Vân Tiên – Nguyệt Nga trên sân khấu và trên màn bạc

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015.03.28
202985-VHNT-150213-Nga-622.jpg Một cảnh trong vở hát Kiều Nguyệt Nga, kép Tấn Đạt vai Bùi Kiệm và đào Thanh Vy vai Nguyệt Nga.
Hình do Ngành Mai sưu tập

Sân khấu ca ra bộ

Danh phẩm Lục Vân Tiên của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu, được đưa lên sân khấu ca ra bộ, tức tiền thân của cải lương từ thời thập niên 1910 tại Vĩnh Long. Thời đó tại nhà ông Tống Hữu Định, cựu Phó Tổng Long Hồ (Vĩnh Long) là nơi quy tụ thân hào nhân sĩ, những nhà trí thức, họ thường tụ hợp tại đây, bởi ông Tống Hữu Định thường hay tổ chức tiệc tùng, đờn ca tài tử với các thân hữu và bạn tri âm tại nhà.

Ông Tống Hữu Định là con thứ 12 của một gia đình danh gia vọng tộc ở Vĩnh Long, mà thiên hạ quanh vùng thường gọi ông là ông Phó Mười Hai, hay Thầy Phó.

Ngày nọ ông Tống Hữu Định đi Sài Gòn, dừng chơn lại Mỹ Tho nghỉ đêm, chờ sáng mai lên xe lửa đi tiếp (thời ấy có xe lửa từ Sài Gòn đi Mỹ Tho và ngược lại mỗi ngày một chuyến). Đêm đó ông đi coi chiếu bóng có phụ diễn đờn ca tài tử của thầy Tư Triều. Nghe cô Ba Đắc ca bài tứ đại oán “Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga”; trong đó có ba nhân vật là Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga đối đáp với nhau; thì cô Ba đứng lên vừa ca, vừa làm điệu bộ của ba nhân vật nói trên. Lối diễn mới nầy đã tạo bầu không khí vui vẻ, sinh động cho buổi diễn, và dĩ nhiên nó đã được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.

Là người ưa thích đờn ca, nên ông Tống Hữu Định cố tìm tòi và thuộc nằm lòng bài tứ đại oán mà cô Ba Đắc đã ca:

“... Kiệm từ khi thi rớt trở về,

Bùi ông mắng nhiếc nhún trề:

Cũng tại mầy ham bề vui chơi”.

Kiệm thưa: “Tài bất thắng thời...”

Ông nhân thấy cô Ba Đắc ca hay quá, nhưng theo ông, nếu có thêm điệu bộ để diễn tả tình huống kịch thì chắc còn hay hơn nữa.

Sau lần ghé Mỹ Tho đó, khi về Vĩnh Long ông tưởng tượng ra một sân khấu linh động hơn, sân khấu nhạc tài tử của thầy Tư Triều. Trong đó sẽ có các nhân vật cho các vai Bùi Kiệm và Bùi Ông đối đáp nhau. Ý nghĩ đó, ông Phó Mười Hai đã đem thực hiện trong các buổi đờn ca tại nhà, và bài tứ đại oán “Nguyệt Nga Bùi Kiệm” đã được ông dàn dựng thành một màn ca kịch.

Thế là từ Mỹ Tho miền đất khai sinh ra nhạc tài tử, và bài tứ đại oán “Nguyệt Nga Bùi Kiệm” đưa về Vĩnh Long đã được trình bày trên sân khấu theo một phong cách mới, hấp dẫn hơn là nghệ sĩ vừa ca, vừa làm điệu bộ phù hợp theo từng tình huống của kịch tính, và lối hát ca ra bộ này ngày càng được phát triển ra các nơi khác.

Dù vậy, ca ra bộ cũng chỉ là một lớp ca kịch, chớ chưa phải tuồng cải lương trọn vẹn, mà mãi cho đến cuối thập niên 1940 mới có một người viết tuồng cải lương Kiều Nguyệt Nga.

Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung

Cách đây không lâu trên làn sóng phát thanh này, tôi có nói về câu chuyện “con chủ tiệm vàng ở Cà Mau lên Sài Gòn nhập cuộc hát với đờn cả ăn xin”. Người đó là soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, người soạn vở tuồng Kiều Nguyệt Nga.

Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Ảnh tư liệu gia đình

Số là khoảng cuối năm 1947 Ngọc Cung từ Sài Gòn về miền Tây, thoát ly vào chiến khu Đồng Tháp Mười, cứ địa kháng chiến thời chiến tranh Việt - Pháp. Vô mật khu Ngọc Cung hoạt động văn nghệ, và soạn vở tuồng Kiều Nguyệt Nga, hát nhiều nơi trong chiến khu thời ấy.

Sau Hiệp Định Genève 1954, soạn giả Ngọc Cung và các nghệ sĩ miền Nam trong chiến khu tập trung ở Cà Mau để tập kết ra Bắc, và chẳng bao lâu thì đoàn Cải Lương Nam Bộ được thành lập, với hầu hết diễn viên là các nghệ sĩ miền Nam tập kết. Sang đầu năm 1955 vở tuồng Kiều Nguyệt Nga được đạo diễn Lưu Chi Lăng dàn dựng, kép Hoàng Sa đóng vai Lục Vân Tiên, đào Thanh Hương vai Kiều Nguyệt Nga (đào Thanh Hương tập kết chớ không phải danh ca Thanh Hương vợ của hề Văn Chung, về sau Thanh Hương sang ngang với kép Hùng Minh). Đến năm 1973 cô đào trẻ Thanh Vy người miền Bắc gia nhập đoàn, đảm trách vai Kiều Nguyệt Nga rất được hoan nghinh.

Do soạn giả Nguyễn Ngọc Cung là người ở trong chiến khu tập kết ra Bắc, nên ở ngoài thành suốt thời gian dài từ 1950 đến 1975 cải lương không hát tuồng Nguyệt Nga. Nhưng có một dạo thi phẩm Lục Vân Tiên của Cụ Nguyễn Đình Chiểu được đưa lên màn bạc.

Thời thập niên 1950 ông Tống Ngọc Hạp làm ăn ở Pháp, trong những bước đầu tiên vào làng điện ảnh, ông đã hoạt động với nhiều nhà sản xuất phim, trong số có một hãng phim Việt Nam tức Mỹ Phương Film đang quay cuốn phim “Vì Đâu Nên Nỗi”, dựa theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Phim quay tại Pháp và mang về Việt Nam chiếu ở các rạp khoảng 1956 – 1957. Ông Tống Ngọc Hạp đã đóng một vai và làm nhạc đệm cho phim này, rồi lần đến chuyển âm các phim Mễ Tây Cơ, Mỹ v.v... Sau đó nhận thấy đi với làng điện ảnh Âu Mỹ, với những phim chuyển âm mãi thì khó làm cho nền kỹ nghệ điện ảnh nước nhà phát triển mạnh, ông bèn quay về Hương Cảng để nghiên cứu một chương trình hợp tác sản xuất.

Tại đây, ông đã lân la khắp các phim trường và giao thiệp với ngành kỹ nghệ điện ảnh đang tiến triển của Hương Cảng. Nhưng chưa có đủ phương tiện để thực hiện chương trình hợp tác sản xuất, ông bèn sang Nhật. Tại đây Tống Ngọc Hạp đã bỏ nhiều thì giờ để học hỏi về ngành kỹ nghệ điện ảnh. Trong những chuyến viễn du ấy, ông đã vừa học vừa làm thương mại bằng cách chuyển âm nhiều phim Trung Hoa và Nhật như phim Công Chúa Mỹ Cơ, phim Đóa Hoa Hải Đường v.v... Đến năm 1957 thì ông Tống Ngọc Hạp chính thức làm phim.

Lịch sử điện ảnh Việt Nam khởi đầu từ năm 1930 cho đến giữa thập niên 1950, tất cả cuốn phim được ra đời đều là phim đen trắng, và đến 1957 mới có cuốn phim màu đầu tiên được trình chiếu: Lục Vân Tiên, phim màu Eastman A Color do nhà sản xuất Tống Ngọc Hạp thực hiện, đồng thời giữ luôn vai chánh Lục Vân Tiên, đóng cặp với Thu Trang (hoa hậu hội chợ Thị Nghè) vai Nguyệt Nga.

