Trước ngày về với Tổ nghiệp, nghệ sĩ tiền phong Phùng Há nói gì về cải lương

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015.11.21
phung-ha-305.jpg Nữ nghệ sĩ Phùng Há
Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp

Cây cổ thụ trong làng cải lương

Một cây cổ thụ trong làng cải lương, tên tuổi vang lừng, được mọi người trong giới nể nang kính trọng và gọi bằng “Má Bảy”, và trong những năm cuối đời đã tiết lộ với tôi nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động cải lương trong suốt chiều dài lịch sử của bộ môn nghệ thuật này.

Năm đó (2005) nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há đã 96 tuổi, và tôi đã có dịp tiếp xúc với bà tại Chùa Nghệ Sĩ ở quận Gò Vấp, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 10 cây số.

Vừa vào cổng chùa, tôi gặp một người ở cánh tay mang băng vải có chữ “bảo vệ”, thì biết chùa này có tổ chức đàng hoàng, chớ không phải như nơi tu niệm thông thường của vị sư nào đó tự thành lập. Sau khi biết được ý định của tôi muốn gặp Má Bảy Phùng Há thì người bảo vệ nói ngay là Má Bảy đi khám bác sĩ, có nghĩa là không có mặt ở đây, và ông ta nói thêm rằng Má Bảy đã 96 tuổi, bệnh hoài!

Thất vọng nhưng tôi chưa vội ra về mà ở lại thêm một lúc quan sát cây cảnh rất đẹp quanh chùa, cố ý chờ Má Bảy khám bệnh xong trở về sẽ gặp được bà. Nhưng vài phút sau thì có một người phụ nữ từ trong chùa đi ra phân bua với người bảo vệ điều gì đó, mà trong câu chuyện của họ, vô tình tôi được biết rằng Má Bảy Phùng Há hiện đang có mặt trong chùa chớ không phải đi bác sĩ hay đi đâu cả. Vì không muốn người khác nghe được chuyện đang nói, nên hai người cùng đi xa ra một khoảng cách, tiếp tục trao đổi sự việc.

Thấy vậy tôi kiếu từ ra về và ghé vào một quán nước cạnh chùa kêu thức uống, đồng thời hỏi thăm người chủ quán về việc muốn gặp bà Phùng Há, thì người này cho biết không dễ gì gặp được Má Bảy đâu, bởi có nhiều người đến đây phải đành ra về, kể cả báo chí muốn gặp phỏng vấn cũng khó mà gặp được. Bà chủ quán nói thêm rằng bác sĩ căn dặn Má Bảy cần tịnh dưỡng, không được tiếp xúc nói chuyện nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ... đồng thời cũng cho biết thỉnh thoảng thấy bà Phùng Há rời chùa đi đâu đó bằng xe du lịch, do người tài xế của ông bầu Xuân lái, và hầu như lần nào cũng thấy ông bầu Xuân ngồi bên cạnh Má Bảy.

Tôi nghĩ bụng năm nay Má Bảy đã 96 tuổi, có thể ra đi bất cứ lúc nào, nếu lần này không tiếp xúc được, rủi không còn cơ hội thì sao? Ngày hôm sau trở lại đây một lần nữa, và lần thứ hai này tôi được mời vào nơi làm việc của ông bầu Xuân, hội phó thường trực Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế (Má Bảy là hội trưởng).

Giữa cái nóng nực oi bức của mùa Hè ở Sài Gòn, nơi phòng làm việc của ông bầu Xuân có máy lạnh, nên rất thoải mái khi đàm đạo và ông bầu Xuân cho biết Má Bảy tuổi cao sức yếu, đôi lúc bị lẩn nên thời gian gần đây bà ít tiếp xúc với mọi người.

Trong lúc chờ đợi để được đưa vào gặp Má Bảy Phùng Há, tôi không bỏ lỡ dịp phỏng vấn chớp nhoáng ông bầu Xuân về hoạt động và vai trò của ông tại Chùa Nghệ Sĩ, và được ông cho biết sở dĩ ông đang điều hành tại chùa này là do thời kỳ còn làm bầu đoàn hát Dạ Lý Hương, ông từng bỏ tiền ra trả nợ cho chùa để ngôi chùa được tồn tại.

