Các hãng dĩa hát với hợp đồng thu thanh tuồng cải lương

Nhà văn Ngành Mai - cộng tác viên RFA
2014.05.17
Bìa dĩa "Thuyền ra cửa biển" nổi tiếng một thời
Courtesy of cailuongso.com

Hãng dĩa hát là một cơ sở kinh doanh nghệ thuật, việc khai thác nhắm vào những tinh hoa trong làng cải lương, từ giọng ca nghệ sĩ cho đến tuồng tích nổi tiếng. Họ có cái nhìn của nhà thương mại làm ăn lớn, và tính toán rất kỹ càng, không để chi phối hoặc rắc rối trong công cuộc làm ăn.

Thế nhưng ít ai để ý đến vấn đề do đâu mà tuồng cải lương được vô dĩa hát. Đâu phải tuồng nào cũng được thâu thanh dĩa hát, kể cả các tuồng hay, ăn khách, bởi đôi khi một vở tuồng rất hay, nhưng lại không được gia nhập làng dĩa hát. Lý do thì rất nhiều mà trong đó phải kể đến việc hãng dĩa không thích người soạn giả đó, do quá trình cư xử không đẹp chẳng hạn. Hoặc giả là lúc đó có đến vài tuồng cũng đều hay, thì dĩ nhiên hãng dĩa không thể cùng một lúc hợp đồng 2, 3 tuồng, một nguồn đầu tư quá lớn, mà thị trường thì may rủi kề bên nhau. Tuồng hay mà để lâu quá, hãng dĩa cũng không còn muốn khai thác, khó ăn hơn là tuồng mới, báo chí và dư luận đang bàn tán.

Một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng không ít đến việc hợp đồng thu thanh dĩa hát, đó là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tuồng hay nhưng lại ra đời vào thời điểm khó bán dĩa, chẳng hạn như mùa mưa, người nông dân đâu có dư tiền mà mua dĩa hát. Phải từ tháng 10 Âm lịch trở đi là mùa thu hoạch lúa thì người dân nông thôn mới có tiền để mua dĩa chuẩn bị ăn Tết. Theo lời ông Năm Mạnh chủ hãng dĩa Asia tiết lộ với người thân, thì chỉ cần một vụ trúng mùa lúa ở miền Tây là ông có thể mua 2 chiếc xe du lịch hiệu Simca, mà còn dư tiền xài thoải mái.

Do các vấn đề trên mà một khi soạn giả được hãng dĩa mời thương lượng thì các thầy tuồng không để mất cơ hội, đón bắt ngay liền, chớ không thôi thì dịp may sẽ không còn. Và khi đã có cuộc gặp mặt rồi, thì hợp đồng giữa soạn giả và hãng dĩa diễn ra như thế nào?

Đối với những người có thời gian dài tìm hiểu, họ có thể nói lên vấn đề ấy như sau:  Hợp đồng giữa hãng dĩa hát và soạn giả là văn kiện hợp tác làm ăn, do hãng dĩa chủ động và đánh máy sẵn, chớ soạn giả không có ý kiến gì. Nói là “thương lượng” chớ thật ra số tiền do hãng dĩa định đoạt ghi sẵn trong hợp đồng, nếu tuồng hay thì tiền hợp đồng khá cao. Soạn giả đồng ý ký vào thì nhận tiền, bằng không thì ra về chớ không có vấn đề mặc cả, kèo nài gì hết. Tóm lại không đồng ý thì coi như đi luôn, muốn trở lại cũng không ai tiếp, mà còn ảnh hưởng đến các hợp đồng sau này. Tuy vậy chưa nghe nói soạn giả nào từ chối ký hợp đồng có sẵn đó, bởi ký vào thì được nhận liền phân nửa tiền (phân nửa còn lại được trả sau khi thu thanh xong).

Có rất nhiều điều kiện được ghi trong hợp đồng, ngoài vấn đề chính là giá cả tiền bạc ra, còn có 2 điều kiện khác mà hầu như chẳng ông bà thầy tuồng nào mà không bất mãn, đó là: hãng dĩa độc quyền khai thác và quyền tuyển chọn nghệ sĩ thu thanh, có nghĩa là diễn viên cũng có thể thay đổi chứ không phải nhứt thiết phải là người thủ vai trên sân khấu của đoàn hát đang trình diễn.

Thứ đến là quyền sửa đổi, thêm bớt kịch bản cho thích hợp với kỹ thuật thu dĩa hát. Hai vấn đề trên bị ràng buộc thì coi như quyền hạn của soạn giả đã chẳng còn gì hết, dù rằng hãng dĩa vẫn đề tên soạn giả trong nhãn hiệu.

Đối với hãng dĩa thì ngoài việc chọn tuồng hay, ăn khách, họ còn phải tuyển chọn nghệ sĩ tên tuổi, vì đó là 2 yếu tố quyết định sự thành bại sau này. Kinh nghiệm làm ăn nhiều năm, họ đã thấy rõ vùng quê nông thôn là thị trường tiêu thụ dĩa hát mạnh mẽ nhứt. Người dân nông thôn họ rất cân  nhắc trước khi bỏ tiền ra mua dĩa hát, nhưng nếu dĩa hát có nghệ sĩ mà họ quen tên như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước chẳng hạn, thì không ngần ngại móc túi tiền ra mua ngay. Do vậy mà người ta thấy tuồng Thuyền Ra Cửa Biển, lúc ở trên sân khấu Kim Chưởng thì vai Hoàng Đế Diệp Chấn Phong do kép Trường Xuân đóng. Nhưng khi thu dĩa thì vai này hãng dĩa đã chọn Út Trà Ôn, bởi lẽ rất dễ hiểu là Trường Xuân không thể so với đệ nhứt danh ca. Khách hàng mua dĩa hát sẽ so sánh Cậu Mười và kép Trường Xuân ai ca vọng cổ hay hơn.

Tóm lại là khi tuồng bước sang địa hạt dĩa hát thì thay đổi rất nhiều, và các nghệ sĩ “gà” của soạn giả cũng đương nhiên mất chỗ đứng trong dĩa hát.  Vấn đề thứ hai là sửa đổi, cắt xén thêm bớt kịch bản thì chẳng khác gì đứa con tinh thần của thầy tuồng bị xẻ thịt vậy! Khi tuồng bước sang địa hạt dĩa hát thì không còn rườm ra với thời lượng 3 tiếng đồng hồ như trên sân khấu, mà thu gọn lại khoảng 45 phút mà thôi.

Về vai trò thì cũng chỉ còn những vai chính yếu của tuồng, tức là những vai xét thấy không cần có mặt thì bỏ luôn, các vai trò liên hệ chỉ cần đề cập đến tên cũng đủ rồi. Với công việc này, soạn giả lại chính là người lãnh luôn phần xẻ thịt, cắt ráp bởi do hợp đồng ràng buộc để khỏi rắc rối, tranh cãi về sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.