Ý kiến của một nữ kỹ sư trẻ về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Khải


2005.06.20

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Thủ tướng Phan Văn Khải hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ, trong chuyến công du lần đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Việt Nam, kể từ sau cuộc chiến từ năm 75 đến nay.

VnUsInvestment200.jpg
Người dân trong nước hy vọng việc Thủ tướng Khải đến Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy cho Việt Nam gia nhập WTO. AFP PHOTO >> See larger image

Chuyến đi này được xem là một cái bắt tay thân thiện giữa 2 cựu thù và là một minh chứng rằng ở thời đại toàn cầu hoá hiện tại, súng đạn và thù hận đã phải lùi bước sang 1 bên, nhường chỗ cho những mối quan tâm về cộng tác phát triển mậu dịch-kinh tế song phương cũng như đa phương.

Giới trẻ trong nước, những người thuộc thế hệ sinh sau cuộc chiến Việt Nam, nghĩ gì về chuyến thăm lịch sử này? Trà Mi đã hỏi chuyện 1 nữ kỹ sư trẻ đang công tác tại thành phố Vũng Tàu để tìm hiểu về mối quan tâm của thanh niên Việt Nam trước sự kiện này:

Phấn khởi

Trà Mi: Chào chị. Xin chị cho biết giới trẻ trong nước suy nghĩ như thế nào trước chuyến thăm có thể gọi là lịch sử từ trước tới nay chưa có của người đứng đầu nhà nước Việt Nam?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Mọi người rất phấn khởi, hy vọng đây sẽ là một bước nhảy vọt cho Việt Nam, đến để học hỏi những cái hay.

Việt Nam vẫn nói là "xoá bỏ hận thù". Thế kỷ 21, tôi nghĩ là họ chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Đã đến lúc tất cả cùng ngồi vào bàn tròn để bàn chuyện tương lai, chứ không phải dùng vũ lực nữa.

"Đi học khôn"

Tôi rất hoan nghênh thủ tướng Phan Văn Khải đến Mỹ. Chúng tôi dùng từ hơi "nhà quê" một chút là "đi học khôn" chị ạ. Mình xách túi đi học khôn, chẳng ai cười mình đi học khôn cả. Nhưng tôi nghĩ là khi ông ta về thì những gì góp nhặt được nên mang ra để làm, chứ đừng có bỏ chẳng được ra bao nhiêu cả thì nó cũng bằng không.

Trà Mi: Riêng cá nhân chị, chị có quan tâm đến sự kiện này không?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Tất nhiên là có chứ ạ. Tôi rất quan tâm, với tư cách là một tuổi trẻ trong nước, bởi vì theo tôi, khi thủ tướng Khải đến Mỹ sẽ tạo ra 1 bước ngoặt rất lớn cho Việt Nam trong vấn đề quan hệ song phương giữa 2 nước về kinh tế -xã hội và lẫn chính trị. Tôi rất hoan nghênh thủ tướng Phan Văn Khải đến Mỹ.

Chúng tôi dùng từ hơi "nhà quê" một chút là "đi học khôn" chị ạ. Mình xách túi đi học khôn, chẳng ai cười mình đi học khôn cả. Nhưng tôi nghĩ là khi ông ta về thì những gì góp nhặt được nên mang ra để làm, chứ đừng có bỏ chẳng được ra bao nhiêu cả thì nó cũng bằng không.

Còn nếu lúc nào mình cũng dương dương bảo thủ thì không bao giờ mình có thể tiến xa hơn được. Tôi hy vọng khi thủ tướng Khải đến Mỹ thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, kinh tế Việt Nam sẽ đi lên. Và quan trọng nhất là làm sao thúc đẩy cho Việt Nam gia nhập WTO. Đấy là 1 điều mong muốn.. rất là mong muốn của những người dân trong nước như tôi.

