Những trở ngại mà nữ lao động Việt Nam tại Malaysia gặp phải


2008.03.28

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Đời sống của công nhân lao động Việt Nam ở Malaysia là chủ để từng được khai thác nhiều lần trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi trước nay.

WorkerMalaysia200.jpg
Công nhân ngoại quốc trong giờ ăn trưa tại Malaysia. AFP PHOTO.

Hôm nay Thanh Trúc xin phép quay trở lại đề tài này qua câu chuyện nữ lao động người Việt từ Malaysia trở về nước, kể lại những trở ngại mà họ gặp phải.

Mục đích của câu chuyện hôm nay là giúp người đi sau, nhất là phái nữ, những cô gái miền quê chân chất thật thà, hiểu thế nào về những khó khăn mà họ không bao giờ lường trước được khi dấn thân đi làm việc ở một nơi chốn không phải là đất nước của mình.

Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay là hai nữ lao động Thanh Trúc không tiện nêu tên vì cả hai chị đều đã về nước. Mời quí vị cùng chuyện trò với chị thứ nhất, quê ở Khánh Hoà, qua Malaysia được hai tháng nhưng không kham nỗi nên phải cầu cứu người nhà vay tiền để giúp đưa chị về:

Nữ lao động người Khánh Hoà : Đi như vậy là vay ngân hàng 15 triệu tiền Việt Nam với mình làm mấy cái linh tinh lặt vặt là phải đóng thêm cho nó nữa là gần 20 chục triệu

Thanh Trúc : Công ty môi giới đưa đi là công ty nào?

Nữ lao động người Khánh Hoà : Công Ty Trường Sơn, chị.

Thanh Trúc : Kể cho Thanh Trúc nghe năm 2006 khi qua Malaysia thì những khó khăn nào đã xảy ra.

Nữ lao động người Khánh Hoà : Dạ. Nói chung thì công việc làm với lại tiền lương đó không có đủ cho mình trang trải, ăn uống, trả nợ trả nần, chị. Hai tháng em trở về lại Việt Nam đó.

Em cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và mình cũng muốn đi làm kiếm tiền, thì mình cũng nghe đài - báo nói là đi qua bên đó làm công việc - tiền lương ổn định, cao hơn ở Việt Nam. Thì tụi em nghèo mà, tụi em muốn đi để làm kiếm tiền. Qua bên đó em thấy công việc làm không có, rồi chỗ ăn chỗ ở, rồi lo sợ đủ thứ chuyện hết, nên phải cầu cứu về gia đình để gia đình vay chạy gửi qua cho em về. Nói chung là bà con dòng họ, chị.

Vay tiền để trở lại Việt Nam

Thanh Trúc : Chuyện trở về lại Việt Nam nghe nói là ở nhà phải vay tiền để cho đi về Việt Nam?

Nữ lao động người Khánh Hoà : Dạ đúng. Em cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và mình cũng muốn đi làm kiếm tiền, thì mình cũng nghe đài - báo nói là đi qua bên đó làm công việc - tiền lương ổn định, cao hơn ở Việt Nam. Thì tụi em nghèo mà, tụi em muốn đi để làm kiếm tiền. Qua bên đó em thấy công việc làm không có, rồi chỗ ăn chỗ ở, rồi lo sợ đủ thứ chuyện hết, nên phải cầu cứu về gia đình để gia đình vay chạy gửi qua cho em về. Nói chung là bà con dòng họ, chị.

Thanh Trúc : Đã trả hết nợ cho ngân hàng chưa?

Nữ lao động người Khánh Hoà : Chưa, chị (cười). Em mượn ở Ngân Hàng Nông Nghiệp ở huyện em ở đó. Tỉnh Khánh Hoà thì em ở ngoài huyện.

Thanh Trúc : Rồi ngân hàng người ta có liên lạc, người ta có đòi tiền không?

Nữ lao động người Khánh Hoà : Nói chung là khi làm ở trongcái trung tâm môi giới việc làm đó nó có viết một cái giấy như là nó đứng ra để bảo lãnh cho tụi em di vay thì khi vay thì tiền bạc tụi em không có trực tiếp nhận mà chuyển trực tiếp vào tài khoản của công ty đó, cho nên khi em về thì ngân hàng nó mới xuống đây nó đòi, nó đòi tiền, nhưng mà em không có tiền thì em phải đi vay đi chạy thế này thế nọ, em phải trả nguyên cái hợp đồng mà em vay 6 tháng em trả một lần đó, đỡ hơn phải chịu tiền tem đó chị.

