Nhân quyền tại Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ


2007.08.11

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam sắp mãn nhiệm, cho biết nỗi thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ 3 năm của ông tại Việt Nam, là tình hình nhân quyền vẫn không được Hà Nội tôn trọng.

MichaelMarine200.jpg
Đại sứ Michael Marine trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 9-8-2007. AFP PHOTO

Tuyên bố với báo chí mới đây, đại sứ Marine cho biết, ông đã thường xuyên yêu cầu Nhà nước Việt Nam cải thiện tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tôn trọng các nhân vật vận động ôn hòa cho dân chủ.

Hà Nội đã trả tự do cho một số người bất đồng chính kiến trong thời gian ông làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nhưng vẫn còn tiếp tục bắt giam và tuyên án những người khác, bất chấp phản ứng từ phía công luận Âu, Á, Mỹ .Tổng hợp tin tức quốc tế, Đỗ Hiếu và Lê Dân xin gởi đến quý vị thính gỉa thêm chi tiết.

Sự thất vọng lớn nhất

Lên tiếng với giới truyền thông báo chí, đại sứ Michael Marine cho biết, ông rất mong ước được nói là tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã khá hơn trước, nhưng ông không thể làm như vậy, và đó là sự thất vọng lớn nhất của ông trong nhiệm kỳ 3 năm làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Vào ngày 17 tháng 8, ông Michael Marine sẽ chào từ biệt đất nước và con người Việt Nam, mà ông thẳng thắn cho biết là rất quý mến. Trong cuộc tiếp xúc cuối cùng với báo chí tại Hà Nội, đại sứ Marine đã tóm tắt những nhận xét của ông trong nhiệm lỳ 3 năm vừa qua.

Về vấn đề dân chủ và luật pháp của Việt Nam, ông Marine nhấn mạnh rằng, người dân Việt Nam ngày nay đã được tự do trong việc mưu cầu đời sống gia đình, kinh tế, và lựa chọn sự nghiệp, tuy nhiên những mặt yếu trong các nhân quyền căn bản vẫn còn tồn tại, mà điển hình là dân chúng không có quyền được chọn lựa chính phủ của mình, không có được những phiên toà công khai minh bạch, không được thực hành quyền tự do báo chí, truy cập thông tin, phát biểu, lập hội hay các tổ chức phi chính phủ, chuyên bảo vệ dân chủ, nhân quyền.

Chúng ta đều biết là linh mục Lý đáng lẽ không phải bị ở tù, nhưng theo định nghĩa pháp lý của Việt Nam thì ông đã phạm luật. Tôi tin rằng những luật lệ đó đã giới hạn quá đáng những gì người dân có thể nói và làm.

Hơn nữa, nhà nước Việt Nam còn tùy tiện bắt bớ những ai có quan điểm bất đồng cho dù là họ bày tỏ một cách công khai, ôn hoà. Ông đại sứ cho biết, trong tương lai chính phủ Washington sẽ tận dụng mọi cơ hội để cổ võ cho những điều cần thiết này. Ông khẳng định, một xã hội thật sự phát triển, thành công là nơi mà mọi người dân đều có quyền tự do bày tỏ các quan điểm khác nhau và bàn thảo cởi mở về tất cả mọi vấn đề của đất nước.

Vậy, Hoa Kỳ có thể làm gì hơn nữa để đảm bảo rằng Việt Nam không lờ đi các vấn đề về nhân quyền, dân chủ, sau khi họ đã gia nhập sân chơi quốc tế WTO, ông Marine nói, mặc dù gần đây Hà Nội đã chứng tỏ một vài cải thiện trong lĩnh vực tự do tôn giáo, nhưng trước mắt vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm, để bảo đảm nhân quyền và tự do tôn giáo, đúng nghĩa và thật sự đầy đủ cho người dân được hưởng.

