Trồng mới và bảo vệ rừng sao cho hiệu quả?

Rừng, một vốn quí của Việt Nam, từng bị suy thoái nhiều suốt thời gian chiến tranh cũng như trong quá trình phát triển kinh tế sau đó.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.08.16
0rung5-305.jpg Khai thác gỗ, phá rừng ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi hồi năm 2008.
Photo courtesy of vfej.vn

Tình trạng mất rừng đã đưa đến những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống như lũ lụt, sa mạc hóa… khiến cơ quan chức năng trong những năm qua phải đề ra một số biện pháp bảo tồn, trồng mới rừng trên khắp cả nước.

Vậy hiệu quả của những biện pháp đó đến nay ra sao? Những khó khăn trong công tác bảo tồn, phát triển rừng là gì?

Tình hình thực tế

Từ năm 1998, thủ tướng chính phủ Việt Nam ban hành quyết định số 661 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng. Ba Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông Thôn, Kế họach-Đầu tư và Tài Chính sau đó có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị quyết đó hồi tháng ba năm 1999.

Vậy sau hơn chục năm triển khai thực hiện, kết quả trồng mới 5 triệu héc ta rừng vừa nêu thế nào?

Để thực thi luật cần có lực lượng được trang bị đầy đủ về kiến thức, nhưng thực tế lực lượng kiểm lâm không đủ mạnh. Chế tài không đủ sức răn đe cho nên lâm tặc vẫn chặt rừng, săn bắt động vật hoang dã, thu gom động vật quí-hiếm.

Ông Vũ Văn Triệu


Ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát ở Tây Ninh, đồng thời là đại biểu thuộc Ủy ban Khoa học-Công nghệ Quốc hội đánh giá về thực trạng tình hình liên quan như sau:

"Vừa rồi quan trọng nhất là chương trình 5 triệu hécta rừng mà quốc hội thông qua, gọi tắt là Chương trình 661 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo chương trình này thì ban đầu người ta có ý định trồng mới 5 triệu héc ta rừng; thế nhưng trong quá trình làm, mục tiêu có thay đổi. Theo thực tế chỉ kỳ vọng thực hiện được hơn 2 triệu héc ta rừng mà thôi, diện tích còn lại là bảo vệ.

Theo chương trình này thì chính phủ cấp cho một hécta rừng cần bảo vệ một số tiền nhất định, gọi là tiền khoán bảo vệ rừng trước đây là 50.000/hécta, nay tăng lên 100.000/hécta và có xu hướng tăng lên nữa. Tuy nhiên năm nay là năm cuối của chương trình này. Sang năm phải xây dựng một chương trình bảo vệ rừng khác.

camau-1-160.jpg
Hệ sinh thái rừng ngập mặn giúp chắn gió, hạn chế xói lở. RFA photo
Hệ sinh thái rừng ngập mặn giúp chắn gió, hạn chế xói lở. RFA photo
Trên thực tế, diện tích cần giữ theo rừng đặc dụng và phòng hộ tương đối tốt; hiện có vấn nạn đối với rừng gọi ‘rừng kinh tế’. Một số diện tích rừng được cho là có thể làm kinh tế được, rừng bị cho là rừng nghèo, rừng kiệt bị chặt phá đi để trồng cây cao su, và cây nguyên liệu giấy như cây keo tai tượng. Đây là một vấn nạn xét theo mấy phương diện: rừng nghèo nhưng là rừng tự nhiên chỉ nghèo gỗ thôi chứ đa dạng sinh học và phòng hộ vẫn còn tốt.

Nếu phá đi trồng cây khác, độ che phủ sẽ không bằng khiến gây lũ lụt cho hạ nguồn, và mất đi đa dạng sinh học. Ngoài ra, dù rừng nghèo nhưng dân vẫn có thể vào để lấy củi, hái nấm, thuốc nam, và một số mây tre lá thiết yếu cho cuộc sống của họ. Như thế phá rừng để trồng cao su khiến người dân địa phương mất đi nguồn lợi đáng kể. Có ý kiến nói phát triển cao su sẽ tạo ra lao động cho địa phương; nhưng thực tế tỷ lệ không nhiều. Một hécta cao su chỉ giải quyết được cho một lao động."