Giờ hiện tại em còn 7 triệu rưỡi nữa, nhưng em mới trả đựơc có 3 lần à. Bảy triệu rưỡi là tiền gốc đó. Kệ. Vay chạy mượn đỡ hễ tới hàng quý là em phải trả vô mấy triệu như vậy đó. Còn thiếu nợ nói chung không phải là riêng ngân hàng còn ở ngoài gia đình vay chạy mượn cho mình nữa, chị.

Thanh Trúc : Hình như là cũng có một số người đồng cảnh ngộ mà họ không trở về được, họ kẹt lại bên Malaysia mà họ cũng chưa có công ăn việc làm đàng hoàng.

Nữ lao động người Khánh Hoà : Trường hợp đó có, chị. Trong cái đoàn mình đi mình thấy cái cảnh như vậy là mình cũng thấy sợ rồi.

Thanh Trúc : Có muốn đi xuất khẩu lao động nữa không?

Nữ lao động người Khánh Hoà : Muốn thì rất muốn nhưng mà trước tiên phải bảo đảm đời sống của mình, chớ bây giờ vay một lần để đi làm kiếm tiền mà xấc bất xang bang thì sợ nữa, cho nên em cũng sợ.

Thanh Trúc : Công ty Trường Sơn thì họ không nói gì hay sao?

Nữ lao động người Khánh Hoà : Em về em cũng có nói chuyện với họ nhưng mà họ dời công ty đi lung tung hết, rồi hành em đi tới đi lui, nói chung là cho hết tiền luôn đó. Họ sai lính lác gì ra trả lời thế này thế kia không à chớ còn giám đốc công ty Trường Sơn đã biến đi đâu hổng biết, sai người làm lặt vặt để tiếp chuyện với em thôi.

Hồi trước, khi tụi em chuẩn bị bước vô công ty đó để như là hỏi thăm công việc thì giám đốc nghe trực tiếp, trực tiếp đãi tụi em thế này thế nọ, nhưng khi tụi em mắc một cái nạn gì đó thì không thấy (giám đốc) đâu hết.

Tiền lương ít hơn tiền nợ

Vừa rồi là câu chuyện của một nữ lao động đến Malaysia chỉ mới hai tháng rồi tìm cách trở về. Người thứ hai, một chị ở Cà Mau, sang Malaysia lao động theo hợp đồng ba năm, nhưng đến năm thứ hai thì xin về nước và hiện vẫn còn nợ tiền ngân hàng :

Nữ lao động người Cà Mau : Tuị em đi vá lưới đó chị. Ở dưới đó miền biển mà. Em vá lưới phụ gia đình. Cuối năm 2004 gần bước qua 2005 em nghe trên đài tuyển đi lao động, em mới hỏi thử mà lúc đó ba mẹ hổng hay. Em tính đi đặng làm kiếm tiền giúp gia đình vì nhà cũng hơi khó khăn đó thì em mới đi. Đi làm hồ sơ.

Thanh Trúc : Tiền đâu mà để làm giấy tờ?

Nữ lao động người Cà Mau : Dạ, chi phí ở ngoài thì tự mình lo, em mượn tiền chế em với anh rể. Lúc đó chú em ở bển, chú em có gửi cho em 300 đô, tại vì em xin chú. Khi mà đi thì ngân hàng ký cho mình vay. Đi 16 triệu đó chị. Rồi ở ngoài em mượn chế em khoảng 3 triệu nữa, là cỡ hai chục, hai mươi mốt triệu đó.

Thanh Trúc : Rồi phải đóng cho công ty môi giới ?

Nữ lao động người Cà Mau : Không. Đóng công ty môi giới là mình vay ngân hàng đó. Ngân hàng nó chịu khoản đó hết. Kiểu như mình vay ngân hàng 16 triệu mà trong 16 triệu đó thì mình không có cầm cái gì hết, tự ngân hàng nó chi cho môi giới, vé máy bay này kia hết trơn luôn. Trong vòng 16 triệu còn mấy triệu lẻ là mình chi lặt vặt ở ngoài, làm hồ sơ, trong thời gian học tiếng Anh gì gì đó. Công ty tuyển em đi là Công Ty Dầu Khí ở Sài Gòn, còn công ty nhỏ chi nhánh ở Cà Mau đó, đó là Công Ty Xin Việc Làm, chỗ xin việc làm đó.

Thanh Trúc : Đi qua bên Mã Lai thì làm cái gì trong vòng 2 năm?

Nữ lao động người Cà Mau : Mới qua được 2 tháng là ở bển các chị cũ có đình công. Đình công đòi mức lương tối thiểu đó, chớ mấy chị lúc trước làm ăn theo sản phẩm không à, ngày có mấy chục xen (cent) đâu có đủ xài đâu chị. Mấy chị đình công đòi mức lương tối thiểu là 18 ringgit

Thanh Trúc : 18 ringgit, tiền mã Lai đó hé.

