Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của VN

Việt Nam được cho biết là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên. Chính phủ Việt Nam cũng ý thức về hậu quả không may đó và có kế hoạch ứng phó. Vậy kế hoạch như thế được thực hiện ra sao đến lúc này?
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.12.15
Đất khô cằn nứt nẻ vì hạn hán tháng 3 năm 2010 ở ĐBS Mekong (ảnh minh hoạ) Đất khô cằn nứt nẻ vì hạn hán tháng 3 năm 2010 ở ĐBS Mekong (ảnh minh hoạ)
AFP

Đường hướng

Cuối tháng sáu năm 2012, Bộ Tài Nguyên - Môi trường Việt Nam cho công bố kết quả cập nhật biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Kịch bản mới có nhiều điểm sát với tình hình thực tế hơn so với kịch bản được đưa ra hồi năm 2009.

Theo Bộ Tài Nguyên - Môi trường Việt Nam thì kịch bản cập nhật được xây dựng trên việc khai thác tối đa các nguồn cơ sở dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam đến năm 2010.

Chuyên gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, ông Trần Việt Liễn, người từng tham gia vào công tác soạn thảo báo cáo thứ tư của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu hồi năm 2007, đánh giá về tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng như sau:

“Tình hình thực hiện về vấn đề biến đổi khí hậu, có thể nói Việt Nam trong những năm gần đây làm rất tích cực. Nhà Nước đã có Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu. Việc triển khai tương đối rộng trong hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Các cơ quan, các bộ có liên quan cũng triển khai tích cực. Tôi cho rằng ý thức và trách nhiệm của cơ quan chính quyền của Việt Nam, cũng như nhận thức của người dân Việt Nam về biến đổi khí hậu trong mấy năm gần đây cũng được nâng lên tương đối khá.”

Nhà Nước đã có Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu. Việc triển khai tương đối rộng trong hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Các cơ quan, các bộ có liên quan cũng triển khai tích cực.

Ô. Trần Việt Liễn

Theo ông Vũ Trung Kiên, giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến Đổi Khí hậu, một đơn vị thuộc tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội, thì một số địa phương trong cả nước được đánh giá bị tác động lớn do tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn thiếu kiến thức cơ bản phải nhờ đến trung tâm này giúp đỡ. Ông Vũ Trung Kiên cho biết như sau:

“Thường các đơn vị là các địa phương - một số tỉnh, một số sở ban ngành, tổ chức cộng đồng …, thường cần đến những kiến thức cơ bản, những chương trình mà họ có thể tham gia.

Cơ quan chức năng các tỉnh còn chưa nắm rõ về rất nhiều vấn đề. Trung tâm này không thuộc hệ thống chính phủ, nhưng có điều kiện ở thủ đô nên nắm được nhiều thông tin và kiến thức, cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nên có nhiều thông tin mà các tỉnh rất cần. Đội ngũ cán bộ ở các tỉnh họ cần có sự hướng dẫn và đào tạo.”

Đối với ông Trần Việt Liễn thì vấn đề nhận thức của các cấp từ trung ương đến địa phương về vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam là đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực:

“Vấn đề thứ hai mà tôi cho rằng có chuyển biến tốt là nhận thức trong quần chúng. Phần của các cơ quan Nhà Nước và các tổ chức cũng làm tích cực trong thời gian qua cũng có tác động đến người dân, hiểu biết của cộng đồng để từ đó nâng cao nhận thức, và việc xây dựng các giải pháp đến được cộng đồng dân cư. Nhưng tôi cho rằng việc đó cũng chỉ mới bắt đầu thôi. Nhưng tôi cho đó là tốt cho việc đi đến những giải pháp thích ứng sau này.”

