Người Việt Nam đầu tiên được Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế trao giải liêm chính


2007.12.20

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Một phụ nữ Việt Nam, bà Lê Hiền Đức, được Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International), trao tặng giải thưởng có tên là Integrity Award, tức giải Liêm Chính, nhằm cổ vũ những cá nhân dũng cảm trên khắp thế giới dám chống lại những vấn đề tiêu cực.

LeHienDucCorruption200.jpg
Bà Lê Hiền Đức khoe tấm hình mang những tấm huy chương tại nhà riêng ở Hà Nội 11-12-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Minh Bạch Quốc Tế là một tổ chức chống tham nhũng có chi nhánh tại 90 quốc gia, hàng năm thu thập dữ liệu để đúc kết thành Bản Chỉ Số Tham Nhũng Toàn Cầu mà doanh nghiệp các nứơc có thể tham khảo trứơc khi quyết định đầu tư vào một quốc gia nào đó. Giải thưởng Liêm Chính được Minh Bạch Quốc Tế đặt ra từ năm 2000, nhận sự đề cử từ các tổ chức, cá nhân, hay từ chính thành viên của tổ chức.

Về Integrity Award tức giải Liêm Chính, chủ tịch tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, bà Huguette Labelle, nói rằng giải thưởng Liêm Chính vinh danh những người quyết tâm bảo vệ niềm tin và giá trị của họ bằng những hành động dũng cảm, và những người được tặng giải cho thấy là ngay cả thường dân cũng có thể làm nên những việc trọng đại, họ là những anh hùng trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Một thành viên khác của Minh Bạch Quốc Tế, bà Gypsy Guillen Kaiser, cho biết: Bà Lê Hiền Đức là một trong 40 ứng viên. Chúng tôi nhận sự đề cử từ khắp thế giới của các nhà chuyên môn về chống tham nhũng đã hoạt động trong lãnh vực này từ nhiều năm qua. Uỷ ban tuyển chọn gồm 11 chuyên gia quốc tế bỏ phiếu chọn nhũng người trong danh sách chung kết, quyết định người được trao giải.

Bà Lê Hiền Đức là một trong các ứng viên được đề cử vào chung kết, việc tuyển chọn rất kỹ lưởng và công bằng hầu tìm ra cho được trên khắp thế giới ba người tiêu biểu hàng năm, thể hiện được ý chí và hành động chống tham nhũng cho đất nứơc của họ.

Kiên trì chống tham nhũng

Là người Việt Nam đầu tiên thắng giải Liêm Chính 2007, bà Lê Hiền Đức, 77 tuổi, là một nhà giáo đã về hưu, hiện ngụ tại phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội. Bà được một nhân viên thiện nguyện của Minh Bạch Quốc Tế đề cử với tổ chức sau khi biết câu chuyện chống tham nhũng kiên trì của bà.

Bà Lê Hiền Đức là một trong 40 ứng viên. Chúng tôi nhận sự đề cử từ khắp thế giới của các nhà chuyên môn về chống tham nhũng đã hoạt động trong lãnh vực này từ nhiều năm qua. Uỷ ban tuyển chọn gồm 11 chuyên gia quốc tế bỏ phiếu chọn nhũng người trong danh sách chung kết, quyết định người được trao giải.

Thanh Trúc xin được hân hạnh giới thiệu nhà giáo nghĩ hưu Lê Hiền Đức đến với quí vị:

Bà Lê Hiền Đức : Thời còn trẻ tôi là lính đi chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Sau khi tôi được đi học về ngành sư phạm thì tôi bắt đầu chuyển sang nghề dạy học và hơn 30 năm, mà nói nôm na là nghề trồng người, và chính vì tôi yêu cái nghề trồng người đó cho nên ngày nay, khi tôi đã nghỉ hưu, tôi không nề hà tuổi tác, sức yếu, cứ khi nào thấy một việc gì gọi là bất công trong xã hội, nói một cách danh từ vui vui, thấy một chuyện gì bất công là nhảy vào luôn.

Tôi có rất nhiều chuyện, nhưng tôi xin thưa là tôi đi sâu vào chuyện bất công trong ngành giáo dục. Tôi đã từng trả lời các phóng viên là phải bắt hết những con sâu trong ngành giáo dục để làm cho ngành được trong sạch và giữ được niềm tin với nhân dân.

Hiện tôi có 4 công việc mà tôi đã báo cáo với các cấp lãnh đạo, thanh tra để xem xét, làm rõ và xử lý những vụ tiêu cực đó. Hơn một năm rồi, từ tháng 7-2006 và đến hôm nay là gần hết 2007 rồi, nói như thế để chị thấy rằng cái sự đeo đẳng của tôi là rất kiên trì.

Thanh Trúc : Thế thì ý kiến của Bà có được cấp trên lắng nghe hay không?

Bà Lê Hiền Đức : Như ông Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân hay ông Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng thì các ông ấy lắng nghe ý kiến của tôi báo cáo và các ông chỉ thị xuống để cấp dưới giải quyết, làm cho tôi rất tin tưởng vào các cấp lãnh đạo. Nhưng, đây là vấn đề chắc là vào mấu chốt, nhưng các cấp dưới thì họ bao che cho nhau, họ bênh vực, họ bưng bít, họ xuê xoa, thậm chí họ còn báo cáo với cấp trên sai sự thật.

