Việt Nam quyết tâm xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã được chính phủ Việt Nam quyết thực hiện. Mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng đang mỗi lúc một bức bách tại Việt Nam.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.05.21
Dân Nhật biểu tình phản đối điện nguyên tử Dân Nhật biểu tình phản đối điện nguyên tử
AFP



Một số nước như Nga và Nhật được Việt Nam tiếp cận muốn hợp tác trong lĩnh vực này. Phía chính phủ Nhật hứa sẽ giúp tài chính cho Việt Nam chừng 10 tỷ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây tại Nhật bản tất cả 54 nhà máy điện nguyên tử của nước này đã ngưng hoạt động. Nhật bản nay trở thành quốc gia không có điện hạt nhân.

Trước thực tế đó, một số nhân sĩ- trí thức Việt Nam khởi thảo một lá thư để gửi đến đương kim thủ tướng Nhật bản, Yoshihiko Noda, phản đối kế hoạch viện trợ của Tokyo cho dự án điện hạt nhân tại Việt Nam. Bức thư được nói sẽ gửi đến thủ tướng Nhật trong ngày 21 tháng 5 này.

Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay, mời quí thính giả theo dõi trình bày liên quan đến vấn đề vừa nêu.

Chưa đủ trình độ quản lý nhà máy điện hạt nhân



Nội dung bức thư nhắc lại thảm họa Fukushima mới xảy ra tại Nhật bản vào tháng 3 năm ngoái. Trận động đất 9 độ Richter gây sóng thần khiến cho bốn lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tai biến. Phóng xạ rò rĩ ra bên ngoài gây tác hại đến người dân sống trong phạm vi bán kính 100 kilomet quanh nhà máy. Thiệt hại kinh tế cho Xứ Phù Tang qua tai biến đó được tính bằng nhiều tỷ đô la.

Người dân Nhật tiếp tục lên tiếng phản đối việc phát triển điện hạt nhân. Và trước sức ép của dân chúng, chính phủ Nhật bản buộc phải yêu cầu công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân cuối cùng là Hokkaido Electric Power phải ngưng các lò phản ứng hồi ngày 4 tháng 5 vừa qua.

Ông Âu Minh Dũng, một người gốc Việt hiện đang sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản, cho biết phản ứng của dân chúng Nhật hiện nay đối với điện hạt nhân như sau:

Hiện nay có chừng từ 62-63% người dân Nhật có ý kiến không muốn các lò điện hạt nhân hoạt động. Lý do là không biết nếu có tai nạn thì thế nào! Phong trào phản đối điện hạt nhân tại Nhật bản bây giờ lên cao lắm. Người ta nói đến bây giờ không ai có thể bảo đảm an toàn 100% cho điện hạt nhân. Nếu chỉ có 10% nguy hiểm thôi thì vẫn là nguy hiểm. Nếu không có điện hạt nhân thì chết, thì mới phải chịu nhưng có những nguồn thay thế khác nên không nhất thiết phải cần.

Thứ nhất, các chuyên gia tính toán điện hạt nhân không rẻ hơn so với các nhiên liệu khác. Thứ hai nữa là trình độ khoa học- công nghệ, trình độ quản lý của Việt Nam còn rất  kém, rất yếu. Mà công nghệ hạt nhân không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối được. Không những có xác suất gây ra sự cố mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ quản lý của con người nữa.

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng



Theo những người khởi thảo lá thư gửi cho thủ tướng Nhật bản Yoshihiko Noda thì hành động tài trợ cho chính phủ Việt Nam xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận là một hành động phân biệt dân tộc, vô trách nhiệm và không đạo lý. Những người ký tên thỉnh cầu thủ tướng Noda và chính phủ Nhật Bản lập tức rút lại chương trình tài trợ đó cho chính phủ Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, người cùng chủ xướng trang Bauxite Việt Nam với giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Nhà giáo Phạm Toàn, trình bày lại quan điểm không nên phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam:

Thứ nhất, các chuyên gia tính toán điện hạt nhân không rẻ hơn so với các nhiên liệu khác. Thứ hai nữa là trình độ khoa học- công nghệ, trình độ quản lý của Việt Nam còn rất  kém, rất yếu. Mà công nghệ hạt nhân không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối được. Không những có xác suất gây ra sự cố mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ quản lý của con người nữa. Trong khi đó ở Việt Nam là một đất nước chưa phát triển, trình độ quản lý kém. Vì thế nên khi xảy ra sự cố có thể hủy diệt cả dân tộc. Do đó phải thận trọng.

Và lại chúng ta phải vay tiền để làm, trong khi chưa cần thiết. Vay phải trả tiền sẽ làm cho nền kinh tế kiệt quệ, đất nước trở nên đói nghèo. Giống như một nhà nông nghèo vay tiền mua xe, làm nhà lầu, tiện nghi … sẽ bị nợ nần


Nhiều người cho rằng nếu không có điện hạt nhân thì nguồn điện sẽ bị thiếu hụt, gây ảnh hưởng cho đời sống và sản xuất.

