Nghị Quyết của Bộ Chính trị về Bảo vệ Môi trường


2004.12.30

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết

Vào ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết(NQ) số 41-NQ/TƯ về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để cho thính giả của đài ACTD có khái niệm về tầm quan trọng của nghị quyết này, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết trình bày sơ lược về nội dung của bảng nghị quyết.

Chú trọng quản lý chất thải là một trong những nhiệm vụ của Nghị Quyết về Bảo vệ Môi trường.

Mai Thanh Truyết: Thưa anh, nói một cách sơ lược thì nghị quyết 41 tóm gọn trong 6 trang chia làm 4 tiêu đề như sau: 1- Tình hình bảo vệ môi trường; 2- Quan điểm, mục tiêu, và nhiệm vụ; 3- Các giải pháp chính; 4- và sau cùng là các giải pháp thực hiện.

Nhìn chung, nghị quyết này cũng chỉ là một bảng đúc kết của hai báo cáo trước đây là: thứ nhất báo cao "Theo dõi môi trường Việt Nam 2002" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) thực hiện qua sự tài trợ của Ngân hành Thế giới và báo cáo "Chíến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia 2001 - 2010" do Bộ Khoa học, Công nghệ, và Môi trường soạn thảo.

Nguyễn An: Như vậy là không có gì mới cả phải không thưa Tiến sĩ?

Đáp: Thưa đúng như vậy, nói rốt ráo là khuôn khổ của bảng nghị quyết chỉ là một bảng tóm tắc của hai báo cáo vừa nêu trên.

Hỏi: Tiến sĩ có thể nói vài điểm đại cương cho thính giả hiểu rõ thêm.

Đáp: Có thể nói rằng, nhìn chung thì cả nước và cả thế giới đều biết tình trạng môi trường của Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng, đất đai bị xói mòn và thoái hóa, phẩm chất các nguồn nước mặt và nước ngầm suy giảm mạnh và nhanh, không khí ở nhiều đô thị, khu dân cự bị ô nhiễm nặng, khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức và không có kế hoạch, đa dạng sinh học bị đe dọa trầm trọng, điều kiện vệ sinh môi trường, nguồn cung cấp nước sạch hoàn toàn không bảo đảm.

Thêm nữa việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số quá nhanh, tình trạng nghèo - đói quá cao càng làm tình trạng thêm trầm trọng.

Hỏi: Về mục tiêu trong nghị quyết thì thế nào?

Đáp: Thưa, cũng vẫn như cũ, chúng tôi xin trích ra đây và không bình luận như: 1- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái, và sự cố môi trường; 2- khắc phục ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái đã bị suy thoái, nâng cao chất lượng môi trường; và 3- xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt.

Hỏi: Còn nhiệm vụ có gì khác không thưa Tiến sĩ?

Đáp: Nhiệm vụ vẫn là một tập họp của những nhóm từ chung chung gồm ba điều căn bản: 1- Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường như: kiểm soát việc gia tăng dân số, thành lập hệ thống các đô thị vệ tinh, tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, chú trọng quàn lý chất thải, kiểm soát chặt chẻ việc xử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; 2- Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm hay suy thoái; 3- Sau cùng điều tra các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hỏi: Mục tiêu và nhiệm vụ của nghị quyết đề ra có vẻ có quy cũ, nhưng còn các giải pháp để giải quyết vấn đề thì như thế nào thưa Tiến sĩ?

Đáp: Lần này, nghị quyết đề ra hai công tác hàng đầu đáng lưu tâm là: 1- công tác đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền làm chính để nâng cao nhậnthức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của mọi người dân. 2- Về quản lý việc bảo vệ môi trường, nghị quyết cũng có nêu ra việc sửa đổi và bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường.

Đây là hai điểm mà chúng tôi cổ súy từ hơn 10 năm nay qua những đề nghị để giải quyết vấn nạn môi trường ở Việt Nam. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì việc bảo vệ môi trường hữu hiệu nhất là phải có một bộ luật môi trường hoàn chỉnh và rõ ràng cùng với việc nâng cao dân trí và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Cần phải xem đó là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo quốc gia mà thôi.