Được biết ông bầu Xuân nguyên là giám đốc đoàn hát Dạ Lý Hương nổi tiếng thời kỳ trước 1975, các nghệ sĩ tên tuổi như Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Út Trà Ôn... từng cộng tác với đoàn hát của ông.

Đồng thời trước đó ông cũng là giám đốc một công ty xuất nhập cảng, và là chủ nhân hãng sản xuất giấy vệ sinh hiệu Kiss Me. Sau 1975 ông bị cho đi học tập cải tạo vì tội “Tư Sản Văn Hóa”.

Người bên trong đi ra báo tình trạng của Má Bảy Phùng Há, và sau đó ông bầu Xuân đich thân đưa chúng tôi vào phòng khách nhà riêng của bà ở phía sau chùa. Vài phút sau một người phụ nữ khoảng tuổi 40 dìu bà Phùng Há ra phòng khách, chứng tỏ sự đi đứng của Má Bảy đã khó khăn. Vừa nhìn thấy bà, chúng tôi không khỏi bàng hoàng xúc động một vài giây, bởi trước mặt tôi là một lão bà tay yếu chân run, và tôi liên tưởng thời thập niên 1950 từng nhìn thấy bà oai dũng trong vai tráng sĩ Kinh Kha, múa kiếm thích khách Tần Thủy Hoàng, cũng như uy nghiêm trong vai Lữ Bố, tuồng Phụng Nghi Đình.

Thân thế sự nghiệp

Sau khi hỏi thăm về sức khỏe, Má Bảy bắt đầu kể cho chúng tôi biết hoạt động của bà trong suốt nhiều thập niên ở lãnh vực cải lương, và cho biết tổng quát về thân thế sự nghiệp của bà như sau:

Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Ảnh tư liệu gia đình

Tên thật của bà là Trương Phụng Hảo và tên Phùng Há là nghệ danh. Bà sinh năm 1911 tại Làng Điều Hòa, Tổng Trương Thị, Tỉnh Mỹ Tho, cha là người Hoa: Ông Trương Nhơn Từ, người Hạt Sơn, Quảng Đông di cư sang Việt Nam lập nghiệp, cưới vợ và sinh được cả thảy 7 người con. Bà là người áp út, tức thứ bảy theo như cách gọi của người miền Nam (người con đầu là thứ hai).

Năm 13 tuổi, từ một “con xẩm lai ca hay”, bà được ông Hai Cư chủ gánh hát Tái Đồng Ban mời về làm đào chánh, đóng cặp với những nghệ sĩ đương thời tên tuổi như Năm Châu, Ba Du... Hai năm sau đó, bà nghỉ hát cho Tái Đồng Ban, qua gánh của Thầy Năm Tú, Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phước Cương.

Với hàng trăm vai diễn từng làm say mê người hâm mộ, với các vở tuồng: Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, An Lộc Sơn, Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Sân Khấu Về Khuya, Đoạn Tuyệt... trong các vai ấy, vai Lữ Bố trong Phụng Nghi Đình trải qua thời gian hơn nửa thế kỷ, người hâm mộ vẫn còn nhắc đến.

Nói đến nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há là hầu như ai cũng liên tưởng đến Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, do bởi Má Bảy là hội trưởng của nhiều nhiệm kỳ, dĩ nhiên là người có nhiều uy tín nhứt đối với hội. Từ những năm đầu thập niên 1950 có nhiều lần đi ngang vùng phía sau chợ Cầu Muối ở đường Cô Giang, Cô Bắc tôi có nhìn thấy căn nhà khá rộng đề bảng Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu (thời đó chưa có chữ Tương Tế), và thắc mắc không biết chỗ này có liên quan gì đến cải lương không?

Cũng cần nói rõ con đường Cô Giang và Cô Bắc có tên từ thời Pháp thuộc, là hai con đường nhỏ ăn thông ra đường lớn Kitchener, nơi có nhà sách Yểm Yểm Thư Trang mà tôi thường vào đây, nếu không mua sách thì cũng coi cho đã mắt. Đến khoảng 1957 phần lớn các con đường ở Đô Thành Sài Gòn, Chợ Lớn được đổi tên, và không biết do cố y hay vô tình trùng hợp, mà con đường lớn Kitchener lại được đổi tên Nguyễn Thái Học và đường Cô Giang đương nhiên nằm bên cạnh.