Thực hiện

Biến đổi khí hậu làm nguồn nước sông Hồng cạn kiệt, ảnh chụp ngày 4/12/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Biến đổi khí hậu làm nguồn nước sông Hồng cạn kiệt, ảnh chụp ngày 4/12/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Từ nhận thức về tầm quan trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động đến các địa phương trong cả nước như thế, việc triển khai thực hiện cho đến nay theo ông Trần Việt Liễn cũng đã có những bước tiến nhất định. Trước hết đó là việc nghiên cứu đánh giá để có thể đưa ra được các kịch bản về biến đổi khí hậu tại các vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Các kịch bản đó là cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp ứng phó, thích ứng cụ thể. Ông Trần Việt Liễn nhận xét về lĩnh vực này như sau.

“Tất nhiên kịch bản tới đây sẽ có những thay đổi phải cập nhật; nhưng tôi cho rằng những kết quả đưa ra có thể là cơ sở tương đối tốt. Sau này có điều chỉnh thì không có gì thay đổi đặc biệt, chắc chắn cần phải có nghiên cứu.”

Ông Trần Việt Liễn đánh giá tiếp:

“Tôi nghĩ việc nghiên cứu rồi từ đó đưa đến những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những giải pháp giảm thiểu tác động thì tôi cho rằng trong thời gian qua cũng có những bước tương đối. Các giải pháp được hình thành từ các địa phương như báo chí đã nêu ra. Tuy nhiên đó là bước nghiên cứu còn các bước thực hiện còn phải tiếp tục sau này nữa.

Còn những giải pháp về giảm nhẹ như vấn đề về năng lượng, vấn đề về môi trường… cũng có những tiến bộ tương đối tích cực. Tới đây trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Biến đổi Khí hậu có một chương trình nghiên cứu trong đó tập trung về những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu về cơ sở lý luận cũng như những giải pháp về mô phỏng, mô hình giúp cho các giải pháp ứng phó tốt hơn. Đó là những điểm cơ bản trong chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được.”

Cùng với các cơ quan chức năng của Nhà Nước Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ như Trung Tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến Đổi Khí hậu do ông Vũ Trung Kiên làm giám đốc, cũng tiến hành một số hoạt động thuộc lĩnh vực này trong thời gian qua. Trước hết vẫn là công tác tuyên truyền như trình bày của ông Vũ Trung Kiên sau đây:

Tới đây trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Biến đổi Khí hậu có một chương trình nghiên cứu trong đó tập trung về những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu về cơ sở lý luận cũng như những giải pháp về mô phỏng, mô hình giúp cho các giải pháp ứng phó tốt hơn.

Ô. Trần Việt Liễn

“Một số tỉnh được xem là chịu tác động nặng nhất như Bến Tre, Quảng Nam thì có sự ưu tiên và chú ý tương đối đặc biệt nhằm triển khai một số chương trình nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Bởi vì chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng quan tâm đặc biệt đến những tỉnh đó, nên ưu tiên tổ chức một số hình mẫu các dự án thí điểm.

Trung tâm chúng tôi triển khai một số hoạt động hỗ trợ và triển khai các hoạt động tuyên truyền riêng, ví dụ như năm rồi là chương trình hòa nhạc về biến đổi khí hậu. Chúng tôi tổ chức chương trình đó với sự hỗ trợ của Học Viện Âm Nhạc Quốc gia… Bằng hình thức đó chúng tôi hy vọng tuyên truyền cho nguời dân sinh động, ngắn gọn hơn so với những chiến dịch hay các hội thảo dài mà không đọng lại được nhiều trong tâm trí người dân.”

Còn các công tác cụ thể để người dân trong cộng đồng có thể tham gia vào công tác giúp giảm thiểu các tác động gây biến đổi khí hậu và cao hơn nữa là có thể ứng phó và thích ứng với những tác động đó ra sao? Ông giám đốc Trung Tâm Ứng phó Biến Đổi Khí hậu cho biết:

“Nói chung các hoạt động của người dân còn rất cơ bản, không có nhiều hoạt động. Bên Trung tâm chúng tôi có hướng đến hai mảng tiêu dùng thông minh và sản xuất thông minh, hay còn gọi là tiêu dùng xanh, sản xuất sạch
Với tiêu dùng xanh thì qua quan sát của chúng tôi khi thành lập ‘CLB Khách hàng xanh’ có sự ủng hộ của người dân, và sau một năm hoạt động có được 3000 người tham gia.