Đánh giá tình hình bảo vệ rừng nói riêng và đa dạng sinh học nói chung của Việt Nam được ông Vũ Văn Triệu, đại diện của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, IUCN, văn phòng Hà Nội đưa ra:

"Theo số thống kê có vẻ khả quan, tuy nhiên trên thực tế tình trạng suy giảm đa dạng sinh học vẫn tiếp tục diễn ra. Cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đa dạng Sinh học từ cuối năm 2007 sang 2008, tuy nhiên không phải tất cả các địa phương hiểu biết về luật.

Để thực thi luật cần có lực lượng được trang bị đầy đủ về kiến thức, nhưng thực tế lực lượng kiểm lâm không đủ mạnh. Chế tài không đủ sức răn đe cho nên lâm tặc vẫn chặt rừng, săn bắt động vật hoang dã, thu gom động vật quí-hiếm."

Trách nhiệm và quyền lợi

Đối với những khó khăn về nhân lực và nguồn tài chính như một số người thường nêu ra đối với công tác bảo tồn, phát triển rừng và đa dạng sinh học tại Việt Nam thì đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân có ý kiến:

"Nếu so sánh nơi bị mất rừng và nơi không bị mất thì vấn đề số lượng người (kiểm lâm) không quan trọng. Vấn đề là con người. Nếu có chế độ đãi ngộ tốt, có thái độ kiên quyết đối với hành vi phá rừng thì sẽ bảo vệ được rừng. Tại Tây Ninh, tôi có thể đoan chắc trong thời gian qua không có héc ta rừng nào bị mất, chúng tôi còn thu hồi những diện tích mà dân chiếm trái phép để trồng rừng lại. Cho nên vấn đề là thái độ của chính quyền địa phương có kiên quyết làm đúng không, có áp dụng đúng pháp luật không, có xảy ra tiêu cực hay không, có bao che cho người vi phạm hay không.

... vấn đề là thái độ của chính quyền địa phương có kiên quyết làm đúng không, có áp dụng đúng pháp luật không, có xảy ra tiêu cực hay không, có bao che cho người vi phạm hay không.

ĐB QH Nguyễn Đình Xuân

Sắp tới chính phủ sẽ tăng thêm 3.000 kiểm lâm. Trước mắt tôi đồng tình với biện pháp tăng số lượng; nhưng phải tăng chất lượng, tăng trách nhiệm nữa.

Còn kinh phí bảo vệ rừng là số tiền không nhỏ; nhưng trên bình diện quốc gia thì không lớn lắm. Hiện Việt Nam chỉ có mười mấy triệu héc ta rừng cần được bảo vệ, nên so với ngân sách quốc gia không quá lớn. Ngoài ra còn có chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nếu các hồ thủy điện chi trả phần nhỏ khoản lợi nhuận của họ cho những người bảo vệ rừng thì vấn đề kinh phí không còn là vấn đề nữa. Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng theo những thỏa thuận quốc tế là các nước đồng thuận chi trả phát thải CO2, từ đó có nguồn kinh phí bảo vệ rừng.

Tin mới nhất cho hay UNDP chi trả cho Columbia một khoản tiền đáng kể để nước này giữ lại một khu rừng đặc dụng mà dưới đó có mỏ dầu; không khai thác mỏ dầu đó. Theo tôi nghĩ rừng không phải chỉ là của riêng Việt nam, mà của toàn cầu, nếu giữ được sẽ giúp hạn chế tình trạng trái đất ấm dần lên."

