Thế giới kêu gọi hãy cứu lấy đại dương

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.11.03
Đại dương và rác thải (ảnh minh họa) Đại dương và rác thải (ảnh minh họa)
Souce: plasticoceans.net

Tài nguyên biển là nguồn sống quan trọng của nhân loại; tuy nhiên chính hoạt động của con người lâu nay đang làm suy giảm đáng kể nguồn tài nguyên phong phú đó.

Trước thực tế đáng ngại như thế các quốc gia trên thế giới kêu gọi sự hợp tác cùng chung tay bảo vệ đai dương , duy trì nguồn sống cho con người.

Thực tế hợp tác ra sao; đặc biệt tại khu vực Biển Đông nơi mà Trung Quốc đang muốn chiếm trọn vùng này?

Hợp tác quốc tế bảo vệ đại dương

Hội nghị quốc tế về đại dương lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng 10 vừa qua tại hai thành phố Vina del Mar và Valparaiso của Chile. Có hơn 500 đại biều từ 60 quốc gia trên thế giới đến tham dự. Theo bộ trưởng ngoại giao nước chủ nhà, Heraldo Munoz, thì những vị khách đặc biệt từ mọi châu lục trên địa cầu đến tham dự hội nghị đều có cùng quan tâm cần làm gì đó cho các đại dương.

Theo ngoại trưởng Chile thì có ba vấn đề quan trọng cần phải có hành động đó là hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, tình trạng acid hóa, nạn rác thải nhất là các loại chai, bao bì nhựa mà theo thống kê có đến 8 triệu tấn rác như thế thải xuống các đại dương mỗi năm.

Ông Heraldo Munoz nêu ra tình trạng điển hình tại chính nước ông ở khu vực Đảo Phục Sinh (North Rapa Nui) nơi rác thải nhựa len dày đến 80 mét. Tình trạng này được nói cũng đang xảy ra tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Tiến sĩ Martin Thiel, nhà hải dương học Đức hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Công giáo Chile nói rằng thực tế cho thấy nhiều loài cá, sò và động vật giáp xác dưới biển lâu nay ăn các mẩu nhựa và hậu quả là gây hại đến sự phát triển của các loài ăn phải loại rác cực khó phân hủy này.

Tại hội nghị vừa nêu, Chile tuyên bố tiến hành thiết lập một khu vực bảo tồn đại dương rộng lớn hơn 1 triệu kilomet vuông tại các quần đảo Juan Fernandez và Rapa Nui. Nước này cũng cho biết sẽ thành lập một công viên biển với diện tích gần 300 ngàn kilomet vuông tại hai đảo San Ambrosio và San Felix.

Thực trạng khu vực Biển Đông

Biển Đông thuộc Thái Bình Dương là một khu vực nóng hiện nay do có tranh chấp chủ quyền giữa sáu nước trong khu vực gồm Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.

Đây là tuyến đường hàng hải quan trọng và cũng là vùng biển được đánh giá giàu có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt cũng như hải sản dồi dào. Trung Quốc nuôi tham vọng độc chiếm đến chừng 90% khu vực biển này qua đường lưỡi bò mà họ tự vạch ra.

Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, thuộc Viện Hải Dương Học Nha Trang, thì người ta nói nhiều đến trữ lượng phong phú tại Biển Đông thế nhưng nghiên cứu của Việt Nam để đưa ra các số liệu chính xác vẫn còn thiếu. Ông nói:

“ Chỉ có những đoán theo tính ‘võ biền’ thế thôi chứ thực sự chưa có đánh giá khoa học. Đương nhiên biển nhiệt đới thì đa dạng nhưng sinh lượng thì không bằng biển ôn đới đâu. Những số liệu mà chúng ta có đều là ‘cổ’ chứ hiện nay chúng ta chưa có những số liệu mới nào đánh giá chung, kiểm định lại sau một thời gian biến động như thế tình hình ra làm sao thì chúng ta chưa có những tài liệu nào.

Trong công tác nghiên cứu thì với những phương tiện hiện nay chúng ta chỉ có thể có những đánh giá gần bờ chứ vươn ra xa bờ thì chưa nhiều lắm. Đánh giá về nguồn lợi ngoài biển khơi, chúng ta còn rất thiếu. Nghiên cứu hải dương của chúng ta chỉ ven bờ thôi, chứ nghiên cứu biển xa thì còn rất yếu kém.”

