Rác thải điện tử nên xử lý như thế nào?

Việt Nam thu gom và xử lý các loại rác thải điện tử như thế nào?
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.02.13
017_181464-305.jpg Thu gom rác thải điện tử ở Đài Loan, ảnh chụp hôm 16-06-2011.
AFP PHOTO

Trong thời đại khoa học, công nghệ hiện nay, cùng với biết bao nhiêu sản phẩm công nghệ cao được sản xuất ra để phục vụ nhu cầu con người, thì đồng thời người ta cũng phải đối diện với vấn đề xử lý những sản phẩm đó mỗi khi không còn giá trị sử dụng nữa. Loại rác này hiện được gọi tên là rác thải điện tử.

Đối với một số quốc gia phát triển, họ có những kế hoạch thu gom và xử lý các loại rác thải điện tử như vừa nói một cách cụ thể, vậy còn ở Việt Nam công tác này ra sao?

Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Thiếu thông tin

Các loại sản phẩm công nghệ cao như máy vi tính, máy in, TV màn hình phẳng, điện thoại, máy nghe nhạc điện tử… không còn xa lạ, quá quí hiếm tại các thành phố lớn của Việt Nam nữa. Mà nay nhiều loại sản phẩm đó cũng được đưa về các khu vực ngoại vi và cả nông thôn Việt Nam.

Trong nước cũng quan tâm đến vấn đề rác điện tử. Thế nhưng cho đến nay chưa có những qui định, những luật nào cho rõ ràng nói đến vấn đề xử lý loại rác này.

Ô. Lê Văn Khoa

Những sản phẩm này cùng với các phụ tùng của chúng không phải là bền vĩnh cửu, mà qua sử dụng nhiều thứ phải thay thế loại bỏ. Chúng trở nên một loại rác thải vô cơ khác.
Thông thường chúng được tận dụng đến khi không còn dùng vào được việc gì nữa mới đem vứt bỏ đi. Những cơ sở chế biến các loại rác thải lại đập, đốt… chúng để lấy những nguyên liệu mà họ còn có thể chế ra thứ gì đó khác.

Do những loại sản phẩm công nghệ cao đó được tạo ra bằng những loại chất liệu mà một số độc hại cho môi trường và bản thân con người, nên trong quá trình xử lý thủ công đó các chất độc hại thoát ra môi trường gây hại cho sức khỏe con người trong cộng đồng.

Tuy nhiên trong thực tế những biện pháp để  ngăn ngừa tình trạng đáng ngại đó vẫn chưa được toàn xã hội tại Việt Nam quan tâm như phát biểu về sự bàng quan của một người từng học ngành sinh hóa và nay tham gia giảng dạy tại Việt Nam như sau:

“Không nghe nói đến trên phương tiện thông tin đại chúng. Thông thường có người đi mua phế liệu về tân trang lại. Bản thân em không quan tâm và người ta cũng không nói gì về độc hại cả.”

Chưa có quy định cụ thể

Gần đây tại thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức gọi là Quỹ Tái chế được hình thành để giúp nâng cao nhận thức trong việc thu gom những loại rác thải công nghiệp, trong đó có rác thải điện tử. Hằng năm tổ chức này tiến hành một số ngày hội tái chế để người dân đến được giới thiệu về cách thức thải bỏ những loại rác đó.

Ông Lê Văn Khoa, nguyên giám đốc của Quỹ Tái Chế đó cho biết những thông tin liên quan về công tác này qua cuộc nói chuyện sau đây với Gia Minh.

Gia Minh: Vấn đề rác điện tử đang được đề cập đến như thế nào và giải quyết ra sao?

Lê Văn Khoa: “Theo những thông tin tôi biết thì trong nước cũng quan tâm đến vấn đề rác điện tử. Thế nhưng cho đến nay chưa có những qui định, những luật nào cho rõ ràng nói đến vấn đề xử lý loại rác này. Về phía Bộ, có một dự thảo và sẽ trình thủ tướng nói đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; trong đó có qui định nhà sản xuất và phân phối sản phẩm điện tử có trách nhiệm thu hồi 10 – 15% sản phẩm mà họ bán ra mà đã qua sử dụng đưa về tái chế lại. Đến nay, dự thảo đó chưa được thông qua, chúng tôi cũng đang chờ đây.

rac-hanoi-2-250.jpg
Thu gom rác thải chưa phân loại tại Hà Nội hôm 03-08-2011. RFA PHOTO.
Còn các giải pháp quản lý rác thải điện tử tại địa phương, theo chúng tôi nghĩ đây là một loại rác thải độc hại mà phải được quản lý chặt chẽ. Đứng ở góc độ một nhà khoa học, theo tôi muốn xử lý một loại chất thải nguy hại nào, chúng ta cũng phải có cơ sở pháp lý đầy đủ. Đối với rác thải điện tử phải có công nghệ cử lý phù hợp. Thứ ba phải nâng cao nhận thức của người dân về độc hại của loại rác thải điện tử. Nếu làm tốt được ba điều đó thì chúng ta sẽ xử lý tốt loại rác thải điện tử này thôi.”

