Công nhân Việt Nam ở Nhật tố cáo công ty Nhà nước lường gạt

Suleco là một công ty trực thuộc Sở Lao Động-Thương Bình-Xã Hội ở TP.HCM, chuyên trách hồ sơ xuất khẩu lao động cho công nhân qua các nứơc như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2008.12.19

Chuyện xảy ra lâu nay là một  số công nhân trong nứơc được Suleco đưa sang Nhật Bản lao động đã  bỏ trốn ra ngoài , trên danh nghĩa là vi phạm hợp đồng. Sau khi bị Cơ Quan Di Trú Nhật bắt và gởi trả về nứơc, họ  đến Suleco đòi lại số tiền  ký quĩ trứơc khi đi thì không được thanh lý.  

Vấn đề công nhân xuất khẩu lao động khiếu nại và cáo buộc các công ty môi giới tư nhân hoặc quốc doanh lường gạt  họ là câu chuyện dài mà Thanh Trúc nhiều lần tường thuật cùng quí vị trên mục Đời Sống Ngừơi Việt Khắp  Nơi trước nay.

Thiết tưởng đây cũng là vấn đề  cần được tìm hiểu từ nhiều khía cạnh và từ nhiều phía, vào khi số ngừơi Việt  đi xuất khẩu lao động sang Châu Á, Châu Âu và Trung Đông càng ngày càng tăng cao. Số người bỏ ngang hợp đồng và trốn ra ngoài để tìm việc khác cũng càng ngày càng nhiều.

Kỳ này, Thanh Trúc mời quí vị nghe tiếng nói của phía công nhân lao động trước, đó là chị Thích và anh Cương, quê ở Củ Chi, con thương binh liệt sĩ, được ưu tiên đưa sang Nhật lao động theo chương trình do Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội phân bổ xúông các quận huyện ở TP.HCM. Ngừơi thứ ba là anh Nghĩa, quê ở Phú Xuyên, Hà Tây, nay là Hà Nội, do quen biết với ngừơi làm trong Suleco nên đã từ Bắc vào Nam để sang Nhật.

Đầu tiên, Năm 1999, chị Thích, quê ở Củ Chi, đến công ty Suleco lập hồ sơ đi Nhật làm nghề may. Vào thời điểm đó, tiền chi phí chị đóng cho Suleco là 1.200 đô la:

Chị Thích : Cái tiền mà mình phải mất để đi là hết 700 đô, còn cái tiền mà đặt cọc cho công ty Suleco là 500 đô.

Thanh Trúc : Mà phải thế chấp cả giấy tờ nhà đất nữa?

Chị Thích : Dạ. Phải thế chấp như vậy mới được đi. Ai cũng vậy hết. Cái đợt em đi là ưu tiên cho con thương binh liệt sĩ, mà ưu tiên nhứt cho Củ Chi cho nên em mới được đi.

Thanh Trúc : Sau đó vì sao mà Thích làm được mấy năm rồi còn có 7 tháng về nước thì tại sao lại trốn ra ngoài?

Chị Thích : Thì trong nghiệp đoàn của em có nói rằng là có một người trốn ra ngoài thì tất cả những người còn ở lại sẽ bị về nước, cho nên những người trốn đó thì em phải đi theo người ta.

Thanh Trúc : Khi mà bị bắt trở về nước thì công ty Suleco có trả lại tiền ký quỹ cho Thích hay không?

Chị Thích: Không có trả gì hết. Bắt em phải đóng vô 65 triệu mới được lấy cái bằng khoán đất ra, cái sổ đỏ ra. Còn cái tiền mà em đặt cọc đó thì công ty không có nói đến vấn đề đó. Chú Cường đó nói là hội đồng hoà giải không chấp nhận, nhưng mà em chẳng biết hội đồng hoà giải đó là ai hết.

Thanh Trúc : Lý do vì sao phải đóng tiền phạt?

Chị Thích : Nói em là vi phạm hợp đồng cho nên bây giờ muốn láy cái bằng khoán ra phải nộp phạt 65 triệu. Chú Cường đó nói là ở bên nghiệp đoàn bên đó người ta phải bồi thường, nhưng mà cái mức đó quá cao đối với em. Em không có tiền để bỏ ra lấy lại. Em làm đơn cứu xét 30 triệu nhưng mà công ty không chấp nhận rồi em bỏ luôn từ đó đến bây giờ luôn. Lúc em đóng bao nhiêu đi thì công ty giữ luôn đến bây giờ. Em vi phạm hợp đồng, em đồng ý, số tiền 500 đô êm bỏ vẫn được, nhưng mà cái bằng khoán em lấy lại thì công ty bắt em đưa 65 triệu, em không có tiền để chuộc ra.

Thanh Trúc : Cái bằng khoán nhà là người ta không trả lại?

