Ước mơ nhân rộng mô hình “Bếp ăn sinh viên” ở VN
2014.03.13
Eyes Of Compassion, Mắt Thương Nhìn Đời, tổ chức từ thiện ở Toronto, Canada, thành lập năm 1989, khởi sự về Việt Nam và thành lập những nhóm liên đới trong và ngoài nước từ năm 2000 đến nay.
Giáo Dục, Y Tế, Phát Triển Cộng Đồng là ba lãnh vực họat động chính của Mắt Thương Nhìn Đời. Trong một bài Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ trứơc, Thanh Trúc đã giới thiệu về chương trình Cùng Em Đến Trường, thể hiện qua chuyến công tác có tên Ấm Lòng Mùa Đông Sapa, mang áo ấm, giày bốt, sách viết, bánh kẹo đến cho các em dân tộc H’mong nơi vùng cao nguyên này, bên cạnh những chương trình trợ giúp thiết thực khác cho người lớn.
Vì sức khỏe sinh viên
Hôm nay, trở lại với Mắt Thương Nhìn Đời và chương trình Bếp Ăn Sinh Viên, một mô hình mà tổ chức này mong muốn nhân rộng ở nhiều nơi trên cả nước. Trong lúc chương trình Cùng Em Đến Trường được 100% tài trợ từ Mắt Thương Nhìn Đời, chương trình Bếp Ăn Sinh Viên có lối tổ chức khác hơn.
Từ Canada, chị Diệu Liên, người sáng lập và dành gần như trọn thời gian cho những công tác nhân đạo về bên nhà, cho biết:
Cùng Em Đến Trường là mình yểm trợ 100%, nhưng quán ăn sinh viên thì mình chỉ yểm trợ khoảng 30 đến 50% vì mình cần kêu gọi những sự yểm trợ của địa phương.
-Chị Diệu Liên
“Tức là bên chương trình Cùng Em Đến Trường là mình yểm trợ 100%, nhưng quán ăn sinh viên thì mình chỉ yểm trợ khoảng 30 đến 50% vì mình cần kêu gọi những sự yểm trợ của địa phương và những chương trình khác. Khi làm một chương trình nào mình cũng không bao giờ muốn là mình yểm trợ về phần tài chánh 100%. Mình đưa ra một cái mô hình, làm cho nó đẹp nó phát triển cho người ta thấy vào đó, mình luôn luôn cần sự yểm trợ lại của người dân ở trong nước.”
Ban đầu, khi khởi sự cấp học bổng cho sinh viên nghèo và xa nhà, nhận thấy các em ăn uống kham khổ mà như vậy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, Mắt Thương Nhìn Đời đã khởi xướng mô hình Bếp Ăn Sinh Viên với giá 5.000 đồng mỗi xuất ăn:
“Trong thời gian làm chương trình học bổng hoặc nói đúng hơn là chương trình khuyến học, thấy số tiền mình giúp cho các em đi học không đủ để các em chi trả từ tiền nhà cho đến tiền ăn và tiền đóng học phí cho nên mình nghĩ ra một chương trình gọi là Bếp Ăn Sinh Viên. Với số tiền các em dùng cơm ở thị trường giá tối thiểu nhất cũng phải 15.000, cho nên mình làm ra chương trình Bếp Ăn Sinh Viên với giá chỉ 5.000 thôi mà thức ăn là thức ăn bổ và sạch.”
Ba lợi ích thiết thực nhất của Bếp Ăn Sinh Viên, chị Diệu Liên nói tiếp, đặc biệt cho những em thuộc các gia đình nghèo và đang sống xa nhà, là tiết kiệm được tiền chợ, tiết kiệm thời gian nấu nướng, ăn uống điều độ, không bỏ bữa mà còn bảo đảm sức khỏe:
“Khi tổ chức chương trình học bổng và khi các em đến nhận tiền thì thấy các em mặt mày xanh xao, có em nói là nhức đầu, không được khỏe. Hỏi vì sao không được khỏe thì các em nói có thể là con ăn nhiều mì gói. Các em không có tiền nên các em chỉ ăn mì gói, gia đình rất nghèo nên có nhiều lúc các em bỏ bữa, tức là ăn buổi sáng thì buổi trưa không ăn, buổi trưa mà ăn thì buổi chiều không ăn. Ăn nhiều những thức ăn khô như vậy cho nên các em xanh xao và yếu, từ đó các anh chị em mới nảy sinh ra ý nghĩ phải có thức ăn tốt cho các em, phải giúp các em. Từ đó ý niện Bếp Ăn Sinh Viên có mặt.”
