Dư âm sau phiên tòa xử 4 nhà dân chủ

Phiên tòa xử 4 nhân vật bất đồng chính kiến vào ngày 20.1.2010 vừa qua đã đặt nhà cầm quyền Việt Nam vào thế bị búa rìu dư luận từ quốc tế cho đến thái độ không tâm phục khẩu phục của nhân dân trong nước.
Nhật Hiên, thông tín viên RFA
2010.01.27
toa-an-1-305 Báo chí theo dõi một phiên tòa xử các nhà dân chủ ở Hà Nội.
AFP Photo/Frank Zellar

Phản ứng đa chiều

Phản ứng của báo chí công luận bên ngoài thì đã rõ và nhất quán. Hiếm khi có một vụ án ở VN mà hàng trăm tờ báo lớn, nhỏ ở các nước đều đưa tin, đại sứ các nước, các tổ chức nhân quyền đều lên án…, trong khi đó phản ứng của người dân thì đa dạng và phức tạp hơn, thể hiện sự phân hóa sâu sắc về mặt nhận thức tư tưởng chính trị của người dân trước cùng một sự việc.

“Sài gòn hôm nay tự nhiên mưa tầm tã... có lẽ vì sự tàn mạt của công lý đang xảy ra bởi những đồ đệ của Staline còn sót lại...”
Blogger Ba SG

Có blogger với cái nhìn có vẻ trung lập như Mr. Do: “Ở đây có thể thấy hai xu hướng đối lập nhau rõ rệt.

1. Báo chí Việt Nam (có nghĩa là những tờ mà tôi đọc), ngoại trừ VNExpress rất trung dung, đều có xu hướng "thay lời (tòa) muốn nói".

2. Báo chí nước ngoài lại có xu hướng gọi những bị cáo là "nhà hoạt động dân chủ", "nhà hoạt động nhân quyền"... Tức là báo chí nước ngoài có xu hướng chỉ trích, bởi việc nói rằng ai đó đem "nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền" ra xét xử thì tự thân nó đã thể hiện thái độ chỉ trích, phản đối đối với cái sự xét xử đó rồi. Tất nhiên là cách thể hiện của báo chí nước ngoài thì khéo léo chứ không huỵt toẹt như báo chí trong nước.

Cả hai xu hướng trên đều bị dẫn dắt bởi định kiến (hoặc bởi một thế lực, hoặc bởi một sự bất lực nào đó). Nói chung là cả hai xu hướng, theo tôi, về mặt báo chí thuần túy, đều hơi duy ý chí”.

Trong khi đó, số người thông cảm, xót xa cho những người bị đem ra xử và bất bình với phiên tòa chiếm khá nhiều trên các trang blog cá nhân. Có những blogger như anh Ba SG chỉ viết ngắn vài câu đủ để bày tỏ tâm trạng, thái độ của mình, “Sài gòn hôm nay tự nhiên mưa tầm tã... có lẽ vì sự tàn mạt của công lý đang xảy ra bởi những đồ đệ của Staline còn sót lại...”

Quá trình xét xử vội vã, còn xa mới tới chuẩn mực của một phiên tòa công khai, công bằng, khách quan, theo đúng trình tự tố tụng và xét xử là điều bị nói đến nhiều nhất. Tác giả Hà Văn Thịnh băn khoăn: “…vụ án khó hiểu nhất về quy trình tố tụng là vụ xử 4 người có âm mưu lật đổ chính quyền mới đây ở Thành phố Hồ Chí Minh: Quan tòa thảo luận 15 phút trong khi bản án sau đó dài đến 45 phút(!) Làm sao có thể vừa đọc, vừa thảo luận “cái 45” trong vòng 15? Sự “tình cờ” đó về mặt số học làm cho tôi hoang mang bởi không tài nào hiểu nổi sự thật có màu gì?”

Blogger Gánh Hàng Hoa thuật lại lời của người nhà ở VN có theo dõi phiên tòa: “Phiên tòa đã xử xong rồi, sớm hơn dự định. Chưa bao giờ trong đời thấy phiên tòa gì xử 4 người mà nhanh trong tích tắc như vậy. Đúng là bản án đã được định từ trước, phiên tòa chỉ để làm màu mà thôi”.

Nhà báo tự do-blogger Lê Diễn Đức dành tình cảm cho những người không nhận tội là Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long mà tác giả gọi là “hiệp sĩ thực thụ” là những con người kiên định đã nối tiếp danh sách của “các nhà tranh đấu dân chủ đáng khâm phục và kính trọng trước các phiên tòa của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam như Linh mục Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Blogger Điếu Cày, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và hàng loạt các nhà dân chủ khác.”

