Những Vấn đề Thủy lợi ở Ðồng bằng sông Cửu Long (phần 6)


2006.12.20

Nguyễn Minh Quang & Đỗ Hiếu, RFA

Kể từ năm 1975, một hệ thống thủy lợi qui mô đã được xây dựng trong toàn vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển nhanh chóng vùng đồng bằng trù phú nầy. Có thể nói hệ thống thủy lợi đó đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế và xã hội của ÐBSCL và cho cả nước trong thời gian qua; nhưng cũng chính nó đã phát sinh ra nhiều vấn đề, mà ảnh hưởng tiêu cực càng ngày càng rõ nét, và có thể trở thành một lực cản cho việc phát triển kinh tế và xã hội bền vững của ÐBSCL trong tương lai.

Trong chương trình Khoa học và Môi trường tuần trước, Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang đã trình bày những sự kiện, mà theo Ông, là nguyên nhân trực tiếp của những vấn đề thủy lợi ở ÐBSCL hiện nay. Tuần nầy, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi tiếp cuộc trao đổi với Ông.

KS Quang là một kỹ sư công chánh chuyên nghiệp (professional engineer) của tiểu bang California và cũng là một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trước năm 1975, KS Quang là một chuyên viên phục vụ tại Ủy ban Quốc gia Thủy lợi trực thuộc Bộ Công Chánh và Giao thông ở Sài Gòn. Ông phụ trách công tác nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch phát triển thủy lợi ở miền Nam Việt Nam cũng như công tác đo đạc thủy học và tiên đoán lũ lụt ở ÐBSCL.

Hỏi: Trong chương trình trước, KS có cho biết hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL đã góp phần không nhỏ trong việc xâm lấn vào những vùng sinh thái tự nhiên còn lại và có thể làm cho chúng suy thoái trong tương lai. KS có thể cho quý thính giả của Ðài biết thêm chi tiết về ảnh hưởng sinh thái nầy không?

Ðáp: Như tôi đã trình bày, sau năm 1975, chủ trương của Việt Nam là biến tất cả đất đai có thể trồng trọt còn lại ở ÐBSCL thành ruộng lúa trồng nhiều vụ một năm, nhằm đạt chỉ tiêu 20 triệu tấn lúa/năm trong kế hoạch ngủ niên 1975-1980. Chủ trương nầy đã phá hủy một số lớn vùng sinh thái tự nhiên như rừng tràm, đồng cỏ ngập nước, vùng trũng, và rừng ngập mặn ở Ðồng Tháp Mười (ÐTM), Tứ giác Long Xuyên (TGLX), và rừng U Minh ở bán đảo Cà Mau. Chỉ trong vòng 20 năm, ruộng lúa ở ÐBSCL đã tăng gần 4 lần, với diện tích lên đến 1,1 triệu ha trong năm 1995. Một số ít vùng sinh thái tự nhiên còn lại, mặc dù được bảo vệ, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trị thủy, bởi tình trạng ô nhiễm gia tăng, bởi các hoạt động khai thác bất hợp pháp, và bởi nguy cơ cháy rừng, nhất là trong mùa khô. Các vùng nầy đang suy thoái nghiêm trọng và có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai.

Hỏi: KS có thể cho một thí dụ về sự suy thoái vùng sinh thái tự nhiên ở ÐBSCL không ạ?

Ðáp: Các vườn quốc gia Tràm Chim-Tam Nông ở Ðồng Tháp và Hòn Chông-Kiên Lương ở Kiên Giang là một thí dụ điển hình. Sau khi chiến tranh chấm dứt, đây là những vùng sinh thái tự nhiên mà hằng năm loại sếu đầu đỏ hiếm quý trên thế giới về tạm trú trong một thời gian. Nhưng số lượng sếu về hai vườn quốc gia nầy càng ngày càng giảm. Ở Kiên Giang, trước đây có hàng ngàn con, bây giờ chỉ còn vài trăm. Ở Ðồng Tháp còn bi đát hơn, chỉ còn vài chục, riêng năm nay, chỉ còn 17 con mà thôi. Sở dĩ sếu về ít là vì hệ sinh thái của hai vườn quốc gia nầy đã suy thoái và không còn thích hợp với đời sống của sếu. Theo một bài báo đăng trên tờ Nhân Dân ngày 19 tháng 4 năm 2005, từ năm 2000, diện tích năn và đất ngập nước bị thay đổi. Những điểm sếu ăn cũng không còn nguyên như trước, có chỗ đào kinh, xẻ rạch, có chỗ giữ nước chống cháy, có nơi bị người dân xâm lấn và khai thác.

