Quan và Trí

Theo chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền từ nay đến năm 2020, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu 100% cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý phải là tiến sĩ.
Trân Văn, phóng viên RFA
2009.09.30

Chỉ tiêu tiến sĩ

Hôm 25 tháng 9, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, chính thức tuyên bố với báo chí rằng, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền từ nay đến năm 2020 và sẽ tính toán lại một số chỉ tiêu, kể cả chỉ tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ thuộc diện “Thành ủy quản lý” là tiến sĩ.”

“Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2020”, từng được ông tiến sĩ Nguyễn Thế Thảo, đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phê duyệt hồi cuối tháng 8 và được một tiến sĩ khác, ông Lê Anh Sắc, chuyên viên cao cấp của Sở Nội vụ Hà Nội, thành viên bộ phận soạn thảo, giới thiệu với báo chí.

Ngay sau đó, ý tưởng p
hấn đấu đến năm 2020, có 100% cán bộ thuộc diện “Thành ủy quản lý” là tiến sĩ vừa kể đã bị cả hệ thống truyền thông phụ thuộc chính quyền, lẫn các diễn đàn điện tử, các blog chỉ trích kịch liệt.

Cho dù ông Tiến sĩ Lê Anh Sắc biện giải rằng, sở dĩ ông Tiến sĩ Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phê duyệt mục tiêu này
là vì, chỉ tiến sĩ mới có thể “đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá”.

Vì sao ý tưởng và lối biện giải cho mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 100% cán bộ thuộc diện “Thành ủy quản lý” là tiến sĩ bị chỉ trích?

Không ít trường hợp, người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng Tiến sĩ! Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị Tiến sĩ, thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học.

blogger Nguyễn Văn Tuấn

Blogger Nguyễn Văn Tuấn, một tiến sĩ ở Úc giải thích, học vị Tiến sĩ giống như một “giấy thông hành” để bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Yếu tố cốt lõi của học vị Tiến sĩ, cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị Tiến sĩ với các học vị đại học khác là nghiên cứu khoa học, chứ không phải làm công việc quản trị.

Sau khi dẫn một số dữ liệu liên quan đến đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, trên chính báo chí Việt Nam, chẳng hạn như: sao chép luận văn, nghiên cứu ma (giả mạo số liệu), mua - bán hoặc lợi dụng quyền chức,… để trở thành tiến sĩ, đã cũng như đang là thực trạng, tuy nhức nhối nhưng rất phổ biến, kèm theo thực tế mà nhiều người đã cảnh báo từ lâu là chất lượng tiến sĩ của Việt Nam quá tồi, blogger Nguyễn Văn Tuấn tâm sự:

“Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế, vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành chính. Song nay tôi đã hiểu tại sao: Vì Nhà nước muốn có những con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách làm đẹp con số thống kê.

Chủ trương “tiến sĩ hóa cán bộ hành chính” là một cách biến học vị Tiến sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính...

Chính vì qui định này mà không ít trường hợp, người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng Tiến sĩ!

Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị Tiến sĩ, thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học.

Dân đi ăn mày?

Không chỉ có blogger Nguyễn Văn Tuấn âu lo về mục tiêu “tiến sĩ hóa cán bộ hành chính”, trên diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng:
“100% công chức cao cấp là Tiến sĩ thì dân ta đi ăn mày!” vì đó là: Lầm lẫn khái niệm. Biến cơ quan công quyền thành nơi “nghiên cứu khoa học” rởm cũng chẳng khác việc bắt thợ nề làm thợ mộc và cái nhà do họ xây chắc chắn sẽ bị sụp.
Người gánh chịu hậu quả của kiểu “trọng dụng nhân tài” này sẽ là những người đóng thuế là nhân dân và cả dân tộc.”