Tống Ngọc Hạp ngoài phần thủ vai chánh còn kiêm viết kịch bản, kiêm đạo diễn và soạn nhạc. Còn Thu Trang thì vai chánh kiêm hóa trang viên, kiêm thơ ký đạo diễn. Nguyễn Tấn Giàu quay phim kiêm nhiếp ảnh viên và kiêm phụ đạo diễn. Tóm lại việc thực hiện phim rất ít người, kể cả tài tử trong phim cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việc sản xuất phát hành không do hãng phim nào hết, mà chỉ do một nhóm lấy tên “Viễn Đông” thực hiện gồm bộ ba: Tống Ngọc Hạp, Thu Trang và Nguyễn Tấn Giàu. Phim được trình chiếu vào thời ấy từng gây sôi nổi một dạo, báo chí phê bình khá nhiều, và sau vài tháng thì do nội bộ thế nào đó mà Tống Ngọc Hạp lẫn cuốn phim đều tuyệt tích giang hồ.

Trở lại chuyện tuồng Kiều Nguyệt Nga trên sân khấu cải lương. Và như đã nói, tuồng Kiều Nguyệt Nga ra đời từ những năm 1948 – 1949, nhưng chỉ được hát trong chiến khu và ngoài Bắc. Đến tháng 5 – 1975 tuồng mới diễn ở Sài Gòn.

Sau ngày 30-4-1975 trong khi tất cả đoàn hát miền Nam đều ngưng hoạt động, thì đoàn Cải Lương Nam Bộ từ miền Bắc vào Nam ra mắt khán giả vào tháng Năm 1975 tại rạp Quốc Thanh, với thành phần diễn viên gồm: Nghệ sĩ Thanh Tùng vai Lục Vân Tiên, Tấn Đạt vai Bùi Kiệm, kép lão Dương Ngọc Thạch vai Bùi Ông, và đào Thanh Vy vai Kiều Nguyệt Nga.

Lần đầu tiên Thanh Vy, cô đào trẻ đẹp đất Thăng Long xuất hiện trước khán giả sành điệu cải lương miền Nam, nên cô rất lo lắng. Và khán giả cũng có cảm giác như đang coi cái gì đó mới lạ, nên ngồi im theo dõi đến mấy màn mà rạp hát vẫn im phăng phắc.

Thế nhưng, đến lớp cuối Thanh Vy ca dứt bản Xàng Xê thì nhảy xuống sông. Khán giả vỗ tay thiếu điều vỡ rạp, Thanh Vy mừng quá đi thôi! Và buổi hát thành công. Đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn, và đào Lệ Thủy lên sân khấu tặng hoa cho Thanh Vy.

Như vậy với vai trò Kiều Nguyệt Nga, lần đầu tiên Thanh Vy ra mắt khán giả miền Nam. Và tuồng Kiều Nguyệt Nga của soạn giả Ngọc Cung cũng là vở hát cải lương đầu tiên sau ngày “đổi đời”.

Có điều nói thêm là soạn giả Nguyễn Ngọc Cung đã không có mặt trong buổi hát mang tính cách lịch sử ấy, do bởi ông đã vĩnh viễn ra đi từ 9 năm về trước. Tháng 6 năm 1966 chiến tranh ác liệt, một trận mưa bom B.52 giội xuống căn cứ Ban Tuyên Huấn Nông Trường ở vùng Suối Cây, Tây Ninh, biên giới Camphuchia, gây thương vong cho soạn giả Ngọc Cung, soạn giả Phạm Trần, soạn giả Phong Anh (soạn giả vở tuồng Thuyền Ra Cửa Biển), và nghệ sĩ Bảy Lương (trước là kép chánh đoàn Phước Chung). Chiến tranh đã cướp mất 4 tài hoa của sân khấu cải lương.

Soạn giả Ngọc Cung vĩnh viễn ra đi, nhưng tuồng Kiều Nguyệt Nga vẫn còn thỉnh thoảng được hát. Những năm trước đây có phong trào nghệ sĩ ra hải ngoại, người ta vẫn thấy Kiều Nguyệt Nga xuất hiện qua các diễn viên Bạch Tuyết, Ngọc Giàu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.