Các anh chị em được nói tới ở đây là các thiện nguyện viên thuộc nhóm Hiểu Và Thương ở trong nước, đang cùng Mắt Thương Nhìn Đời ở Canada hoàn thành những công tác thiện nguyện và phục vụ người nghèo.
Đầu năm 2013, Bếp Ăn Sinh Viên đầu tiên được thành lập tại số 2B, đường Củ Chi, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang. Chỉ trong hai tháng, mỗi ngày số buổi ăn phục vụ lên đến n Sinh Viên Nha Trang len đến 500 suất.
Tháng Năm 2013, Bếp Ăn Sinh Viên thứ nhì ra đời tại số 2 đường Tố Hữu, thành phố Huế. Trong vòng hai tuần lễ, trước kỳ khai trương niên học 2013-2014, mỗi ngày bếp ăn này phục vụ 300 suất. Sau khi các trường học khai giảng thì số học sinh sinh viên đến ăn cơm ở Bếp Ăn Sinh Viên Huế, còn gọi là Quán Huế Thương, tăng thành 400 đến 500 suất. Được gọi là Bếp Ăn Sinh Viên vì hai chương trình tập trung vào những sinh viên từ các vùng nghèo đến học tại hai đại học của Nha Trang và Huế.
“Và khi Bếp Ăn Sinh Viên đầu tiên năm 2013 tại Nha Trang thành công thì cũng có chương trình Bếp Ăn Sinh Viên Tại Huế tháng Năm năm năm 2013. Diệu Liên nghĩ sau khi làm ở hai nơi này mà thành công rời thì đây là bàn đạp để mình lan rộng ra những nơi khác, và không chỉ những anh chị em trong Hiểu và Thương làm mà mọi người sẽ biết và mọi người sẽ cùng làm.”
Hỗ trợ nâng cao học vấn
Những tiêu chuẩn chính yếu của Bếp Ăn Sinh Viên là an toàn thực phẩm với thức ăn sạch. Thứ hai, đủ no và đủ chất bổ dưỡng. Thứ ba là an ninh kinh tế, nuôi dưỡng tương lao của thế hệ trẻ bằng con đường hỗ trợ và nâng cao học vấn là giúp xã hội có thêm những công dân trí thức, tạo cơ hội cho con em có nghề nghiệp chính đáng, tự lo kinh tế cho bản thân và gia đình bằng kiến thức. Tiêu chuẩn thứ tư là an ninh cá nhân, có nghề nghiệp đàng hoàng, không còn lo lắng bị đói khát. Thứ năm, an ninh cộng đồng, giúp học sinh sinh viên đến trường là tránh được tệ nạn xã hội, nâng cao dân trí là con đường xây dựng đất nước đi lên.
Chương trình Bếp Ăn Sinh Viên ở Nha Trang và ở Huế mà Mắt Thương Nhìn Đời đang thực hiện có được sự cộng tác của chùa Kim Sơn là đơn vị sáng lập, chương trình Hiểu Và Thương Nha Trang là đơn vị quản lý, cộng đồng tại địa phương thì giúp tiền, gạo và thức ăn:
Khi lập ra một Bếp Ăn Sinh Viên thì mình phải đi đăng ký, phải được chính quyền địa phương xác nhận và cấp giấy phép cho mình mở quán ăn đó tại địa phương.
-Chị Diệu Liên
“Khi lập ra một Bếp Ăn Sinh Viên thì mình phải đi đăng ký, phải được chính quyền địa phương xác nhận và cấp giấy phép cho mình mở quán ăn đó tại địa phương. Đồng thời cộng đồng hợp tác là sau khi làm chương trình một thời gian thì dân ở địa phương họ đến họ tặng cho mình gạo, thức ăn. Những người bán ở tại chợ, hàng rau quả, buổi chiều còn những rau quả thì họ có thể đem tới tặng cho mình. Có những người tới tặng tiền. Người dân ở địa phương đó có ý thức giúp con em mình là bằng cách cho gạo chp thực phẩm, bất cứ cái gì thuộc về ăn uống.
Mình có một cuốn sổ để trước bàn, ai tặng cái gì thì vào đó viết giống như là tặng 10.000, tặng 20.000, tặng 10 kilô gạo. Đó là sự hợp tác của cộng đồng và mình cũng phải được sự xác nhận của chính qiuền đĩa phương là mình mở quán ăn này giống như là một cơ sở kinh doanh.”