Hỏi: Còn hệ sinh thái của ÐBSCL thì sao, thưa KS?

Ðáp: Ngoài các vùng sinh thái tự nhiên, hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của toàn vùng ÐBSCL bao gồm thực vật, sinh vật, môi trường đất và nước. Như tôi đã trình bày, việc xây dựng và điều hành hệ thống kinh thủy lợi trong vùng đất phèn gây hiện tượng xì phèn trong đất lẫn nước, khiến cây cỏ nhạy cảm với độ chua, tức pH, phải nhường chỗ cho cây cỏ chịu chua cao như tràm, năn, hoặc lát. Kết quả là độ đa dạng sinh học bị giảm. Trong những vùng trũng như ÐTM và TGLX, hệ thống thủy lợi làm cho mực nước ngập cao hơn, thời gian ngập kéo dài hơn, lượng phù sa mang theo lớn hơn là những nguyên nhân khiến cho hàng nghìn ha tràm chết hàng loạt.

Ở rừng U Minh, hệ thống kinh thủy lợi làm nước khô cạn trong mùa khô gây nạn cháy rừng, khiến hàng ngàn ha rừng tràm bị thiêu hủy trong năm 2002. Hệ thống đê đập ngăn mặn có thể xóa sổ cây dừa nước trong những vùng ngọt hóa, vì loại cây nầy cần môi trường nước ngọt và nước mặn luân phiên nhau. Lục bình cũng là một vấn nạn trong kinh rạch không có đủ nước luân lưu, thí dụ như rạch Bảo Ðịnh ở thị xã Tân An và đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành đến xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Hỏi: Mỗi khi được hỏi, nông dân ÐBSCL cho biết, nhiều loại tôm cá cua trước đây thường thấy trong ruộng lúa hoặc ao hồ ở ÐBSCL nay không còn nữa. Hiện tượng nầy có liên quan đến hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL không, thưa KS?

Ðáp: Việc nhiều loại tôm cá sống trong ruộng lúa ở ÐBSCL đã biến mất có thể do nhiều yếu tố, nhưng theo tôi, hệ thống thủy lợi hiện nay là một yếu tố quan trọng nhất. Trước hết, hệ thống kinh thủy lợi làm hạ mực nước trong các vùng trũng và có thể làm cho các vùng trũng nầy khô cạn. Những vùng trũng nầy chính là nơi cư trú và sinh sản của nhiều loại cá trong mùa khô.

Thứ nhì, hệ thống đê ngăn lũ ngăn chận cá di chuyển từ vùng trũng trở lại kinh rạch trong mùa nước nổi, nhất là các loại cá trắng. Thứ ba, cá tôm không thể sống trong nước phèn có pH thấp. Hệ thống đê bao cũng ngăn chận sự di chuyển của cá tôm trong mùa nước nổi. Theo kết quả nghiên cứu của Trường Ðại học An Giang thì hệ thống đê bao không những ảnh hưởng đến thành phần một số loài cá tôm, đặc biệt, làm mất hẳn một số loại như tôm càng xanh, cá rô biển, và cá bống tượng, mà còn làm giảm kích thước của tôm cá đánh bắt được so với thời điểm chưa có đê bao.

Hỏi: Trong thời gian gần đây, đặc biệt trong mùa nước nổi vừa qua, báo chí trong nước có đề cập đến một sự kiện đang xảy ra ở ÐBSCL mà họ gọi là “hệ lụy đê bao.” Một trong những hệ lụy đó là đất đai bên trong đê bao không còn màu mỡ như trước. Theo người dân ở ÐBSCL, đất bạc màu là vì không được bón phù sa do nước lũ mang về. KS có ý kiến gì về nhận xét nầy?