Ông Michael Marine cho biết trong suốt thời gian công tác, ông đã thường xuyên đề cập thẳng thắn các vấn đề như tự do tôn giáo, tự do báo chí, và tự do bày tỏ tư tưởng, lập hội, với các quan chức lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, và cá nhân ông, cho dù từ nay không còn làm đại sứ ở Hà Nội nữa, nhưng ông vẫn sẽ tiếp tục thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện những thay đổi cần thiết để đảm bảo rằng, việc người dân bày tỏ tư tưởng một cách ôn hoà, không thể bị xem là hành động phạm pháp, bị theo dõi hay bị nghiêm trị.

Ông đại sứ Marine khẳng định, họ là những người dũng cảm, lên tiếng kêu gọi thay đổi chính trị. Nên ông hy vọng trong tương lai, những người như vậy sẽ có một môi trường hoạt động rộng hơn ở Việt Nam, nhưng hiện giờ môi trường hoạt động của họ vẫn đang bị kiềm chế hay giới hạn.

Quyền công dân căn bản

Vẫn theo lời đại sứ Marine thì chính phủ Hoa Kỳ đang hy vọng Việt Nam sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho người dân thực thi những quyền công dân căn bản, trong đó có cả quyền tự do bầu chọn các nhân vật lãnh đạo, đại diện cho tiếng nói của họ trong chánh quyền và nghị trường.

Về các gương tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam điển hình như khối 8406, trong một lần phát biểu với ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do trước đây, ông Michael Marine đã từng bày tỏ kỳ vọng đó:

“Tôi nghĩ họ là những người dũng cảm, lên tiếng kêu gọi thay đổi chính trị. Tôi hy vọng trong tương lai, những người như vậy sẽ có một môi trường hoạt động rộng hơn ở Việt Nam, nhưng hiện giờ môi trường hoạt động của họ vẫn đang bị kiềm chế.”

Về trường hợp của linh mục Nguyễn Văn Lý đang ngồi tù, ông đại sứ Mỹ cũng khẳng định rằng: “Chúng ta đều biết là linh mục Lý đáng lẽ không phải bị ở tù, nhưng theo định nghĩa pháp lý của Việt Nam thì ông đã phạm luật. Tôi tin rằng những luật lệ đó đã giới hạn quá đáng những gì người dân có thể nói và làm.

MichaelMarineVuthuyHa200.jpg
Đại sứ Michael Marine phải can thiệp khi công an lớn tiếng la lối rồi dùng tay xô đẩy bà Vũ Thuý Hà, vợ của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn và Bà Bùi Thị Kim Ngân, vợ của ông Nguyễn Vũ Bình, ngay trước cửa nhà ông hôm 5-4-2007. AFP PHOTO

Linh mục Lý kêu gọi thay đổi về chính trị nhưng một cách ôn hoà. Chúng tôi tin rằng không một ai có thể bị tù đày vì những hoạt động như vậy. Do đó, chúng tôi kêu gọi trả tự do cho ông và tiếp tục đòi hỏi cho đến khi ông được thả.”

Tưởng cũng xin được nhắc lại là công an đã ngăn chặn bà Vũ Thúy Hà, vợ của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn và Bà Bùi Thị Kim Ngân, vợ của ông Nguyễn Vũ Bình, ngay trước cửa nhà ông Đại sứ Mỹ ở Hà Nội, hôm 5 tháng 4 năm 2007.

Các nhân vật bất đồng chính kiến

Công An Việt Nam ngăn chận không cho người thân của các nhân vật bất đồng chính kiến đến dự tiệc trà do ông Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Marine khoản đãi.

Tin từ Hà Nội cho Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi biết buổi tiệc trà do ông Ðại Sứ Mỹ khoản đãi ở nhà riêng nhân dịp đón tiếp phái đoàn Dân Biểu Hạ Viện Mỹ đến thăm Việt Nam diễn ra vào lúc 5 giờ chiều hôm ấy tại Hà Nội.

