Suy giảm san hô nghiêm trọng

San hô, loài sinh vật biển, không chỉ đẹp với đa dạng hình thể và màu sắc. Tuy nhiên, tình hình khai thác, rồi ô nhiễm khắp nơi như hiện nay đang đe dọa sự tồn tại của loài sinh vật biển đặc biệt đó.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012.07.16
001_GR308285-305.jpg Tam giác San hô bao gồm Indonesia, Philippines và Papua New Guinea. Hơn 85% các rạn san hô trực tiếp bị đe dọa bởi các hoạt động của con người.
AFP photo

Thực trạng đáng ngại

Hơn 2600 nhà khoa học biển hàng đầu trên thế giới vào ngày 9 tháng 7 vừa qua lên tiếng cảnh báo là các rặng san hô khắp địa cầu đang bị suy thoái nghiêm trọng. Đó không phải là chuyện riêng của các rặng san hô mà hệ quả của tình trạng đó là nguy cơ cho nguồn sinh sống của hằng triệu con người.
Cảnh báo đó được đưa ra trong thông cáo của Hội nghị San hô Quốc tế diễn ra tại thành phố Cairns, ở mạn đông bắc Australia.

Khoa học gia Jeremy Jackson thuộc Viện Smithsonian ở Hoa Kỳ nói rõ là các rạn san hô trong mấy thập niên qua bị suy thoái đáng kể. Cụ thể tại khu vực biển Ca ri bê, trong vòng 35 năm qua có từ 75 đến 85% nơi từng có san hô nay không còn nữa.

Ngay cả Rạn Great Barrier ở Australia, nơi được đánh giá là hệ sinh thái san hô có bảo vệ tốt nhất hành tinh trái đất, cũng bị suy thoái đến phân nửa trong vòng 50 năm qua.

Ở Châu Á, tình hình cũng tương tự với hơn 85% ‘Tam giác san hô’ tại đó cũng đang bị đe dọa trực tiếp bởi những hoạt động của con người như ô nhiễm, khai thác hải sản quá mức, phát triển khu vực bờ biển…

‘Tam giác san hô’ của Châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Đông Timor và đảo Solomon. Đây là nơi có gần một phần ba các rạn san hô ngầm của thế giới với hơn 3000 loài cá.

Theo báo cáo mang tên ‘Thăm lại những rặng san hô đang có nguy cơ tại Tam giác San Hô’, cho thấy có  hơn 300 triệu người dân sống trong khu vực các nước vừa nêu lệ thuộc vào hệ sinh thái san hô để kiếm sống. Các cộng đồng dân cư ven biển tìm nguồn thức ăn, sinh kế từ các rặng san hô và đó cũng là lá chắn sóng cho họ mỗi khi bão tố thổi đến, thậm chí giúp bảo vệ trước thảm họa sóng thần tsunami.

Lặn xem san hô cũng là một hoạt động du lịch được quảng bá lâu nay và thu hút được những du khách hiếu kỳ. Giúp mang lại nguồn lợi kinh tế cho nơi có san hô.

Nguyên nhân

San hô và rừng ngập mặn tại công viên quốc gia Bunaken Indonesia. AFP photo
San hô và rừng ngập mặn tại công viên quốc gia Bunaken Indonesia. AFP photo
San hô và rừng ngập mặn tại công viên quốc gia Bunaken Indonesia. AFP photo
Như vừa đề cập đến do khai thác quá mức của những con người sống ven biển, rồi tình trạng gây ô nhiễm do hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, hoạt động xây dựng, triển khai các dự án phát triển ven biển gây nên làm suy giảm các hệ sinh thái san hô gần đó.

Độ acid trong đại dương tăng lên là mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô. Đại dương hấp thụ khí carbon dioxide quá mức trong không khí từ đó gia tăng độ acid trong nước biển. Theo các nhà khoa học thì độ acid càng cao sẽ làm cho san hô khó hình thành khung xương. Bà Jane Lubchenco thuộc Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ so sánh tình trạng vừa nói như chứng loãng xương của con người.

