Vai trò của nông nghiệp?
2009.08.08
Những câu nói đùa dí dỏm như thế, đã chứng tỏ vai trò của nông nghiệp trong vấn đề bảo đảm nhu cầu lương thực cho người dân Việt Nam từ thời xa xưa.
Kinh tế nông thôn
Đâu là vai trò của sản xuất nông nghiệp trong an ninh
lương thực, ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước. Đây là một bài viết
nhiều trăn trở của TS Dương Văn Ni, Trường Đại Học Cần Thơ, được Thời Báo Kinh
Tế Saigon đưa lên mạng ngày 2/8/2009, cũng là đề tài Chúng tôi chọn Đọc Báo
Trên Mạng tuần này
Trong quá khứ nhiều quốc gia nhờ đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ mà trở thành nước phát triển. Tuy nhiên, nhiều nước cũng vì quá ưu tiên hai lĩnh vực này mà xem nhẹ việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Kết quả là họ phải đối diện với tình hình khó khăn do khủng hoảng lương thực hiện nay.
TS Dương Văn Ni
Trong bài viết, tác giả phân tích rằng trong quá khứ nhiều quốc gia nhờ đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ mà trở thành nước phát triển. Tuy nhiên, nhiều nước cũng vì quá ưu tiên hai lĩnh vực này mà xem nhẹ việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Kết quả là họ phải đối diện với tình hình khó khăn do khủng hoảng lương thực hiện nay.
Tác giả bài viết TS Dương Văn Ni đưa ra một số nguyên nhân mà ông cho là đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam, đó là thiên tai lụt lội, dịch bệnh, đất nông nghiệp bị chuyển đổi thành phi nông nghiệp để trở thành khu dân cư, hệ thống giao thông, khu công nghiệp, dịch vụ, vui chơi giải trí.
Bài viết nhấn mạnh tới sự kiện, nông nghiệp ở Việt Nam
bị tuột dốc và bị xếp vào vị trí cuối cùng trong thang bậc nghề nghiệp, thay vì
trong quá khứ nông nghiệp đứng hàng thứ nhì theo trật tự ‘sĩ nông công thương’.
Sự kiện này theo tác giả, được thể hiện bằng nhận thức của các bậc cha mẹ, dù
là nông dân, cũng mong con em họ không tiếp tục làm sản xuất nông nghiệp. Giới
trẻ thì quan niệm học ngành nông nghiệp không có tương lai, các doanh nghiệp
thì ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì thu hồi vốn chậm và gặp nhiều rủi
ro do thiên tai dịch bệnh, giá cả bấp bênh.
Phát triển nông nghiệp
Trong bài viết trên Thời Báo Kinh Tế Saigon online, TS Dương Văn Ni cho rằng trong tình trạng như thế, thật dễ hiểu là tại sao những người làm công tác quản lý, qui hoạch, lập chính sách phát triển thời gian qua đã không ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp. Hệ quả là lĩnh vực nông nghiệp mất dần diện tích đất sản xuất màu mỡ, mất dần nguồn lao động trẻ ở nông thôn và mất dần nguồn nhân lực chất xám. Trong đó, việc mất dần nguồn nhân lực chất xám có thể xem là nguyên nhân quan trọng nhất!
Nhiều bậc thức giả cũng từng nhận định về vấn đề này, GSVS Đào Thế Tuấn nguyên Viện Trưởng Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Việt Nam trong dịp trả lời Gia Minh của Đài chúng tôi đã phát biểu:
Chúng ta phải đào tạo ra một tầng lớp trí thức mới từ nông thôn. Có thể nói đại đa số trí thức ở Việt Nam là từ nông thôn. Hiện nay vai trò nông thôn đối với vấn đề phát triển giáo dục, phát triển tri thức vẫn quan trọng, nhưng những tư tưởng đó không được biết đến.
Cái mà nông dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, mức độ phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như thành tích mà nông nghiệp đem lại.TS Đặng Kim Sơn
Trở lại bài viết của TS Dương Văn Ni trên Thời Báo Kinh Tế Saigon Online, tác giả cho rằng quá trình mất dần nguồn nhân lực chất xám đã diễn ra từ lâu, học sinh không chịu thi vào các trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp, khiến các nơi này phải chuyển sang các lĩnh vực kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin. Ở bậc đại học, theo tác giả ngành nông nghiệp không tuyển đủ sinh viên và sinh viên tốt nghiệp không tiếp tục công tác trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc không trở lại nông thôn.
Lợi tức nông dân?
Từ những nhận xét của TS Dương Văn Ni, có thể cảm nhận
rằng lợi tức của người làm nông nghiệp và cư dân nông thôn dù ở họat động nào
cũng kém xa thành thị.
Ngay chính các nhà nghiên cứu chính sách của Nhà nước cũng nhìn nhận điều này. TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn nhận định với chúng tôi:
“Cái mà nông
dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của
người nông dân, mức độ phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như thành tích
mà nông nghiệp đem lại. Đầu tư công cho nông nghiệp là thấp, đầu tư của tòan xã
hội cho nông nghiệp là thấp.
Mức tăng trưởng đời sống của nông dân rất cao, nhưng so với mức tăng trưởng của đời sống của người dân ở đô thị thì hiện nay khoảng cách của thu nhập trung bình của cư dân nông thôn chỉ bằng một nửa của đô thị. Tất nhiên so với nhiều quốc gia kể cả Trung Quốc thì đây là một thành tích đáng tự hào, nhưng rõ ràng là người Việt Nam không phấn khởi với mức chênh lệch này.”