Gia Minh: Thực tế hiện nay, những loại rác đó đi về những nguồn nào, được xử lý ra sao và sẽ có những nguy hại thế nào?

Lê Văn Khoa: “Cho đến nay vẫn chưa có những khảo sát nào về nguồn chất thải điện tử tại Việt Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học Công nghệ có hổ trợ cho Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và bảo vệ Môi trường tiến hành nghiên cứu đề tài quản lý rác thải điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thông thường có người đi mua phế liệu về tân trang lại. Bản thân em không quan tâm và người ta cũng không nói gì về độc hại cả.

Một người dân

Theo tôi biết đến nay nghiên cứu đó vẫn chưa hoàn thành. Thông thường mọi thiết bị điện tử đều được tận dụng lại khi mà nó đã qua thời hạn sử dụng mà không còn tái sử dụng được (mà thường gọi là second-hand), thì được tách những chất mà còn có thể sử dụng. Phần còn lại sẽ đi vào những bãi chôn lấp rác của thành phố.

Tác hại đến nguồn nước ngầm, đất đai đến nay vẫn chưa được đánh giá.”

Gia Minh: Vậy độc hại của chúng thế nào?

Lê Văn Khoa: “Theo những tài liệu chúng ta có được, thì những kim loại nặng trong rác thải điện tử là những chất độc hại, khi ra môi trường thì chắc chắn sẽ gây hại cho môi trường.
Đến nay tôi vẫn chưa đọc được những báo cáo nghiên cứu nào nói về tác động của rác thải điện tử đối với môi trường.”

Gia Minh: Quỹ Tái chế lâu nay có những góp phần ra sao trong công việc thu gom rác thải điện tử?

Lê Văn Khoa: “Hoạt động của Quỹ Tái chế Thành phố trong thời gian qua liên quan đến rác thải điện tử. Quỹ tổ chức ngày hội tái chế chất thải. Trong ngày hội đó chúng tôi tuyên truyền, vận động các cộng đồng tại thành phố thu gom những chất thải nguy hại (bong đèn, bình acquy…) về và chúng tôi tập trung lại và giao cho Công ty Môi trường đô thị để khi có công nghệ phù hợp thì họ xử lý.

000_Hkg2419970-250.jpg
Một nơi mua bán phế liệu tại Bắc Giang, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.
Chúng tôi cũng tiến hành một công tác thử nghiệm thu gom rác thải điện tử tại Phường Phú Nhuận.

Dù có quan tâm của giới khoa học và cộng đồng nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu đủ qui mô để đánh giá dòng chất thải này: từ đâu đến, và đi về đâu. Chúng ta chưa làm được.”

Có theo công ước LHQ?

Một quan chức Bộ Tài Nguyên - Môi trường, ông thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, cho biết hướng quản lý của nhà nước trong lĩnh vực rác thải điện tử như sau:

“Về vấn đề này có công ước của Liên Hiệp Quốc, các nước thành viên phải làm theo công ước. Việt Nam hiện nay chính phủ mà cụ thể là Bộ Tài Nguyên - Môi trường đang chuẩn bị ban hành một nghị định của chính phủ về việc thu hồi các sản phẩm thải bỏ, trong đó có sản phẩm điện tử. Trên thực tế xã hội thì trong người dân có việc thu mua đồng nát. Nhưng trong tương lai việc này sẽ có tổ chức, chấn chỉnh để hoạt động có hiệu quả, không gây ra ảnh hưởng đến môi trường.

Sắp đến sẽ tiến hành triển khai toàn quốc sau khi văn bản pháp luật ban hành.”

Như trình bày của ông thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến, vấn đề phân loại các loại rác tại Việt Nam cũng được đề cập đến lâu nay, ngay cả đối với rác thải điện tử.

Tuy nhiên trong thực tế vấn đề vẫn chưa được thực hiện; thậm chí còn quá xa lạ đối với nhiều người dân như phát biểu của người giáo viên trong phần đầu chương trình.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới, cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.