Chị Thích : Không trả lại. Nếu mà tất cả đồng loạt xin về, ai cũng trốn ra mà nộp phạt 65 triệu đồng loạt hết thì em OK, còn cái này là mỗi người đều khác nhau hết. Em thắc mắc ở chỗ đó. Người lấy ra nhiều, người lấy ra ít. Có người lấy ra 7 triệu, người lấy ra 10 triệu, người lấy ra 20 triệu, 30 triệu, 40 triệu, còn mình lại khác người ta cho nên là em thắc mắc ở chỗ đó. Em không có đủ tiền để lấy ra cho nên em cứ để đó.

Đó là trường hợp của chị Thích , chỉ đóng 1.200 đô la khi đi Nhật Bản, trái với trường hợp anh Cương khi đi Nhật vào năm 2004 thì phải nộp tiền thế chân đến 10.000 đô la:

Thanh Trúc : Cương cho biết là Cương bắt đầu làm giấy tờ đi  Nhật Bản với Suleco năm nào?

Anh Cương : Năm 2003 chị.

Thanh Trúc : Lúc đó Cương phải đóng bao nhiêu tiền và đóng bằng cách nào?

Anh Cương : Lúc đó thì em phải thế chấp là 10.000 đô. Nếu em không có tiền mặt đủ 10.000 đô thì em đưa bằng khoán đỏ ra, thì lúc đó bằng khoán của em nó định giá ra được 6.500 đô, rồi bắt đầu nó kêu em đóng thêm 3.500 đô nữa là tổng cộng đủ cái số công ty yêu cầu là 10.000 đô.

Thanh Trúc : Cương đi sang Nhật năm nào?

Anh Cương : Tháng 10-2003. Em làm việc ở thành phố gần Nagoya đó chị.

Thanh Trúc : Cương làm việc cho công ty nào ở bên Nhật?

Anh Cương : Cho công ty Toyota chị.

Thanh Trúc : Công việc như thế nào? Có nặng nhọc lắm không mà Cương phải trốn ra?

Anh Cương : Em qua bển làm cơ khí, làm bên dập, làm nặng lắm chị.

Thanh Trúc : Một ngày 8 tiếng hay là làm hơn?

Anh Cương : Dạ năm đầu thì cho mình dạng tu nghiệp, dạng đi học thì làm 8 tiếng, nhưng qua bên phía Nhựt thì nó ép mình làm 10 tiếng đến 12 tiếng.

Thanh Trúc : Cương đã phản đối và họ đòi trả Cương về Việt Nam thành ra Cương trốn ra?

Anh Cương : Dạ đúng. Nó ép em làm đêm, em không chấp nhận. Rồi nó bắt nó nhốt em và người bạn cùng đi chung với em cùng làm việc chung với em. Nó nhốt một ngày một đêm. Và lúc đó tụi em  mới bỏ trốn ra.

Thanh Trúc : Bỏ trốn ra và ở lại bên Nhật 4 năm để làm việc tiếp.

Anh Cương : Dạ.

Thanh Trúc : Thì đi về bên Việt Nam năm nào?

Anh Cương : Dạ em mới về hồi Tháng Tư-2008, nhưng mà trước khi em về thì lúc em còn ở bên Nhựt thì công ty Suleco gửi một giấy thông báo cho gia đình em là công ty Suleco đề trong giấy thông báo nói là phía nghiệp đoàn bên Nhựt yêu cầu em phải bồi thường cho phía nghiệp đoàn bên Nhựt là 240 triệu rồi nó mới trao trả lại sổ đỏ cho nhà em.

Thanh Trúc : Năm 2008 Cương về nước là bị bên phía Nhật bắt đưa trả về nước?

Anh Cương : Dạ. Em đến Suleco em xin thêm giấy hợp đồng thì em gặp chú Cường. Chú Cường mới nói là phía nghiệp đoàn bên Nhựt yêu cầu em phạt tiền bồi thường vi phạm hợp đồng là 350.000 yen, tính ra khoảng 3.500 đô. Nó nói chừng nào mình chấp nhận phạt cho nghiệp đoàn bên Nhựt đó.

Thanh Trúc : Công ty Suleco có trả lại tiền ký quỹ 10.000 đô của Cương nộp trước khi đi hay không?

Anh Cương : Dạ không, chị. Công ty Suleco bảo em phải đóng phạt thì nó mới trả lại sổ đỏ cho em. Chớ còn tiền mình ký quỹ đó coi như em mất trắng. Phía ông Cường, ổng đại diện công ty Suleco là ổng không có đề nghị em cái gì hết. Ổng nói là công ty Suleco bắt em phải bồi thường 3.500 đô, rồi em không chấp nhận, em nói là công ty Suleco đưa em qua bên đó mà không bảo vệ cho em, bị phía Nhựt nó ép em,ỷôì nó trả về nước. Em kêu cứu bên công ty Suleco, nhưng mà công ty Suleco vẫn bỏ mặc em, đem con bỏ chợ, không có trách nhiệm, nên em không chấp nhận phạt cái khoản đó, tại vì công ty Suleco với phía Nhật Bản vi phạm hợp đồng trước. Em bức xúc quá, vì hoàn cảnh gia đình ở Việt Nam rất khó khăn nên em mới bỏ ra ngoài để kiếm tiền mà trả nợ vì trước khi em đi gia đình đã vay mượn.

