Tổng thống Obama sẽ tạo dấu ấn nào ở Việt Nam?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016.05.20
000_AQ7TW-622.jpg Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Washington DC ngày 15-5-2016.
AFP PHOTO/Olivier Douliery

Truyền thông báo chí đưa nhiều tin bài về chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam từ 23 tới 25/5/2016 của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Những nhận định sớm, trước chuyến công du của nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới, qua báo chí Việt Nam được cho là khá lạc quan.

Thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ

Trang mạng Một Thế Giới ngày 19/5 trích lời chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định là, mối quan hệ Việt Mỹ hiện nay nửa ấm nửa lạnh, Việt Nam cần sự hỗ trợ quốc tế cho những vấn đề nan giải của mình, từ kinh tế cho đến an ninh quốc phòng. Việt Nam muốn có quan hệ tốt với cả thế giới chứ không riêng gì Mỹ nhưng Mỹ là quốc gia siêu cường, có quan hệ ngoại giao với Mỹ thì Việt Nam tiến vào thế giới thuận lợi hơn.

Trả lời câu hỏi nghị trình Việt Nam của Tổng thống Obama liệu sẽ mang lại những điều gì phấn khởi cho người dân nước này. TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright từ Saigon nhận định:

Tôi nghĩ đây là bước tích cực tốt để mà thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là giữa những  người mong muốn Việt Nam có tương lai phát triển hơn.
-TS Huỳnh Thế Du

“Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Obama mang lại hiệu ứng rất tích cực cho mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Chúng ta biết rằng quan hệ giữa hai nước, sự khác biệt sự bất đồng vẫn còn. Nhưng nhìn từ 1995 tới bây giờ thì những khoảng cách, những bất đồng đã thu hẹp rất nhiều, đặc biệt là chuyến thăm Hoa Kỳ năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đặc biệt là Hoa Kỳ đưa ra cam kết tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Điều này đã xóa những bước cản, nghi ngại rất lớn của Việt Nam. Tôi hy vọng chuyến viếng thăm của ông Obama lần này, đặc biệt đặt trong bối cảnh TPP và mối quan hệ Biển Đông rất phức tạp. Tôi nghĩ đây là bước tích cực tốt để mà thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là giữa những  người mong muốn Việt Nam có tương lai phát triển hơn.”

Trả lời Đài Á châu Tự do, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu:

“Bản thân tôi cũng như dư luận Việt Nam rất hoan nghênh, trước hết là thấy quan hệ hữu nghị Hoa Kỳ-Việt Nam đã nâng lên một bước mới. Dự kiến Tổng thống Obama trong chuyến thăm cấp chính phủ, ngoài ra có việc nói chuyện tại các trường đại học. Tôi cho đó là một bước rất tốt trong giao tiếp với thế hệ trẻ. Tôi nghe dư luận bên ngoài cũng như báo chí, nhìn chung tuyệt đại bộ phận chờ đợi một quan hệ Việt Mỹ sẽ mở ra trong giai đoạn tiếp theo. Đây là lần một tổng thống đương nhiệm đến Việt Nam, hai quốc gia này trước kia là thù địch bây giờ trở thành nước có quan hệ nhiều mặt trong sự phát triển chung của thế giới, cũng như là quan hệ song phương giữa hai quốc gia.”

Trở lại bài viết trên trang mạng Một Thế Giới, tòa báo đã đặt tựa “Dù ai làm Tổng thống, Mỹ vẫn sẽ tăng cường ngoại giao với Việt Nam”. Nhà báo trích lời cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh nhận định rằng, hiện nay Trung Quốc đang có những động thái hết sức mạnh mẽ trong việc chiếm Biển Đông vấn đề biển Đông chắc chắn được đưa lên bàn nghị sự và Mỹ cũng cần phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông ngăn chặn bớt sự hung hăng, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Ông Daniel Russel trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội hôm 10-05-2016.
Ông Daniel Russel trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội hôm 10-05-2016.
AFP

Cùng về vấn đề này, ông Lê Công Phụng cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ phát biểu trên báo mạng Một Thế Giới nhận định một cách thẳng thắn, theo đó Hoa Kỳ sẽ can thiệp để đảm bảo an ninh, tự do hàng hải vì lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, việc chủ quyền thì phải tự Việt Nam, chứ Mỹ không bao giờ hy sinh lợi ích của mình để giành chủ quyền cho Việt Nam.

Lịch trình của Tổng thống Obama tại Việt Nam được các báo điện tử trong nước nhanh chóng đưa lên mạng hôm 19/5/2016, ngay sau khi các giới chức Hoa Kỳ ở Washington họp báo công bố. Theo báo mạng Đất Việt, phía Hoa Kỳ dự kiến Tổng thống Barack Obama sẽ gặp gỡ cả 4 lãnh đạo cao nhất, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam?

