiều Chinh – 50 Năm Điện Ảnh
- Tuổi trẻ nghĩ gì về vụ nữ diễn viên Thùy Linh của phim Nhật Ký Vàng Anh?
- Theo Dấu Chân Đăng Việt Nam đến Tân Đảo một thế kỷ trước
- Người Việt trồng trọt và bán rau quả trái cây tại chợ Nouméa
- Người Việt ở Tân Đảo New Caledonia