Những công việc trong các Bếp Ăn Sinh Viên như chạy bàn, dọn dẹp, phụ bếp vân vân… không ai khác hơn là các sinh viên đến ăn cơm ở những noi này. Mô hình họat động như thế nào được chị Diệu Liên kể tiếp:
“Quán ăn sinh viên ở Nha Trang là do các anh chị em thiện nguyện của chương trình Hiểu Và Thương tại Nha Trang đứng ra lo. Ở Huế cũng là do một nhóm các anh chị em chương trình Hiểu Và Thương ở Huế đứng ra. Cả hai chương trình cũng là những thiện nguyện viên đã lớn tuổi, họ đứng ra điều động các sinh viên đến ăn tại quán cơm này. Các em sẽ ghi tên vào những giờ để làm thiện nguyện. Những việc trong bếp, việc chạy bàn, việc dọn dẹp đều do sinh viên làm hết.
Người nấu bếp mình phải thuê, phải có khả năng nấu thức ăn, còn phụ bếp, dọn dẹp, phục vụ khách là đều do sinh viên làm hết. Đó là một tinh thần hợp tác rất tốt, mong là chương trình sẽ được nhiều người tìm hiểu và nhiều người phát triển ra được nhiều quán ăn như vậy vì thành phố nào cũng có trường học và nơi nào cũng có sinh viên.”
Tình thân và sự hỗ trợ tinh thần là điều mà những người trẻ xa nhà có thể tìm thấy trong Bếp Ăn Sinh Viên, nơi các em có thể lui tới mỗi ngày trong thời gian đi học:
“Diệu Liên thấy niềm vui là mỗi ngày quán cơm mỗi phát triển, tức là có nhiều em đến ăn hơn. Mặc dù phục vụ nhiều hơn mình sẽ mệt hơn, nhưng điều mình thấy nguồn vui là các em đến nhiều hơn và các em sống ở đó như một ngôi nhà tình thương.
Diệu Liên rất cảm phục những người làm việc tại đây là các anh chị lớn tuổi, có kinh nghiệm cho nên các anh chị có khả năng săn sóc các em rất giỏi. Khi về thăm những trung tâm này, đi lên lầu thấy có sinh viên đang nàm ngủ. Một chị thiện nguyện viên nói cho Diệu Liên biết là các em này đi làm việc ca đêm trong các nhà hàng, về đây thì các em có nơi để nghỉ ngơi và nếu các em mệt thì các chị lại nấu cháo cho các em ăn. Các em đi học xa gia đình, không có mẹ bên cạnh để chăm sóc, về đây thì lại được sự chăm sóc của mọi người.
Rất thương khi nghe các em nói khi học xong mà rảnh thì con cứ thích về quán cơm này vì ở đây con có những người bạn tốt, bạn hiền, không có rủ con đi club, đi nhảy đầm, đi ăn uống... Các cháu cứ tụ về đó, quyện ở trong đó, vừa làm vừa chơi vừa cười vừa chia công việc với nhau. Diệu Liên thấy rất ấm áp.
Bếp ăn sinh viên không chỉ là nơi với mục đích nuôi dưỡng súc khỏe cho các em để hoàn tất 4 năm đi học, mà đó là một môi trường sinh họat rất tốt cho những người trẻ.”
Trên trang web của Mắt Thương Nhìn Đời ở Canada có danh sách những người đóng góp cho quĩ cộng hưởng để thực hiện Bếp Ăn Sinh Viên ở Việt Nam, trong đó không ít ân nhân là người ngoại quốc.
Chia sẻ với Thanh Trúc, Mắt Thương Nhìn Đời ở Canada cũng như Hiểu Và Thương ở Việt Nam cho rằng kết quả thì tốt lắm và ước mơ nhân rộng Bếp Ăn Sinh Viên vẫn là điều phải làm, nhưng đưa vào thực tiễn và làm sao vận hành trong ngày dài tháng rộng cũng là một thử thách với những khó khăn nhất định của nó.
Nỗi lo của Bếp Ăn Sinh Viên Nha Trang hiện nay là làm sao có đủ tiền để trả tiền thuê nhà trọn năm 2014 này. Chủ tịch Mắt Thương Nhìn Đời, chị Diêu Liên, cho biết đây là căn nhà lầu ở ngay thành phố, được chủ nhân là một người Công giáo sẵn lòng cho thuê với giá ủng hộ mà còn làm thiện nguyện giúp trong quán một tuần hai ngày.
Bếp Ăn Sinh Viên Huế cũng có nỗi băn khoăn tương tự, khi mà thời giá làm cho chi phí hiện tại vượt quá khả năng tài chánh vì tiền chi ngày hôm nay không đủ cho tiền đi chợ ngày hôm sau.
Thế nhưng hoài bão của Mắt Thương Nhìn Đời ở Canada cũng như Hiểu Và Thương ở Việt Nam vẫn là càng ngày càng nhiều Bếp Ăn Sinh Viên mọc lên từ vùng rừng núi hoang vu cho đến những phố thị đông đúc.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc kính chào, mong gặp lại quí vị thứ Năm tuần tới.
Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org