Nữ lao động người Cà Mau : Dạ. Nhưng mà công ty nó không chịu.

Thanh Trúc : Công ty đó là công ty nào?

Nữ lao động người Cà Mau : Công ty "Binh Đinh" đó. Dạ, may không à chị. May đồ, mà dạng đồ trẻ em, đồ thun này kia đó.

Thanh Trúc : Khi mà ra phi trường có phải ký một hợp đồng đi qua bên này làm, một ngày lãnh bao nhiêu, một tháng lãnh bao nhiêu hay không?

Nữ lao động người Cà Mau : Dạ không. Đi qua bển là ký trở lại làm ăn theo sản phẩm. Làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu đó. Nhưng mà em thua một cái là nó không có nắm mức lương tối thiểu cho mình. Nhờ sau này các chị đình công thắng nên có mức lương tối thiểu có 12 ringgit à.

Thanh Trúc : Một ngày hay một giờ?

VnWorkerSoutKorea200.jpg
Do cuộc sống khó khăn ở quê nhà, nhiều người Việt Nam tìm cách ra nước ngoài làm việc với hy vọng kiếm tiền giúp đỡ gia đình. AFP PHOTO.

Nữ lao động người Cà Mau : Một ngày. Ngày làm 8 tiếng đó chị.

Thanh Trúc : 12 ringgit như vậy thì có đủ ăn hay không?

Nữ lao động người Cà Mau : Không. Nếu mà người nào hà tiện quá thì đủ xài chứ đôi khi thiếu. Mình là con gái mà, đôi khi còn phải cái này cái kia nữa. Em ở bển có lúc công ty không có hàng, em ra ngoài em may. May thêm đó. May tư nhân đó.

Thanh Trúc : Làm 2 năm coi như không có để dành tiền trả nợ được sao?

Nữ lao động người Cà Mau : Đâu có nhiều đâu mà trả. Em cho chị biết nhiều khi các bạn có nhiều người về tới Việt Nam cũng không còn đồng nào. Tại vì nửa năm sau này đâu có hàng để làm, toàn là ngồi chơi không à. Vì công ty không có hàng mình đâu có việc làm.

Về nước vẫn còn nợ ngân hang

Thanh Trúc : Rồi trở về bên Việt Nam rồi vẫn còn mắc nợ ngân hàng hay sao?

Nữ lao động người Cà Mau : Còn chớ chị. Chớ tiền đâu em trả. Em về trong mình em còn có hai trăm mấy đô à. Mà lúc đó công ty ở bên này qua. Nó nói một là về nước, hai là nó tuyển qua công ty điện tử. Nếu mà không về thì mình qua công ty điện tử làm, còn mà về nước thì nó đưa lại cho mình 100 đô, trong khi mình vay 16 triệu đó đó nó trừ tiền môi giới, tiền này tiền kia, tiền gì không biết, mà nó trừ rồi còn 100 đô đó.

Thanh Trúc : Về bên đó được bên công ty môi giới trả thêm 100 đô nữa?

Nữ lao động người Cà Mau : Dạ.

Thanh Trúc : Cho đến bây giờ vẫn còn mang nợ ngân hàng?

Nữ lao động người Cà Mau : Dạ. Thậm chí các bạn em về bây giờ cũng nợ ngân hàng nữa. Em về em chưa có gặp ngân hàng đâu chị.

Còn chớ chị. Chớ tiền đâu em trả. Em về trong mình em còn có hai trăm mấy đô à. Mà lúc đó công ty ở bên này qua. Nó nói một là về nước, hai là nó tuyển qua công ty điện tử. Nếu mà không về thì mình qua công ty điện tử làm, còn mà về nước thì nó đưa lại cho mình 100 đô, trong khi mình vay 16 triệu đó đó nó trừ tiền môi giới, tiền này tiền kia, tiền gì không biết, mà nó trừ rồi còn 100 đô đó.

Thanh Trúc : Ngân hàng không có liên lạc với mình để đòi?

Nữ lao động người Cà Mau : Tại vì em có điện em hỏi. Em điện ngay công ty tuyển em đi đó. Em hỏi thì công ty kêu liên lạc với ngân hàng. Khi em đi thì em làm hồ sơ ở Cà Mau mà. Lúc đó em đi thì em nghĩ cũng đơn giản, nhưng mà thực sự ở bển hổng phải.

Mà em nghe nói là công ty đó hình như là đóng cửa rồi. Tại vì em hợp đồng là hợp đồng 3 năm chớ hổng phải 2 năm, nhưng mà người nào hết giáp năm là nó cứ tuyển cho về à. mà lúc đó công ty nói nếu người nào có tiền đóng thuế ở lại, mà đóng trước, ở lại may thì công ty nó còn cho ở lại may, còn không thì nó tiễn đi hết.

