Đứng trước thời cơ lớn, Việt Nam phải làm gì?
2010.08.18
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có những lời phát biểu mạnh mẽ thách thức Trung Quốc trên hồ sơ biển Đông đồng thời cho thấy sự thay đổi trong đường lối chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Điều này đã làm cho một số quốc gia thuộc khu vực này trong đó có Việt Nam cảm thấy vững tâm hơn trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Tiếp theo là sự kiện trong tháng 8 vừa qua, một loạt các tàu chiến Mỹ đến thăm Việt Nam và có những hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đang phát triển theo chiều hướng tích cực giữa hai nước cựu thù. Dư luận trong và ngoài nước, báo chí khu vực và cả thế giới đều tỏ ra quan tâm đến những sự kiện này.
Người Việt nghĩ gì?
Ngoại giao khôn khéo sẽ đưa nước nhà lớn lên trong mọi thời đại. Ngoại giao thiển cận sẽ đẩy đất nước và dân tộc vào những ngày tăm tối như giai đoạn 1975-1990.
BS Hồ Hải
Điều đầu tiên phải nhận thấy đó là về phía Việt Nam, từ báo chí quốc doanh, báo chí hải ngoại cho đến ý kiến của người dân trên các trang blog cá nhân tỏ ra khá là đồng thuận trước sự trở lại của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á-rằng sự có mặt của Mỹ tại khu vực này là cần thiết để kìm hãm bớt tham vọng ngày càng lộ rõ của Trung Quốc trong vùng biển Đông. Sự đồng thuận thứ hai là Việt Nam cần phải phát triển mối quan hệ với Mỹ và các nước tự do dân chủ nói chung.
Lý giải tại sao Việt Nam phải chơi với phương Tây, trong đó có Mỹ, bác sĩ, blogger Hồ Hải viết trong bài “Việt, Mỹ và nước lạ” : “Bao đời nay anh bạn nước lạ với chính sách Đại Hán luôn xem các tiểu quốc lân bang là chư hầu. Đã thế, cái văn hóa Á Đông luôn có tính hủy diệt. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã đúc kết ra rằng các cường quốc châu Âu với văn hóa du mục luôn có tính kiếm tìm thuộc địa, nhưng nhân bản trong giữ gìn nét đặc thù văn hóa thuộc địa. Vì họ hiểu rằng giao lưu văn hóa là nguồn gốc của sự phát triển... Nhưng với tư duy văn hóa Đông Á, khi xâm chiếm thuộc địa là hủy diệt cả chủng tộc ấy. Bằng chứng người Hán đã đồng hóa và mở rộng bờ cõi đã minh chứng điều ấy...”
Hơn nữa, người Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng với nước láng giềng Trung Quốc “…hễ cứ khi nào dân Việt cô độc, yếu thế là y như rằng có mặt anh bạn nước lạ phương Bắc đến nhà để trộm. Từ bao đời Đinh, Lý, Trần, Lê và gần đây cũng thế.”
Tác giả Đống Đa trong bài “Ba kịch bản cho mối quan hệ Việt Trung trong tương lai” đăng trên trang Tin tức hàng ngày, nhận xét, trước tình hình Trung Quốc quyết tâm lựa chọn “Nam tiến” và khống chế Đông Nam Á, Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn. Một: Quy thuận Trung Quốc thì có những hậu quả gì. Hai: “Đu dây” là phương án được các nhà lãnh đạo cộng sản ưa thích nhưng cũng sẽ có những cái hại gì. Ba: Ngả theo phương Tây thì có những cái lợi gì. Cuối cùng tác giả kết luận: “Tôi không ngây thơ nói rằng đi theo phưong Tây là sự giàu có và thịnh vượng sẽ đến với chúng ta ngay lập tức. Suy cho cùng, mọi thành quả đều có được nhờ lao động. Tôi chỉ nói rằng theo phưong Tây công cuộc tái thiết đất nước của chúng ta có nhiều thuận lợi hơn.
Đi theo phương Tây là lựa chọn tốt nhất để xây dựng đất nước, cải thiện cuộc sống nhân dân.”