Ông cũng gọi hai người còn lại là những “anh hùng” ngã ngựa. Nhà báo hiện đang sống tại Ba Lan nhận định tiếp rằng với sự đàn áp những nhà tranh đấu dân chủ ôn hoà, nhà nước Hà nội “đang đi ngược lại xu thế dân chủ, tự do của nhân loại.”

dai-su-my-2-220
Ông Marine, Đại sứ Hoa Kỳ nói chuyện về nhân quyền tại VN. AFP Photo/Hoang Dinh Nam
AFP Photo/Hoang Dinh Nam
Và ông kết luận rằng họ “Hôm nay có thể dùng nhà tù và bạo lực đàn áp, nhưng không bao giờ có thể đè bẹp được sự phản kháng bất khuất và tinh thần dấn thân của các chiến sĩ tranh đấu cho dân chủ và tự do của đất nước.”

“Đi tù vì khác biệt tư tưởng”

Bác sĩ-blogger Nguyễn Văn Tuấn tỏ ý tiếc cho cả 4 người đều là những trí thức thành đạt trong xã hội, những người học hành nghiêm chỉnh và có thực tài trong khi bản án dành cho họ là quá nặng: “Mấy con số 5, 7 hay 16 chỉ là những con số vô hồn, nhưng đằng sau nó là những mảnh đời rồi đây sẽ tan nát, sự nghiệp tiêu tan, và có lẽ nhiều người trong gia đình của họ chịu ảnh hưởng trong một thời gian dài, có khi rất dài. Nhìn như vậy để thấy rằng bản án dành cho những người này nặng quá.

Mong ước một ngày nào đó một Việt Nam hiện đại được xây dựng trên nền tảng đó để cho những người con ưu tú của Việt Nam không còn phải đi tù vì những khác biệt về tư tưởng.
Blogger Nguyễn văn Tuấn

Có thể một vài người trong nhóm của họ quá ngây thơ và mang tính bồng bột của tuổi trẻ. Có thể một vài người quá tin vào những nhóm hành nghề chống cộng ồn ào hay những thế lực ảo ở ngoài Việt Nam. Nhưng có lẽ không ai phủ nhận lòng yêu nước của họ, không ai có thể bác bỏ sự quan tâm của họ đối với đất nước. Trong cái môi trường đa số giới trẻ ham làm tiền bằng mọi giá kể cả tham nhũng và hối lộ, hay ham khoe xe cộ đắt tiền, mà chẳng màng gì đến lợi ích và tiền đồ quốc gia, họ là những người yêu nước rất hiếm hoi.

Những người trí thức mang nặng lý tưởng này đã phạm luật của Việt Nam. Điều đó chắc không ai tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ một Việt Nam hiện đại và có đạo lí nên bao dung và rộng lượng cho những ý tưởng khác biệt. Nói như một văn hào Pháp là “tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi bảo vệ đến cùng quyền anh được nói”. Mong ước một ngày nào đó một Việt Nam hiện đại được xây dựng trên nền tảng đó để cho những người con ưu tú của Việt Nam không còn phải đi tù vì những khác biệt về tư tưởng.”

Trong bài viết “Vụ án “lật đổ” hay bản án chế độ?”, tác giả Nguyễn Ngọc Giao cũng cùng một cái nhìn thông cảm như vậy đối với những người bị đem ra xét xử: “Người ta có thể tiếc rằng tuổi trẻ của Nguyễn Tiến Trung khiến anh nông nổi đến mức ngây ngô khi ca ngợi George W. Bush, người ta có thể ngạc nhiên trước quan niệm "đa đảng" khá độc đáo của luật sư Lê Công Định (một mình muốn thành lập hai ba đảng cùng một lúc), người ta có thể thất vọng khi thấy họ cả tin đối với những bè nhóm ma giáo và ồn ào ở nước ngoài (trách họ sao được, khi một nhân vật lão thành như ông Hoàng Minh Chính còn nhẹ dạ hơn họ ?), nhưng tiên thiên, không ai có quyền phủ nhận lòng yêu nước và khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phát triển, dân chủ, cởi mở của họ” .

Nhưng khi nói về sự đàn áp của chính quyền thông qua hàng loạt sự kiện gần đây cho đến phiên tòa được dàn dựng và bản án bất công này, ngòi bút của Nguyễn Ngọc Giao phê phán mạnh mẽ.

Có thể một vài người quá tin vào những nhóm hành nghề chống cộng ồn ào hay những thế lực ảo ở ngoài Việt Nam. Nhưng có lẽ không ai phủ nhận lòng yêu nước của họ, không ai có thể bác bỏ sự quan tâm của họ đối với đất nước.