Còn mảng sản xuất sạch còn là vấn đề lớn vì ý thức của doanh nghiệp chưa có. Người ta chưa nhận thức được mối quan hệ giữa sản xuất với biến đổi khí hậu như thế nào.”

Như đánh giá thì tình trạng biến đổi khí hậu – nước biển dâng sẽ tác động mạnh đến các tỉnh ven biển và hai đồng bằng lớn của Việt Nam, nhất là đồng bằng Sông Cửu Long. Hai nơi đó được xem như hai vực lúa của cả nước, và sản xuất nông nghiệp sẽ bị tác động mạnh. Vậy đến lúc này đối tượng đó được hỗ trợ ra sao?

Ông Vũ Trung Kiên nói về điều này:

"Ở nông thôn thì hiện nay một số tổ chức NGO quốc tế như CARE hay OXFAM quan tâm đến khu vực nông thôn rất nhiều. Họ hướng đến làm CBA (community-based adaptation), chủ yếu hoạt động mang tính thích ứng, còn hoạt động giảm thiểu thì chưa triển khai được nhiều. Thích ứng cũng theo hướng dựa trên cộng đồng, tức phải bảo đảm sinh kế cho người dân trước. Phải ưu tiên người dân và lấy người dân làm trung tâm. Hoạt động thích ứng dựa vào người dân thì hơi ngược với hoạt động thích ứng dựa vào hệ sinh thái.”

Tác động

Nước tại một số vùng tại ĐBSCL bị nhiễm mặn, ảnh chụp 06-04-2011. RFA photo.
Nước tại một số vùng tại ĐBSCL bị nhiễm mặn, ảnh chụp 06-04-2011. RFA photo.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn đánh giá của Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội nói rằng trong thời gian 30 năm tới Việt Nam là một trong 30 quốc gia có nguy cơ cực lớn do các tác động của biến đổi khí hậu.

Đánh giá vừa nêu được cho  biết dựa theo chỉ số dễ bị thương tổn do biến đổi khí hậu, viết tắt theo tiếng Anh là CCVI. Chỉ số CCVI đánh giá theo 42 yếu tố xã hội, kinh tế và môi trường.

Theo đánh giá thì hiện có 33 trên 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đang bị đe dọa bởi tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Trong vòng nửa thế kỷ qua, mực nước biển tăng 20 cm đang gây ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh , đồng bằng Sông Hồng và dải ven biển quan trọng của Việt Nam.

Ông Trần Việt Liễn có đánh giá khái quát về những tác động do biến đổi khí hậu gây nên cho Việt Nam như sau:

Nước biển dâng là điều người ta còn bàn cãi nhưng tại ven biển Nam bộ và những vùng đất thấp thì xâm nhập mặn thấy rõ, ảnh hưởng hơn so với trước, xói lở cũng thấy ở nhiều nơi.

Ô. Trần Việt Liễn

“Có lẽ tác động mà người ta có thể thấy và đã cảnh báo từ trước là những tác động đối với diễn tiến của thiên tai. Hoạt động của thiên tai tăng lên. Tất nhiên thiên tai không phải do biến đổi khí hậu mà trước đây đã có, nay tốc độ và cường độ thay đổi mạnh.

Nước biển dâng là điều người ta còn bàn cãi nhưng tại ven biển Nam bộ và những vùng đất thấp thì xâm nhập mặn thấy rõ, ảnh hưởng hơn so với trước, xói lở cũng thấy ở nhiều nơi. Đó là những nét điển hình. Tư liệu và số liệu người ta cũng chứng minh rõ.”

Theo quan trắc thì đỉnh điểm của xâm nhập mặn là hồi tháng tư - tháng năm năm 2010 lên mức 70 km sâu vào đất liền. Mức độ này trong thời gian tới sẽ tương ứng với sự gia tăng của mực nước biển.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chánh văn phòng Viện Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết dự báo đến năm 2030, từ 1,5 đến 2% diện tích vùng ven biển của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị ngập do nước biển dâng.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.