Một thí dụ điển hình là Chí Lợi, chỉ sau gần 15 năm chuyển đổi từ một chế độ độc tài qua một chính phủ dân sự, tình trạng môi trường đã được cải thiện vượt bực vì chính phủ đã can đãm để người dân dự phần trực tiếp vào công cuộc quản lý và giải quyết môi trường chung cùng với chính phủ.

Làm được như thế là nhờ lãnh đạo của quốc gia này biết vận dụng sự hợp tác của người dân và chính quyền, cũng như chính quyền cố gắng nâng cao trình độ hiểu biết của người dân qua giáo dục và tuyên truyền. Từ đó, chính nhờ sự hợp tác và đối thoại trực tiếp này mà việc giải quyết ô nhiễm môi trường của quôc gia này rất hài hòa cùng với phát triển xã hội cũng như phúc lợi của người dân được nâng cao từng bước một. Đây là một bài học lớn cho Việt Nam.

Hỏi: Tiến sĩ vừa nói nghị quyết cũng có dự định sửa đổ và bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường, theo Tiến sĩ tại sao việc sửa đổi và bổ sung là cần thiết và cấp bách?

Đáp: Sở dĩ chúng tôi xem điểm cải đổi là cần thiết và cấp bách vì sau khi khảo sát bộ Luật Môi trường của Việt Nam đã được quốc hội thông qua và đem vào áp dụng từ ngày 8/1/94 gồm 7 chương và 55 điều. Với nội dung như thế, Bộ luật này còn quá sơ sài, thiếu sót nhiều điều khoản trong việc minh định nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ phận trong quốc gia.

Chính vì những thiếu sót trên mà luật hiện hành được suy diễn tùy tiện tùy theo quyết định võ đoán của người thi hành luật, cho nên cả người dân lẫn chính quyền đều gặp khó khăn trong việc thực thi và chấp hành.

Một thí dụ cho việc luật trên không minh định rõ ràng và thiếu tính xuyên suốt là: trong Điều 37 thuộc chương 4 có quy định rằng:" nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, và ban hành hệ thống tiêu chuẩn môi trường". Cho đến nay, sau 10 năm thi hành luật, tiêu chuẩn môi trường chỉ là những tiêu chuẩn tổng quát thì làm thế nào người dân hay chủ cơ sở sản xuất thông hiểu được những quy định trong luật, so với thực tế xã hội gồm nhiều cơ sở sản xuất phức tạp liên quan đến hàng 10.000 loại hóa chất khác nhau được trao đổi và sản xuất hàng ngày.

Hỏi: Còn tính xuyên suốt của luật trên như thế nào?

Đáp: Chúng tôi muốn đưa thêm ra đây một thí dụ khác về tính không xuyên suốt của Bộ Luật Môi trường nằm trong Điều 38. Điều này quy định Bộ Khoa học, Công nghệ, và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước để bảo vệ môi trường. Trong lúc đó cũng chính Điều 38 này lại chỉ định ủy ban nhân dân, tỉnh, thành phố thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý trên.

Hai Điều trên cho thấy tính mơ hồ và tròng tréo trong trách nhiệm quản lý môi trường. Do đó, kết quả hiển nhiên là không cơ quan nào có trách nhiệm quản lý thực sự cả. Kết quả là từ hơn 4 năm nay, hàng ngàn cơ sở sản xuất hóa chất ở thành phố HCM đã được chỉ định phải di dời, củng như các nhà máy dệt ở khu vực Tham Lương bị vi phạm và bị đề nghị đóng cửa...nhưng rốt cục cho đến nay chỉ vài nhà máy trong nội thành đã di dời và các vi phạm trầm trọng về ô nhiễm môi trường của các nhà máy dệt đều vẫn hoạt động bình thường như không có chuyện gì xảy ra cả.