250px-Exploitation_forestiere.JPG
Rừng bị phá do khai thác bừa bãi. Photo courtesy of wikipedia
Rừng bị phá do khai thác bừa bãi. Photo courtesy of wikipedia
Một trong những biện pháp được đánh giá có thể giúp cho hoạt động bảo vệ rừng được hiệu quả hơn đó là sự tham gia của cộng đồng dân cư, cũng như các doanh nghiệp.

Đại diện của ICUN, ông Vũ Văn Triệu trình bày về các chương trình đó:

"Có những phương án giao đất giao rừng cho người dân, cho cộng đồng cần phải thực hiện tốt, mới có thể bảo vệ rừng. Ngay cả quân đội và công an trực 24/24 cũng không thể bảo vệ được. Không có gì tốt hơn bằng dân giác ngộ cùng tham gia làm.

Trước đây IUCN và Intrepos cũng có thực hiện dự án tại Lâm Đồng với cơ chế chi trả cho dịch vụ bảo vệ hệ sinh thái rừng. Sau đó chính phủ Việt Nam ra quyết định 380 vào tháng 8 năm 2008, theo đó người giữ rừng đầu nguồn được hưởng lợi thêm, qua đó các công ty thủy điện gây tác động cho rừng đầu nguồn phải chịu trách nhiệm chi trả 20 đồng VN cho một kilowatt điện thương phẩm.

Hoặc các công ty cung cấp nước sạch từ Sông Đồng Nai cũng phải chi trả cho mỗi mét khối nước thương phẩm 40 đồng VN cho người dân giữ rừng đầu nguồn phía trên. Các công ty du lịch sinh thái cũng phải chi trả từ 0,5 đến 2% tổng doanh thu vào kinh phí giữ rừng đầu nguồn."

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân cũng có một số ý kiến liên quan các chương trình mà ông Vũ Văn Triệu đề cập đến:

"Trên giấy tờ có một số thay đổi gọi là ‘khai thác bền vững’, thay vì ‘ôm khư khư’ rừng. Tôi cho đó là biện pháp tốt, nhưng điều  khó nhất là vấn đề kiểm soát. Một khi cho người dân khai thác, cần phải kiểm soát không được để khai thác quá khả năng phục hồi của rừng; cũng như không được lạm dụng khai thác những thứ quí hiếm, hay khai thác gỗ... 

Đây là vấn đề khó nhưng phải tiến hành. Nếu cứ giữ khư khư rừng như giữ một két tiền không ai được đụng đến sẽ dẫn đến xung đột với người dân vì họ quá nghèo.


- Rừng giữ vai trò to lớn đối với con người như: cung cấp nguồn gỗ, điều hòa khí hậu, tạo ra oxy, điều hòa nước, nơi cư trú động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm.
- Rừng bảo vệ và ngăn chặn gió bão.
- Lượng đất xói mòn của vùng đất có rừng chỉ bằng 10% lượng đất xói mòn của vùng đất không có rừng.

Vừa qua chính phủ có chính sách h trợ gạo cho người dân ở vùng cao để họ giữ rừng, thay vì phá rừng làm rẫy. Tôi đi Hà Giang có nghe chương trình này. Theo tôi đây là giải pháp giúp giữ rừng. Ngoài ra còn có chương trình khoán giữ rừng, cho phép người dân được hưởng một số lâm sản phụ khi giữ rừng."

Có thống kê cho thấy hiện nay rừng nguyên sinh và rừng tự nhiên tại Việt Nam chỉ còn chừng 10% diện tích cả nước. Con số này giảm từ hơn 50% hồi cuối những thập niên 60.

Hầu như bất cứ ai khi được hỏi về giá trị của rừng đối với cuộc sống con người đều có thể trả lời ngay. Thế nhưng công tác chung tay bảo vệ và giúp phát triển nguồn tài nguyên rừng vẫn chưa được tất cả mọi người trong xã hội ý thức tham gia đầy đủ; thậm chí có người vì lợi nhuận còn làm ngơ hay góp tay phá hủy những mảng xanh quí giá trên hành tinh Trái đất.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.