Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Minh Hiển bị chỉ trích


2004.09.24

Trong ngày khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng giáo dục báo cáo về chất lượng dạy và học trong thời gian qua, cũng như đưa ra dự án luật sửa đổi giáo dục. Lần này nhiều ủy viên thường vụ quốc hội tỏ rõ thái độ không đồng tình với đánh giá và ý kiến mà người đứng đầu ngành giáo dục đưa ra. Cơ sở của những phản bác đó là gì?

Như thường lệ, bản báo cáo của ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng giáo dục- đào tạo của Việt Nam cũng gồm phần nêu ra những hạn chế và phần đề cập đến những thành tích đạt được. Phần thừa nhận những tồn tại và yếu kém của ngành giáo dục đào tạo trong bản báo cáo dày 25 trang có nói đến những ỵếu kém khuyết điểm gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân; thế nhưng theo ông Nguyễn Minh Hiển thì nhìn chung chất lượng giáo dục có tiến bộ. Giáo dục nước nhà những năm qua đạt thành tựu trên cả ba mặt: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Đối với các ủy viên ban Thường vụ quốc hội đang họp tại Hà Nội từ ngày 20 đến 29 tháng này thì đánh giá của ông bộ trưởng giáo dục và đào tạo còn chung chưa nhìn thẳng vào vấn đề. Chỉ mới gần đây thôi giáo sư Võ Tòng Xuân, cũng đưa ra đánh giá là ngành giáo dục vẫn vấp phải nhiều sai phạm do họ quá bằng lòng với những việc làm mà họ cho là thành tích.

Giáo sư Xuân nói rõ: "Người ta rất tự mãn về những thành tích mà tôi cho là không thực tế; do đó những sửa đổi cải tiến rất chậm được thực hiện."

Nặng hơn đánh giá của giáo sư Võ Tòng Xuân về sự tự mãn của ngành giáo dục, ông Lê Quang Bình, trưởng ban dân nguyện của quốc hội nói rõ ngành giáo dục chưa thực hiện được trách vụ của mình mà cụ thể là ngành giáo dục Việt Nam nay tụt hậu, nếu so với Thái Lan thì thấp hơn 50 bậc. Tụt hậu vù cơ cấu đào tạo bất cập ‘lắm thầy nhiều thợ’.

Ông Nguyễn Ngọc Trân, phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngọai, thì nói thẳng là chất lượng giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học còn hạn chế. Trong báo cáo của Bộ trưởng giáo dục- đào tạo không nêu ra được hướng giải quyết cho những tình trạng được xem là trầm kha của ngành giáo dục nước nhà hiện nay là dạy thêm, học thêm, gian lận thi cử tràn lan. Nguyên nhân của tình trạng này do việc thi tuyển đầu vào quá nặng nề. Dòng chảy học sinh từ tiểu học đến trung học bị chặn lại do con đập chắn thi vào đại học.

Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi Đồng cũng có báo cáo do ông Nguyễn Đình Huơng phó chủ nhiệm trình bày với hai vấn đề lớn tuơng tự như nhận định của ông Nguyễn Ngọc Trân về tình trạng gian lận thi cử, và dạy thêm học thêm.

Ông Hồ Đức Việt, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường lại chỉ ra những cách làm ngược đời của giáo dục Việt Nam. Theo ông Việt thì các nước đổi mới, cải cách giáo dục bắt đầu từ người thầy, còn ở Việt Nam lâu nay công tác cải cách chỉ nhắm vào sách giáo khoa; đầu vào thì nặng trong khi đó đầu ra bị coi nhẹ…

Các ủy viên thường vụ quốc hội cũng cho rằng báo cáo chỉ đưa ra sáu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mà không đề cập đến việc xây dựng một chiến lược về giáo dục dài hạn tuơng ứng với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Các ngành khác xây dựng chiến lược 5- 10 năm; nhưng giáo dục phải có kế họach dài hạn chuẩn bị nguồn nhân lực cho mọi ngành khác.

Còn về những điểm sửa đổi cho luật giáo dục mà ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng đưa ra thì nhiều ủy viên thường vụ quốc hội cho rằng còn nặng tính lý thuyết, sơ lược. Chặt chẽ hơn không thấy mà còn buông lỏng thêm một số vấn đề xã hội đang gây bức xúc. Theo nguyên văn của ông Nguyễn Ngọc Trân thì đắp thịt da cho luật chưa đắp được bao nhiêu, thậm chí còn phân tán hơn. Còn ông Hồ Đức Việt thì nói là quy họach giáo dục mà nặng vào các sự vụ như các kỳ tuyển sinh, thi cử…

Tất cả những ý kiến trên có thể được xem là khá thẳng thắn khi đề cập đến thực trạng giáo dục nước nhà qua chính miệng những đại biểu quốc hội, mà đa phần cũng viên chức cao cấp Nhà Nước. Điều này có thể được xem là một dấu hiệu đáng mừng vì chính phía Nhà Nước nhận thức được những tồn tại và yếu kém; như trong đánh giá của giáo sư Duơng Thiệu Tống, một nhà giáo lão thành suốt đời họat động trong ngành giáo dục tại Việt Nam: "Tôi là nhà giáo nên rất lạc quan, giáo dục nước nào cũng có cái hay cái dở. Vấn đề là phải nhận thức thấy được những sai lầm. Có nhận thức thì mới giải quyết được."

Việc ủy ban thường vụ quốc hội mổ xẻ mạnh những tồn tại trong ngành giáo dục- đào tạo Việt Nam cũng nằm trong chuơng trình đang được xúc tiến từ phía Hội đồng giáo dục quốc gia do ông thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu, đó là thực hiện lấy ý kiến từ các cấp để trình lên khóa họp quốc hội tới đây nhằm xây dựng ra đường lối giáo dục phù hợp cho tiến trình phát triển của đất nước. Công tác cấp thiết của ngành giáo dục đào tạo hiện nay theo như lời ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An là phải sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết; và những nội dung cần thiết này phải cụ thể đưa vào luật không để ‘khung’ tức sơ sài như hiện nay.

Nói và phê phán thì bao giờ cũng dễ; thế nhưng trong họat động cải cách nền giáo dục Việt Nam với những yếu kém, thiếu sót được nêu ra rất gay gắt tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cần sự đồng lòng và kiên quyết chung tay góp sức của chính các đại biểu. Họ là những người đang được giao trọng trách đại diện cho dân và xây dựng những luật lệ minh bạch, chặt chẽ để guồng máy quốc gia chạy đều và chạy nhanh cùng với những lân bang khác cũng như tòan thế giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.