Trong khi đó thì thực tế cho thấy các vùng biển của Việt Nam đang bị cạn kiệt, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại nói về tình trạng này:

“ Có hai khía cạnh: nguồn lợi ven bờ và vùng biển xa, rồi ven các đảo. Nói chung có nhiều biến động. Ngay cả ven bờ của Việt Nam cũng gần cạn kiệt rồi vì nghề nuôi cũng phải đánh bắt để nuôi. Tất cả mọi sinh vật nhỏ- lớn đều bắt hết. Còn hiện nay tài nguyên biển khơi theo tôi mình chưa khai thác kiệt quệ như vùng ven bờ; những ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa, quanh đảo Phú Quý và ở phía nam là Côn Sơn là những nơi ngư dân còn đánh bắt được, chứ ven bờ thì cạn kiệt lắm rồi.”

“Về tình hình sinh thái san hô, rừng ngập mặn rồi cỏ biển…, chúng ta biết có suy giảm đó nhưng (về) mức độ ( cụ thể) thì khó; nhất là khi con người đang cải tạo những bãi đá thì sẽ có những tác động đến sinh thái vùng biển xa; thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào.”

Bản đồ khu vực Biển Đông. (Wikipedia)
Bản đồ khu vực Biển Đông. (Wikipedia)

Giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố, một chuyên gia về nghiên cứu biển của Việt Nam, từ Hà Nội cũng nêu ra tình trạng đáng ngại về nguồn tài nguyên tại khu vực Biển Đông:

“ Thông tin đến nay thì không có gì mới nhưng suy thoái rõ ràng theo thời gian thì có nhiều vấn đề. Phát triển kinh tế ở khu vực này phức tạp lắm. Ý thức bảo vệ môi trường của các nước trong khu vực này cũng không giống như các nước ở Phương Tây. Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam đều có vấn đề cả.”

Vào cuối tháng 9 vừa qua, hai tác giả James Borton và Nguyễn Chu Hồi có bài viết ‘China and the Deep Blue Sea” nêu ra tác hại của hoạt động cải tạo, bồi đắp các bãi đá tại Biển Đông do Trung Quốc tiến hành. Theo hai tác giả này từ năm 2010 đến nay trữ lượng hải sản ở quần đảo Trường Sa và khu vực phía tây Biển Đông giảm xuống 16%.  Ngoài ra hoạt động bồi đắp cải tạo mà Trung Quốc tiến hành đe dọa sự đa dạng sinh học biển, tạo ra mối đe dọa về lâu về dài đối với một trong những sinh cảnh biển được đánh giá là đẹp nhất thế giới.

Hợp tác nghiên cứu biển của Việt Nam

Giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố cho biết trong lĩnh vực nghiên cứu biển, Việt Nam trước đây chủ yếu hợp tác với Liên Xô cũ. Ông thừa nhận hầu hết những công trình nghiên cứu lâu nay trong lĩnh vực biển giữa các nước cũng ở mức độ thấp.

“ Thực ra hợp tác lâu nay giữa các nước cũng ở tầng thấp; vì nghiên cứu biển không đơn giản vì đòi hỏi phải có vốn lớn và phương tiện hiện đại. Phải có tàu lớn thì mới làm được. Trước đây ở biển Việt Nam chủ yếu dựa vào Liên Xô rồi sau đó là Mỹ; nhưng Mỹ chủ yếu làm với Philippines thôi.”

Giáo sư- Tiến sĩ Lê Đức Tố cho biết vào ngày 22 tháng 10 vừa qua ông có dự một cuộc hội thảo bàn về vấn đề nghiên cứu Biển Đông, qua đó thông tin cho biết đang chờ đợi một dự án hợp tác với phía Hoa Kỳ để đánh giá lại hiện trạng của Biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại nói thêm về những dự án nghiên cứu biển cảu Việt Nam trước đây và kể cả trong thời gian gần đây:

“Chưa có những dự án nào qui mô lớn. Như vừa rồi ở Côn Đảo hải sâm dạt vào bờ, rồi ở Thừa Thiên- Huế hải sâm cũng dạt vào bờ hằng loạt như vậy. rất bất thường, chưa có năm nào như vậy. Chưa có đánh giá nào cả. Người ta chỉ hiểu con hải sâm sống dưới đáy biển, chắc chắn phải có một tác động nào mạnh lắm nó mới trồi lên dạt vào bờ. Như vậy có những biến động mạnh về sinh thái mà chúng ta chưa đánh giá hết được.”

