Ðiểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 13-8-2005)


2005.08.13

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Đại hội Hội Nhà Báo Việt Nam lần thứ 8 chính thức khai mạc hôm nay Thứ Bảy 13/8, tuy nhiên những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong phiên họp trù bị kéo dài hai hôm thứ năm 11 và thứ sáu 12. Điểm báo trong nứơc trên mạng Internet tuần này, chúng tôi sẽ hầu chuyện quí thính giả với các vấn đề liên quan đến báo chí Việt Nam.

Theo pháp luật hiện hành, Việt Nam không có cơ sở báo chí tư nhân, đài phát thanh hay truyền hình tư nhân. Điều này đồng nghĩa với việc không có ngành truyền thông mang tính độc lập, 600 cơ quan báo đài ở VN đều là các tổ chức phụ thuộc nhà nước dưới một hình thức nào đó.

newspapers200.jpg
Tại Việt Nam hầu hết các ngòi bút đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và bị đặt dưới áp lực của đảng và nhà nước. AFP PHOTO

Tuy vậy, kể từ thời kỳ đổi mới cuối thập niên 1980 cho tới nay, báo chí truyền thông VN đã có những bứơc tiến đột phá, tiếp cận nhiều thông tin hơn và được độc giả, thính giả khán giả đánh giá cao hơn thời kỳ VN tự cô lập mình.

Tuy vậy, báo đài ở VN vẫn né tránh nhiều sự kiện thông tin quan trọng, chẳng hạn như vụ án mục sư Hồng Quang, một sự kiện kéo dài mà không có báo đài nào đưa tin. Người trong nước khi được hỏi về chuyện này nói rằng báo đài không đưa tin và lập luận rằng nhà báo nhà đài không quan tâm tới những sự kiện đại lọai:

“Báo chí lúc này đánh tham nhũng mạnh, có nhiều bài phóng sự điều tra sâu sát, dân chúng hài lòng bản thân tôi cũng hài lòng. Vụ án mục sư Hồng Quang thì không thấy báo chí đưa tin, có lẽ nhà báo không quan tâm tới các sự kiện này.”

Có vẻ như là báo chí truyền thông VN có những giới hạn nhất định, không vượt rào vào những khu vườn cấm, chẳng hạn như là vấn đề của các nhân vật bất đồng chính kiến, bất đồng về quan niệm tự do tôn giáo chẳng hạn.

Nhiều người am hiểu tình hình ở trong nứơc nói với chúng tôi rằng, khu vườn cấm báo chí trứơc kia rậm rạp lắm, nhưng ngày càng được khai quang và thu hẹp dần, khiến báo chí còn có thông tin để mà khai thác.

Trong một cuộc phỏng vấn được Báo Tuổi Trẻ Online đưa lên mạng ngày 12/8, ông Phạm Quang Nghị Bộ Trưởng Văn Hóa Thông Tin đồng tình với ý kiến của nhà báo cho rằng cần khuyến khích báo chí trong nước phát triển mạnh hơn nữa để chiếm lĩnh diễn đàn, chủ động giành quyền thông tin những vấn đề của chính VN.

Câu hỏi này bàng bạc ý nghĩa là không nên giới hạn sự tiếp cận một số lãnh vực thông tin nhậy cảm.

Theo Tuổi Trẻ, Bộ Trưởng Phạm Quang Nghị nói rằng ông mong muốn báo chí làm tốt điều vừa nói, chủ động đưa tin kịp thời, hấp dẫn và có tính định hứơng. Ông Nghị nhấn mạnh là hiện nay từ phía các cơ quan nhà nước, cơ chế cung cấp thông tin, cơ chế người phát ngôn cũng đã hình thành.

Bộ trưởng Phạm Quang Nghị nhấn mạnh rằng, nếu như sự kiện Tây Nguyên được báo chí trong nứơc đưa tin kịp thời, cập nhật hơn thì tình hình sẽ tốt hơn. Được biết sự kiện Tây Nguyên mà ông Phạm Quang Nghị đề cập chính là vụ biểu tình của hàng trăm ngàn người Thượng ở Tây Nguyên vào năm ngóai, dẫn tới làn sóng người thượng rời bỏ buôn làng chạy sang Cămpuchia lánh nạn.