Thái độ của Trung Quốc
Trước sự “nhích lại gần nhau” của Việt Nam và Mỹ, Trung Quốc tất nhiên là không hài lòng. Bài viết “Tướng Trung Quốc cảnh báo Việt Nam” đăng trên BBC dẫn lại lời phát biểu của một lãnh đạo hải quân Trung Quốc là Đô đốc Dương Di trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Phượng Hoàng, một kênh thân Bắc Kinh đặt tại Hong Kong, rằng “Việt Nam muốn dùng quyền lực của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc.Thế nhưng nói cho cùng thì (Việt Nam) sẽ chỉ là quân tốt thí trong ván cờ của Mỹ”. Ông nói: “Tôi sợ rằng Việt Nam trong tương lai sẽ phải hối tiếc về việc này”. Và: “Nói chung dư luận Trung Quốc cho rằng việc hàng không mẫu hạm USS George Washington tới neo đậu gần biển Đà Nẵng cho đoàn cán bộ Việt Nam ra thăm quan, cũng như hoạt động trao đổi giữa hải quân Mỹ-Việt, đều là các động thái thách thức Trung Quốc.”
Muốn làm bạn với Mỹ, nhưng thay vì chìa bàn tay ra để bắt tay họ theo đúng kiểu ngoại giao thì lại chừa lại vài ngón?
Blogger Mẹ Nấm
Song, dù tức giận, Bắc Kinh đã cho thấy ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, họ chưa thể làm gì hơn cũng như chưa thể đối đầu trực tiếp về mặt quân sự với Mỹ. Điều này khác với sự hung hăng thái quá của họ trong thời gian gần đây, khi tự tin trước sức mạnh về kinh tế, chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra mạnh bạo hơn trong hàng loạt động thái muốn chứng tỏ uy quyền của mình trên vùng biển Đông, uy hiếp các nước láng giềng nhỏ bé hơn, đe dọa đến sự phát triển hòa bình trong khu vực. Phái diều hâu trong chính quyền Trung Quốc nhiều lần lớn tiếng đòi dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông và nhắc đi nhắc lại về việc Trung Quốc có “quyền lợi quốc gia cốt lõi” trong vùng biển này. Tuy nhiên, một số ý kiến ngay chính trong hàng ngũ lãnh đạo của Bắc Kinh lại tỏ ra phê phán đường lối ngoại giao này. Tác giả Wu Zhong trong bài “Trung Quốc táo bạo từ bỏ chính sách đối ngoại của Đặng Tiểu Bình” đăng trên Talawas, nhận xét: “Tuy nhiên, bằng cách nêu rõ Biển Nam Trung Hoa là “quyền lợi cốt lõi” của mình, Trung Quốc đã tự đặt mình vào một vị trí rất bị động, bằng cách thu hẹp tính cơ động chính trị và ngoại giao của mình và tạo ra nguy cơ đối đầu quân sự với các nước láng giềng và Hoa Kỳ.
Đưa ra một tuyên bố quả quyết như vậy có nghĩa là Trung Quốc đang liều lĩnh từ bỏ những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại do cố lãnh tụ vĩ đại Đặng Tiểu Bình đề ra.”
(bài viết nhắc lại chính sách của họ Đặng được gọi là “Thao quang dưỡng hối” [che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối] trong các quan hệ quốc tế – nghĩa là ẩn mình khi tình thế chưa thuận lợi và kiên trì chờ thời cơ để ra tay trong thế mạnh).
Việt Nam phải làm gì?
Sự quan tâm trở lại của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á và biển Đông mở ra cho Việt Nam những thời cơ mới. Nắm lấy thời cơ và chọn lựa hướng đi cho đất nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài là điều quan trọng sống còn đối với vận mệnh quốc gia và dân tộc. Nhìn chung người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước, dù quan điểm chính trị như thế nào đều quan tâm đến chính sách ngoại giao sắp tới cũng như nhà nước Việt Nam sẽ lựa chọn con đường đi ra sao.
Theo bác sĩ Hồ Hải, một chính sách “Ngoại giao khôn khéo sẽ đưa nước nhà lớn lên trong mọi thời đại. Ngoại giao thiển cận sẽ đẩy đất nước và dân tộc vào những ngày tăm tối như giai đoạn 1975-1990. Chẳng có cường quốc nào muốn các tiểu quốc hùng mạnh. Càng không muốn khi một tiểu quốc nằm cận đường biên với đại ca. Thế thì, nước Việt cần gì hơn một chiến lược ngoại giao đa phương là đoàn kết khu vực, và lấy bà con xa hơn xóm giềng gần mà luôn là trộm?”.
