Tiếng kêu giữa rừng U Minh Hạ: không điện không đường, không trường học trạm xá, không hộ khẩu không đất…


2005.09.24

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Báo chí trong ngoài nước từng ghi nhận tình trạng cách biệt giữa nông thôn và thành thị ở Việt Nam. Điểm ghi nhận chung là càng xa quốc lộ mức sống của người dân càng xuống thấp đến độ khó tưởng tượng. Mục điểm báo trong nứơc trên mạng Internet hôm nay, chúng tôi mời quí thính giả cùng đọc bài ‘Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ’, phóng sự của nhà báo Hoàng Trí Dũng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật bản điện tử ngày 18/9/2005.

mientay200.jpg
Vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang-Cà Mau. RFA PHOTO

Bức tranh buồn sau 30 năm thống nhất

Nhà báo Hoàng Trí Dũng viết rằng, ông đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nứơc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa có lẽ chưa lần nào ông bị sốc như chuyến đi này. Nơi nhà báo đặt chân tới là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang-Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà theo lời nhà báo, đã 30 năm sau ngày đất nứơc thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc. Ở đó không có điện, không đường đi, không cả trường học, trạm xá, người dân không hộ khẩu và không cả đất đai để canh tác.

Tác giả bài báo Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ ghi nhận tiếp, trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương, những người mà tác giả cho rằng đang giành giật đất đai của dân. Và đây là chuyện thật ở ngay một góc lâm trường U Minh 2 ấp 4, xã Khánh Hoà, huyện U Minh tỉnh Cà Mau.

Từ thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang, mất gần nửa ngày ngồi xe đò và thêm khoảng hai giờ ngồi vỏ máy tắc ráng, tên gọi ghe máy ở địa phương, xế trưa ngày 13/9/2005 nhà báo Hoàng Trí Dũng mới đến được địa phận Lâm Nông Trường U Minh 2 Cà Mau.

Cảm nhận đầu tiên của nhà báo đây là một vùng đất mới bạt ngàn màu xanh của lúa và tràm, xa xa chi chít những tuyến kênh dọc ngang kiểu bàn cờ vừa được khai mở, hai bên các bờ kênh ấy là những căn nhà lá lụp xụp, tạm bợ.

Dân tình khổ sở

Nhà báo viết tiếp, chiếc vỏ máy ghé vào một quán cà phê ven bờ kênh hỏi đường. Chị chủ quán tên Tươi cho biết nhà chị thuộc xã Đông Hưng B, An Minh tỉnh Kiên Giang.

Chị Tươi nói, do đây là vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau nên còn gọi là khu tự trị, thiếu thốn mọi thứ, dân tình khổ sở lắm nhưng không biết kêu ai vì năm thì mười hoạ có khi cả năm trời không thấy mặt mũi ông chính quyền nào vô thăm dân.

Chị Tươi cho nhà báo biết rằng, cách đây hai năm có cháu bé 10 tuổi bị viêm ruột thừa, nơi đây không có trạm y tế, lòng kênh trơ đáy khô queo, còn trên bờ thì không có đường đi.

Cha mẹ cháu bất lực ngồi nhìn con chết mà không có cách nào chuyển đi bệnh viện. Gia đình này bức xúc định mang xác con mình ra lâm trường ăn vạ, nhưng bà con khuyên can nên thôi.

Theo lời chị Tươi nói với nhà báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, vừa rồi cũng vì bức xúc chuyện nứơc nôi trên kênh mương phục vụ giao thông đi lại, hàng trăm hộ dân kéo nhau phá đập ngăn mặn nên xảy ra xô xát giữa cán bộ Lâm Trường U Minh và dân, một số cán bộ bị thương, hai người dân phải nhập viện cấp cứu.

Những phận đời nghiệt ngã

Những phận đời mà nhà báo Tuổi trẻ Chủ Nhật mô tả ở nơi gọi là khu tự trị giữa rừng U Minh Hạ, đều là các nông dân nghèo đến từ nhiều vùng quê khác nhau, từ các xã huyện ở địa phương, hay từ Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Họ đã đến vùng này nhận khoán trồng rừng và trồng lúa hàng chục năm nay.

Nhưng vài năm gần đây, dù nghĩa vụ thuế má đầy đủ mà bỗng nhiên lâm trường thu hồi diện tích đất nhận khoán, đẩy bà con vốn đã nghèo lại càng thêm cùng cực. Đó là những phận đời nghiệt ngã của những gia đình như chị Đặng Thị Điệp, dì Nguyễn thị Hai, Lê Thị Kháng. Nhà báo kể rằng, dì Hai dì Kháng nói như khóc, đất đai thì bị lâm trường lấy cấp cho người khác, về xứ thì hai dì cũng chẳng còn gì để sống nên đành bấm bụng bám trụ, sống chết ở khu rừng này không đi đâu nữa.