Tin mới nhất vừa được biết là vào ngày 9/12 vừ qua, Bộ Môi trường & Tài nguyên đã tổ chức một hội nghị góp ý dự thảo bổ sung Luật Môi trường tăng lên thành 10 Chương gồm 9 Điều tại thành phố HCM. Chúng tôi sẽ rà soát laị khi nhận được toàn văn của luật bổ sung này.

Hỏi: Để có một khái niệm so sánh về Luật Môi trường của các quôc gia trên thế giới, như Hoa Kỳ chẳng hạn, Tiến sĩ có thể cho thính giả biết khái lược về Bột Luật này.

Đáp: Thưa anh, Bộ luật Môi trường của Hoa Kỳ có tên là Quy định về Luật Liên bang (Code of Federal Regulations-CFR) gồm 25 quyển, mỗi quyển độ 1.000 trang, và mỗi trang chứa độ 1.000 chữ. Tổng cộng khoảng 25 triệu chữ. Trong lúc đó Luật Môi trường Việt Nam gồm 15 trang giấy và có độ 500 chữ mỗi trang, vị chi 7.500 chữ.

Trong luật Môi trường Hoa Kỳ, bất cứ một cơ sở sản xuất nào dù nhỏ đến đâu cũng đã được quy định rõ ràng cả về định mức an toàn lẫn việc xử lý phế thải. Do đó chủ cơ sở sẽ dễ dàng thi hành các quy định ghi trong luật mà không sợ bị suy diễn tùy tiện của các thanh tra như trường hợp của Việt Nam. Thêm nữa việc kiểm soát và bảo vệ môi trường có tính cách đồng bộ và được áp dụng trên toàn quốc. Hai điều này không thể thực hiện được so với Luật Môi trường hiện hành ở Việt Nam.

Hỏi: Nói rốt ráo lại, qua nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị vừa kễ trên, theo Tiến sĩ điều nào cần phải đẩy mạnh nhất.

Đáp: Theo quan điểm của chúng tôi, muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, chúng tôi thấy cần phải có sự trợ giúp của quốc tế về việc soạn thảo bổ sung Luật môi trường áp dụng trong trường hợp Việt Nam. Việc huấn luyện nhân sự chuyên môn trong lãnh vực này là một điều cần thiết và cấp bách cũng như việc gia tăng ngân sách quốc gia để đảm bảo công việc quản lý môi trường.

Hai vấn đề then chốt hiện tại ở VN là việc giải quyết ô nhiễm do rác gia cư, phế thaỉ kỹ nghệ, phế thải y tế, cũng như việc xử lý nước thải gia cư, và kỹ nghệ. Trong một bản phúc trình mới nhất tên " Diễn biến môi trường 2004" do Bộ Tài nguyên, Môi trường và Ngân hàng Thế giới cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada phối hợp cho biết:"Trung bình một người mỗi năm xả ra 200 Kg rác gia cư, và ở các đô thị trung bình 300 Kg/người. Bản phúc trình còn dự phóng đến năm 2010, nếu không có biện pháp giải quyết thì Việt Nam sẽ phái có nguy cơ đe dọa lớn đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Về việc xử lý nước thải, mới đây Việt Nam đã loan tin là đã khởi công xây dựng một nhà máy xử lý nước thải đầu tiên ở Bình Chánh ngày 27/11/2004. Nhà máy này nằm trong Dự án Cải thiện Môi trường Nước thải với vốn đầu tư 25 triệu Mỹ kim do ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật tài trợ. Hy vọng đây sẽ là một dự án nghiêm chỉnh, không giống như những dụ án xử lý nước rỉ ở Bãi rác Đông Thạnh hay Gò Cát..

Để kết luận, chúng tôi thật sự không lạc quan về việc cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường qua Nghị quyết 41 này.

Kính chào Quý thính giả của Đài ACTD.

Tạp chí KH & MT kỳ này dừng lại ở đây và hẹn tái ngộ cùng quý thính giả vào giờ này thứ tư tùân sau. Mong quý thính giả đón nghe.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.