Thoạt tiên, giới khoa học cho là khí carbon dioxide hấp thụ bởi nước biển có thể sẽ được hòa tan đủ khi mà nước ở khu vực cạn và khi vực sâu hoán chuyển với nhau. Tuy nhiên, hầu hết khí carbon dioxide và các phản ứng hóa học tiếp theo đó chỉ tập trung ở nước bề mặt mà thôi. Theo bà Jane Lubchenco thì nước bề mặt đó thay đổi nhanh hơn là tính toán được đưa ra.

Mức độ acid cao hơn là đặc biệt có vấn đề đối với những loài sinh vật biển như loài hàu; lý do độ acid làm chậm phát triển vỏ cứng của hàu.

Theo bà Jane Lubchenco thì các đại dương tiếp tục phải hấp thụ lượng khí carbon dioxide thải vào không khí trong nhiều thập niên nữa. Cần phải mất thời gian dài để có thể ổn định lại và thay đổi tình trạng hiện nay bởi lẽ bầu khí quyển thì bao la và đại dương cũng mênh mông.

Khoa học gia Jeremy Jackson cũng cho biết là tình trạng biến đổi khí hậu trái đất đang làm cho tình hình suy giảm các rạn san hô nặng thêm.

Riêng tại Việt Nam tình hình các rạn san hô trong khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền nước này ra sao?

Hai chuyên gia về biển tại Việt Nam là giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha trang và giáo sư Lê Đức Tố, chủ nhiệm công trình khoa học về công nghệ Biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế- xã hội tại Việt Nam đều có chung đánh giá là các rạn san hô tại Việt Nam cũng bị suy thoái nghiêm trọng.

Trong tình trạng chung, san hô Việt Nam tiếp tục suy thoái với hai lý do. Một là vấn đề biến đổi khí hậu. Thứ hai là vấn đề môi trường...

Giáo sư Nguyễn Tác An

Giáo sư Nguyễn Tác An trình bày:

"Trong tình trạng chung, san hô Việt Nam tiếp tục suy thoái với hai lý do. Một là vấn đề biến đổi khí hậu. Thứ hai là vấn đề môi trường, chất lượng môi trường không được bảo vệ, quản lý hợp lý nên gây ảnh hưởng đến các rặng san hô, đặc biệt các rạn san hô ven bờ do mùn, phù sa từ sông ngòi thải ra và do các hoạt động khai thác, kinh tế…"

Giáo sư Lê Đức Tố đánh giá:

"Nếu lấy kết quả so sánh năm 1990 trở về trước, thì hệ sinh thái san hô ở vùng Biển Đông tính phong phú và nguyên vẹn nguyên sơ theo những chỉ tiêu: độ che phủ của san hô sống ở phía bắc và phía nam hồi đó trên 60%; nhưng nay còn phần lớn dưới 30%. Đây là đáng báo động; kể cả Trường Sa đang có tranh chấp cũng như vậy. Kể cả những vùng biển ven bờ như ở miền Bắc Việt Nam có quần đảo Cô Tô, Thanh Ngân, rồi hệ thống đảo ven bờ Bái Tử Long, vịnh Bái Tử Long. Còn hệ thống đảo ven bờ phía nam gồm Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang, rồi các đảo xa bờ như Phú Quý, Cù Lao Chàm, Lý Sơn… thì tất cả độ che phủ san hô xuống rất thấp… Sự đa dạng sinh học, theo các chỉ tiêu cũng xuống rất thấp so với năm 90."

Biện pháp hạn chế

San hô tại một vùng biển ở Úc. AFP photo
San hô tại một vùng biển ở Úc. AFP photo
San hô tại một vùng biển ở Úc. AFP photo
Khi nêu ra tình hình suy thoái đáng quan ngại của những rặng san hô khắp thế giới với căn nguyên xuất phát từ nhiều hoạt động của con người, giới khoa học gia cũng đã đề cập đến biệc phải có giải pháp đối với các cảnh báo đề ra.

Chủ tịch của Hội Quốc tế Nghiên cứu Rặng san hô, ông Robert Richmond, nhấn mạnh rằng việc đưa ra tuyên bố đồng thuận của hội nghị hồi ngày 9 tháng 7 vừa qua không chỉ là một nỗ lực thêm nữa trong việc hệ thống hóa bằng văn bản các vấn đề ngày một gia tăng đối với các rạn san hô khắp thế giới, mà mục tiêu là để các vị lãnh đạo quốc gia khắp nơi có thể tiếp cận những chứng cứ khoa học về tình trạng suy thoái san hô ở khu vực đất nước họ.