Thông tin của chính phủ VN và bên ngòai trái ngược nhau về con số nạn nhân thiệt mạng do bị đàn áp, cũng như vì nguyên cớ gì mà người dân tộc thiểu số lại biểu tình qui mô tới như vậy. Trong nứơc nói rằng người Thượng bị xác động lường gạt tham gia biểu tình, còn ngòai nước thì đưa tin người sắc tộc ít người bị tứơc đọat đất đai, không được tự do thờ phượng chúa nghĩa là không có nhân quyền.

Tờ Người Lao Động Online có bài với tựa ‘Muốn Có Tiếng Nói Mạnh Báo Chí Phải Hội Nhập’. Tờ báo trích lời ông Dương Xuân Nam, tổng biên tập báo Tiền Phong, theo đó người làm báo VN không thua kém các đồng nghiệp nứơc ngòai. Nhưng ông Nam cho rằng điểm yếu kém của nhà báo trong nứơc là sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, trang thiết bị tác nghiệp, trình độ ngoại ngữ và cả năng lực ứng xử.

Ông tổng biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh tới sự kiện mà ông gọi là, một số tờ báo nứơc ngòai áp đặt thông tin đối với VN, nhưng báo chí VN không đủ sức phản công áp đặt lại họ. Ông Dương Xuân Nam cho rằng VN chưa có một nền báo chí đủ mạnh để có được tiếng nói mạnh đáp trả lại.

Trong vài năm trở lại đây một số tờ báo lớn ở VN đã có những bài viết, phóng sự điều tra phanh phui nhiều vụ tham nhũng khá quan trọng. Nhà sử học Dương Trung Quốc ở Hà Nội cũng nói tới hai khía cạnh của vấn đề chống tham nhũng qua họat động báo chí nhân sự kiện Đại Hội Báo Chí:

“Báo chí VN luôn luôn được coi là một vũ khí của nhà nước…và nếu nhà nước coi chống tham nhũng là một mục tiêu quan trọng thì đương nhiên phải đưa những vũ khí mạnh đó vào. Vào thời điểm này đại hội nhà báo diễn ra. Tôi nghĩ đây sẽ là một nội dung để mà các nhà báo thảo luận làm sao phát huy được vai trò của mình.

Bởi vì ngay vai trò của báo chí thì bên cạnh mặt tích cực… có thể nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng vô cùng phức tạp nên cũng có thể tác động tiêu cực vào đội ngũ làm báo . Chính vì thế một trong các nội dung của đại hội lần này là nâng cao đạo đức của người làm báo, cũng như năng lực của người làm báo trong sự đóng góp chung của xã hội.”

Trở lại Đại Hội Báo Chí Việt Nam lần thứ 8, chính thức khai diễn ngày 13/8 tại Hội Trường Ba Đình thủ đô Hà Nội. Có tất cả 366 đại biểu nhà báo tham dự, đây là các đại diện chọn lọc của hơn 14 ngàn hội viên Hội Nhà Báo VN, những người làm báo và được cấp thẻ báo chí.

Bài phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ với Bộ Trưởng Thông Tin Phạm Quang Nghị hé lộ những vấn đề liên quan tới báo chí. Ông Nghị nhận định rằng người dân thành thị có thể tiếp cận báo chí dễ dàng, trong khi ở nông thôn theo ông người dân khó mua được báo vì hai lý do.

Trứơc hết là khả năng tài chính eo hẹp của người dân vùng quê, thứ đến là nội dung báo chí không thích hợp không sát với họ, không đáp ứng những điều mà họ cần.

Bộ Trưởng Phạm Quang Nghị nhìn nhận là có nhiều tờ báo của Đảng Bộ địa phương không thể phát hành hàng ngày, không phải là vì không được phép mà vì không đủ khả năng về kinh phí, đội ngũ cán bộ phóng viên để có thể đảm bảo đủ nội dung cho các số báo.