Trên một diễn đàn điện tử khác, có tên là Việt Sciences, Tiến sĩ Hồng Lê Thọ sống ở Nhật, cũng chia sẻ những trăn trở tương tự. Ông viết:

Đường lối tổ chức cán bộ nếu vẫn đặt nặng chủ nghĩa lý lịch, đối xử phân biệt, không lấy năng lực thực tiễn làm chuẩn để đánh giá, đào tạo rập khuôn, thiếu sát hạch, kiểm tra khi tuyển dụng, tư tưởng chính trị  giáo điều theo lối tư duy lỗi thời, lạc hậu đã hình thành từ thời chiến, xem bằng cấp “tiến sĩ” như ông lãnh đạo Sở Nội vụ nêu trên là tối thượng, toàn năng một cách mù quáng thì có lẽ con đường đau khổ của nhân dân còn kéo dài tận chân trời, góc biển…”

Đường lối tổ chức cán bộ nếu vẫn đặt nặng chủ nghĩa lý lịch, đối xử phân biệt, không lấy năng lực thực tiễn làm chuẩn để đánh giá... thì có lẽ con đường đau khổ của nhân dân còn kéo dài tận chân trời, góc biển.

TS Hồng Lê Thọ

Với giả định, chính quyền vẫn muốn “tiến sĩ hóa cán bộ hành chính”,  Tiến sĩ Bùi Trọng Liễu, sống ở Pháp, đề nghị hai giải pháp song hành. Giải pháp thứ nhất:

Cứ theo định kỳ, vị lãnh đạo cao nhất nước (với sự hỗ trợ của một số quan chức nào đó), triệu tập cán bộ sĩ tử tại một quảng trường nào long trọng, “thân” ra đầu bài hỏi về học thuyết, lịch sử của chế độ, hỏi về đường lối đối nội đối ngoại, cách trị dân trị nước.

Thí sinh nào viết bài trả lời hợp ý người lãnh đạo thì lấy đỗ và phát cho bằng “tiến sĩ”, ban cho mũ áo, cho được về địa phương mở tiệc ăn mừng linh đình tùy theo mức độ, khả năng. Rồi tha hồ khắc tên vào bia đá trên lưng rùa.

Sau đó đề bạt vào những chức vụ quản lý hành chính trị dân. Số “tiến sĩ” kiểu này nhiều ít tùy theo nhu cầu, sở thích, hai vạn hay 20 vạn cũng không khó, không còn là chuyện bất khả thi nữa.

Hơn thế nữa, nếu muốn, có thể phong cho những “tiến sĩ xứng đáng”, hàm “giáo sư”, nhiều ít tùy ý. Không còn vấn đề than phiền nhiều hay ít “giáo sư”, chuẩn này chuẩn nọ.”

Giải pháp thứ hai mà Tiến sĩ Liễu đề nghị là hãy để cho các trường đại học và viện nghiên cứu nghiêm chỉnh, đào tạo đủ nhân sự cho các ngành cần thiết đối với sự tồn tại và sự phát triển của đất nước.

Theo ông, lợi ích lớn nhất của việc tách bạch “tiến sĩ công chức” và tiến sĩ thực chất nhằm giúp:

“Chế độ có khả năng vững bền mà đất nước cũng tiếp tục tồn tại. Các quan chức phụ trách giáo dục đào tạo khỏi phải mất công năm này qua năm khác, đêm thao thức ngủ ít giờ, nặn óc tìm những khẩu hiệu mới,… nay tuần du nơi này, mai thanh tra nơi nọ, vỗ vai người già, vuốt đầu người trẻ nhưng vô hiệu quả vì không tìm ra được chiến lược phù hợp.”

Đột và Phá

Tuy nhiên có một vài blogger dứt khoát không chấp nhận “tiến sĩ hóa cán bộ hành chính”. Trong số này có blogger Dương Minh:

Việt Nam đã từng chịu “nhục” không ít, khi những người lãnh đạo cao cấp nhất xuất thân từ những nghề như: “thiến lợn“, “cai đồn điền” hay là những “nông dân thất học”, “ở tù (cách mạng) nhiều hơn ở trường học” và sau đó, nhiệt tình cách mạng cùng với sự ngu dốt đã phá hoại đất nước từ văn hóa cho đến kinh tế, từ dân trí cho đến dân khí, tất cả đều tan hoang.”