Trong số khách phía Việt Nam được mời gồm bà mẹ của Luật Sư Lê Thị Công Nhân, các bà vợ của các ông Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Ðài, Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình. Ngay từ buổi trưa, tất cả những người vừa nói đều bị công an gây khó khăn, bằng cách mời đi làm việc hoặc ngăn cản không cho rời khỏi nhà.

Một nguồn tin đáng tin cậy khác cũng nói rằng, trong số khách được mời, chỉ có hai người đến được trước cửa nhà ông Ðại Sứ Mỹ là Bà Vũ Thúy Hà, vợ của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn và Bà Bùi Thị Kim Ngân, vợ của ông Nguyễn Vũ Bình.

Cả hai đã bị công an chận giữ không cho vào, và sự việc này xảy ra ngay trước mắt của ông Ðại Sứ Mỹ và Bà Dân Biểu Loretta Sanchez của bang California, lúc đó đang thăm Việt nam.

Về vấn đề hội nhập quốc tế và phát triển sâu rộng hơn của Việt Nam, ông đại sứ Marine đề nghị, chính phủ Việt Nam cần phải trả tự do cho những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, những vị lãnh đạo tôn giáo. Hà Nội cũng cần tiến hành các bước điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số luật để việc bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa - kể cả các quan điểm chỉ trích nhà nước - không còn là việc làm phạm pháp nữa.

ChristopherHilMichaelMarine200.jpg
Trợ lý Ngoại trưởng Christopher Hill và Đại sứ Michael Marine trả lời báo giới hôm 24-5-2007 tại Hà Nội. AFP PHOTO

Theo ông thì cần phải phân định rõ ràng, Việt Nam đang phát triển tốt về kinh tế, và Chính phủ Việt Nam đáng được khen ngợi về nhiều thành tựu, bao gồm cả việc giảm nghèo đáng kể và những nỗ lực gần đây bảo vệ các quyền của các tín đồ tôn giáo. Nhưng, sau thời gian sống gần ba năm ở đây và được thấy động lực và tài năng lớn lao của người dân Việt Nam, ông tin rằng Việt Nam còn có thể làm tốt hơn hiện nay rất nhiều.

Nghị trình tự do-dân chủ

Ông Marine tin rằng, Việt Nam sẽ không bao giờ có thể đạt được mọi tiềm năng của mình, cũng như không thể thực sự đạt được các khát vọng toàn cầu của mình, nếu không tăng cường nền pháp quyền, giải quyết tham nhũng, bảo đảm các quyền tự do cơ bản của công dân và mở cửa hệ thống chính trị:

Khi được hỏi trong “nghị trình tự do-dân chủ” của tổng thống Bush có tên Việt Nam hay không, đại sứ Michael Marine nói rằng, đây là một điều rất quan trọng.

Người Mỹ coi trọng tất cả những quyền tự do như tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí, lập hội, và vì vậy, quan chức các nước thiếu dân chủ không nên ngạc nhiên khi các vị đại sứ Hoa Kỳ hay nhân viên của ông ấy thường xuyên đề cập đến những vấn đề này.

Theo đại sứ Marine, cổ võ nhân quyền cho Việt Nam vẫn còn nhiều thử thách bởi tự do cởi mở và đa đảng vẫn còn bị xem là mối đe doạ cho chế độ cai trị độc đảng. Hiện nay, vẫn theo lời ông, các cải tổ về chính trị tại Việt Nam vẫn còn kém xa những thay đổi về kinh tế và pháp lý, nhưng dân số thuộc giới trẻ của Việt Nam đang ngày càng hiểu biết hơn và cởi mở hơn đối với các xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và chính trị.

Ông Michael Marine sẽ rời Hà Nội đầu tuần tới, kết thúc 3 năm là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thời gian được ông xem là rất tích cực về phương diện cá nhân lẫn nghề nghiệp. Ông cho biết đã đi thăm 55 tỉnh của Việt Nam và sẽ trở lại để đi hết 9 tỉnh còn lại, vì bất kỳ nơi nào đặt chân đến ông đều thấy sự nhiệt huyết của người dân Việt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.