Chưa có những đề án toàn diện nào để đánh giá chung lại toàn bộ. Nói chung là cũng rời rạc, từng mảng sốt nóng thì người ta ‘đánh’ vào mãng đó; chứ còn về lâu dài tôi chưa thấy có dự án nào tổng thể, qui mô lớn. Chưa thấy!”

Giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố cũng nêu ra trở ngại đối với công tác nghiên cứu của Trung Quốc tại Biển Đông và mối quan hệ quyền lợi của hai cường quốc Hoa- Mỹ tại khu vực biển này:

“ Trung Quốc hiện có tham vọng nhưng không được các nước trong khu vực ủng hộ cho nên họ không thể mở rộng nghiên cứu quan trắc cả vùng Biển Đông. Họ chỉ làm trong giới hạn có thể làm được thôi. Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện cũng có vấn đề khác về suy nghĩ, chưa có sự thống nhất nào cả. Mỹ thấy rõ lợi ích của họ ở khu vực này, còn Trung Quốc mới nổi lên muốn Mỹ chia phần với Trung Quốc tại đó. Tuy nhiên theo nguồn tin tôi nghe được thì Mỹ chưa đồng ý với đề nghị của Trung Quốc, nước có nhiều tham vọng lắm”.

Vào ngày 20 tháng 10 vừa qua Viện Chính sách Đối ngoại phối hợp với Liên Minh Biển và Đại học John Hopskin Hoa Kỳ tiến hành tổ chức cuộc thảo luận về tình hình an ninh và phát triển tại khu vực Biển Đông.

Các chuyên gia tham dự đều có chung ý kiến là cần phải ngưng ngay các hoạt động làm thay đổi hiện trạng tại đó như hiện nay Trung Quốc đang tiến hành. Kêu gọi được đưa ra là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN cần tham gia thành lập một tổ chức gọi là Ủy ban Đa Phương Xanh về Biển Đông. Trong khi đó thì một vị giáo sư từng lên tiếng về tình trạng cải tạo xây dựng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành đang gây hại cho những rạn san hô tại Biển Đông, ông John McManus, đưa ra đề nghị nên thành lập Công viên Hòa Bình Trường Sa và các bên cần tiến đến đạt cho được thỏa thuận chung để quản lý vùng biển này.

Giáo sư- tiến sĩ Lê Đức Tố cho rằng cần phải chờ đợi một thời gian nữa mới hy vọng có những thay đổi trong lĩnh vực hợp tác về biển của Việt Nam với bên ngoài, nhất là với các nước trong khối ASEAN:

“ Hy vọng sau hiệp định TPP và ASEAN vào cuối năm nay ra đời, tất cả những hợp tác với nước ngoài, nhất là Mỹ sẽ rõ ràng hơn. Chứ hiện nay chưa đâu vào đâu vì Việt Nam có nhiều quan điểm không hoàn toàn đổi mới. Sau hiệp định này chắc chắn có nhiều đổi mới. 3.08

5.38 Khi nào ASEAN thành cộng đồng rồi và lúc đó Mỹ là lực lượng hỗ trợ cho ASEAN. Lúc đó cả ASEAN thống nhất với Mỹ để có tiếng nói lớn thì lúc đó mới có thể có cái gì đấy; chứ hiện nay các nước trong khu vực này chưa làm được gì, chỉ nhờ tiếng nói của các nước trên thế giới để hạn chế tham vọng của Trung Quốc thôi.”

Thực tế chứng minh mọi sáng kiến hợp tác để bảo vệ và khai thác một cách bền vững nguồn tài nguyên tại khu vực Biển Đông, mà nhiều phía từng đưa ra lâu nay cũng như hiện nay, sẽ không thể trở thành hiện thực một khi Trung Quốc vẫn nuôi tham vọng độc chiếm vùng biển này. Trong khi biện pháp khống chế tham vọng đó vẫn chưa hiệu quả.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.