Ngày Thơ Việt Nam

Đã nhiều năm qua, cứ mỗi lần đến dịp Nguyên Tiêu thì giới văn nghệ sỹ Việt Nam lại một phen có cơ hội tham gia ngày lễ hội đã trở nên quen thuộc với mọi tầng lớp xã hội Việt Nam, đó là “ngày Thơ”.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010.02.27
van-mieu-305.jpg Khuê Văn Các - Kiến trúc tiêu biểu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Photo courtesy of wikipedia

Ngày hội định kỳ

Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành ngày hội định kỳ vào rằm tháng Giêng hàng năm, do Hội nhà văn tổ chức. Năm nay, cùng với dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ban tổ chức cho biết ngày thơ sẽ được tổ chức với quy mô lớn. Sẽ có một “đại lễ hội” thi ca ở khắp các tỉnh từ Việt Bắc, Thái Nguyên, Sơn La, cho tới Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ngãi… những điểm chính của lễ hội này được tổ chức tại Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Tại Hà Nội, các hoạt động về Thơ sẽ được tổ chức trong suốt ba ngày. Ngày đầu tiên sẽ tôn vinh thơ dịch và đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua, sẽ có sự tham dự của các dịch giả người nước ngoài. Vào đúng dịp chính hội Rằm tháng Giêng, sân chơi thơ sẽ mở tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nhiều hoạt động như Ngâm thơ cổ, Thả thơ, Triển lãm thơ trên gốm sứ....

Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành ngày hội định kỳ vào rằm tháng Giêng hàng năm, do Hội nhà văn tổ chức.

Năm nay cũng có cuộc thi trình diễn thơ mà đêm chung kết vào tối 14 tháng Giêng, giữa sinh viên 4 trường đại học: ĐH Văn hóa, ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên dự kiến lên cả ngàn thí sinh.

Tổ chức những lễ hội có tính văn hóa lẫn văn học nghệ thuật như vậy thật ra không phải là việc dễ dàng như tổ chức một lễ hội thuần túy.

Bên cạnh việc phân định ai là người có đủ khả năng để đem thơ của mình trình diễn trước công chúng thì ban tổ chức còn phải mời mọc, kêu gọi rồi huấn luyện cách xuất hiện trước đám đông, cũng như vô số kỹ thuật khác để lễ hội Thơ thật sự thoát ra cái cung cách quen thuộc nhàm chán của những lễ hội khác đang được báo động trên khắp nước.

Nhà thơ Phan Huyền Thư là người trước đây 5 năm tham gia ngày thơ với tư cách là người trình diễn thơ mình, nay thì đã trở thành một thành viên của ban tổ chức. Với kinh nghiệm sẵn có từ nhiều năm, Phan Huyền Thư nhận xét như sau về các khó khăn mà chị gặp:

“Tôi là người trực tiếp tham gia và là người trong ban tổ chức. Đứng về phương diện tác giả mà nói thì mỗi năm ban văn trẻ đều cố gắng tìm ra những khuôn mặt mới. Tất nhiên các cụ thường bảo “quý hồ tinh bất quý hồ đa”; Năm nào cũng tìm ra một lực lượng sáng tác trẻ để đưa các bạn ấy vào quỹ , đặt các bạn ấy vào một sức ép khi xuất hiện trước công chúng. Sau đấy có bạn ra sách rồi và cũng có bạn chưa nhưng người ta có động lực sáng tác và ý thức được mình là tác giả. Người ta có trách nhiệm với công chúng và cần khẳng định mình.”

Trình diễn thơ?

Hoạt động thu hút được nhiều khán giả nhất là sân thơ trẻ. Các loại hình như đọc thơ giữa công chúng, giao lưu với người nghe thơ và trình diễn thơ kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác được các nhà thơ trẻ yêu thích.

ngay-tho-2008-250.jpg
Một sân thơ của Ngày thơ Việt Nam 2008. Nguồn "Báo Hànộimới".
Nhà thơ và cũng là dịch giả Dương Tường, trong độ tuổi 80, vốn nổi tiếng với sở thích sinh hoạt chung với những người làm văn học nghệ thuật thuộc giới trẻ. Ông đã từng xuất hiện trước công chúng nhiều năm trước đây trên sân khấu thơ của ngày Thơ Việt Nam.

Nhà thơ Dương Tường quan niệm rằng, người làm thơ trẻ là mầm sống đang vươn lên trong khu vườn nghệ thuật Việt Nam và ông hiểu rằng mảnh đất này sẽ là nơi hứa hẹn hơn bất cứ chỗ nào khác.

Dương Tường chọn cách trình diễn cũng lạ lùng và đầy cá tính để trình diễn thơ của mình, ông kể:

“Tôi tham gia vào sân chơi của các nhà thơ trẻ vì tôi thấy ở sân chơi này hứa hẹn hơn. Tại Văn Miếu, sân chơi của tuổi trẻ có những cái mới. Mấy năm trước tôi có tham gia trình diễn thơ. Những trình diễn của bạn trẻ tương đối mới với của ta. Các nhà thơ trẻ có những trình diễn được gọi là poetry performance có phối hợp với những hình thức như múa rối, có thể với âm nhạc, hoặc là hình thể.