Ðáp: Nhận xét nầy rất đúng, nhưng có một yếu tố khác quan trọng hơn, đó là hiện tượng xì phèn. Vì đất bên trong đê bao tiếp xúc với không khí lâu hơn nên phèn xì nhiều hơn; do đó, độ pH trong đất càng ngày càng thấp hơn. Ðộ pH thấp chẳng những làm giảm hoặc ngừng sự tăng trưởng của cây lúa mà còn có ảnh hưởng đến sự hấp thu chất đạm, và đây chính là nguyên nhân khiến cho năng suất lúa trong vùng có đê bao càng ngày càng giảm, mặc dù vẫn bón phân như trước.

Theo một nghiên cứu của Khoa Nông nghiệp thuộc Trường Ðại học An Giang, khi đê bao hoàn tất thì; sau 2 năm, năng suất lúa giảm 7,2 tạ/ha trong vụ đông-xuân và 3,2 tạ/ha trong vụ hè-thu; sau 4 năm, năng suất lúa giảm 10,9 tạ/ha trong vụ đông-xuân và 2,4 tạ/ha trong vụ hè-thu; và sau 6 năm, năng suất lúa giảm 10,9 tạ/ha trong vụ đông-xuân và 3,9 tạ/ha trong vụ hè-thu.

Hỏi: Còn ảnh hưởng của hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL đối với môi trường nước thì như thế nào?

Ðáp: Một trong những ảnh hưởng tai hại nhất đối với môi trường nước là ngăn chận sự luân lưu của nó, nhất là ở vùng hạ nguồn và ven biển, cả bên trong lẫn bên ngoài hệ thống đê đập ngăn mặn, khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm. Thí dụ điển hình là sông Ba Lai ở Bến Tre. Trước khi có cống đập Ba Lai, nước sông có thể thông thương dễ dàng ra biển, nên dòng nước trong xanh và tràn đầy tôm cá. Từ khi có cống đập Ba Lai, nước không thể luân lưu như trước nên bị ô nhiễm, tôm cá ngày càng ít đi, có nơi không còn.

Việc điều hành hệ thống đê đập ngăn mặn cũng có thể làm cho môi trường nước bị xáo trộn và gây ảnh hưởng tai hại. Thí dụ như việc mở cống đập Ba Lai khiến nước mặn trong sông Ba Lai ở hạ nguồn cống bị nước ngọt làm loãng và gây ô nhiễm, khiến không thể làm muối, đánh cá, hoặc nuôi tôm. Hiện tượng nghêu chết hàng loạt ở bãi nghêu thuộc xã Bảo Thuận và An Thủy, huyện Ba Tri có lẽ cũng do việc mở cửa đập Ba Lai để bảo vệ cho đàn tôm bên trong, vì nước ngọt bị ô nhiễm tràn ra làm thay đổi môi trường nước gần các bãi nghêu.

Hỏi: Ngoài các ảnh hưởng trực tiếp mà KS vừa trình bày, hệ thống thủy lợi hiện nay còn có ảnh hưởng nào khác đến hệ sinh thái của ÐBSCL không, thưa KS?

Ðáp: Sự gia tăng diện tích trồng lúa và dân số trong vùng ÐBSCL, do việc xây dựng hệ thống thủy lợi và chánh sách kinh tế mới, làm gia tăng số lượng chất ô nhiễm phóng thích vào môi trường. Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu phát triển ÐBSCL, sự gia tăng chất ô nhiễm phóng thích vào môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái vì nó có thể hủy diệt sinh vật, làm giảm sản phẩm sinh học, làm giảm sức đề kháng bệnh tật, và làm giảm độ đa dạng sinh học.

Hơn nữa, hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL cũng là một yếu tố giúp các chất ô nhiễm tồn đọng lâu dài trong môi trường và do đó, gia tăng mức độ ô nhiễm của sinh vật. Ðiều nầy có thể dẫn đến việc tích lũy các chất độc hại (toxins) trong môi trường mà hậu quả là ÐBSCL dần dà sẽ bị nhiễm độc (poisoning).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.