Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 18-12-2004)


2004.12.19

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Vụ biểu tình bạo động ngăn trở lễ khởi công dự án sân golf ở Hà Nội… Đằng sau cuộc mặc cả dệt may Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu và tương lai 2 triệu công nhân ngành may, khi Việt Nam chưa được vào tổ chức Mậu Dịch Thế Giới… Đó là các đề tài chúng tôi chọn điểm các báo online từ Việt Nam tuần này.

Một số công an chống bạo động đã bị thương vì bị mấy trăm người dân xã Kim Nỗ Huyện Đông Anh Hà Nội tấn công bằng chai xăng, gạch đá và gậy gộc. Vụ việc xảy ra vào sáng 13/12 tại địa phương, nhân lễ khởi công dự án sân Golf Đầm Vân Trì Đông Anh. Hà Nội Mới có lẽ là tờ báo duy nhất đưa tin này lên mạng với bài tường thuật khá đầy đủ, ngày hôm sau thì có Vn Express đăng lại tin này.

Dân chúng Kim Nỗ đụng độ với công an

Chủ tịch UBND Huyện Đông Anh ông Tô Văn Minh xác nhận tính cách nghiêm trọng của vụ việc như sau:

“Nếu năm 1998 giải phóng mặt bằng xong làm ngay thì đâu có vấn đề gì nữa. Dẫn đến bây giờ nhân dân họ chỉ đòi thực hiện cam kết với chủ đầu tư ban đầu, tiền thôi làm sao công bằng theo cam kết thôi. Thế bây giờ thì lại nói dự án chưa thực hiện nên chưa có công việc làm…"

“Trong quá trình anh em cán bộ người thừa hành công vụ làm việc, người ta ra người ta có những hành vi cản trở ném đá này nọ, anh em cũng bị xây xát mức độ không lớn, nhưng hành vi cản trở thi hành công vụ là nghiêm trọng”.

Theo báo Hà Nội Mới, nguyên do sự chống đối của người dân là là vì dự án này đã bị ngưng thi công gần 6 năm, khiến cho những cam kết về phúc lợi của chủ đầu tư ban đầu không được thực hiện. 500 hộ dân Kim Nỗ đã bị thu hồi 93 hécta đất và đã nhận tiền đền bù từ cuối năm 1998. Theo thỏa thuận các hộ dân giao đất sớm sẽ được thu dụng làm việc, khi dự án hòan thành với mức lương 400 ngàn một tháng. Tuy nhiên chủ đầu tư ban đầu là công ty Hàn Quốc Daeha bị ảnh hương khủng hỏang tài chánh khu vực năm 1999 đã rút lui khỏi dự án. Đất của dân Kim Nỗ đã bàn giao, nhưng dự án ngừng lại mãi tới cuối năm 2003 mới có nhà đầu tư mới nhận dự án là công ty Noble-Việt Nam. Công ty vừa nói đã trả thêm cho 448 hộ dân Kim Nỗ mỗi hộ 6 triệu đồng, nhưng nhiều hộ cho rằng mức hỗ trợ chưa thỏa đáng, dẫn tới chống phá lễ khởi công hôm 13/12.

Vẫn theo Hà Nội Mới, người dân Kim Nỗ đòi hỏi những thiệt hại phúc lợi do việc trì hõan dự án, trong đó có việc mỗi nhà một người được hưởng 70% tiền lương hứa hẹn của chủ đầu tư ban đầu. Việc này không giải quyết được nên việc chống đối xảy ra. Một người dân Kim Nỗ phát biểu với đài Á Châu Tự Do:

“Nếu năm 1998 giải phóng mặt bằng xong làm ngay thì đâu có vấn đề gì nữa. Dẫn đến bây giờ nhân dân họ chỉ đòi thực hiện cam kết với chủ đầu tư ban đầu, tiền thôi làm sao công bằng theo cam kết thôi. Thế bây giờ thì lại nói dự án chưa thực hiện nên chưa có công việc làm…Bây giờ những cam kết còn tồn đọng thì phải giải quyết cho hết đi rồi làm gì thì làm, nếu không thì phải có ý kiến của chính phủ…”

Cuộc biểu dương lực lượng của mấy trăm hộ dân Kim Nỗ dẫn tới việc Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội phải yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công dự án sân golf đầm Vân Trì. Theo Vn Express ngày 15/12, công an huyện Đông Anh cho biết sẽ khởi tố vụ án dù chưa cho tới nay chưa có ai bị bắt giữ. Công an địa phương đang truy tìm những đối tượng, mà họ gọi là phần tử quá khích xách động xúi dục người dân tấn công người thi hành công vụ.