Khi Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến trao cho Sở Giáo Dục Hà Nội phải xử lý, xem xét những chuyện tiêu cực, thì Sở Giáo Dục đã hơn một năm nay không giải quyết một tí nào hết. Nghe thấy điện thoại của tôi, họ nói rằng "Bác nhầm máy rồi!". Sở Giáo Dục họ đã trốn tôi, họ lãng tránh tôi, người này đẩy cho người kia giải quyết.

Có những hôm tôi phải đi tới 8 vòng ở trong hai cái địa điểm của Sở Giáo Dục (Hà Nội). Đến trụ sở này, họ chỉ tôi sang trụ sở kia. Đến bên kia thì lại chỉ bên này, v.v. Trong một buổi sáng mà bà già 77 tuổi đi bộ, họ vẫn đùn đẩy cho nhau, họ bưng bít cho nhau, họ bao che cho nhau. Hơn một năm trời rồi họ vẫn chưa trả lời tôi, chưa giải quyết.

“Bà già lắm chuyện”

TransparencyInternationalAward200.jpg
Integrity Awards. Courtesy transparency.org >> Xem hình lớn hơn

Thưa quý vị, khi Thanh Trúc hỏi bà Lê Hiền Đức về những việc tiêu cực trong ngành giáo dục khiến bà trăn trở bức xúc đến phải đi kiện lên trên, bà trình bày:

Bà Lê Hiền Đức : Cụ thể là tuyển sinh sai quy chế. Thí dụ các cháu học sinh lúc đầu là không đủ điểm thì không được vào, nhưng sau khi các cháu đủ điểm chuẩn đi nơi khác học rồi (ra học trường dân lập) thế thì khi ra trường dân lập thì phải nộp nhiều tiền hơn. Sau đó sở giáo dục ấy, với cái trường phổ thông trung học ấy, nó hạ điểm chuẩn xuống.

Vậy thì các cháu ít điểm hơn, nhưng nếu là con ông cháu cha là vẫn được vào. Con em nhân dân thì lại ra ngoài dân lập. Tại sao thế? Họ bí mật hạ điểm xuống mà không thông báo công khai nên là học sinh 48 điểm ra ngoài, 46 điểm thì lại được vào bởi vì đó là những con ông cháu cha. Việc ấy tôi đã báo cáo từ năm 2006. Đấy là trường học phổ thông tuyển sinh sai quy chế.

Tôi xuống đến một cấp nữa là trường trung học cơ sở, gọi là cấp 2, cũng rất nhiều chuyện sai lầm. Ví dụ giáo viên không có đủ trình độ chuyên môn mà vào dậy, hoặc là hiệu trưởng không đứng lớp mà lại cứ tự ký bảng lương cho mình được nhận tiền bồi dưỡng đứng lớp. Không đứng lớp, không làm việc mà được hưởng đấy. Những người giaos viên đứng ra tố cáo thì bị trù dập.

Cho tôi nói nốt một trường hợp nữa. Cấp 1, tức là trường tiểu học, mà hiện nay chính cái vụ này là vụ mà tôi đang bức xúc nhất. Hiệu trưởng của một trường lại chỉ đạo bắt giáo viên tổ chức ăn bớt tiền ăn của các cháu. Phụ huynh nộp tiền để buổi trưa các cháu ở lại ăn cơm, chiều mới đón về.

Một người hiệu trưởng mà lại chỉ đạo rút bớt tiền ăn của trẻ con, điều ấy -theo tôi- tôi gọi là dã man. Bây giờ con chị đem đi gửi, nộp một ngày 6 nghìn, cho ăn 3 nghìn thôi, còn 3 nghìn cho vào túi. Bắt ép giáo viên phải làm theo mình, có những chị giáo viên bức xúc quá phải xin về hưu trước tuổi. Đấy là một chuyện.

Và còn có những giáo viên khác đứng lên tố cáo thì bị hiệu trưởng trù dập. Cô hiệu trưởng tôi nói luôn tên là Tạ Thị Bích Ngọc không có trình độ chuyên môn, chưa dạy cấp 1 bao giờ, nhưng bây giờ lại là hiệu trưởng cấp 1, thì sau khi bị tôi và giáo viên, phụ huynh tố cáo rồi thì cổ chạy chọt, cổ xoay sở, xin xỏ chỗ nọ chỗ kia, và cho đến bây giờ hơn một năm rồi vẫn là hiệu trưởng.

Chính vì thế tôi vẫn đeo đuổi cái sự việc này và tôi nói rằng tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Bà Lê Hiền Đức thổ lộ với Thanh Trúc rằng chính những hành động mà người chung quanh thường chọc ghẹo bà là "bà già lắm chuyện" thì cũng đã gây cho bà rất nhiều khó khăn. Bà nói những việc làm ấy khiến cho bà có nhiều người thường nhưng cũng lắm người ghét.