Năm kia họ có mời tôi trình diễn thơ, tôi lấy giấy toilett quấn quanh người, trên đó tôi viết những câu thơ, bất kỳ câu nào. Cả cơ thể giống như mummy, như xác ướp. Có người bình luận là thương tích đầy mình thì chỉ có thơ mới băng bó được thôi.Những trình diễn như vậy nó là những thông điệp mà chính bài thơ không có. Tôi nghĩ rằng những điều này cũng có ảnh hưởng đối với các bạn trẻ.”

Hay đọc thơ?

Thật ra khi trình diễn thơ như vậy khán giả sẽ xem đây là bài thơ được diễn dịch hay là một video clip minh họa cho nội dung bài thơ? Đa số người đọc thơ thường chiêm nghiệm bài thơ một mình, ở một nơi vắng lặng và lúc ấy trang giấy mở ra một lượt với trang thơ, len lỏi vào tâm trí để có thể đồng cảm những ngõ ngách kỳ bí mà ngôn ngữ thơ đem lại. Ngôn ngữ thơ có thật sẽ bay bỗng với người diễn đọc thơ trên sân khấu và liệu giữa đám đông hỗn tạp như vậy có phải là mảnh đất tốt để thơ nảy lên những mầm sống khác nơi độc giả như khi họ đọc một mình hay không?

Nhà thơ trẻ Lê Vĩnh Tài, người từng có thơ trình diễn cho biết quan niệm của anh về ngày Thơ như thế nào, anh nói:

Tôi nghĩ rằng thơ viết ra đọc bằng mắt viết trên giấy thì tốt hơn... Bây giờ mình lễ hội hóa mọi thứ theo tôi thì nó không tốt cho thơ mấy đâu.”

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài

“Tôi nghĩ rằng thơ viết ra đọc bằng mắt viết trên giấy thì tốt hơn. Tuy nhiên khoảng hai ba năm gần đây, đặc biệt ở thành phố lớn thì xu hướng trình diễn sắp đặt lên sân khấu nó kéo thơ theo. Tôi nghĩ sự tham gia đó thì những người có tinh thần cách tân không phải thơ không mà cách tân cả về lối sống, suy nghĩ nữa nên họ ủng hộ cũng nhiều. Tôi nghĩ đây là trào lưu và nó sống được ở thành phố lớn là chính tuy nhiên nó có nhiều tính chất lễ hội. Bây giờ mình lễ hội hóa mọi thứ theo tôi thì nó không tốt cho thơ mấy đâu.”

Nhà văn Võ Thị Hảo thì ngược lại, không cảm thấy việc trình diễn thơ sẽ làm tính văn học của bài thơ mất đi vì người làm thơ cũng cần sự đồng cảm và chia sẻ của bạn đọc như tất cả loại hình nghệ thuật khác:

“Trong những năm gần đây thì năm nào Hội Nhà Văn cũng mở một ngày trình diễn thơ. Tôi nghĩ cái việc mà thơ cần có một sự yên tĩnh để thưởng thức và việc đem thơ ra trước công chúng để cho công chúng có thể nghe thì tôi nghĩ cả hai việc đó đều bình thường thôi. Người ta có thể cần tĩnh lặng để làm thơ và người ta cũng có lúc mang ra trước công chúng. Mỗi nhà thơ đều có cái khao khát được trình diễn thơ hay đọc thơ để được chia sẻ với sự nồng nhiệt của khán giả.”

Mới mẻ hay nhí nhố?

Theo báo chí thì năm nay cũng có nhiều hình thức tổ chức khá mới mẻ như màn rước lửa thiêng từ Đền Thượng ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng về Văn Miếu và màn rước Chiếu dời đô. Sân thơ sẽ được trải dọc 2 bên cổng vào Văn Miếu với một “rừng thơ” với 64 cây thơ của các địa phương, trưng bày các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng in lời thơ.

Những hoạt động này có dính tới thơ hay không và liệu rằng nó sẽ tôn thêm sức hút của các bài thơ hay ngược lại, vì vui chơi, người thưởng ngoạn sẽ không thấy đâu là thơ mà chỉ thấy toàn những nhí nhố bên ngoài.

ngay-tho-2008-305.jpg
Đại lễ hội thơ ca. Nguồn "Báo Hànộimới".
Điểm nhấn của ngày thơ lần này được báo chí diễn tả sẽ là một không gian đặc biệt trưng bày những câu thơ mà nhà báo gọi là “đã được nung qua lửa” Những chiếc bình gốm Bát Tràng có in vài câu thơ lên thì nên được xem cốt để trang trí chứ không thể là một cách để phô diễn thơ được. Đó là chưa kể tới hình ảnh của chính chiếc bình sẽ làm nhòa đi ý tứ của bài thơ mà nó mang trên lưng. Đem quá nhiều yếu tố trình diễn, vui chơi vào một buổi trình diễn thơ có phải là cách hay nhất để thu hút giới trẻ hay không? Nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết:

“Thật ra đối với một khía cạnh khác đối với xã hội thì ngày thơ Nguyên Tiêu nó cũng chỉ là một lễ hội gần như là để thu hút độc giả cũng như thu hút người yêu thơ đến với thi ca vì rõ ràng càng ngày người cần nhiều mối quan tâm khác.”