Blogger Nguyễn văn Tuấn

Tác giả kết luận: “Lịch sử 20 năm qua cho thấy chế độ cực quyền đứng vững và đạt được những thành quả đáng kể vì song song với trấn áp, nó biết tạo ra và nương dựa vào một sự đồng thuận nhất định của xã hội.

Sự đồng thuận ấy đang cạn kiệt, trấn áp đơn thuần chỉ dẫn tới thất bại và hỗn loạn. Xã hội Việt Nam có thể, và chỉ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, đất nước Việt Nam chỉ có thể đứng vững trước hiểm hoạ "quyền lực cứng và quyền lực mềm" của chủ nghĩa đại hán trên bộ, trên biển, trong nội bộ và trên quốc tế, trên cơ sở một đồng thuận mới. Đó là sự đồng thuận về quyền lợi của quốc gia, lợi ích lâu dài của các thế hệ, về sự tồn tại và phát triển của xã hội dân sự và công dân. Sự đồng thuận ấy tuỳ thuộc vào nhận thức của toàn xã hội cũng như vào sự thức tỉnh từ chính quyền”.

Blogger Kami gọi phiên tòa là một hành động “Khôn nhà dại chợ-mua danh ba vạn-bán danh ba đồng”:

“Việc làm thiếu tính toán của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam bằng một phiên tòa cẩu thả và bôi bác như phiên tòa xét xử bốn nhân vật đối kháng ngày 20/1/2010 là một hành động sai lầm nghiêm trọng không đáng có.

Và: “Trong nhiều năm nay, nhà nước Việt Nam đã tốn kém không ít cho các chiến dịch quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam, hòng thu hút sự chú ý và tạo sự thiện cảm với bè bạn quốc tế vì lợi ích lâu dài cho đất nước, vậy mà chỉ sau phiên tòa đáng xấu hổ nói trên thì bao nhiêu công sức coi như mất không kiểu "kiếm củi ba năm thiêu một giờ".

Đúng như người xưa có câu "Mua danh ba vạn-Bán danh ba đồng", trong trường hợp này quả không sai. Lợi gì chưa thấy, nhưng mất lòng tin thì lấy gì mà chuộc lại được.”

Blogger Tqvn2004  nêu câu hỏi “Sao một chính quyền nhân dân lại sợ nhân dân đến vậy?” Dựa trên những bài viết của các nhà bất đồng chính kiến về chính quyền, về Đảng CSVN, tác giả phân tích về “đối tượng “lật đổ”, khái niệm lật đổ”, thời điểm lật đổ” để bào chữa cho họ và kết luận: “Xét cho cùng, các bị cáo cũng là công dân nước Việt Nam.

Họ có đầy đủ quyền bàn bạc về việc cải cách chính quyền nhân dân, đưa ra những góp ý với Hiến Pháp (nhóm của Thức không phải là người đầu tiên bàn về sửa đổi Hiến Pháp), với những đường lối của chính phủ... Và họ có đầy đủ quyền được mơ ước đem tài năng của mình cống hiến cho đất nước, ngồi vào các vị trí quan trọng của chính quyền. Trương Đình Anh, một trong những giám đốc của FPT, ngày xưa cũng đã từng mơ mộng một cách không dấu diếm là sẽ làm Thủ tướng Việt Nam ở tuổi 40 đó thôi!

tien-trung-3-220
Tiến Trung và ông Jason Kenny tại Canada. Hình do Tiến Trung cung cấp
Hình do Tiến Trung cung cấp
Chính báo chí đồng loạt "chê" những ước mơ của họ là xa vời, là ngớ ngẩn, nói ra chẳng ai tin, chẳng ai theo. Ấy vậy mà tòa lại coi đó là một tội ác nghiêm trọng cần phải bỏ tù tới 16 năm, thật mâu thuẫn! Sao "chính quyền nhân dân" mà lại sợ nhân dân đến vậy?”

Thay đổi quan điểm

Bên cạnh đó, có những tiếng nói khác như blogger Đông A, Trương Thái Du hay blogger Beo tức Hồ Thu Hồng, những người từ trước đến nay vẫn có quan điểm rất trung thành với chế độ. Blogger Đông A nhận định sự việc bằng hai chữ “Hết phim”: “Bộ phim về Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đến đây là hết. Hẳn là có những khán giả thất vọng. Không có cảnh phản cung ngoạn mục, không có cảnh tranh luận đanh thép, chỉ có màn cúi đầu nhận tội”.

