Dân quê Hà Tĩnh sống với nghèo đói và lũ lụt như thế nào?


2008.01.18

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Kính chào quí vị. Trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tuần trước, Thanh Trúc đã kể cho quí vị nghe về cuộc sống của hai thanh niên gốc Hà Tĩnh, sang Malaysia lao động và kiếm tiền giúp đỡ gia đình ở Việt Nam.

LekimaTyphoonChildren200.jpg
Lũ lụt tiếp sau cơn bão số 5 gây nhiều thiệt hại và người và của tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. AFP PHOTO.

Quí vị có để ý là xưa giờ, mỗi lần nhắc đến Hà Tĩnh, vùng đất miền Trung mà nhiều người ví là đất cày lên sỏi đá, chưa con dân nào của xứ này khoe rằng quê hương của mình giàu có lắm hay sung túc lắm. Đất đai Hà Tĩnh cằn cỗi, khí hậu Hà Tĩnh khắc nghiệt, lũ trên ngàn đổ về mỗi năm, mưa và nắng đến rồi đi bất chợt, người Hà Tĩnh chừng như luôn đương đầu với thiên tai và thất bát.

Hôm nay Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi mời quí vị về thăm Hà Tĩnh, trò chuyện cùng linh mục Trần Mạnh Quý, quản xứ Đông Tràng , hạt Nghĩa Yên, giáo phận Vinh. Có thể coi ông là nhân chứng về đời sống cơ cực của người đất trong vùng đất nghèo khó nhưng cũng là nơi sản sinh ra lắm nhân tài của đất nước.

Với năm họ đạo có tên là Đông Trung, Phúc Nghĩa, Yên Bài, Bình Hoà, Tứ Mỹ, giáo xứ Đông Tràng qui tụ ba ngàn người, sống dọc theo sông Ngàn Phố, hàng năm đưa lũ về tàn phá ruộng vườn và hoa màu của cư dân. Giáo xứ Đông Tràng thuộc vùng sâu vùng xa, nằm về hướng Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, giáp ranh biên giới Lào Việt.

Nếu gọi theo đơn vị hành chính thì đây là xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Để hiểu rõ cuộc sống nơi này, không gì bằng nghe vị chăn dắt tinh thần là linh mục Trần Mạnh Quí mô tả vùng đất nghèo mà ông gắn bó:

Vùng sâu vùng xa là vì xa thị trấn này, xa đô thị này, rồi gần sông núi, lũ lụt ở ngàn về nhanh lắm vì ở gần ngàn mà.

Hầu hết cuộc sống ở Hương Sơn và Hương Khê là nông nghiệp, là một nắng hai sương. Mỗi năm, đến mùa lũ, lượng nước từ sông Ngàn Phố đổ về , gây thiệt hại nhà cửa và ruợng vườn khiến người dân nghèo càng nghèo thêm, đất canh tác lại không màu mỡ gì mấy vì lũ lụt mang cát bồi thêm vào đất:

Cuộc sống chủ yếu về nông nghiệp , ngô, khoai, sắn, đậu lạc… nhưng mà chủ yếu là lúa. Trong năm họ đạo này thì có hai họ không có đất trồng lúa mấy đâu mà chủ yếu là đậu lạc thôi bởi vì đất màu cũng ít mà đất ruộng cũng ít. Cũng có chổ đất cày lên sỏi đá vì nó ảnh hưởng đồi núi.

Như họ Phúc Nghĩa thì trồng ngô và trồng cây thông, gọi là rú rừng đó , rồi họ Tứ Mỹ cũng là rú rừng , bên thì có núi , có sông , rồi thì đất cát bồi. Những nơi trồng màu khi lũ lụt về thì đất cát lại bồi lên . Cũng có những chổ nếu gần núi thì đất đá, mà xuống xa một tí là đất cát do nước sông lên, hàng năm lũ lụt về lại bồi thêm cát.

Lũ lụt hoành hành

Còn nói về sự hoành hành của lũ lụt, nhất là trận lụt cuối cùng vừa rồi của năm 2007 ở vùng Hương Sơn hay Hương Khê của Hà Tĩnh, linh mục Trần Mạnh Quí cho biết :

Trận lụt này thì nói chung bị mất mùa thôi. Còn về lũ lụt những năm trước như 2002 chẳng hạn thì Hương Sơn bị rất nặng. Năm nay thì Hương Khê bị nặng hơn. Cái vấn đề trôi nhà cửa, của cải, vật chất của cả gia đình thì Hương Sơn năm nay nhẹ hơn .