Thanh Trúc : Tiền thuế gì vậy?

Nữ lao động người Cà Mau : Tiền visa đó, chị. Thanh Trúc : Mình đi mình ký hợp đồng 3 năm mà tại sao mình phải đóng thuế visa nữa?

Nữ lao động người Cà Mau : Thì đó, hàng tháng tụi em phải trừ thuế visa 100 ringgit đó. Công ty nó phát lương rồi phải trừ lại đó.

Thanh Trúc : Hồi qua bên Mã Lai sống ở đâu?

Nữ lao động người Cà Mau : Sống ở Bindu đó. Ở nhà quê chớ không phải ở Kuala Lumpur. Ở Batu Bahak đó. Gần giáp ranh Singapore đó.

Phải làm thêm

Thanh Trúc vừa trình bày đến quí vị hai trường hợp tiêu biểu về nữ lao động Việt Nam sang Malaysia, chẳng những không kiếm được tiền gởi giúp gia đình mà còn mang công mắc nợ khi trở về nước. Như lời chị ở Cà Mau tiết lộ với Thanh Trúc, vì chị có người thân ở nước ngoài trợ giúp nên có thể về sớm hơn dự định, nhưng còn nhiều chị cùng hoàn cảnh tương tự mà không biết xoay sở cách nào nên đành ở lại với một cuộc sống bất ưng, với những sinh hoạt mà họ không bao giờ nghĩ là có thể xảy ra cho mình. Việc này Thanh Trúc sẽ kể chi tiết với quí vị trong bài tới.

Đã có trên dưới 120.000 lao động Việt Nam sang Malaysia tính đến lúc này. Việt Nam vẫn coi Malaysia là một thị trường xuất khẩu công nhân hứa hẹn, giải quyết được phần nào ông ăn việc làm trên thị trường nội địa.

Vấn đề ở đây là người lao động khi ra đi có được hưởng đúng những quyền lợi mà môi giới hay công ty giới thiệu việc làm cam kết với họ hay không, có được chuẩn bị về mặt tinh thần, về tay nghề cũng như phương cách thích ứng với những thay đổi chưa thấy trước được không?

Anh Ngân : (công nhân một xưởng điện tử ở Penang) Chị tưởng tượng là mình sang bên đây nói chung là có thì giờ làm thêm mới kiếm được tiền nhiều chớ còn mà làm hết giờ làm việc thì về không có tiền mà về mà mất vốn thì chết rồi.

Thanh Trúc : Đã không có tiền về mà còn mất vốn là sao?

Anh Ngân : Bởi vì bây giờ đang làm lương cơ bản thì một tháng là 520 ringgit thì nếu mà không có tiền đầu tư thì làm gì làm đủ tiền ăn mà lại không có tiền về nữa.

Thanh Trúc : Tức là nếu không làm thêm thì không đủ tiền ăn ?

Anh Ngân : Như Ngân mà làm một tháng khoảng năm sáu trăm thì làm gì đủ tiền ăn. Thanh Trúc : Nhưng mà trước khi mình đi thì mình phải biết là mức lương của mình bao nhiêu, có đủ hay không chứ?

Anh Ngân : Mức lương cơ bản của mình là 520 ringgit đấy, tính ra tiền Việt Nam bây giờ là một triệu mốt là lương cơ bản đấy.

Thanh Trúc : Qua bên đó phải làm thêm hay là phải cố gắng xoay sở chớ còn nếu không là không có đủ?

Anh Ngân : Nói chung làm giỏi thì bất kỳ ở một công ty nào cũng có việc làm, nhưng mà ở Việt Nam tuyển công nhân sang đây không phải là tuyển được những người biết tháo vát giỏi giang, còn có những người đôi khi người ta cũng giống như kiểu những người đã có gia đình 5-6 đứa con thì già ba bốn chục tuổi thì làm sao mà làm theo kiểu công nghiệp của người ta.

Chẳng hạn đi sang làm máy vi tính thì làm sao được. Cày ruộng thì ai không làm được! Người Việt Nam sang đông chừng nào thì có con người này con người kia, đôi khi có những khác biệt như thế.

Thanh Trúc : Chừng nào Ngân mới hết hạn về nước?

Anh Ngân : (cười) Ngân nói chung là hết hạn thì không biết bao là hết hạn vì Ngân thích làm thì Ngân làm, không thích làm thì Ngân về. Ngân chỉ ký hợp đồng từng năm một, nếu mà làm ăn không được thì Ngân về thôi.

Mục Đời Sống Người Việt đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối Thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.