Vì sao phải ngưng vĩnh viễn đề án cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân ?


2007.06.25

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Cách đây hai tuần trong mục đọc báo trong nước trên mạng Internet, chúng tôi đã tổng hợp thông tin các báo với những phản ứng dữ dội, cực lực phản đối đề án cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân ở Saigon. Ý kiến của giới trí thức, các nhà chuyên môn và các đoàn thể như Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM đã có sự phản hồi một cách cụ thể từ chính quyền.

HospitalDoctor200.jpg
Một ca phẫu thuật ở Bệnh viện Bình Dân, bệnh viện đầu tiên được chọn thí điểm cổ phần hóa. Hình của VnEconomy.

Ngày 21/6/2007 Uỷ Ban Nhân Dân TP.HCM đã loan báo chính thức ngừng đề án cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân. Một người dân TP.HCM tỏ ra phấn khởi với thông tin này:

“Khi cổ phần hoá bệnh viện công và tham gia thị trường chứng khoán thì vấn đề lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn vì tiền viện phí, tiền dịch vụ lên cao. Tôi nghĩ là dân chúng rất tán thành quyết định ngừng vĩnh viễn chuyện cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân.

Sự thiệt hại chỉ liên quan tới một số người đầu tư chứng khoán, khi nghe tin BV Bình Dân chuẩn bị cổ phần hoá, họ đã tìm các bác sĩ nhân viên bệnh viện để đặt mua cái “quyền được mua” nay không cổ phần hoá nữa thì sẽ có tranh chấp, thiệt hại sẽ về phía những người múôn đầu tư để mua “ quyền được mua”.

Giọt nước tràn ly

Một đề án được nguyên thủ tướng Phan Văn Khải chấp thuận, và được chính quyền TP.HCM chuẩn bị trong ba năm với ý kiến tham mưu của ban ngành đặc biệt là Sở Y Tế và Ban lãnh đạo bệnh viện Bình Dân, đã trở thành một câu chuyện của dĩ vãng, một đề án dừng lại trên giấy tờ. Bệnh Viện Bình Dân sẽ không bao giờ được cổ phần hoá nữa.

Một loạt các cuộc hội thảo, được tổ chức trong thời gian qua đều ghi nhận những ý kiến phản bác nhiều hơn hẳn sự ủng hộ. Cuộc hội thảo ngày 5 tháng 6 do Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM tổ chức chính là giọt nước tràn ly.

Khi cổ phần hoá bệnh viện công và tham gia thị trường chứng khoán thì vấn đề lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn vì tiền viện phí, tiền dịch vụ lên cao. Tôi nghĩ là dân chúng rất tán thành quyết định ngừng vĩnh viễn chuyện cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân.

Phải ghi nhận rằng báo chí đã đóng vai trò lớn, đánh động dư luận về mặt tiêu cực của đề án cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân, các nhà báo đã chuyển tải một cách có hiệu quả ý kiến của giới trí thức chuyên gia và nhân sĩ thành phố.

Những vấn đề mà công luận quan tâm theo các báo Tuổi Trẻ, VN Express, Vietnam Net ghi nhận, là có những lỗ hổng quá lớn khi các tác giả đề án định giá tài sản bệnh viện bỏ qua giá trị đất đai và thương hiệu. Mức chênh lệch có thể lên tới 23 lần giá trị thực tế.

Như vậy có quan điểm cho rằng tài sản Nhà nước sẽ bị thất thoát vào tay tư nhân. Ngoài ra đa số ý kiến đều chống lại việc một bệnh viện công lập đầu ngành, có bề dày 50 năm với một đội ngũ chuyên gia y khoa lành nghề trở thành một công ty tư nhân kinh doanh kiếm lời.

Có những bài báo điển hình như của VN Express cho rằng, dân nghèo có thể khổ hơn nếu cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân. Hoặc như Vietnam Net trích lời ông Đinh Phong chủ tịch Hội Nhà Báo TP.HCM nói rằng, cổ phần hoá bệnh viện công là kinh doanh siêu lợi nhuận trên sức khoẻ người dân.

BS Huỳnh Hoà Thanh nguyên phó giám đốc Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình Thành Phố HCM, là một trong những tiếng nói mạnh mẽ phản bác kế hoạch cổ phần hoá bệnh viện công. Ông đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này:

“Việt Nam chưa tới trình độ phát triển để có thể cổ phần hoá bệnh viện, bởi vì hiện nay bảo hiểm y tế giá trị phục vụ còn quá thấp chưa bao giờ phù hợp kỹ thuật cao. Tôi phản bác ý kiến cổ phần hoá bệnh viện công, chứ không riêng gì trường hợp BV Bình Dân.

Tôi đề xuất cho thành lập bệnh viện tư ngay từ 1987, tình hình Việt Nam hiện nay chỉ nên đề cập tới bệnh công hoặc bệnh viện tư riêng rẽ, chứ hình thức kết hợp công tư thì chưa nên. Khi nào kinh tế lên đời sống phát triển rồi sẽ tính.”