Họ thay đổi quan điểm không phải do nhu cầu nội tại. Sự thay đổi đấy lại chính là sự từ bỏ cá tính của chính mình, xóa bỏ sự tồn tại của một nhân cách. Không có cá tính, không có nhân cách thì đào đâu ra bản lĩnh với cả khí phách? 

Blogger Đông A

Quan điểm, khuynh hướng chính trị của những người bất đồng chính kiến được blogger này đánh giá như sau: “Kundera từng viết về những kẻ thay đổi quan điểm nhân danh sự phù hợp với tinh thần thời đại. Họ thay đổi quan điểm không phải do nhu cầu nội tại, không có "tính thơ". Sự thay đổi đấy chỉ vì mong muốn mình giống như một đám đông nào đó. Một hiệu ứng đám đông. Sự thay đổi tưởng chừng như rất phù hợp với thời đại đấy lại chính là sự từ bỏ cá tính của chính mình, xóa bỏ sự tồn tại của một nhân cách. Không có cá tính, không có nhân cách thì đào đâu ra bản lĩnh với cả khí phách? Một kết cục dường như có thể thấy được trước”.

Cách đánh giá này lại được blogger Trương Thái Du cho là “mấy kiến giải khá hợp lý về những nhân vật này”, đồng thời trong bài viết “Bên cạnh tòa đại hình” bằng việc đưa hình ành Lý Tự Trọng thời chống Pháp ra Trương Thái Du đã ngầm đặt một sự so sánh với những người bất đồng chính kiến hôm nay khi hai trong số họ đã buộc phải thừa nhận vi phạm pháp luật VN.

Những bài viết của blogger Beo nhắc lại những luận điệu mà báo công an cũng như báo chí chính thống trong nước thường đưa ra, chẳng hạn Định, Trung có liên quan đến Mỹ, móc nối với tổ chức khủng bố, cả 4 người không phải là những nhà dân chủ thật sự, gọi sự việc là “Trò chơi đã kết thúc”-Game over và việc Định, Trung thừa nhận đã vi phạm pháp luật VN là sự đầu hàng vô điều kiện v.v…

Cuối cùng có lẽ cách nhìn như của tác giả Nguyễn Tôn Hiệt trong bài thơ

“Tôi biết ơn những người vấp ngã” đựơc viết ngay từ sau ngày Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung bị bắt là cái nhìn bao dung, nhân hậu, dễ tạo sự đồng thuận trong nhiều người:

Trên con đường đi tìm tiếng nói,

có những người vấp ngã sau khi đã đi được một đoạn.

Có những kẻ đã đặt bẫy cho họ vấp ngã.

Có những kẻ đã xô cho họ vấp ngã.

Có những kẻ đã cười thích thú khi chứng kiến những người vấp ngã.

Có những kẻ đã nhổ nước bọt lên những người vấp ngã.

Tôi biết ơn những người vấp ngã.

Tôi biết ơn đoạn đường mà những người vấp ngã đã đi được,

trước khi họ vấp ngã.

Họ vấp ngã,

nhưng mỗi lần họ vấp ngã

họ đã làm cho con đường của chúng ta ngắn thêm một đoạn.

Tôi tin chắc trong chúng ta sẽ còn nhiều người tiếp tục bước tới.

bước tới, bước tới, từ nơi những người đã vấp ngã,

không ngừng bước tới, bước tới,

và ngày chúng ta giành lại được tiếng nói,

chúng ta sẽ nói,

chúng ta sẽ hát ca,

và trong tiếng nói của chúng ta sẽ có tiếng nói của những người đã vấp ngã,

và trong lời hát ca của chúng ta

sẽ có lời hát ca của họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
28/01/2010 07:24

Ở đó mà sợ búa rìu dư luận! Sau vụ xử 4 người Định, Trung, Thức, Long là vụ xử Phạm Thanh Nghiên, đập tường nhà TS Cù Huy Hà Vũ và vụ quy hoạch làng tôn giáo Đà Nẳng. Còn sợ ai nửa ? Ngày nào TV cũng huyênh hoan chủ tịch Asian, chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ, và trong tương lai có thể là Tổng thư ký LHQ. Người ta, thấy không mặt lúc nào cũng hất lên khi ra trước công chúng, đàn áp thằng dân trong tay không tất sắt, khúm núm cúi đầu trước thằng hàng xóm khổng lồ, lừa dối bịp bợm hết thảy đối với cộng đồng quốc tế trong khi trong bụng cười hể hả vì qua mặt được mấy thằng tư bản tham tiền. Tôi rất có cảm tình với người Nhật, Mỹ , Anh nhưng từ từ tình cảm của tôi dành cho họ đã hết. Nhất là Nhật, hà hơi tiếp sức rất nhiều cho CS đang dẫy chết sống dậy.