Và tuy lũ lụt năm nay nhẹ , mùa màng ở Hương Sơn cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng: Mùa năm vừa rồi, lúa gần trổ thì nước vào cho nên thối hết, có những nơi lúa gần chín để gặt rồi thì nước cũng vao luôn. Sau khi nước rút thì cả cánh đồng khô trắng hết, chẳng còn gì hết. Mất là mất như thế.

Sau khi lụt ra rồi thì người ta tỉa ngô, được một thời gian vừa mới lên một hai phân thì mưa bão tới dập luôn. Rồi đậu lạc đương thu hoạch dở , được một phần ba thì nước ngập nên cũng chết luôn. Đó là tình trạng năm vừa rồi ở đây, lũ lụt xong rồi lại ảnh hưởng mưa nhiều nữa, nó liên quan hai ba thứ như thế, cho nên đói nghèo là vì như thế đó.

Năm 2002, khi Hà Tĩnh nói chung và Hương Sơn nói riêng bị lụt tàn phá nặng, chính phủ trung ương trích một số tiền lớn từ công quĩ để cứu trợ và uỷ lạo nạn nhân địa phương. Nhận xét về công tác cứu lụt của nhà nước đối với Hà Tĩnh, linh mục Quý nói:

Vấn đề đó thì bao giờ chính phủ cũng có , như Hương Sơn năm 2002 đó, 29 tỷ đồng Việt Nam đó. Nhưng mà Hương Sơn thì bây giờ các ông chi sai hết, khi làm việc này khi làm việc kia. Khi người ta tìm ra được khuyết điểm của các ông thì các ông nói là chi việc nọ chi việc kia. Thì bây giờ họ nói rằng do cán bộ chi sai, trong lúc đó dân đói dân nghèo dân này nọ thì nói cho qua chuyện vậy thôi.

Thực ra thì đến tay dân đã ăn thua gì đâu. Cụ thể như Đông Tràng đây thì được người vài gói mì tôm hoặc là vài ký gạo như vậy. So với đồng tiền mà nhân dân hổ trợ rồi chính phủ góp về thì không đến với dân đầy đủ.

Vẫn theo linh mục Trần Mạnh Quí, bên cạnh đó còn có những đoàn cứu trợ tự phát ở trong nước hay từ nước ngoài hướng về vùng đất lụt lội của Hà Tĩnh :

Những đoàn đó mà trực tiếp thì đều đến người dân hết. Ví dụ như trận lụt năm 2002 thì Đông Tràng đây chưa được nhiều người biết đến , nhưng ở xứ Kẻ Mui thì các thầy các cha ở nơi này nơi kia, người quê hương họ giới thiệu nên cũng có nhiều hội đoàn ở Sài Gòn ở miền Nam ra. Thì khi đem đến cho các linh mục thì những của đó sẽ được chia đều trong gíao xứ mà kể cả người lương nữa.

Vừa rồi ở đây thì qua trận lụt như thế thì mình phải xin gạo, xin chăn màn để phát cho dân không kể lương giáo . Ai cần cứ đến xin là mình mua hàng trăm bộ chăn màn để phát. Năm ngoái ở Đông Tràng đây là phát bảy trăm bộ chăn màn đó. Tôi cứ đi xin như vậy, xin hội này hội kia, có xin được hội HELP ở Mỹ cũng được một ngàn đô đó.

Các hội đoàn ở ngoài vào, như ở Hương Khê vừa rồi , thì họ cứ đến trực tiếp với các linh mục là ổn nhất. Họ không đưa qua chính quyền.

Như vậy thu nhập của người dân tại giáo xứ Đông Tràng ra sao, con em liệu có được học hành tới nơi tới chốn không hay bỏ dỡ nửa chừng? Linh mục Quý giải thích:

Giáo dân ở đây cũng như là một số dân ngoại, trừ những con em có cha mẹ làm cán bộ hay cha mẹ có công việc gì với nhà nước thì nó đỡ hơn. Còn đối với những em nông thôn mà dựa vào hạt lúa củ khoai của sắn thì bây giờ một yến lúa khoảng bốn mươi ngàn, làm một mùa như vậy thì may ra được một tấn lúa . Một tấn lúa nếu để ăn thì đủ, nhưng nếu mất mùa thì thiếu ăn.