Nhật Bản đã cho ngừng toàn bộ các lò điện nguyên tử



Ông Âu Minh Dũng cho biết tình hình nguồn điện tại nước Nhật sau khi chính phủ nước này cho ngưng tất cả 54 nhà máy điện nguyên tử tại Xứ Phù Tang:

Nhật Bản có 54 lò điện nguyên tử và hiện tại không còn lò nào hoạt động nữa. Lò cuối cùng ở Hokkaido phải đóng cửa để kiểm tra lại hồi đầu tháng 5. Tại Nhật, sau khi đóng lò điện nguyên tử như thế mà muốn khởi động chạy lại thì phải có sự đồng ý của người dân sống trong vùng bán kính khoảng 10 kilomet. Do không được đồng ý của người dân, nên hiện nay không còn nhà máy điện hạt nhân nào ở Nhật hoạt động.

Thực tế từ ngày 23 tháng 4, khi nhà máy điện hạt nhân cuối sắp sửa đóng cửa thì công ty điện lực ‘hô hoán’ rằng nếu đóng tất cả như thế thì vào mùa hè này ở vùng Osaka của Nhật sẽ thiếu điện khoảng 16%. Vùng Tokyo không được tuyên bố thiếu bao nhiêu, nhưng người ta cũng nói sẽ thiếu như năm ngoái, chừng 15%. Tuy nhiên ở Nhật có những hội đoàn và những tổ chức gồm các khoa học gia sẽ tiến hành đi kiểm tra xem có phải thực sự thiếu như thế hay không. Sau khi có kiểm tra như thế thì công ty điện lực ở Osaka nói họ khởi động lại thủy điện, nên mức thiếu khoảng 5%.Với mức này thì người ta kêu gọi dân Nhật tiết kiệm điện. Dân Nhật tinh thần rất cao, họ sẵn sàng tiết kiệm điện; thế nhưng nếu không đúng là thiếu điện mà xem đó là áp lực thì họ sẽ không nghe. Ông tỉnh trưởng Osaka nói sẽ ra lệnh cho các cơ quan hành chánh tiết kiệm điện, nhưng phải điều tra xem thực sự thế nào; chứ  không tin được các công ty điện lực.

Nhật Bản có 54 lò điện nguyên tử và hiện tại không còn lò nào hoạt động nữa. ...Tại Nhật, sau khi đóng lò điện nguyên tử như thế mà muốn khởi động chạy lại thì phải có sự đồng ý của người dân sống trong vùng bán kính khoảng 10 kilomet. Do không được đồng ý của người dân, nên hiện nay không còn nhà máy điện hạt nhân nào ở Nhật hoạt động.

Ông Âu Minh Dũng



Giáo sư Nguyễn Thế Hùng đưa ra những cách thức để có thể có đủ nguồn điện phục vụ cuộc sống:

Trước hết phải tiết kiệm điện, sử dụng điện có hiệu quả. Tiếp đến phải tiến hành nghiên cứu các loại năng lượng tái tạo. Đơn cử như phải sử dụng hiệu quả các nguồn thủy điện, các nguồn nhiên liệu sinh học… Như thế trong những năm tới ‘ta’ chưa có khó khăn lắm. Việt Nam phải đi theo trào lưu tiến hóa của nhân loại, của các nước tiên tiến như Nhật, Đức. Đức đã từ bỏ điện hạt nhân.

Về thực tế đang được áp dụng tại Nhật để vượt qua tình trạng thiếu điện được ông Âu Minh Dũng cho biết:

Ở Nhật có ba nguồn là nhiệt điện, thủy điện và điện mặt trời. Cả ba nguồn đó đủ sức cung cấp điện cho cả nước Nhật. Ở nước này có tất cả bốn công ty điện lực ở các vùng.

Các chuyên gia đã tính kỹ, nên dân Nhật không tin các công ty điện lực nói thật.


Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho biết tính đến tuần rồi đã có mấy trăm trí thức trong và ngoài nước thuộc giới khoa học đã tham gia ký tên vào thư gửi cho thủ tướng Nhật Bản về việc rút lại quyết định không tài trợ co Việt Nam xây dựng nhà máy điện nguyên tử.

Cũng như ý kiến mà giáo sư Nguyễn Thế Hùng vừa nêu ra, một số chuyên gia về điện hạt nhân cũng đồng ý cho rằng dù công nghệ tiên tiến đến đâu vẫn chưa thể bảo đảm an toàn, tuyệt đối cho các lò phản ứng nguyên tử. Loại điện này được cho là sạch không gây hại môi trường như nhiệt điện và có thể đáp ứng nhu cầu điện năng khá lớn cho nhiều nước. Tuy nhiên, một khi xảy ra tai biến như vụ Chernobyl ở Nga hay Fukushima tại Nhật, thì khoản kinh phí phải bỏ ra để khắc phục rất lớn. Nếu tính toán thiệt- hơn thì không nên phát triển điện hạt nhân. Con người cần nghiên cứu phát triển những loại nhiên liệu khác an toàn hơn.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.