Cùng em vững bước đến trường khi mùa đông tới

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013.11.01
196872_314091848708816_1710704468_305 Nhóm Cùng Em Vững Bước trong một chuyến từ thiện ở Thượng Nung trước đây.
Courtesy FB Cùng Em Vững Bước

 

Mùa đông 2012, mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đã giới thiệu đến quí vị về HOPE, Hy Vọng, một nhóm từ thiện của các bạn trẻ trong Nam, qua chương trình Sưởi Ấm Bokul dành cho các em dân tộc nghèo tại Gia Nghĩa, một làng nhỏ bé nghèo nàn ở tỉnh Dak Nông.

Mùa Đông năm nay, Thanh Trúc giới thiệu nhóm Cùng Em Vững Bước của các bạn trẻ miền Bắc, đang chuẩn bị mang hơi ấm đến cho các học sinh dân tộc vùng Tây Bắc và Thượng Du Bắc Việt.

Cái ăn cái mặc cho thiếu nhi dân tộc

Thành lập từ năm 2011, Cùng Em Vững Bước qui tụ khoảng hai mươi mấy bạn trẻ, hầu hết là sinh viên, rải rác từ Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh và cả Đà Nẵng.

Gần đây nhất, trong tháng này, Cùng Em Vững Bước đã về miền Trung bị tàn phá vì hai cơn bão Wutip và Nari. Tịnh Quang, một thành viên của Cùng Em Vững Bước từ những ngày đầu, cho biết:

“Bão vừa rồi bọn em đi ba chuyến, Hà Tĩnh hai chuyến, Quảng Bình một chuyến. Bọn em mang gạo, mì tôm và thực phẩm khô cho các hộ dân.”

Có rất nhiều em phải nghỉ học vì trời lạnh, vì không đủ sách vở cũng như không đủ tiền để đến trường, nên Cùng Em Vững Bước muốn làm một cái gì đó giúp các em.
-Một thành viên

Nhưng cứu trợ thiên tai bão lụt chỉ là chuyện trước mắt, mục đích xa hơn của Cùng Em Vững Bước là cái ăn cái mặc cho các em thiếu nhi dân tộc vùng cao khi mùa rét mướt về. Cho em ấp áp và đầy bụng để có thể tự tin đến trường mỗi ngày không phải khẩu hiệu hay sáo ngữ mà là tấm lòng chân thật và sự cố gắng hết mình của từng thành viên trong nhóm. Hai năm qua, các bạn sinh viên của Cùng Em Vững Bước đã mang cơm, gạo, áo ấm, cặp, bút, sách giáo khoa…đến cho không biết bao nhiêu học sinh dân tộc H’Mông, Tày, Dao, Thái Đen, Thái Trắng đến những vùng cao mà nhiệt độ có khi rớt xuống dưới con số không mỗi lúc Đông về:

“Có rất nhiều em phải nghỉ học vì trời lạnh, vì không đủ sách vở cũng như không đủ tiền để đến trường, nên là Cùng Em Vững Bước muốn làm một cái gì đó giúp các em, tiếp sức cho các em để các em có thể vững niềm tin hơn mỗi khi đến trường.

Thường cứ mỗi một chuyến đi thì trước đấy khoảng hai tháng tụi em phải lên tận nơi, trực tiếp khảo sát để có thể lập kế hoạch cho một chuyến đi. Thường bọn em lên những nơi mà ít có người đến đó và con đường đi thì cũng rất là khó khăn, đi bộ hoặc cùng lắm là đi xe máy để vào được những nơi như thế.”

Đó là những nơi cheo leo, hiểm trở như Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, cao nguyên Đá Đồng Văn ở Hà Giang. Mùn Chung của Điện Biên, nơi Cùng Em Vững Bước đã xây một ngôi trường, rồi tới bản Bung của Cao Bằng, qua Tà Hộc, Lũng Cà, Lũng Luôn, Lũng Hoài ở Thái Nguyên, và những bản làng trên Yên Bái như làng Lao, làng Ca, Xéo Dì Hồ, Hán Đề Sùa, Hán Dông, Hồ Nhì Pá và Củ Dề Sen… chẳng hạn:

“Ví dụ bọn em đi Hoàng Su Phì, Hà Giang, Nùng Khao Sản, Yên Bái, vừa rồi bọn em cũng lên tận Thái Nguyên và Mùn Chung tỉnh Điện Biên rồi thì bản Bung huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng. Ở đó thì cuộc sống rất khó khăn, bọn em phải đi bộ gần 30 cây số mới vào được đến nơi.”

Các bạn đã quan sát, đã thấy gì qua cuộc sống thường nhật của thiếu nhi dân tộc trên vùng xa đó:

“Thường ngày đi học thì các em phải dậy từ 4 giờ sáng, từ nhà đến trường các em mất khoảng hai ba tiếng đi bộ, mặc dù leo núi trèo đèo như vậy nhưng vẫn không có dép để đi, hầu hết các em miền núi là đi chân đất. Mặc dù mùa đông như bây giờ mà các em chỉ có một manh áo rất mỏng. Nhiều em còn địu cả em nhỏ tới lớp, vừa ngồi học vừa trông em.”