Hoặc giả ở sâu hơn nữa trong ruột rừng, ở tiểu khu 017và 018 với khoảng 1.200 hécta được giao khoán cho dân làm nông nghiệp. đa số người dân ở đây không có giấy tờ tuỳ thân, như trường hợp gia đình lão nông Nguyễn Trung Liệt. Lão nông cho biết gia đình ông đã ở đây hơn 10 năm, ba thế hệ với 30 người sinh ra và lớn lên tại khu rừng này, nhưng chưa có ai có giấy chứng minh nhân dân và cũng chưa bao giờ có hộ khẩu.

Lão nông than thở, tội nghiệp sắp nhỏ, năm đứa cháu nội ngoại ra đời trong ruột rừng nàyhiện tại đều thất học như ông cha mình vì không có hộ khẩu nên không được đi học. Lão nông nói với nhà báo, ông trông cho có cán bộ huyện xã vô thăm bà con làm cho cái hộ khẩu, mà gần chục năm nay không thấy, lẽ nào cán bộ xa dân đến vậy.

Theo nhà báo, ông Quách Văn Lắm trưởng ban lãnh đạo kiêm phó bí thư chi bộ Ấp 4 Xã Khánh Hòa Huyện U Minh xác nhận rằng, cả ấp có 356 hộ gia đình ranh giới chạy dài hơn chục cây số, nhưng chỉ có 64 hộ có hộ khẩu, nhiều lần ấp kiến nghị với xã chuyện làm hộ khẩu cho dân nhưng chưa thấy trả lời.

Cán bộ giành đất với dân

Nhà báo Hoàng Trí Dũng, tác giả bài báo Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đã được nghe ngừơi dân nghèo ở đây kể rành rọt về những cán bộ ở địa phương giành giật đất với dân nghèo.

Bà con nói rằng họ nhận khoán trồng và bảo vệ rừng hàng chục năm rồi, nay bị thu hồi và trớ trêu thay nhiều vị cán bộ cấp tỉnh cấp huyện, cán bộ lâm trường có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố Cà Mau vẫn được ưu ái cấp đất trồng rừng trồng lúa.

Tuổi Trẻ Chủ Nhật hiện nắm giữ danh sách các lô đất của quan chức địa phương, và bà con cho biết sau khi được cấp đất , đa số cán bộ đã bán hoặc sang nhượng để hưởng lợi. Trong số này theo Tuổi trẻ Chủ Nhật có tên ông Năm Phong, nguyên phó ban tôn giáo tỉnh uỷ Cà Mau được cấp đất tại tiểu khu 017-018, sau đó bán lại cho ông Mộng ở Cà Mau.

Danh sách được cấp đất khá dài bao gồm các ông Đỗ Minh Lắm, trưởng phòng địa chính huyện U Minh, ông Nguyễn Bá Hoành , phó chủ tịch uỷ ban nhân dân xã Khánh Hoà , ông Năm Lê, Hai Luôn nguyên phó chủ tịch xã.

Bao giờ người dân phẫn nộ?

Không chỉ các quan chức ngoài ngành mà rất nhiều cán bộ Lâm Trường U Minh 2 cũng có tên được cấp đất ở các tiểu khu 017-018 gây bất bình cho dân chúng. Nhân vật điển hình nhất có lẽ là ông Huỳnh Tuấn Linh, tiểu khu trưởng tiểu khu 017-018 em rể của giám đốc Lâm trường U Minh 2 Trần Thanh Sử.

Theo Tuổi trẻ Chủ Nhật ông Linh hiện có trong tay cả trăm công đất do lâm trường cấp nằm cặp bờ kinh 27, đất này hiện đã cấy lúa lên xanh rì.

Tác giả bài báo trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật cho rằng, các giới chức có trách nhiệm ở địa phương không nên để người dân phẫn nộ.

Nhà báo dẫn chứng chuyện tức nứơc vỡ bờ, ngừơi dân kể lại hồi tháng 2 đầu năm hàng trăm ngừơi dân phá đập ngăn mặn của lâm trường, vì đập này không những không ngăn được mặn nhưng làm nguồn nứơc trong kênh cạn kiệt, ghe xuồng không qua lại được. vụ phá đập gây hỗn loạn, dân chúng đánh nhau với cán bộ lâm trường làm bị thương một số người cả hai bên. Vụ này đang bị khởi tố hình sự

Tác giả Hoàng Trí Dũng kết bài phóng sự với nỗi lòng nặng trĩu, nhà báo đặt câu hỏi, không biết rồi đây những nguyện vọng, ứơc mơ chính đáng của người dân là được bám trụ với rừng, được có đất sản xuất, con cái được học hành xoá dốt, liệu có được đáp ứng để lòng rừng U Minh Hạ yên bình trở lại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.