Nếu như “Việt Nam được cho là ‘khôn ngoan’ trong vấn đề Biển Đông” như cái tựa trong bài viết đăng trên đài VOA từ nhận định của ông Carl Robinson, một nhà báo và nhân viên cứu trợ Hoa Kỳ, người đã từng làm việc nhiều năm ở Việt Nam, khen ngợi Việt Nam thì một số ý kiến khác của chính người dân lại e ngại một đường lối ngoại giao như vậy và cho rằng sự lựa chọn cần phải rõ ràng, dứt khoát. Trong bài “Kẻ thù của kẻ thù” tác giả Trung Bảo nhận xét về thái độ lập lờ mâu thuẫn của Việt Nam:“Có người nói: "Kẻ thù của kẻ thù là bạn (hoặc đồng minh-TB) của ta". Ông bà có dạy: "Chọn bạn mà chơi". Làm "bạn" với Mỹ như thế nào, câu trả lời rõ nhất chính là kết cục của Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30.4.1975. Còn làm "bạn" với Trung Quốc như thế nào, câu trả lời chính là hiện tại. Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều (từng) là "kẻ thù" của ta nhưng trong quan hệ ngoại giao, chẳng có bạn vĩnh viễn cũng chẳng có kẻ thù mãi mãi.Nếu ta phải chọn một trong hai để dựa vào thì ta nên chọn ai? Kẻ ở xa ta nửa vòng trái đất hay kẻ sát vách ta suốt ngày hăm he vợ ta, nhà ta?
Fact box | |
|
Ngay khi Mỹ vừa có động thái xích lại gần Việt Nam trên biển Đông, vấn đề nạn nhân Dioxin lại được đặt ra. Đòi hỏi quyền lợi cho đồng bào là cần thiết và phải làm nhưng cũng cần thời điểm. Vừa nhờ người giúp lại vừa vạch mặt chỉ tay để nhắc lại quá khứ phạm tội của họ, xem ra hai việc này không nên tiến hành song song. Có phải vì vẫn còn ai đó muốn chứng minh rằng Mỹ luôn luôn là kẻ thù của Việt Nam, dù có giao kết thì cũng vẫn cứ là kẻ thù!”
Bài viết của blogger Mẹ Nấm “Ai mới là kẻ thù của dân tộc Việt Nam?” cũng nhắc đến ý đó của tác giả Trung Bảo “…Muốn làm bạn với Mỹ, nhưng thay vì chìa bàn tay ra để bắt tay họ theo đúng kiểu ngoại giao thì lại chừa lại vài ngón?...
Không thể có bạn hay đồng minh theo kiểu gian manh thế này”.
Khi phê phán con đường Việt Nam đã đi trong 20 năm nay “là ngả hẳn về Trung Quốc, coi TQ là chỗ dựa lớn nhất của Đảng CS VN, là nhượng bộ các yêu cầu bành trướng của họ”, nhà báo Bùi Tín gọi sự kiện Mỹ quay trở lại Đông Nam Á, đối với Việt Nam là “Bàn tay bè bạn chìa ra đúng lúc” và đề cập đến “một đường lối đối ngoại khác, thông minh, khôn khéo, là từ chính tự đất nước mình đổi mới trước, đổi hẳn từ hệ thống độc đảng, độc quyền đảng trị sang hệ thống dân chủ đa đảng trong trật tự luật pháp…”
Thay đổi thể chế chính trị và dựa vào sức dân là điều mà nhiều ý kiến đều nêu lên. Trong bài “Giải pháp quốc tế cần mà chưa đủ phải có sức quốc dân mới là định cuộc” tác giả Lý Đại Nguyên viết: “cần huy động sức đóng góp của toàn dân, muốn thế phải Dân Chủ Hoá chế độ, dùng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền tự do nghiệp đoàn, quyền tự do tôn giáo, rồi phối hợp với sự trợ giúp của Mỹ và quốc tế mới thành được định cuộc.”
Bài “Dân chủ là giải pháp cho Biển Đông” của hai tác giả Nguyễn Đan Quế & Al Santoli đăng trên talawas nói đến chủ nghĩa quốc gia và con đường tự do dân chủ cho Việt Nam: “Trong suốt lịch sử của chúng tôi, chủ nghĩa quốc gia của người Việt đã giúp chúng tôi đánh bại những đạo quân Trung Quốc lớn hơn bội phần.
… Ngày nay Việt Nam đối diện với sự đe dọa mới từ một Trung Quốc tái võ trang. Lịch sử chúng tôi gợi ý Hoa Kỳ đã có lý khi tin rằng chủ nghĩa quốc gia của người Việt sẽ hữu dụng trong việc duy trì sự ổn định trong phần thế giới cực kỳ quan trọng về chiến lược. Tuy nhiên, chủ nghĩa quốc gia của người Việt bao giờ cũng mạnh nhất và đáng tin cậy nhất khi chính quyền Việt Nam đứng về phía nhân dân. Nếu bà Clinton và Hoa Kỳ muốn một đối tác thực sự và lâu bền cho hòa bình và ổn định tại vùng này, họ nên tìm kiếm trong một Việt Nam tự do và dân chủ.”