Đường trường, chân đất, áo không đủ ấm, địu cả em nhỏ tới lớp, vậy mà thức ăn trưa của những em tôi chỉ giản dị nhạt nhẽo một gói mèn mén:

“Là những nắm ngô mà bố mẹ làm sẵn cho các em, nắm lại cho các em mang đến trường, một bữa ăn một ngày của các em ở trên đó. Hầu hết đều có cuộc sống như thế.

Nụ cười rạng rỡ khi nhận được quà của nhóm Cùng Em Vững Bước. RFA
Nụ cười rạng rỡ khi nhận được quà của nhóm Cùng Em Vững Bước. RFA
RFA

Mùa đông ở trên ấy thì thường chỉ có từ 1 đến 2 độ, còn những lúc ấm nắng thì khoảng 7 độ đến 8 độ thôi. Trẻ con ở trên ấy mặc ít quần áo cho nên chân tay của chúng nó tím tái rồi nứt nẻ ra, đa số nghĩ học rất nhiều vì trời quá lạnh. Còn nếu mà đã là mùa đông thực sự trên ấy thì lượng học sinh nghỉ học chiếm tới một phần hai của trường. Thường thì các thầy cô phải thay phiên nhau đi từng nhà vận động các em đến lớp, và để cho các em yên tâm đi học thì buổi trưa thầy cô cho các em ở lại trường và học cả ngày luôn để một tuần thì có thể cho các em nghĩ thêm một hai ngày nữa.”

Được phép ở lại buổi trưa thì các em có được trường cho ăn uống gì không? Câu trả lời của Tịnh Quang là không khi nghe Thanh Trúc hỏi tới:

“Nếu những trường thuộc diện chính sách do nhà nước trợ cấp thì mỗi bữa ăn của các em chỉ được 4.000 đồng thôi, thi sẽ có một ít cơm trắng một ít rau. Còn thường thường, nếu những trường không thuộc diện chính sách, thì các em chỉ ăn những gì mà các em mang đến lớp thôi, ngô nghiền hay còn gọi là mèn mén, nghiền ra thành bột rồi quấy với nước, chỉ ăn nhạt thế thôi.”

Hà Nội bây giờ đang thu, đầu tháng Mười Hai thì đông về, Tịnh Quang và các bạn trong Cùng Em Vững Bước đã lên chương trình cho chuyến đi sắp tới:

“Trong mỗi một chuyến đi thì bọn em mang khoảng 2 tấn gạo, chăn ấm, quần áo ấm rồi giày dép, cặp sách, làm sao đủ cho các em để các em đến trường. Về cặp sách thì sẽ cho các em một bộ sách giáo khoa và vở để các em viết. Khi bắt đầu khai giảng thì đấy là những quà tặng của bọn em. Còn khi mùa đông đến thì bọn em tặng gạo, mì tôm với lại ủng, dép và chăn ấm, để các em có thể có thêm được một ít thức ăn thay cho món ăn chính của các em là mèn mén.”

Kỷ niệm khó quên

Mùa đông năm nay, 700 chiếc chăn ấm và 700 cái áo khoác sẽ được mang lên cho các em học sinh ở Yên Bái. Điều gì ở vùng xa xôi tít tắp đó đã níu kéo chân các bạn trẻ thành phố?

Mình cảm thấy mình đã rất là hạnh phúc và mình mong có thêm nghị lực có thêm sức khỏe để tiếp tục con đường mình đã chọn.
-Tịnh Quang

“Thứ nhất là những điểm này ở trên đỉnh núi, có độ cao 1.550 mét so với mực nước biển. Khí hậu ở đây cũng rất lạnh, mặc dù đang mùa thu nhưng khi lên Xéo Dì Hồ thì mây đã bao phủ những quả núi trên ấy rồi cho nên đợt này bọn em chú trọng đến Yên Bái nhiều hơn vì các em ở đây ít được sự quan tâm hơn. Đường đi vào đó rất khó khăn, xưa giờ thì hầu hết là chưa có đoàn nào vào đó để tài trợ cho các em.”

Cũng không làm sao diễn tả hết nỗi vui mừng, niềm hạnh phúc và cả những giọt nước mắt trong veo của các em học sinh dân tôc H’Mông, Tày, Dao, Thái Đen, Thái Trắng, khi nhìn thấy các anh chị ở thành phố mang áo ấm, quà bánh và sách học lên cho mình. Tịnh Quang không dấu được cảm xúc khi kể lại:

“Cái nụ cười nở trên khuôn mặt của các em, cũng nhiều em cười mà cũng có nhiều em khóc khi nhận được quà. Nhiều em có cả bố mẹ đi cùng, có người biết tiếng Kinh để nói chuyện, có những người không biết tiếng Kinh thì tụi em phải nhờ một thầy cô phiên dịch. Ở Hà Giang giáp ranh Trung Quốc thì có hai dân tộc rất ít người mà bọn em đi là phải nhờ đến các thầy cô và chính quyền địa phương tập hợp dân giúp tại vì người ta thường là không muốn gặp người lạ.”