Ngành dệt may đối diện với khó khăn

Trong những ngày vừa qua, các báo mạng ở Việt Nam nói nhiều về các chuyển biến đầy thử thách cho công nghiệp dệt may Việt Nam. 1/1/2005 tới đây, tức là không đầy hai tuần lễ nữa, các nứơc thành viên tổ chức mậu dịch thế giới WTO chấm dứt chế độ hạn ngạch quota dệt may. Vì Việt Nam hiện nay vẫn chỉ ngấp nghé bên ngòai cổng vào WTO, nên sẽ còn chịu chế độ hạn ngạch trừ phi được quốc gia nhập khẩu bãi bỏ chế độ này. Hoa Kỳ bạn hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam sẽ vẫn áp dụng hạn ngạch với các nhà xuất khẩu trong nứơc. Sản phẩm dệt may Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu tòan ngành, tức là trên dưới 2 tỷ đô la trong tổng số 4 tỷ 300 triệu đô la giá trị xuất khẩu dệt may năm 2004.

“Chắc chắn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không cạnh tranh ngang bằng được với Trung Quốc... Tôi nghĩ rằng cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu khi bỏ hạn ngạch cho Trung Quốc và một số nước khác thì họ lại đặt ra một số rào cản mới, và chính những chỗ đó là cơ hội cho Việt Nam chen chân vào thị trường…”

Gần một ngàn doanh nghiệp dệt may xuất khẩu với 2 triệu công nhân đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng lọat, nếu như sản phẩm không có đầu ra, do các đối thủ lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc ngay cả nứơc bạn Cămpuchia đều không còn chịu chế độ hạn ngạch do đã là thành viên WTO.

Tuy vậy, một nhân vật có thẩm quyền là ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam trụ sở ở Hà Nội, vẫn nhìn thấy một khung cửa hẹp trong giai đọan sau 1/1/2005 cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam:

”Chắc chắn thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không cạnh tranh ngang bằng được với Trung Quốc. Tôi đánh giá là họ mạnh lắm, phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy. Tôi nghĩ rằng người ta không bao giờ đặt hàng tập trung vào một nước cả…không bao giờ người ta bỏ trứng vào chỉ một giỏ, và tôi nghĩ rằng cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu khi bỏ hạn ngạch cho Trung Quốc và một số nước khác thì họ lại đặt ra một số rào cản mới, thí dụ như vấn đề chống phá giá, vấn đề tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn xã hội …. Những rào cản đó sẽ làm giảm bớt sự cạnh tranh về giá mà những nước sản xuất lớn như Trung Quốc… chính những chỗ đó là cơ hội cho VN chen chân vào thị trường…” Việt Nam dù muốn dù không cũng phải chấp nhận cuộc chơi, một mặt đẩy mạnh tiến trình đàm phán gia nhập WTO, mặt khác mưu tìm thỏa thuận song phương bãi bỏ hạn ngạch dệt may dù VN chưa vào WTO. Trong nỗ lực vừa nói, Việt Nam được EU và Canada đồng ý bãi bỏ chế độ hạn ngạch dệt may kể từ 1/1/2005, EU với 25 quốc gia là thị trường lớn thứ nhì sau Hoa Kỳ của ngành dệt may Việt Nam.

VNExpress ngày 16/12 có bài viết với tựa đề ‘ Đằng sau cuộc mặc cả dệt may VN-EU’. Tờ báo mạng trích các nguồn tin nứơc ngòai, cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ khá nhiều để đạt tới thỏa hiệp, nhằm cứu vãn công nghiệp dệt may sau 1/1/2005. Bạn hàng EU chi phối khỏang từ 13 tới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Theo tin này, Hà Nội chấp nhận mở cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp Châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, bưu chính viễn thông và dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng hóa.

VNExpress cho rằng đây là các điều kiện kèm theo vào lúc Việt Nam được gia nhập WTO, cuộc mặc cả đã ngã giá cho nên EU chấp nhận bãi bỏ chế độ quota dệt may cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tin Nhanh Việt Nam cũng đồng thời phối kiểm với một quan chức trong đòan đàm phán VN-EU, nhân vật ẩn danh này không tiết lộ chi tiết nội dung thỏa thuận, nhưng ông khẳng định là không có chuyện Hà Nội chịu phần thiệt thòi. Và thêm rằng những gì thỏa thuận với EU là song phương, không nghiễm nhiên áp dụng cho tất cả các thành viên WTO khác, một khi Việt Nam tham gia tổ chức này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.