Ngoài cái lúa đó ra họ có thể làm thêm được một số lạc số đậu, nhưng nếu thiên tai bảo lụt thì cũng mất luôn.

Ngoài ra bây giờ họ còn chăn nuôi, ví dụ như ở đây là phong trào nuôi hươu, nhà nào khấm khá thì vài ba con, ví dụ một năm đẻ một con hươu thì bán trung bình khoảng năm triệu đồng. Tất tần tật chi vào bao nhiêu đó. Mà gia đình nào không có vốn thì không nuôi được. Ở đây nuôi hươu thì rất kinh tế, gia đình nào có hai ba con hươu thì nuôi được vài đứa con ăn học.

Nghĩa là học đến mức độ từ cấp Một cấp Hai thôi, còn lên cấp Ba là khủng hoảng luôn. Bởi vì tiền học bây giờ không phải dể, tiền xây dựng trường, tiền học thêm rồi phí này phí khác. Bao nhiêu cái khoản làm cho người nông dân chỉ nhìn vào mấy hạt lúa hạt khoai , gia đình đông con thì không có điều kiện mà đi học đầy đủ.

Có những em đi học tới nơi tới chốn, tuỳ theo hoàn cảnh gia đình. Nhưng có những em đi học với cách là học để theo bạn theo bè để theo lớp thôi nhưng chất lượng lại không có. Vì thế đến năm cuối cấp thì có thể là không đậu tốt nghiệp, rồi gia đình nghèo cho nên em phải bỏ học ra phụ giúp cha mẹ . Trong vấn đề học hành có nhiều cái chi phối các em , nhiều em bỏ học nửa chừng để rồi vào thánh phố Sài Gòn đi giữ em hoặc là đi làm gọi là ô xin đó.

VnWorkerSoutKorea200.jpg
Hôm 5-11-2007, công nhân Việt Nam tập trung tại sân bay Hà Nội để chuẩn bị sang Nam Hàn lao động. Photo AFP

Lao động nước ngoài

Dưới chủ trương của chính phủ là cho phép người dân trong độ tuổi lao động ra nước ngoài làm việc , hầu giải quyết tình trạng thất nghiệp trong nước cũng như tự thoát ra khỏi cảnh nghèo túng , đã có nhiều thanh niên ở Hà Tĩnh tìm cách chạy chọt đóng tiền cho công ty môi giới để sang làm việc ở Đài Loan , Malaysia, Hàn Quốc. Theo linh mục Trần Mạnh Quý, nhà nào có con đi lao động nước ngoài thì tương đối sung túc hơn xóm giềng của mình :

Thì những gia đình đó con em học hành đầy đủ, bởi vì một tháng họ lao động của họ ở Hàn Quốc là có trên một ngàn đô. Trên một ngàn đô thì nuôi được vài ba em ăn học, có những gia đình nuôi con ăn học thoài mái. Còn bây giờ muốn đi Hàn Quốc thì phải có hàng trăm triệu đồng mới ra được nước ngoài, thì lấy gì đâu mà lo. Vay ngân hàng thì phải thế chấp, trong gia đình thì có gì mà thế chấp? Cho nên nhiều thanh niên muốn đi mà không đi được.

Phải chăng vì giáo xứ Đông Tràng nằm tại khu vực giáp ranh Lào, vì thế nhiều thanh niên trong làng , kể cả phụ nữ, còn đi làm cửu vạn, tức là nghề bốc vác và thồ hàng qua biên giới. Khi Thanh Trúc hỏi linh mục Trần Mạnh Quý về điều này thì ông xác nhận là có:

Từ xứ Đông Tràng lên tới Kẻ Mui, tức là gần hơn, rồi từ Kẻ Mui lên xứ Kim Cương, thì bây giờ phụ nữ cũng như là thanh niên họ đi cửu vạn, họ vác hàng qua biên giới để kiếm sống, cái đó thì đầy luôn. Tình trạng này thì ở xứ Kẻ Mui nhiều lắm.