VnExpress đưa tin về cuộc họp báo hôm 18/5 ở Washington của ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Châu Á và ông Daniel Russel Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, làm rõ hơn về nội dung thảo luận của Tổng thống Barack Obama với giới lãnh đạo Việt Nam, cũng như các hoạt động khác của Tổng thống.

Một chi tiết được đề cập tới là Tổng thống Obama dự kiến gặp gỡ thành viên xã hội dân sự, tuy không rõ là có bao gồm các nhóm xã hội dân sự tự phát hay không. Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng thống Barack Obama sẽ có bài phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ, gặp mặt và nói chuyện với doanh nhân, sinh viên tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế. Sau đó, Tổng thống Obama sẽ đến TP.HCM, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thông tin cho biết, nghị trình Việt Nam của Tổng thống Barack Obama chú trọng tới phương cách để tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân dân với nhân dân, an ninh, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới.

Đối với người dân Việt Nam, vấn đề lớn nhất hiện nay được đặt lên bàn đàm phán là vấn đề nhân quyền. Chúng ta biết là rất nhiều dân biểu nghị sĩ Mỹ đang yêu cầu Tổng thống là phải đặt nhân quyền lên hàng đầu trong nghị trình làm việc của Tổng thống Mỹ đối với Việt Nam.
-TS Phạm Chí Dũng

Trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập một tổ chức xã hội dân sự tự phát từ Saigon nhận định rằng, Tổng thống Obama sẽ không can thiệp trực tiếp đối với thỉnh nguyện thư đạt 150.000 chữ ký liên quan tới vấn đề cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:

“Đối với người dân Việt Nam, vấn đề lớn nhất hiện nay được đặt lên bàn đàm phán là vấn đề nhân quyền. Chúng ta biết là rất nhiều dân biểu nghị sĩ Mỹ đang yêu cầu Tổng thống là phải đặt nhân quyền lên hàng đầu trong nghị trình làm việc của Tổng thống Mỹ đối với Việt Nam. Nếu Việt Nam không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền, không cải thiện một chút nào về nhân quyền thì không thể nói tới chuyện Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam… thậm chí một số chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Chiến lược của Hoa Kỳ cũng xác định là, ngay cả khi Việt Nam chấp thuận vấn đề nhân quyền và được mua vũ khí sát thương, thì việc này cũng phải có một cơ chế theo dõi quá trình Việt Nam thực hiện tiến trình cải thiện nhân quyền như thế nào…thì mới có thể nói tới việc Việt Nam được mua mặt hang vũ khí cụ thể như thế nào…”

5 ngày trước khi Tổng thống Barack Obama đến Hà Nội, báo chí Việt Nam gắn kết chuyến công du với vấn đề Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. VnExpress ngày 18/5 có bài Thời điểm vàng Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Tờ báo dẫn nhập, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam có thể là một di sản quan trọng mà Tổng thống Obama để lại cho chính quyền kế tiếp. VnExpress trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Việt nam hoan nghênh các bước đi của Mỹ tiến tới chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cho rằng đây là bước đi cần thiết để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Năm 2014, Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam bằng cách dỡ bỏ các hạn chế về những loại vũ khí, trang bị phục vụ tuần tra, phòng thủ trên biển.

Cùng về vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Theo VnExpress trong cuộc họp báo ở Washington hôm 18/5, khi trả lời câu hỏi về khả năng Tổng thống Obama sẽ thong báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink giới chức Hội đống an ninh quốc gia Hoa Kỳ cho biết đây là vấn đề đưa ra định kỳ. Năm 2014 Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí liên quan tới an ninh trên biển. Theo lời ông Kritenbrink, lúc đó Hoa Kỳ đã thông báo các hợp đồng mua bán vũ khí với Việt Nam sẽ được xem xét tùy từng trường hợp và nhân quyền là một vấn đề cần cân nhắc.

Mặt khác, kênh truyền thông chính thức VOV ngày 16/5 trích lời ông Phạm Quang Vinh Đại sứ Việt Nam tại Washington nói rằng “sẽ có thỏa thuận lớn” trong chuyến thăm của Tổng thống Obama.

Tuy nhiên Đại sứ Phạm Quang Vinh không đưa ra vấn đề nào cụ thể, mà chỉ diễn giải là, hai bên đang rà soát tất cả các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Đối tác toàn diện cũng như những định hướng đã được đề ra trong Tuyên bố tầm nhìn 2015, để có thể thúc đẩy thêm nữa các thỏa thuận hợp tác.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.