Đoàn cựu chiến Mỹ trở lại Việt Nam với công tác nhân đạo tại Quảng Trị

Vietnam Veterans Memorial Fund, Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam,là một tổ chức bất vụ lợi ở Hoa Kỳ. Năm 1979, được sự chấp thuận của quốc hội Mỹ, Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam dựng bức tường đá tại thủ đô Washington, trên đó ghi khắc tên tuổi 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ nằm xuống tại chiến trường Việt Nam.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2008.07.31
VietnamWarLandmine305.jpg Các nhân viên đang dò mìn, bởi sự hỗ trợ của Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam, tại trung tâm Quảng trị hôm 20-1-2006.
Photo: AFP

Từ năm 2000, trong mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh, quảng bá sự hiểu biết về tầm ảnh hưởng từ cuộc chiến này, Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam khởi sự chuyến đi hàng năm về vùng đất từng là nơi giao tranh khốc liệt trong cuộc chiến mà quân đội Hoa Kỳ dự phần trước kia. 

Phó giám đốc Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam, bà Holly Rotondi, cho biết:

Trong chuyến đầu tiên về Việt Nam năm 2000, chúng tôi nhận biết về những vấn đề mà người Việt Nam phải chịu đựng từ cuộc chiến mà người Mỹ có tham dự tại Việt Nam nhiều năm trước đây. Vấn đề lớn nhất chúng tôi thấy được chính là những vật thể chưa nổ còn sót lại và những bãi mìn bẫy chôn dưới đất. Từ đó chúng tôi thanh lập dự án Renew, một dự án nhân đạo để giúp đỡ người dân Quảng Trị.

Vào khi mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến quý vị tối nay, thì trưa ngày 31 tháng Bảy, một phái đoàn thứ bảy gồm 15 người đã lên đường sang Việt Nam, đến Quảng Trị để thực hiện những công tác xã hội nằm trong Project Renew, dự án nhân đạo và phúc lợi mà Quỹ Cựu Chiến Binh Việt Nam dành cho điểm nóng của bom đạn, mìn bẫy, chết chóc ngay trong thời chiến và cả sau khi chiến tranh kết thúc.

Hướng dẫn phái đoàn lần này vẫn là ông Jan Scruggs, giám đốc Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh, đồng thời có thêm ông Michael Marines, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Mười lăm người tham dự gồm cựu chiến binh đã tham chiến tại Việt Nam trước đây và vợ của các quân nhân đã qua đời.

Nuôi dưỡng ký ức

Trò chuyện với Thanh Trúc trước giờ lên máy bay, cựu chiến binh Jimmy Mosconis, tiểu đoàn phó Trung Đoàn Bộ Binh 199 của Hoa Kỳ, cho biết đây là chuyến đi thứ nhì của ông đến Việt Nam:

Tôi đi Việt Nam lần đầu năm 2007, tìm về Xuân Lộc với trưởng đoàn Jan Scruggs, nơi chúng tôi đã chiến đấu và bị thương năm 1969.

Trở lại Quảng Trị lần này, tôi tham gia xây dựng một trung tâm giáo dục ở Hà Bắc, trong đó có tiền do tôi đóng góp. Con trai của tôi là Derek, đang học trường Võ Bị Quốc Gia West Point, cũng di với tôi chuyến này.

Vẫn theo lời ông Mosconis, người dân ở Quảng Trị rất thân thiện, họ không có vẻ gì gọi là ác cảm đối với chúng tôi. Điều tôi quan tâm là đến giờ thỉnh thoảng vẫn có người đào phải hay đạp nhằm mìn bẫy mà chết hoặc bị thương tật. Thật ra bom hay mìn bẫy chưa nổ không còn là vấn đề lớn lao và tồi tệ như chiến tranh nhưng vẫn phải được coi là vấn đề vì sự nguy hiểm chết người chúng.

Bà quả phụ Linda George, có chồng là cựu phi công trực thăng ở Việt Nam, nói với Thanh Trúc rằng lý do bà trở lại Việt Nam là vì muốn nuôi dưỡng ký ức về người chồng quá cố. Bà nói bà muốn thăm lại thành phố Nha Trang, nơi chồng bà đóng quân thưở trước.

Tôi đến Việt Nam một lần rồi để tham gia vào những hoạt động nhân đạo của nhóm cựu chiến binh Hoa kỳ đã tham chiến trước kia ở Việt Nam. Tôi quan tâm đến những việc như yêu cầu mọi người đi khám nghiệm xem họ có bị nhiễm chất khai quang màu da cam không vì tôi tin rằng cái chết vì ung thư phổi của chồng tôi cách đây mười năm là hậu quả của hoá chất da cam trong thời gian anh ấy tham chiến tại Việt Nam. Đó là chuyện tôi làm nhiều nhất khi đi Việt Nam.

Bà quả phụ Linda George

Tôi đến Việt Nam một lần rồi để tham gia vào những hoạt động nhân đạo của nhóm cựu chiến binh Hoa kỳ đã tham chiến trước kia ở Việt Nam. Tôi quan tâm đến những việc như yêu cầu mọi người đi khám nghiệm xem họ có bị nhiễm chất khai quang màu da cam không vì tôi tin rằng cái chết vì ung thư phổi của chồng tôi cách đây mười năm là hậu quả của hoá chất da cam trong thời gian anh ấy tham chiến tại Việt Nam. Đó là chuyện tôi làm nhiều nhất khi đi Việt Nam.

Linda nói bà và hai quả phụ khác cùng những cựu chiến binh đi trong đoàn đều là thiện nguyện viên. Mọi người bỏ tiền túi để mua  vé máy bay, chịu mọi chi phí như ăn uống hay di chuyển.