Một nét khác biệt nữa so với các năm là sự trang trí “rừng thơ” với cây trăm miền ở hai bên lối vào Văn Miếu. 64 tỉnh thành trong cả nước sẽ có 64 cây thơ. Mỗi cây thơ chìa ra bốn cành, mỗi cành là một bích chương giới thiệu hình ảnh, tiểu sử, quan niệm thơ và một số sáng tác tiêu biểu.

Đối với nhiều người thì cây trăm miền cũng chỉ là hình thức quảng cáo không hơn không kém. Làm sao mà người ta có thể thưởng thức những bài thơ được in trên những tấm bích chương quảng cáo như vậy? Câu hỏi này một lần nữa cho thấy sự ôm đồm quá mức cần thiết cho một sự kiện văn hóa vì văn học nghệ thuật khó mà đồng hành được với quảng cáo, nhất là quảng cáo với kỹ thuật thấp.

Lại bệnh hình thức

Tổ chức quy mô cấp quốc gia như thế chắc chắn kinh phí sẽ không phải là con số nhỏ. Nhà văn Võ Thị Hảo bâng khuâng với những gì bà gặp trên các vùng núi non phía bắc tương phản khá lớn với ngày thơ Việt Nam, bà nói:

“Trình diễn thơ thì không có mặt trái bởi vì cái việc trình diễn nó chỉ bộc lộ một khao khát giống như việc lặng lẽ chiêm nghiệm. Vấn đề là mặt trái ở chỗ khi tổ chức có theo một hình thức hay không. Hai là có tiêu tốn quá nhiều tiền của cộng đồng hay không. Tôi nghĩ tất cả những gì mang tính phô diễn và mang tính hình thức. Tôi vừa đi các tỉnh biên giới về và tôi thấy người dân họ rất nghèo.”

Tôi nghĩ tất cả những gì mang tính phô diễn và mang tính hình thức. Tôi vừa đi các tỉnh biên giới về và tôi thấy người dân họ rất nghèo.

Nhà văn Võ Thị Hảo

Có một sự thật đang diễn ra hàng ngày trên 700 tờ báo lớn nhỏ khắp nước đó là sự rẻ rúng thơ rất lộ liễu. Người ta không đăng thơ trịnh trọng trên những trang chính của tờ báo mà thơ chỉ được nhét vào một chỗ trống nào đó khi không thể nhét quảng cáo vào được mà thôi. Mỗi năm đối xử tốt với thơ một lần liệu có đủ để người làm thơ tin vào vận hội của thơ có thể ngang hàng với các loại hình nghệ thuật khác hay không? Và khi đem thơ trình diễn thì liệu khán giả Việt Nam có đủ tự tin để thưởng thức những ẩn dụ, những phá cách, hay những thể nghiệm mà nhà thơ đang cố hết sức mang đến cho người xem. Hay họ chỉ đơn giản xem những buổi trình diễn thơ này như đi xem hát hay hội thi sân khấu mà thôi?

Dù sao thì cũng không thể không thừa nhận rằng, người làm thơ trẻ hôm nay sẽ có cơ hội nhiều hơn để vừa làm thơ vừa nghĩ cách trình diễn thơ của mình trong năm tới. Một câu hỏi nữa xuất hiện ở đây: vai trò trình diễn của nhà thơ liệu có thay đổi ý thức sáng tạo của họ hay không khi mà những phương tiện giải mã bài thơ sẽ mạnh hơn các tự thân hàm ý của con chữ mà bài thơ chuyên chở.

Ngày thơ Việt Nam trong Văn Miếu cần được đánh giá đúng mức nhiều hơn bởi các nhà phê bình văn học nhằm xác định tính chất thi ca và tạo hình. Những đánh giá này cần khoa học và căn cứ trên cả những con số chính xác của những người tham gia trong lễ hội và phải được khảo sát nhiều năm hầu lấy ra mẫu số chung. Không thể chủ quan khi nghĩ rằng tác giả trẻ sẽ có cơ hội trực tiếp với người đọc thơ nhiều hơn và do đó sức sáng tác của họ sẽ nhân lên. Ngược lại cũng không thể đánh đồng mà nói rằng ngày thơ Việt Nam là một lễ hội được trang trí bởi những bài thơ không có dư âm…

Người đọc thơ vẫn còn nhiều. Họ không đọc vì người sáng tác ngày càng xa dần họ bởi quá nhiều cách làm dáng khác thường. Phải chăng đây mới là điều mà ban tổ chức ngày Thơ cần nghiêm túc nghiên cứu để những ngày Thơ sắp tới lễ hội ngày Thơ sẽ thật sự là chiếc cầu nối giữa người làm thơ và những kẻ thích thơ thật sự…

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.