Vốn đam mê cải lương nên thấy chữ “nghệ sĩ” là chúng tôi liên tưởng đến các gánh hát, cùng đào kép hằng đêm diễn tuồng trên sân khấu ở các rạp hát trong đô thành, và tìm hiểu thì được biết đây là trụ sở của một tổ chức hoạt động xã hội, mà số người tham gia thuộc thành phần nghệ sĩ cải lương. Rồi những thập niên sau thỉnh thoảng tôi vẫn nghe đề cập đến Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu và bà Phùng Há vẫn là hội trưởng, có nghĩa không thấy ai thay thế Má Bảy ở chức vụ này.

Hôm nay sẵn dịp được Má Bảy Phùng Há tiếp tại Chùa Nghệ Sĩ, tôi không quên hỏi Má Bảy về Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, vì đây là một tô chức được coi như lâu đời, mà qua các triều đại chính quyền vẫn tồn tại. Dù rằng đã biết khá nhiều về sự hình thành và hoạt động của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, tôi cũng muốn Má Bảy nói lên vấn đề:

- Kính thưa Má Bảy, được biết Má Bảy là hội trưởng Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế rất nhiều năm, vậy xin Má Bảy cho biết hội được thành lập từ bao giờ, mục đích là gì và những ai đã đứng ra thành lập?

Má Bảy chậm rãi trả lời:

- Tôi theo nghiệp cầm ca từ lúc còn rất nhỏ tuổi, nhờ Tổ đãi đã thành danh rất sớm trên sân khấu cải lương, năm 30 tuổi thì sự nghiệp nghệ thuật đã vững vàng, nhưng tôi nhận thấy cuộc đời nghệ sĩ đi theo gánh hát, gạo chợ nước sông, rày đây may đó cuộc sống lênh đênh không nơi định cư nhứt định, khi về già sẽ không nơi nương tựa, do đó tôi nghĩ rằng mình phải làm cái gì đó để giúp đỡ giới nghệ sĩ cải lương khi không còn đi hát được. Vào năm 1947 trong một buổi họp mặt với các nghệ sĩ cùng thời như Năm Châu, Năm Phỉ, Duy Lân, Bảy Nhiêu, Tư Trang, Bảy Nam, Năm Nở, Từ Anh..., chúng tôi đã bàn bạc vấn đề trên, kết quả là đưa đến việc thành lập một tổ chức xã hội, từ thiện trong giới nghệ sĩ: Hội Nghê Sĩ Ái Hữu ra đời năm 1948.

Như vậy, hội đã được thành lập từ thời Pháp thuộc, và hoạt động liên tục từ ấy đến nay tính ra đã hơn 6 thập niên. Kể cả sau 1975 được cải tên “Ban Ái Hữu Nghệ Sĩ” nhưng chức năng và hoạt động vẫn không thay đổi, và Má Bảy vẫn là hội trưởng.

Với một hội hoạt đông xã hội từ thiện mà có chiều dài lịch sử như vậy, dĩ nhiên thành tích phải có nhiều mới được sự ủng hộ, tồn tại và phát triển. Tôi hỏi:

- Xin Má Bảy cho biết hội đã làm được những điều gì đáng kể, cũng như thành quả nào được coi như nổi bật nhứt của hội từ trước đến giờ?

Hình như mọi việc đã in sâu vào trong ký ức, Má Bảy trả lời ngay:

- Trước hết phải nói đến trụ sợ của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ ở đường Cô Bắc, là nơi hội họp sinh hoạt của giới nghệ sĩ cải lương, hát bội, nhiều vấn đề liên hệ đến nghệ sĩ đã được họp giải quyết tại đây. Trụ sở cũng từng có tổ chức những lớp học dạy ca, dạy hát, dạy đờn, ngoài ra hằng năm Ban Tuyển Chọn Giải Thanh Tâm cũng họp tại đây để xét trao giải.

Kỳ sau tôi nói tiếp về buổi gặp gỡ Má Bảy Phùng Há.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.