Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 11-6-2005)


2005.06.11

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Kỳ họp thứ 7 Quốc Hội khóa 11 ở Ba Đình Hà Nội mấy ngày vừa qua gây sôi nổi dư luận, khi quốc hội vào nghị trình chất vấn chính phủ. Phát biểu của nhiều vị đại biểu đã tạo sự ngạc nhiên thực sự, nhất là là đối với dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, một công trình kéo dài gây lãng phí hàng tỷ đô la. Chúng tôi xin dành thời gian điểm các bài báo về vấn đề vừa nói.

Tất cả các báo điện tử của Việt Nam đều đưa lên mạng nhiều bài tường thuật khá chi tiết, nhất là phiên họp 8/6 ngày đầu tiên các đại biểu chất vấn chính phủ do các bộ trưởng đại diện.

Dự án Dung Quất

Câu chuyện dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất không triển khai được không phải là chuyện mới. Dự án ì ạch chậm tiến độ 7 năm và có thể còn chậm nhiều hơn nữa lãng phí hàng tỉ đô la, vốn đầu tư ứơc tính ban đầu 1 tỳ 500 triệu đô la nay dự kiến lên tới 2 tỷ 500 triệu với một hiệu quả thấp hơn ban đầu rất nhiều. Hai đối tác nứơc ngòai lần lượt rút khỏi dự án, vì nhìn thấy không sinh lợi nhuận mong muốn.

Thông tin nứơc ngòai cho rằng vị trí Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi không thuận lợi, các mỏ dầu của Việt Nam đang khai thác phần lớn ở vùng thềm lục địa phía nam rất xa Dung Quất, phí vận chuyển dầu tới nhà máy sẽ rất cao làm tăng giá sản phẩm dầu lọc.

VNExpress, là tờ báo mạng đặt tựa bài bằng phát biểu của ông Nguyễn Đình Lộc, cựu bộ trưởng tư pháp đại biểu đơn vị TP.HCM. Ông Lộc thay vì chất vấn đã xin nhận 2 tội vì từng là đại biểu khóa 10 và thành viên chính phủ vào thời gian quốc hội thông qua dự án.

Nhận định của cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc

Báo SGGP Online có bứơc chuyển biến rõ rệt với các bài tường thuật trực tiếp đưa lên mạng ngay từ Hội Trưởng Ba Đình, và đồng thời trong ngày 8 còn có cả phần âm thanh trên trang chủ của mình. Trước diễn đàn Quốc Hội sự nhận tội của ông Nguyễn Đình Lộc làm cả hội trường cười náo động (xin theo dõi phần âm thanh phía trên)

Chất vấn phê bình chính phủ về dự án lọc dầu Dung Quất, là quốc hội Việt Nam cũng tự phê bình bản thân, vì theo hệ thống chính trị của nứơc VN xã hội chủ nghĩa, không có sự phân quyền lập pháp hành pháp tư pháp như ở các nứơc dân chủ.

Ở Việt Nam cả ba quyền lực vừa nói có thể xem như là một. Các thành viên quốc hội đồng thời là thành viên chính phủ, viên chức nhà nước hay một số thành phần xã hội được vào quốc hội theo hình thức gọi là đảng cử dân bầu.

Tuy vậy, trong xu thế hội nhập thế giới hoặc là nói theo cách của các nhà lãnh đạo VN là phù hợp tình hình mới, quốc hội VN có phần khởi sắc hơn những năm trước. Gần đây các phát biểu rất mạnh mẽ dám nói thẳng, nói thật. Dư luận trong nước rất thích thú lời phát biểu của cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc trứơc diễn đàn quốc hội ngày 8/6, khi ông nhận định về một quốc hội hình thức chỉ biết gật đầu thông qua những quyết định đã được quyết định từ trước, hay một quốc hội có quyền năng thực sự (xin theo dõi phần âm thanh phía trên)