Trong bài viết trên Thời Báo Kinh Tế Saigon, TS Dương
Văn Ni cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng xem ra bức tranh đào tạo sử dụng
nguồn nhân lực chất xám để phát triển nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng
kể.
Theo tác giả, việc nông dân bỏ ruộng vườn và các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn do sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, trong đó việc kiểm soát gía lúa gạo và chỉ tiêu xuất khẩu gạo gần đây là một ví dụ.
Việc nông dân bỏ ruộng vườn và các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn do sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, trong đó việc kiểm soát gía lúa gạo và chỉ tiêu xuất khẩu gạo gần đây là một ví dụ.
TS Dương Văn Ni
TS Dương Văn Ni đã khéo léo và nhẹ nhàng chỉ ra được mấu
chốt vấn đề mà các bộ ngành của chính phủ không muốn đề cập. Theo đó, chính
sách kiểm soát giá lúa gạo và chỉ tiêu xuất khẩu, trong ngắn hạn, có thể giúp
giá gạo trong nước không tăng, do đó, góp phần bình ổn xã hội, làm giảm áp lực
lương thực đối với người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, khi giá gạo không tăng tức
là giá lúa cũng không tăng và điều này sẽ làm cho nông dân, những người trực tiếp
sản xuất lúa gạo không được hưởng lợi bao nhiêu.
Vẫn theo TS Dương Văn Ni, cho dù giá lúa có tăng, nhưng xem ra còn thấp hơn nhiều so với mức tăng giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu và xăng dầu trong thời gian qua. Nếu tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo và kìm giá lúa thì chỉ đem lại lợi ích cho những nhà đầu cơ và những người buôn lậu lúa gạo qua đường biên giới.
‘Xin Đừng Cấy Lúa Trên Lưng Nông Dân’
Với những nhận định của TS Dương Văn Ni trên Thời Báo
Kinh Tế Saigon, chúng tôi nhớ lại lá thơ của một nông dân đồng bằng sông Cửu
Long gởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2008, lời kêu gọi khẩn thiết ‘Xin Đừng
Cấy Lúa Trên Lưng Nông Dân’ đã từng được báo chí dùng làm tựa đề nhiều bài tường
thuật.
Thời điểm đó cũng là chuyện ngừng ký xuất khẩu khi giá lên rất cao, tới
khi giá xuống cho xuất khẩu thì không còn khách hàng nữa. Kịch bản này cũng lập
lại hồi tháng 2 đầu năm nay, và phải khi quốc hội chất vấn, dư luận báo chí xôn
xao lúc ấy chính phủ mới nói chuyện cải tổ cơ chế xuất khẩu gạo.
Cuộc sống nông thôn quá nhọc nhằn, những người ở lại với ruộng vườn vì không có sinh kế nào khác, như lời một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi:
““Đa số bà con mỗi hộ chỉ canh tác trên 1 ha đất đây là số nhiều. Những hộ có ruộng dưới 1 ha thì con cái họ phải đi làm thuê làm muớn cho những người nhiều đất, số khác phải đi xứ khác làm ăn. Nhưng nói chung nông dân vẫn phải bám lấy đất mà sống, bỏ ruộng nông dân đâu biết làm gì.”
Trở lại bài viết của TS Dương Văn Ni trên Thời Báo
Kinh Tế Saigon, tác giả nhấn mạnh rằng, mục tiêu phát triển bền vững của xã hội
là hướng tới một cuộc sống có chất lượng cao hơn. Trong đó các nhu cầu căn bản
của con người như ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí phải được thỏa mãn ở mức
độ cao hơn hiện tại.
Bài học từ chính sách cải tạo nông nghiệp trước đây buộc nông dân phải sản xuất theo kế họach, giờ giấc, mùa vụ, làm Việt Nam phải trả giá bằng việc thiếu gạo ăn, sản xuất nông nghiệp đình trệ.
TS Dương Văn Ni
Tuy nhiên theo tác giả, hiện nay hàng triệu người có thu nhập thấp đang phải vật lộn với cái ăn hàng ngày; hàng triệu nông dân sản xuất nông nghiệp không có lời nên phải ly hương tìm việc, thì để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam còn cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Tác giả đề xuất, lĩnh vực nông nghiệp cần được đầu tư phát triển đồng bộ như các ngành mũi nhọn khác từ chính sách, con người, hạ tầng cơ sở và nhất là thu nhập của những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của cả nước.
Trong đọan kết bài viết trên Thời Báo Kinh Tế Saigon, TS Dương Văn Ni đã nhắc lại những kinh nghiệm thương đau của đất nước. Ông nói, bài học từ chính sách cải tạo nông nghiệp trước đây buộc nông dân phải sản xuất theo kế họach, giờ giấc, mùa vụ, làm Việt Nam phải trả giá bằng việc thiếu gạo ăn, sản xuất nông nghiệp đình trệ. Rồi cũng mảnh ruộng đó, con người đó, nhưng họ được điều gọi là cởi trói qua công cuộc đổi mới đã chuyển từ chỗ thiếu gạo ăn sang dư thừa để xuất khẩu.
Vì vậy, theo TS Dương Văn Ni, nếu người trực tiếp sản xuất lúa gạo vẫn tiếp tục không được hưởng lợi ích tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước, thì nguy cơ đe dọa lương thực của quốc gia vẫn luôn còn ở phía trước.