Sẽ nghiên cứu đề án thí điểm khác

3 tờ báo điện tử là Vietnam Net, VN Express và SGGP Online đưa tin sớm về việc đình chỉ đề án cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân. Theo các báo, kết thúc buổi làm việc sáng 21/6 với các cơ quan ban ngành, phó chủ tịch thường trực UBNDTP.HCM ông Nguyễn Thành Tài chính thức thông báo, đình chỉ vĩnh viễn đề án nghiên cứu thí điểm cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân. Thành phố sẽ nghiên cứu đề án thí điểm cổ phần hoá một bệnh viện khác.

Việt Nam chưa tới trình độ phát triển để có thể cổ phần hoá bệnh viện, bởi vì hiện nay bảo hiểm y tế giá trị phục vụ còn quá thấp chưa bao giờ phù hợp kỹ thuật cao. Tôi phản bác ý kiến cổ phần hoá bệnh viện công, chứ không riêng gì trường hợp BV Bình Dân.

Dù vậy ông Nguyễn Thành Tài vẫn nhận định rằng chính quyền thành phố đã nghiên cứu thận trọng chu đáo đề án vừa nói, thấy rằng tính khả thi cao. Nhưng vì thời gian qua có nhiều ý kiến bất đồng hoặc lo ngại nên UBNDTP quyết định ngừng hẳn vấn đề cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân. Nhưng ông Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh rằng không có sự thay đổi trong chủ trương chung là xã hội hoá y tế và giáo dục.

Trước đây việc chọn lựa Bệnh Viện Bình Dân để xây dựng đề án thí điểm cổ phần hoá, chính quyền TP.HCM đã xin ý kiến nguyên thủ tướng Phan Văn Khải. Nay trước sự phê phán của công luận, thường trực thành uỷ, thường trực HĐND và UBND thành phố đã báo cáo thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và xin ngừng đề án vừa nói.

Tuy nhiên 3 cơ quan vừa nói xin phép tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung Ương, nghiên cứu xây dựng đê án thí điểm cổ phần hoá một cơ sở y tế khác. UBND TP.HCM theo lời phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài, sẽ tiếp tục đầu tư bằng ngân sách cho Bệnh Viện Bình Dân để tiếp tục nâng cấp, nhằm chăm lo sức khoẻ nhân dân, nhất là với bệnh nhân nghèo.

Vietnam Net nêu câu hỏi, có nhiều người mua bán cổ phiếu Bệnh Viện Bình Dân, nay đề án ngừng thì việc này cần giải quyết ra sao. Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài đáp rằng, người nào chịu đi mua một cái chưa có thì họ phải đành chịu, tung tin bán cổ phiếu rao giá cổ phiếu BV Bình Dân là việc làm không đúng, đã có gì đâu để mà bán.

Tại sao không chọn mô hình bệnh viện công ra công, tư ra tư một cách rõ ràng. Liệu có nên chọn giải pháp bán đấu giá những bệnh viện công mà Nhà nước không thể đầu tư được nữa. Câu hỏi này của Vietnam Net được phó chủ tịch Ng Thành Tài đáp rằng, cổ phần hoá tất nhiên chỉ là một biện pháp để huy động đầu tư, ngoài ra còn nhiều hình thức khác.

Bán đấu giá bệnh viện công mới chỉ là ý tưởng ban đầu, việc thực hiện còn vướng nhiều vấn đề khác. Theo ông Tài, một số bệnh viện cổ phần và bệnh viện tư vẫn phải dựa vào danh tiếng của những bác sĩ có uy tín, vì thế nếu đấu giá ngừơi mua bệnh viện phải có đội ngũ, không có đội ngũ làm sao mà làm.

Còn đối với các đề án cổ phần hoá bệnh viện trong tương lai, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM xác định rằng cần lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều giới, nhiều tổ chức…

Những người đại diện phải hiểu biết và có đủ tư cách đại diện. Ông Nguyễn Thành Tài cho rằng, không thể lấy ý kiến của một số người rồi nói đó là ý kiến của nhân dân. Việc phản biện phải dựa trên luận điểm luận cứ, giải pháp của đề án, chứ không nói chung chung.

Trả lời Phóng Viên Mặc Lâm của Đài chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh một nhà kinh tế có uy tín ở Hà Nội nhận định về vấn đề cổ phần hoá dù là doanh nghiệp hay Bệnh Viện: “Đề cập đến cổ phần hóa nói chung hiện nay cho thấy ở Việt Nam có xu hướng chưa đánh giá đầy đủ giá đất, giá bất động sản, giá thương hiệu và vì vậy cho nên có ý kiến cho rằng nhà nước mất một khoản tài sản lớn. ”

Quyết định đình chỉ vĩnh viễn đề án cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân, được một nhà báo nói với chúng tôi là chăng khác nào chuyện ‘phúc bất trùng lai hoạ vô đơn chí’, vì Sở Y Tế TP.HCM có thể xem như là đơn vị chủ trì các đề án thí điểm cổ phần hoá bệnh viện công .

Giám đốc sở là bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, gần đây chịu nhiều búa rìu dư luận, cả vụ bệnh viện Bình Dân cũng như sự kiện che dấu thông tin về nước tương có hàm lượng độc chất gây ung thư.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.