Thanh Trúc : Còn một cái chuyện này nữa. Trước đó Cương có nói rằng khi mà Cương đi qua Nhật Bản vào Năm 2003, ngoài cái tiến 10.000 để ký quỹ thì công ty Suleco có nói Cương phải đóng tiền mua vé máy bay 800 đôla?

Anh Cương : Dạ có. Phái đoàn êm di tổng cộng 49 người Việt Nam. Mọi người đều đóng như nhau.

Thanh Trúc : Khi mà đóng 800 đôla để mua vé máy bay thì công ty Suleco có phát cho mỗi bạn một cái biên nhận không?

Anh Cương : Không. Bên đó nói số tiền này là tiền vé máy bay với tiền phi vụ cho nên không có biên lai. Sau này tụi em sang Nhựt, ông chủ trừ lương hàng tháng là tụi em mới biết.

Thanh Trúc : Bây giờ cả Thích và cả Cương là cái sổ đỏ, sổ nhà thế chấp đó, đều chưa được trả lại?

Anh Cương : Dạ, đúng rồi.

Chị Thích : Đây nè. Bây giờ em tóm lại để cho chị hiểu. Hồi em đi là em đóng tiền thế chân là 500 đô, sau này em đi về sẽ trả lại cho em. Còn cái tiền mà thu lệ phí đi Nhựt là hết 700 đô là cái lệ phí đó thì công ty nói rằng là tiền vé máy bay của mình. Rồi khi mà qua bên Nhựt là ông chủ em nói tiền máy bay, tiền học phí của tụi em bên đây là ổng đài thọ hết, tụi em đi không tốn một đồng nào. Tụi em mới ngạc nhiên là tụi em phải đóng lệ phí đi Nhựt gồm tiền vé máy bay là 700 đô với 500 đô thế chân nữa là tổng cộng 1.200 đô với lại một bằng khoán đất. Em bây giờ thì gia đình cũng khuyên rằng xuống công ty để thanh lý hợp đồng để lấy bằng khoán về. Thí dụ như em bỏ trốn ra ngoài, điều đó em vi phạm hợp đồng, em chấp nhận, nhưng mà với mức phạt nó vừa phải thôi, cái đó nó cao quá em không thể nào có đủ tiền được. Làm đơn cứu xét 30 triệu rồi nhưng mà công ty nó không chịu. Cha mẹ em bây giờ đã là thương binh nữa, già rồi. Em thì về đây từ lúc đó tới giờ em cũng chẳng có việc làm.

Anh Cương : Nguyện vọng của em đó. Bây giờ em nhờ pháp luật can thiệp cho em, giữa em với công ty Suleco. Nếu công ty Suleco đúng thì em chấp nhận, còn khung đúng thì công ty Suleco phải trả lại hết tất cả tài sản của em đã thế chấp cho công ty Suleco.

Thanh Trúc : Về trường hợp anh Nghĩa ở miền Bắc vào thì lại khác. Khi bị cơ quan di trú Nhật Bản gởi trả về nứơc, đến Suleco đòi lại số tiền mười ngàn ký quĩ, nhờ ngừơi nhà làm trong công ty Suleco thuyết phục nên anh  bằng lòng nhận lại số thanh phí đã bị trừ khoản tiền nộp phạt.

Anh Nghĩa : Về công ty Suleco thì hoàn toàn người phía Bắc không thể nào đi được rồi đó mà phải có người đỡ đầu mới đi được.

Thanh Trúc : Trước khi em đi thì em đóng bao nhiêu?

Anh Nghĩa : 150 triệu ạ. Khoảng độ 8.200 đô. Đáng nhẽ 10.000 nhưng tại vì em có người quen trong đó nên họ giảm cho em là chỉ 7.000 thôi. Còn chi phí của em là mất 1.200 đô. Và em đóng tất cả là 8.200 đô, mà thời điểm lúc đó là 128 triệu gì đó, bởi vì em cầm tiền đi đóng nên em vẫn còn nhớ mà. Lúc đó em vẫn không biết nên em cứ tưởng là mất rồi. Hai năm sau thì em làm hồ sơ rút lại tiền thì được bốn mươi mấy triệu đó. 

Thanh Trúc: Quí thính giả vừa nghe câu chuyện các công nhân Việt Nam được công ty Suleco đưa sang Nhật Bản làm việc, bỏ trốn ra ngoài, bị gởi trả  về nứơc, và nay  quay sang đòi Suleco hoàn trả  mọi chi phí như tiền thế chân, giấy nhà đất, vân vân…

Câu chuyện chưa được  hoàn chỉnh nếu chỉ có tiếng nói từ một phía l. Kỳ tới là phần phát biểu của hai ngừơi, đó là bà Hoài, cán bộ văn phòng Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, và ông Cường,  phụ trách xử lý các vụ vi phạm hợp đồng trong công ty Suleco.

Mục Đời Sống Ngừơi Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn tái ngộ quí thính giả tối Thứ Năm tuần tới.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.