Còn tác giả Nguyễn Ngọc Già để trả lời câu hỏi “Làm gì khi mối bang giao Việt - Mỹ ngày càng nồng ấm?” đã đặt thẳng câu hỏi: “Thân Mỹ và trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ để cứu nước, giữ nước phải chăng là mệnh lệnh của thời đại, là cơ hội lịch sử không thể bỏ qua?”
Người dân kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi riêng tư của Đảng. Tác giả Nguyễn Ngọc Già kết luận: “Vận nước đã đến hồi thay đổi, những người đang chịu trách nhiệm đối với dân tộc cần phải biết vượt lên cái thường tình, cái hữu hạn mà hy sinh cho cái cao cả, cái vô hạn - Dân Tộc, Tổ Quốc.”
Nhà báo Bùi Tín “… Lịch sử Việt Nam sắp sang một trang mới, một trang hào hùng oanh liêt hay tủi nhục ê chề tất cả tùy thuộc vào những người được trao trọng trách lãnh đạo đất nước.”
Lịch sử Việt Nam sắp sang một trang mới, một trang hào hùng oanh liêt hay tủi nhục ê chề tất cả tùy thuộc vào những người được trao trọng trách lãnh đạo đất nước.
Nhà báo Bùi Tín
Lòng dân như vậy đã rõ. Nhưng còn thái độ của nhà nước Việt Nam? Người dân chỉ mới thấy trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng do lo sợ phản ứng của Trung Quốc trước những sự kiện kể trên đã vội vã lên tiếng trả lời báo chí rằng những hoạt động viếng thăm Việt Nam của các tàu quân sự Hoa Kỳ vừa rồi chỉ là “hoạt động theo thông lệ của phía Hoa Kỳ, mỗi lần đi qua vùng biển gần các quốc gia có liên quan”, và nhắc lại “Phát triển quan hệ hải quân với Trung Quốc là một hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại Quốc phòng của Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước”, đồng thời chỉ trích “một số phương tiện thông tin phương Tây tăng cường bình luận theo hướng này, cho rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ hải quân với Hoa Kỳ để “cân bằng sức mạnh” trên Biển Đông. Đây là bình luận không có căn cứ và thiếu hiểu biết về chính sách Quốc phòng Việt Nam….”
Nhận định về những phát biểu của Nguyễn Chí Vịnh trang blog freelecongdinh gọi thẳng Vịnh là “quan thái thú của triều đình Bắc Kinh”, đồng thời vạch rõ sự lạm quyền của Vịnh: “Chính sách quan hệ, bang giao quốc gia không phải là thẩm quyền của một Thứ trưởng Quốc phòng. Ngay cả người có thẩm quyền để tuyên bố về chính sách quốc phòng trước một bối cảnh mang tính bước ngoặt lịch sử trong quan hệ bang giao Việt Mỹ là Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…Sự kiện này cho thấy Thái thú Nguyễn Chí Vịnh đang khuynh loát thượng tầng quân đội; và Tổng cục II, cơ quan tình báo quân sự kiêm cơ quan tình báo quốc gia đã vượt qua khỏi quyền hạn của BCT và đang thao túng nội tình chính trị Việt Nam.
Để có sự thao túng và làm mưa làm gió ấy, đằng sau Nguyễn Chí Vịnh phải có sự hỗ trợ to lớn của các quan thầy Bắc Kinh; của Tình báo Trung Quốc.”
Nếu dàn lãnh đạo Việt Nam chỉ toàn những nhân vật như Nguyễn Chí Vịnh thì khả năng Việt Nam một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội “khai dụng quyền lợi của Hoa Kỳ đối với vùng Đông Nam Á để phù hợp với quyền lợi của VN trong sách lược đối phó với Trung Quốc”, ngược lại sẽ tiếp tục dấn sâu vào con đường lệ thuộc Bắc Kinh dẫn đến mất nước là hoàn toàn rõ như ban ngày.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam ở vị trí nào trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ? (phần 1)
- Việt Nam ở vị trí nào trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ? (phần 2)
- Biển Đông nổi sóng-chiến hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam
- Chiến hạm USS John S. McCain thăm VN là dấu hiệu tốt
- Slideshow: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Việt Nam
- Ngoại trưởng Hillary Clinton phát tại biểu Hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN – Mỹ
- Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Việt Nam
- Mười lăm năm Bang giao Mỹ - Việt