Vẫn theo ông Nghị có những tờ báo ra hai kỳ một tuần đã không có người đọc, in ra chủ yếu để biếu, cấp phát bao cấp. Bộ Trưởng Nghị nhận xét rằng Báo Tuổi Trẻ hiện nay phát hành 6 ngày một tuần, nếu đủ khả năng hòan tòan có thể được tăng thêm một kỳ nữa để trở thành nhật báo.

Trên một bài khác cũng cũa Tuổi Trẻ Online, nhiều nhà báo kêu gọi tăng chất nghiệp đòan của giới báo chí. Các nhà báo kiến nghị cần nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của tổ chức Hội Nhà Báo VN vì theo họ lâu nay Hội quan tâm đến chính trị nhiều hơn nghề nghiệp.

Số nhà báo vừa nói cho rằng Hội Nhà Báo rất mờ nhạt trong vai trò bảo vệ hội viên của mình, sự tác động của hội đến các tổ chức khác chưa tốt nên hội viên thờ ơ với công tác hội.

Tuổi Trẻ Online trích lời ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội đồng thời là tổng biên tập tạp chí Xưa Và Nay, theo đó phải tăng tính cách nghiệp đòan của giới báo chí. Ông Quốc cho rằng Hội phải có tiếng nói khi các nhà báo bị tai nạn nghề nghiệp. Theo ông Quốc, có thế nhà báo mới gắn bó với tổ chức Hội của mình.

Đọc một số bài phỏng vấn trên các báo online của VN, chúng tôi cảm nhận rằng các nhà báo trong nứơc đều mong muốn đổi mới Hội Nhà Báo VN. Trước vấn đề này, ông Đào Duy Quát, phó ban tư tưởng văn hóa trung ương, nhận định trên Vietnam Net rằng, đã đến lúc phải hình thành những tập đòan báo chí tự sống tự phát triển chứ không chờ bao cấp.

Ông Quát cho rằng các lọai hình báo chí ở VN phát triển mạnh chưa từng thấy, từ báo viết, truyền hình cáp kỹ thuật số, phát thanh cũng có hình thức mới, phóng viên là bình luận viên đối thọai trực tiếp với bạn đọc bạn nghe đài. Đặc biệt, ông Đào Duy Quát nhìn nhận Báo Điện Tử là sự bùng nổ mới chưa thể hình dung hết được, sự đóng góp rất tích cực mỗi báo một vẻ.

Về mặt chính thức thì ngày 13/8/2005, Đại Hội Đại Biểu Tòan Quốc Hội Nhà Báo VN lần thứ tám ở Hà Nội sẽ công bố thành phần ban chấp hành mới; thông qua qui chế điều lệ sửa đổi; qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm, cùng một vài vấn đề thủ tục khác.

Chúng tôi xin kết thúc mục điểm báo trên mạng hôm nay với ý kiến của nhà báo Hùynh Sơn Phước, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Ông là người duy nhất đề cập tới ‘Quyền Được Thông Tin’ khi phát biểu với Vietnam Net rằng, bản thân ông chờ đợi những tham luận về Hội của những người tự nguyện, sống nhờ vào hội phí của hội viên. Ý ông Hùynh Sơn Phứơc đề cập tới Hội Nhà Báo VN.

Vì ông Phứơc cho rằng, Hội của những người tự nguyện sẽ có lợi ích và số phận của những người làm báo tự nguyện tham gia và chi trả cho sự sống của Hội. Nhà báo Hùynh Sơn Phước nhấn mạnh, hứơng tới một Hội có tương lai như vậy thì mới mong có được một tổ chức biết bảo vệ trên thực tế ‘Quyền Được Thông Tin’, trách nhiệm phải trả lời của các cơ quan hay cá nhân có trách nhiệm phát ngôn, điều kiện và môi trường rộng mở cho họat động nghề nghiệp của báo chí.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.