Báo cáo của Bộ trưởng Hoàng Trung Hải

Theo SGGP Online, trong phần âm thanh Bộ Trưởng Công nghiệp Hòang Trung Hải đã đọc báo cáo về tình hình triển khai dự án Dung Quất. Theo đó Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất là một công trình quốc gia trị giá hảng tỷ đô la, nhưng dự án khi trình quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chưa được chuẩn bị chu đáo, điều tra cơ bản sơ sài, thẩm định chưa kỹ, chủ quan trong dự báo khả năng thu xếp tài chính, nên khi thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý làm chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng vốn đầu tư. Bộ trưởng Hòang Trung Hải nói tiếp (xin theo dõi phần âm thanh phía trên)

Hai nguyên nhân còn lại gây chậm trễ tiến độ dự án Dung Quất. đó là chỉ đạo thực hiện dự án thiếu tập trung, không quyết liệt trong giải quyết những khó khăn vứơng mắc. Sau cùng là quản lý nhà nước về dầu khí nói chung và dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất nói riêng còn có sự chồng chéo, thiếu nhất quán.

Sẽ không có Dung Quất thứ hai?

Theo VietnamNet, quốc hội Việt Nam hứa sẽ không có một Dung Quất thứ hai. Trong phiên họp sáng ngày 9/6 kết thúc phần chất vấn Bộ Trưởng Công Nghiệp Hòang Trung Hài, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An khẳng định rằng sẽ không để lập lại tình trạng tương tự như Dung Quất.

Ông Nguyễn Văn An xác nhận phần phần trách nhiệm quan trọng của qúôc hội và nhận lỗi trứơc nhân dân về những tồn tại trong dự án này. Ông cho biết ủy ban thường vụ quốc hội đang chuẩn bị một nghị quyết mới về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, và sẽ trình quốc hội cho ý kiến trứơc khi thông qua.

Vậy thì chính phủ đã nhận lỗi trứơc quốc hội, đến lượt quốc hội nhận lỗi trứơc cử tri, tuy nhiên một công trình gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia, do nhiều người gây ra và cho tới nay vẫn chưa có ai bị quy trách nhiệm cá nhân, chịu xử lý kỷ luật hoặc bị cách chức.

Các bộ trưởng trả lời chất vấn

Trong ngày 9/6 quốc hội Việt Nam đã nghe 3 bộ trưởng trả lời chất vấn. Theo báo Tiền Phong online, nhiều đại biểu cho rằng phần trả lời chất vấn cũa Bộ Trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến, Bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo Nguyễn Minh Hiển, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát chưa đáp ứng được mong đợi.

Theo SGGP online, chất vấn y tế và giáo dục vẫn là các vấn đề cũ và các câu trả lời thì không mới, vẫn chỉ là nhận khuyết điểm, thiếu sót và hứa hẹn. Vể y tế các câu hỏi xoay quanh chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, viện phí, giá thúôc chữa bệnh, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dứơi 6 tuổi.

Theo Tiền Phong Online, đại biểu Lê Quốc Dung đơn vị Thái Bình đặt vấn đề theo đó, bệnh tật trong dân giá thúôc giá viện phí tăng. Tốc độ tăng viện phí hàng năm là 12% trong khi tăng trưởng bình quân GDP chỉ là 7,5%, phải chăng là gánh nặng cho dân. Bà Trung Chiến trả lời rằng tuy viện phí tăng nhưng mức thu mới chỉ đạt 60,70% chi phí thực tế.

Theo Tiền Phong Online, Bộ Trưởng NN &PTNT Cao Đức Phát không trả lời được câu hỏi của đại biểu Đỗ Trọng Ngọan, về số liệu tổng hợp tỷ lệ nông dân mất việc làm và đời sống khó khăn hơn do bị thu hồi đất.

Các bộ trưởng trả lời chất vấn trong ngày 10/6 gồm bộ trưởng tài chánh, bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng xây dựng và bộ trưởng tài nguyên môi trường.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.