Bài vọng cổ đầu tiên của soạn giả Viễn Châu

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2016.02.13
vien-chau-620 Bìa một CD của soạn giả cải lương Viễn Châu.
Courtesy photo

Hôm trước Tết Nguyên Đán mấy ngày, nghe tin soạn giả Viễn Châu qua đời, nhưng do bài vở soạn sẵn cho buổi phát thanh ngày Tết, thành thử ra chúng tôi không kịp loan báo chia buồn.

Hôm nay trong buổi phát thanh này, tạp chí cổ nhạc thành thật chia buồn với gia quyến soạn giả Viễn Châu, với làng sân khấu và giới cổ nhạc. Cũng đồng thời nói sơ qua về sự nghiệp cầm ca, thành quả cổ nhạc mà soạn giả Viễn Châu đã đóng góp cho đời.

“Hoa Mộc Lan Tùng Chinh”

Thật ra thì rất nhiều người đã biết Viễn Châu chuyên môn viết bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên, tức vọng cổ pha tân nhạc. Cũng như đã biết qua Viễn Châu từng soạn một số tuồng cải lương và một vài tuồng cũng nổi tiếng như “Hoa Mộc Lan Tùng Chinh” chẳng hạn.

Thế nhưng, có điều mà ít ai biết được Viễn Châu bắt đầu viết bài ca 6 câu vọng cổ từ lúc nào, năm nào, và bài vọng cổ đầu tiên do ông sáng tác mang tên gì?

Cũng nên nói rõ khi xưa Viễn Châu là nhạc sĩ Bảy Bá, người gốc gác ở Trà Vinh, quận Trà Cú, đi theo gánh hát làm thầy đờn từ năm 1943 (lúc bấy giờ chưa có cái tên Viễn Châu). Suốt mười mấy năm dài chỉ chuyên đờn cho gánh hát, gánh nầy rã thì đi gánh khác với tiền thù lao chỉ đủ cà phê thuốc lá và sống qua ngày. Với tư cách là thầy đờn ông cũng giúp bầu gánh chỉnh sửa những bài ca cổ nhạc trong các tuồng cải lương, và cũng cùng các thầy tuồng viết kịch bản cải lương.

Chợt đến khoảng cuối năm 1958 thấy soạn giả Quy Sắc viết 6 câu vọng cổ “Cô Bán Đèn Hoa Giấy” vô dĩa hát do cô Thanh Hương ca, được giới mộ điệu hoan nghinh, dĩa bán khá chạy. Từ đó Bảy Bá nãy sinh ra ý định viết 6 câu vọng cổ, và ông đã viết bài “Tiếng Đàn Trên Bến Hán Dương” tức sự tích Bá Nha Tử Kỳ, lấy bút hiệu là Viễn Châu. Nhưng khổ nỗi viết xong rồi để đó chớ lúc bấy giờ rất khó mà được hãng dĩa hát cho thu thanh.

Sở dĩ soạn phẩm của Quy Sắc được vô dĩa hát là nhờ ông là thầy dạy học cho Thanh Nga, nên được Năm Nghĩa giới thiệu cho hãng dĩa, chớ còn Bảy Bá thì lúc ấy tên tuổi chưa ai biết nhiều, cũng chẳng quen lớn với ai, thành thử ra bài Bá Nha Tử Kỳ của ông chỉ gởi đăng trên tờ báo Xuân Dân Tộc Kỷ Hợi 1959, và để đó chờ dịp. Bài ca khá hay, dễ ca nên giới tài tử một số đã thuộc bài ca này, nhưng sự phổ biến rất là hạn chế.

Nghệ sĩ Thanh Hải và Nghệ sĩ Viễn Châu. Courtesy photo.
Nghệ sĩ Thanh Hải và Nghệ sĩ Viễn Châu. Courtesy photo.