Nhiệt tình cách mạng cùng với sự ngu dốt đã phá hoại đất nước từ văn hóa cho đến kinh tế, từ dân trí cho đến dân khí, tất cả đều tan hoang.

blogger Dương Minh

Ngoài blogger Dương Minh, ở bài “Tiến sĩ: Đột và phá”, blogger Hiệu Minh cảnh báo về nguy cơ, thay vì “tư duy đột phá”, việc sử dụng sai mục đích có thể biến các tiến sĩ thành những kẻ chỉ chuyên “đột” và “phá”.

Trước nữa, trong một bài viết có tựa là Quan trí, báo chí và Internet”, blogger Hiệu Minh liệt kê hàng loạt sự kiện khiến ông cảm thấy băn khoăn về “quan trí” – vốn liên quan mật thiết với trào lưu “tiến sĩ hóa cán bộ hành chính”:

Khi thấy vấn đề gì không hay ho, các vị thường nói, do dân trí thấp.  Ít người dám nói quan trí có điều cần bàn. Rỗi việc nên điểm báo và blog, thấy nhiều điều thú vị về các quan, Internet và báo chí.”

Khoảng một nửa số vụ làm blogger Hiệu Minh e ngại về “quan trí”, cùng dính dáng đến việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Trước hết là vụ ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định, các ý kiến phản biện của trí thức Việt Nam, kể cả ý kiến của các tướng lĩnh nhiều công trạng là:

Rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”.

Rồi tới ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bảo với báo giới  rằng: “Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite” trong khi Quốc hội chưa họp. Blogger Hiệu Minh nhận xét: Bác ấy “vô tình” đã bỏ phiếu “đồng ý” giúp cho mấy trăm đại biểu.

Quan trí?

Chưa hết, trong khi mọi người băn khoăn về tính hiệu qủa của dự án ngốn  hàng tỷ đô la đó thì ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, cho biết:

“Lỗ hay lãi bây giờ chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời”.

Blogger Hiệu Minh bình: “Ổng dùng cả tỷ đô la đi “cá” năm ăn, năm thua.”

Gần đây nhất là tuyên bố bị phê phán rằng bất chấp thực tế của ông Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng:

Cho đến lúc này, dư luận trong nước cũng như trên thế giới, kể cả những người khó tính, còn ai nói đến vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên nữa. Điều đó cho thấy, khai thác bauxite ở Tây Nguyên là đúng đắn và đang gặp thuận lợi”, làm blogger Trương Duy Nhất ngạc nhiên đến sững sờ bởi: Chẳng lẽ đó lại là phát biểu của một… Phó Thủ tướng?”

Một số vụ khác cũng khiến người ta băn khoăn về “quan trí” là tuyên bố của ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin bốn viên chức của tập đoàn PCI bị bắt vì hối lộ quan chức Việt Nam:

Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin.”

Tuyên bố đó, lập tức tạo ra dư luận, Việt Nam muốn Nhật tiếp tay bịt miệng báo chí giống như mình.

Hoặc vụ trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc”, tuy được đặt dưới sự quản lý của ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhưng lại để Trung Quốc sử dụng để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Rồi vụ trang web của báo điện tử Đảng CSVN, được đặt dưới sự quản lý của ông Đào Duy Quát, đăng tin “Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông”, giúp Trung Quốc khẳng định chủ quyển của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa thêm một lần nữa.

Liền đó là vụ website chính phủ đăng ảnh ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng, nghiêng  người, dùng hai tay nắm lấy bàn tay của Thủ tướng Trung Quốc.

Xưa hơn một chút là vụ ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ trích dân chúng Thủ đô: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm” khi cả thành phố Hà Nội chìm sâu trong nước, hồi cuối năm ngoái.

Chúng tôi đã thử tìm kiếm thêm thông tin về chin cá nhân, liên quan đến chín vụ mà blogger Hiệu Minh cũng như một vài blogger khác nêu ra để cùng bày tỏ sự băn khoăn của họ về “quan trí” thì phát giác có một điểm tương đồng:

Đó là, trừ ông Hồ Xuân Sơn, tốt nghiệp Khoa Trung Văn ở Đại học Bắc Kinh năm 1978, tám ông còn lại: Lê Dương Quang, Trần Đình Đàn, Đoàn Văn Kiển, Trương Vĩnh Trọng, Vũ Huy Hoàng, Đào Duy Quát, Phạm Quang Nghị đều là tiến sĩ, thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.