Thưa quí vị, qua buổi trò chuyện với linh mục Trần Mạnh Quý, Thanh Trúc được biết nhà thờ ở Yên Bài, một trong năm họ thuộc giao xứ Đông Tràng mà ông đang coi sóc, đã bị hư hỏng và xuống cấp đến không thể sử dụng được nữa. Giải thích về điều ông ấp ủ và mong ước có thể xây dựng lại thánh đường ở Yên Bài, linh mục Trần Mạnh Quý nói rằng đối với giáo dân Đông Tràng thì nhà thờ là linh hồn của giáo xứ:

Người Công Giáo nhất là ở vùng sâu vùng xa này niềm vui của họ là nhà thờ. Vui buồn cũng ở nhà thờ, chết cũng ở nhà thờ, lể cưới cũng ở nhà thờ, học giáo lý cũng ở nhà thờ, sinh hoạt cộng đoàn cũng ở nhà thờ, tinh tâm cũng ở nhà thờ. Tất tần tật ở nhà thờ. Cho nên nhà thờ là cái linh hồn của một giáo xứ giáo họ.

Hiện tại ở vùng đây thì nhà thờ là cái linh hồn của một giáo xứ, mà nếu như làm được một cái khang trang đẹp đẽ thì đó là cẻ đẹp của xã hội , nó mang cái máu sắc, cái văn minh cho cả cộng đồng, nhất là ở vùng sâu vùng xa này.

Hà Tĩnh là vùng giáp giới Lào, cũng như An Giang Châu Đốc là vùng giáp ranh Campuchia. Đây là những vùng nghèo trong nước. Thế nhưng cái nghèo ở Hà Tĩnh không n3y sinh những vấn đề phức tạp như cuộc sống cơ cực ở An Giang Châu Đốc. Trẻ em Hà Tĩnh dù như thất học thì cha mẹ cho vào thành phố lớn để làm ô xin, phụ nữ Hà Tĩnh nhiều người qua Lào để bán hàng rong trên bến sông Mekong chảy ngang thủ đô Vientiane, thanh niên nam nữ Hà Tĩnh không có việc thì đi làm cửu vạn.

Tệ nạn buôn bán phụ nữ và thiếu nhi

Còn An Giang và Châu Đốc kế bên Kampuchia thì sao? Từ Tây Ninh, một nhân viên làm trong phần vụ phòng chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và thiếu nhi thuộc tổ chức phi chính phủ có tên là Pacific Link, nhấn mạnh với Thanh Trúc là tình trạng trẻ Việt ở An Giang Châu Đốc bị buôn qua biên giới vào đường mãi dâm là vấn đề nổi cộm nhức nhối ở địa phương này. Điều đáng buồn là đa số những em gái ở An Giang Châu Đốc bị chính cha mẹ ruột bán đi chứ không ai khác.

Theo nữ nhân viên Pacific Link này, tệ buôn phụ nữ và trẻ em qua biên giới là chuyện chưa thấy ở vùng Hà Tĩnh giáp giới Lào. Tuy nhiên bà khuyến cáo là chuyện gì cũng có thể xảy ra cho người nghèo, nhất là cho trẻ em nghèo mà không được bảo vệ.

Trở về với người dân của giáo xứ Đông Tràng tỉnh Hà Tĩnh , đang chống chọi và đang tìm cách vươn lên khỏi cái nghèo, linh mục Trần Mạnh Quý góp ý là nhà nước cần hổ trợ cho người họ ba92ng những dự án cho vay thực tiễn nhất. Ông nói:

Đường lối thì bây giờ ai cũng muốn nhà nước là mẹ là cha thì quan tâm đến con cái . Người dân thì ví dụ họ không có trâu cày thì cho họ vay con trâu đi , họ muốn nuôi con hươu thì có tiền cho họ vay đi, chỉ có bằng cách đó chứ không còn cách chi hơn cả.

Người dân thiếu vốn bây giờ vay ngân hàng , mà vay ngân hàng thì phải trả lãi. Mà bây giờ nuôi một con hươu để mà trả lãi khi chưa có thu hoạch thì phải trả tiền lãi rồi. Cũng có những nơi họ cho vay vốn nhưng vay vốn không phải dể, người nghèo lại càng khó vay. Thực tế là như thế.

Quí thính giả vừa theo dõi câu chuyện về quê làng nghèo ở giáo xứ Đông Tràng tỉnh Hà Tĩnh, với những địa danh thật gợi nhớ như Hương Sơn, Hương Khê, Kẻ Mui, Ngàn Phố, Đông Trung, Phúc Nghĩa, Yên Bài, Bình Hoà, Tứ Mỹ vân vân…

Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi đến đây tạm chấm dứt, Thanh Trúc xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.