Kỷ niệm khó quên là những chuyến trèo non lội suối lên Yên Bái :

“Như chuyến đi Yên Bái năm ngoái, hầu hết thành viên trong đoàn đều khóc vì thương cho cuộc sống của các em. Người dân xuống nhận quà a phải đi trước đấy một ngày, tức là thứ Bảy bọn em trao quà thì người ta phải xuống từ thứ Sáu. Người ta đi bộ xuống 15 cây thì bọn em đi bộ lên 15 cây. Chỉ gặp nhau giữa đường và trao quà giữa đường thôi, không thể nào lên đến tận nơi vì con đường quá xa. Và khi nhận quà xong thì người ta cũng xin phép đi luôn để cho kịp giờ về đến bản làng.

Nhóm Cùng Em Vững Bước trao quà cho các em dân tộc ở Thái Nguyên. RFA
Nhóm Cùng Em Vững Bước trao quà cho các em dân tộc ở Thái Nguyên. RFA
RFA

Khi mà gặp những em nhỏ theo bố mẹ xuống tận giữa đường, có những em nhỏ chỉ hai ba tuổi thôi mà không có nỗi một cái quần áo lành để mặc, thì các thành viên trong đoàn đã đội mũ len rồi buộc khăn len cho các em. Hầu hết các thành viên đã rơi nước mắt khi chứng kiến những hình ảnh đó. Mình cảm thấy mình đã rất là hạnh phúc và mình mong có thêm nghị lực có thêm sức khỏe để tiếp tục con đường mình đã chọn. Làm sao có thể đi khắp được các tỉnh miền núi phía Bắc, đến những nơi mà người ta chưa từng đến, để có thể tặng được hết quà cho các em học sinh đang gặp khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đó là ước mơ mà cũng là niềm xúc động bọn em muốn truyền cảm khi mà mỗi thành viên gặp gỡ với mỗi em nhỏ trên đó.”

Chi phí của những chuyến đi lên vùng cao, về với các bản làng nghèo khó ở trên kia, Tịnh Quang trình bày tiếp, là từ 80 triệu cho đến 140 triệu đồng Việt Nam:

“Bọn em lên kế hoạch trước đó khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng. Sau  khi lên được danh sách cụ thể các món quà cần thiết cho từng nơi đến thì bọn em dự trù kinh phí và bắt đầu kêu gọi các nhà tài trợ các nhà hảo tâm cùng đóng góp. Trước khi lên đường khoảng bốn ngày thì bọn em tập trung tất cả món tiền đó và mua sắm những món quà đã dự định.

Hầu hết những người ủng hộ cho bọn em thì người ta không muốn qua những tổ chức như của nhà nước, những tổ chức chuyên nghiệp đó, mà người ta muốn trao tận tay, muốn gởi trực tiếp để bọn em đi làm trực tiếp luôn. Mỗi một chương trình đề ra thì hầu hết chúng em đều đạt kế hoạch về quà tặng.

Các nhà tài trợ các nhà hảo tâm trong nước và cũng có một số Việt kiều, ví dụ có một số các cô các chị Việt kiều đang sống bên Anh và bên Úc rồi Đức, Ba Lan.. thường hay gởi tiền về cho bọn em. Ở Mỹ thì cũng có hai người thường xuyên gởi tiền về ủng hộ cho các chương trình của bọn em.”

Thực sự, theo Tịnh Quang, tạo dựng nên Cùng Em Vững Bước là một người anh cả, một người thầy của các bạn hiện đang du học ở Hoa Kỳ. Cùng làm việc với nhau hai năm qua, Cùng Em Vững Bước nhận thức thế nào là sự giúp đỡ thiết thực và lâu dài cho những gia đình nghèo có con nhỏ ở các bản làng vùng Tây Bắc và Thượng Du:

“Bọn em cũng đã nghĩ tới điều đó rồi và trong chuyến đi Cao Bằng vừa rồi thì bọn em cùng góp tiền để tổ chức tặng cho mỗi gia đình khó khăn một con lợn. Bọn em mua lợn ở trên ấy, tặng cho người ta như thế, khoảng một năm sau quay trở lại thì con lợn đó đã sinh sản được. Bọn em đến từng gia đình mà năm ngoái đã tặng quà, xin mỗi gia đình một con lợn con để tiếp tục tặng cho người khác.

Đấy là cái mô hình ở Cao Bằng bọn em vừa mới làm và đã đem lại hiệu quả. Chắc là thời gian tới bọn em sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đó sang những vùng lân cận khác, cho người ta cần câu bằng hình thức con lợn trên miền núi, gọi là lợn mán hoặc lợn cắp nách đấy chị ạ.”

Cuộc sống sẽ đẹp hơn với những nhóm từ thiện nhỏ của các bạn trẻ như nhóm Hy Vọng hay nhóm Cùng Em Vững Bước. Cầu chúc các bạn thành công và nuôi lớn tấm lòng nhân ái đến đồng bào dân tộc nghèo ở vùng sâu vùng xa trong nước.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi xin tạm dừng. Thanh Trúc kính chào tạm biệt và sẽ trở lại cùng quí vị vào thứ Năm tuần tới.

Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.