Theo ông Robert Richmond thì vấn đề của giới khoa học là họ có quá nhiều nghiên cứu, nhưng đó chỉ là như bác sĩ chẩn đoán bệnh mà chưa có cho toa thuốc hữu hiệu. Nay cần phải tích cực lôi kéo các quan chức vào để có thể đưa ra những biện pháp thực tế giúp mang lại thành công cho việc bảo tồn các rạn san hô còn lại.

Giám đốc Trạm Biển Hopkins của Đại học Stanford, Hoa Kỳ, ông Stephen Palumbi, cho rằng vấn đề quan trọng thiết yếu là phải giải quyết những mối nguy địa phương như hoạt động phát triển quĩ đất kém cỏi cũng như hoạt động đánh bắt hải sản không bền vững.

Tác giả của báo báo ‘Thăm lại những rặng san hô đang có nguy cơ tại Tam giác San Hô’, bà Lauretta Burke, nói rằng những nguồn lợi do rạn san hô đem lại cho con người đang bị đe dọa, đó là lý do quan trọng cần phải có hành động phối hợp chung để giảm thiểu mối đe dọa tại khu vực tam giác San hô ở Châu Á.
Báo cáo vừa nói do Viện Tài nguyên Thế giới hợp tác với Quỹ bảo vệ Động vật Hoang dã WWF, tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới thực hiện sẽ được sáu quốc gia trong Tam giác San hô Châu Á sử dụng cho kế hoạch quản lý các rạn san hô thuộc lãnh hải đất nước họ.

Biện pháp bảo vệ các rạn san hô tại Việt Nam thế nào? Cả hai vị giáo sư trong ngành hải dương- biển của Việt Nam đều cho biết là cơ quan chức năng có một số qui định trong lĩnh vực bảo tồn, trồng lại san hô nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.

Sắp tới, chắc là trong năm tới, chính phủ Việt Nam sẽ ra quyết định thành lập 15 khu bảo tồn và theo dõi chặt chẽ hơn.
Giáo sư Lê Đức Tố

Giáo sư Lê Đức Tố phát biểu:

"Vừa rồi chúng tôi có đưa ra một số đề án xây dựng các khu bảo tồn biển cho các khu vực trước đây có truyền thống để cho các hệ sinh thái san hô phát triển; hiện nay để cứu vớt các hệ sinh thái đó chúng tôi đã đưa ra 15 địa điểm dọc từ bắc xuống nam nơi có các hệ sinh thái san hô chủ yếu. Sắp tới, chắc là trong năm tới, chính phủ Việt Nam sẽ ra quyết định thành lập 15 khu bảo tồn và theo dõi chặt chẽ hơn."

Và ý kiến của giáo sư Nguyễn Tác An về vấn đề này:

"Nhà nước Việt Nam hiện nay có những bộ luật và những giải pháp để làm sao giải quyết tình trạng khai thác san hô không hợp lý và bảo vệ được nguồn rừng đầu nguồn để sông ngòi không đưa những phù sa lơ lửng ra phủ trên các rạn san hô. Giải pháp vẫn có làm nhưng hiệu quả của những giải pháp đó chưa được cao lắm.

Trước những cảnh báo, các địa phương hiện nay đều có các chương trình để quản lý, bảo vệ các rạn san hô theo dự án ‘bảo vệ đa dạng sinh học’, rồi dự án quản lý tổng hợp đới bờ, dự án khai thác hợp lý các đảo. Họ đều có nhiệm vụ cải thiện chất lượng môi trường nhằm bảo vệ san hô. Ngoài ra các nhà khoa học cũng tiến hành nghiên cứu áp dụng những giải pháp công nghệ để phục hồi các rạn san hô như các vùng ở Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam. Các vùng này đều có nghiên cứu giải pháp trồng lại san hô."

Xin được nhắc lại Hội nghị San hô Quốc tế được tổ chức bốn năm một lần. Hội nghị năm nay tại thành phố Cairns của Australia qui tụ hơn 2000 khoa học gia từ 80 quốc gia đến để trình bày những tiến triển trong công tác bảo tồn các rạn san hô.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.