Thế nhưng, bà nói tiếp, là bà sẽ trở lại Quảng Trị chừng nào Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam còn tổ chức những chuyến công tác hàng năm như thế này.

Phần lớn học sinh Việt Nam đều giỏi 

Ông David Tatum, trở về từ cuộc chiến Việt Nam, sau này là thành viên trong Mạng Lưới Giáo Viên Giảng Dạy Về Việt Nam, tổ chức vận động đưa đề tài chiến tranh Việt Nam vào học trình ở các trường Mỹ, chia sẻ:

Tôi đi lính năm 1965, từ 1967 đến 1968 tôi sang Việt nam phục vụ trong sư đoàn 3 thuỷ quân lục chiến, từng chứng kiến những gì xảy ra dọc vùng phi quân sự từ Khe Sanh đến Đông Hà . Chuyến này tôi đi với nhà tôi, người thường bảo nàng rất muốn hiểu biết về vùng đất mà người lính trẻ là tôi đã từng cấm súng chiến đấu ba mươi mấy năm về trước. Mặt khác nhà tôi cũng đặc biệt chú ý đến các chương trình mở rộng về mọi lãnh vực cho thiếu nhi Việt Nam.

Giải thích lý do vì sao ông tiếp tục những chuyến đi Việt Nam cùng với Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam, ông Tatum nói từ khi bắt đầu dạy học thì ông có một số học trò người Việt, phần lớn đều là học sinh giỏi, từng kể cho ông nghe về đất nước xinh đẹp của họ:

Tôi đã trải qua một thời trong cuộc chiến bên đó, tôi nghĩ là tôi hiểu được nền văn hoá của Việt Nam, thức ăn Việt Nam vẫn là món khoái khẩu của tôi. Chính vì thế mà tám năm về trước tôi đã nghĩ đến chuyện đi Việt Nam chứ không phải mới đây.

Tôi đã trải qua một thời trong cuộc chiến bên đó, tôi nghĩ là tôi hiểu được nền văn hoá của Việt Nam, thức ăn Việt Nam vẫn là món khoái khẩu của tôi. Chính vì thế mà tám năm về trước tôi đã nghĩ đến chuyện đi Việt Nam chứ không phải mới đây.

Ông David Tatum

Cô biết đấy, tôi có ba đứa con, bản thân tôi thì chưa thấy gì nhưng không rõ ba đứa con của tôi có đứa nào bị di hại vì chất diệt cỏ màu da cam không. Đó là cái tôi đang lo lắng.

Được hỏi trong tư cách cựu lính chiến mà nay trở thành nhà giáo mang hoài bãi giảng dạy về chuộc chiến Việt Nam, vậy khi trình bày đề tài này thì ông thường nhấn mạnh điều gì, ông David Statum trả lời:

Khi giảng về cuộc chiến Việt Nam, điều thứ nhất tôi muốn nói về kinh nghiệm bản thân trong cuộc chiến, chiến tranh là gì, làm sao để bằng mọi cách một cuộc chiến đừng bùng nổ. Tôi muốn nói không ai thích sống cùng chiến tranh, khi bạn đã trải qua một cuộc chiến rồi thì bạn không bao giờ muốn trở lại một cuộc chiến khác.

Một điều nữa mà từ khoá giảng dạy đầu tiên tôi đã nhấn mạnh là những lỗi lầm mà Hoa Kỳ gây ra ở Việt Nam. Tôi muốn nói lẽ ra Hoa Kỳ phải thấu hiểu lịch sử, thấu hiểu về con người Việt Nam trong đất nước của họ và phải lắng nghe họ kỹ hơn. Đó là những điều về Hoa Kỳ mà tôi tôi nói ra trước nhất để hy vọng không tái phạm.

Cố nhiên trước nay người Mỹ thực hiện nhiều chuyện tốt, nhiều chuyện đúng, thế nhưng sự lầm lẫn ở Việt Nam trở thành điểm đen trong lịch sử Mỹ, dẫn tới kết quả không mấy hay ho từ cuộc chiến này. 

Tính chất nhân đạo

Để có thể làm việc dễ dàng, đoàn cựu chiến binh Mỹ được sự hợp tác giúp đỡ của Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Trị. Một trong những mục tiêu chính và rất quan trọng của đoàn là chứng tỏ cho mọi người thấy nổ lực cũng như tính chất nhân đạo của kế hoạch tháo gỡ mìn bẫy mà đoàn cố gắng thực hiện trong tám năm qua. Về điều này, bà quả phụ Linda George cho biết:

Nhờ những chuyến công tác từ thiện về Quảng Trị mà đoàn ý thức được là người Việt Nam rất cần sự giúp đỡ, nhất là vấn đề tháo gỡ hơn ba trăm ngàn tấn bom và ba triệu rưỡi trái mìn chưa nổ còn nằm sâu trong đất.

Nhờ những chuyến công tác từ thiện về Quảng Trị mà đoàn ý thức được là người Việt Nam rất cần sự giúp đỡ, nhất là vấn đề tháo gỡ hơn ba trăm ngàn tấn bom và ba triệu rưỡi trái mìn chưa nổ còn nằm sâu trong đất.

Bà quả phụ Linda George

Phái đoàn của Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam về Quảng Trị lần này là nhóm thứ bảy tính từ năm 2000 đến giờ. Trong thời gian ở Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 10 tháng này, đoàn sẽ tiếp xúc với nhiều viên chức chính quyền, các tổ chức khác đó có Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam.

Thông qua buổi thuyết trình từ Cơ Quan Hỗn Hợp POW và MIA, gọi tắt là JPAC, ở Hà Nội, đoàn sẽ được trình bày về nổ lực giữa người Mỹ và người Việt liên quan đến trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ trước hệ quả chiến tranh tại Đông Nam Á.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào. Hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.