Lúc bấy giờ ở giải trí trường Thị Nghè có quán Lệ Liễu, về đêm có đờn ca cổ nhạc, có sân khấu nhỏ, mỗi tối tài tử giai nhân thường đến đây ca hát, trong số có Văn Hường. Soạn giả Viễn Châu đến đây nghe Văn Hường ca, và ông khai thác giọng ca Văn Hường bằng cách viết bài vọng cổ “Tư Ếch đi Sài Gòn” đem chào hàng với hãng dĩa Hồng Hoa và được cho thu thanh phát hành. Thừa thắng xông lên ông viết thêm vài bài vọng cổ hài hước khác và cũng được hãng dĩa mua luôn.

Không lẽ chỉ viết vọng cổ hài hước cho mỗi một Văn Hường ca, Viễn Châu quay trở lại viết vọng cổ thông thường, tức 6 câu vọng cổ, vì lúc ấy các soạn giả Quy Sắc, Kiên Giang cho ra đời các bài vọng cổ rất được giới mộ điệu ưa chuộng như: Đội Gạo Đường Xa, Ông Giáo Già, Nắm Xương Tàn... Cũng nên biết rằng thời điểm này các soạn giả viết bài ca là viết đủ 6 câu vừa cho vô 2 mặt dĩa đá.

Tình Anh Bán Chiếu

Soạn giả Viễn Châu đã viết các bài vọng cổ như: Người Đánh Đàn Trên Bắc Mỹ Thuận, Tình Anh Bán Chiếu, Gánh Nước Đêm Trăng, Tu Là cội phúc... Nhờ đã có tên tuổi nên bài nào cũng được hãng dĩa mua bản quyền cho thu thanh.

Riêng với bản Tình Anh Bán Chiếu thì theo tôi được nghe kể lại như sau: Trong một chuyến đi miền Tây, lúc chờ đợi xe dừng lại nghỉ ngơi ở kinh Ngã Bảy, Phụng Hiệp. Viễn Châu thấy dưới bến ghe, có một ghe chiếu, và anh bán chiếu là một nông dân còn trẻ lam lũ với bộ bà ba đen củ mốc, anh ta đang ngồi tư lự với nét mặt buồn hiu, vì bởi lúc ấy bên kia sông có một đám cưới đi ngang qua. Anh bán chiếu nhìn theo mãi cho đến khi đám cưới khuất dạng mà vẫn còn nhìn.

Có lẽ hiểu được tâm trạng người bán chiếu đã mơ mộng có được một đám cưới cho mình với cô dâu khá đẹp như đám cưới nọ, nhưng đó chỉ là mơ mộng, ước mong, chớ với thân phận của anh ta làm sao có được cái diễm phúc ấy chớ. Bối cảnh chỉ thế thôi chứ làm gì có chuyện cô gái dẫn anh bán chiếu vào phòng loan để đo ni chiếc giường gõ đỏ. Cũng như đâu có chuyện cô gái theo chồng không một lời từ giã anh ta như bài ca diễn tả.

Khi lên xe đò Viễn Châu bắt đầu viết bài vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” và hư cấu khá nhiều như đã nói. Nhưng giới mộ điệu đâu có tìm hiểu làm gì tình tiết câu chuyện ấy có hoàn toàn đúng, hay đúng được bao nhiêu phần trăm. Thiên hạ chỉ nghe sao hiểu vậy và thông cảm nỗi long của anh bán chiếu mà thôi!

Giới đờn ca tài tử rất thích bài ca Tình Anh Bán Chiếu và nhiều người đã học thuộc lòng. Do vậy mà đi đâu cũng nghe ca, ở thâm sơn cùng cốc cũng nghe ca, ở tiền đồn biên giới cũng nghe ca, trong trại cải tạo cũng nghe ca...

Như vậy bài vọng cổ 6 câu đầu tiên của Viễn Châu là “Tiếng Đàn Trên Bến Hán Dương” tức Bá Nha Tư Kỳ đã không được vô dĩa hát. Và bài vọng cổ được ưa chuộng nhứt là “Tình Anh Bán Chiếu”.

Mời quí vị tiếp tục theo dõi trong phần âm thanh bài vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” của soạn giả Viễn Châu do Út Trà Ôn ca thu thanh dĩa hát thời thập niên 1960.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.