Bà Lê Hiền Đức : Tôi đã bị, tôi phải dùng cái danh từ "khủng bố tinh thần". Nó thuê người đến nhà tôi, đe tôi "Dừng lại đi! Đừng chống tiêu cực nữa!, nếu không, ra đường thì sẽ bị xe tông vào đấy!". Nó gọi điện thoại đến nhà tôi trấn áp tôi "Nếu không dừng lại thì sẽ đập chết như một con chuột". Thậm chí hơn nữa là có một vòng hoa tang đem đến đặt trước cổng nhà tôi ghi "Kính viếng hương hồn cụ". Tôi không chùn bước.

Như ông Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân hay ông Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng thì các ông ấy lắng nghe ý kiến của tôi báo cáo và các ông chỉ thị xuống để cấp dưới giải quyết, làm cho tôi rất tin tưởng vào các cấp lãnh đạo. Nhưng, đây là vấn đề chắc là vào

Mỗi một việc làm của tôi thành công hay không thành công cũng có những báo chí người ta đến người ta phỏng vấn tôi và người ta đăng báo. Cả trong nước lẫn ngoài cũng như hoặc là BBC, hoặc là AFP, nhiều hãng thông tấn trên thế giớí người ta qua những báo chí của Việt Nam và từ cái thông tin trong nước và ngoài nước nói về cái gương chiến đấu của tôi mà một người trong Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế vô tình đọc được, chứ tôi không hề quen biết ai ở trong cái tổ chức ấy cả.

Minh Bạch Quốc Tế gửi thông tin cho tôi qua đường e-mail báo cho tôi biết rằng bà đã được vào chung kết trong số 5 người, và ngày 12 tháng 12 vừa rồi thì Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế lại gửi e-mail đến cho tôi và chúc mừng tôi là bà đã được là 1 trong 2 người chiến thắng, tức là được trao giải sắp tới đây.

Kinh phí cho chuyến đi

Nếu có thể được thì đến đầu sang năm bà Lê Hiền Đức sẽ lên đường sang Berlin (Đức Quốc) để nhận giải thưởng Integrity Awards, tức Giải Thưởng Liêm Chính. Khi Thanh Trúc hỏi là có muốn thực hiện chuyến đi mơ ước và làm cho bà phấn khởi như vậy không, bà trả lời :

Bà Lê Hiền Đức : Hiện nay là tôi rất phấn khởi và cũng đang quyết tâm để đi, vì đây là một chuyến đi rất là vinh dự, phải không chị? Nhưng mà thực chất bây giờ tôi còn đang trăn trở lắm. Tôi rất nghèo, phải nói là cá nhân tôi không giờ mơ tới cái chuyến đi như thế cả, bởi vì "tiền đâu?". Bao nhiêu tiền lương dồn hết vào điện thoại, vào internet, vào tem thư để chống tiêu cực.

Nghèo lắm cho nên là tiền không thể có. Thế còn đối với nhà nước thì khi nhà nước biết tin tôi được trao giải của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế sắp tới đây thì chính ông Tổng Thanh Tra Nhà Nước cũng đánh giá cao việc làm của tôi, gọi là khen tôi, thì nó là một cái động viên lớn cho tôi. Thế còn kinh phí, nếu đi thì chắc là Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế tài trợ thôi, chứ còn tôi thì không có tiền.

Thanh Trúc : Với cảnh sống thanh đạm, rồi chuyến đi lãnh giải thưởng lo toan trước mắt mà không dám nói là có thể đi được, bà Lê Hiền Đức vẫn khẳng định tiếp tục công việc, tiếp tục cái lý tưởng chống tham nhũng trong ngành giáo dục dù cho có nhiều khó khăn. Đó là sự kiên trì của bà đến khi bà không thở được nữa.

Bà Lê Hiền Đức : Thường xuyên một tháng, nửa tháng, tôi lại gửi đơn tiếp tục báo cáo cấp trên. Mà mỗi một lần tôi gửi đơn lên cấp trên thì cấp trên lại chỉ thị xuống dưới, nhưng tôi nói rằng thí dụ những đơn vị như Sở Giáo Dục Hà Nội hay là một trường hai trường như thế, nó không xử lý, báo cáo với cấp trên sai, chính vì thế mà tôi kiên trì nhẫn nại, hy sinh thời gian, hy sinh sức lực, hy sinh tiền của của mình vào việc đi đây đi đó, làm đơn làm từ, tôi sẽ đeo bám cho đến bao giờ những vụ việc tiêu cực của ngành giáo dục được xử lý tôi mới yên tâm ra đi.

Quý thính giả vừa nghe xong câu chuyện về bà Lê Hiền Đức, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Giải Liêm Chính, một giải thưởng cao quý của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế. Câu chuyện về nhà giáo nghỉ hưu Lê Hiền Đức một lòng chống tham nhũng, chống tiêu cực trong giáo dục ở Hà Nội đến đây xin chấm dứt. Thanh Trúc xin hẹn lại quý vị tối Thư Năm tuần tớí.

Thông tin trên mạng:

- Honouring the unsung heroes of the fight against corruption

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.