Sự mâu thuẫn

Trà Mi: Việt Nam vẫn thường lên án Mỹ là 1 cường quốc hay nhúng tay vào chuyện nội bộ của các nước khác trên thế giới, một nước hiếu chiến với tham vọng bành trướng quyền lực trên trường quốc tế, nhưng giờ đây, người đứng đầu nhà nước Việt Nam lại thực hiện chuyến công du nối nhịp cầu hữu nghị với Hoa Kỳ.

Dường như có sự trái ngược giữa lời nói và hành động của chính phủ Việt Nam. Chị nghĩ sao về điều này?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Đấy là 1 sự mâu thuẫn. Nhưng mà theo như chị biết đấy, trên thế giới bây giờ, Việt Nam đang đứng giữa 1 bên là Trung Quốc, 1 bên là Mỹ. Việt Nam thì mọi người vẫn nói là gần như là bị "Trung Quốc hoá" rồi, chỉ thiếu là mai sau tên họ sẽ trở thành Trung Quốc nữa thôi.

Theo tôi nghĩ giữa Trung Quốc và Mỹ thì thật sự Việt Nam đang đứng giữa 2 con đường.. thì tôi công nhận đó là 1 sự mâu thuẫn, nhưng mà theo tôi thì, nếu không mâu thuẫn thì không phải là cộng sản. Một mặt thì họ luôn luôn lên án, nhưng một mặt thì họ lại bắt tay, dùng từ cho oai là đến Mỹ là để thế nọ thế kia, nhưng theo tôi nghĩ đó là 1 sự cầu viện kinh tế.

Vấn đề cần thiết

Trà Mi: Những vấn đề nào cấp thiết của Việt Nam mà chị mong mỏi sẽ đạt được sau chuyến công du của thủ tướng Phan Văn Khải?

Cái Việt Nam đang cần bây giờ là sự dân chủ, và tôi hy vọng Việt Nam sẽ có sự thay đổi. Việt Nam hãy tự cứu mình. Muốn kinh tế đi lên thì trước hết phải có dân chủ và luật pháp phải rõ ràng hơn.

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Cái Việt Nam đang cần bây giờ là sự dân chủ, và tôi hy vọng Việt Nam sẽ có sự thay đổi. Việt Nam hãy tự cứu mình. Muốn kinh tế đi lên thì truớc hết phải có dân chủ và luật pháp phải rõ ràng hơn.

Dĩ nhiên chúng tôi không phủ nhận những cái gì Việt Nam đang đi lên, những cái gì Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp. Tôi công nhận là có chị à, ít nhất là đã có sự thay đổi mà điều đó thì mình cũng phải nhìn nhận. Tôi thấy rằng là Việt Nam cũng đang tiến lên.

Tiến lên theo cái nghĩa bề nổi. Nhưng mà chị biết rồi đấy, tham nhũng còn rất là nhiều. Báo chí hàng ngày đưa tin ra rả là chỗ naò cũng bài trừ tham nhũng. Thế bài trừ bao nhiêu năm rồi, mà vẫn cứ như thế, mà càng ngày nó càng phát triển mạnh hơn.

Như chị thấy vừa rồi dầu khí, rồi vụ lọc hoá dầu Dung Quất, đã đâu vào đâu đâu. Ban đầu nói là năm 2001 sẽ đưa ra tấn dầu đầu tiên, sau đó nói đến 2004, rồi bây giờ là đến năm 2009, và đầu tiên chỉ là hơn 1 tỷ đô mà bây giờ đã lên đến 2,5 tỷ đô la rồi, do trượt giá, do này do nọ, rất là lãng phí.

Người dân Việt Nam có thật sự được làm chủ?

Trà Mi: Chị có đề cập đến vấn đề dân chủ. Vì sao theo ý chị, vấn đề dân chủ lại là 1 vấn đề cấp thiết mà Việt Nam cần phải đạt được, và chị mong mỏi phải đạt được sau chuyến thăm của ông Khải. Vì sao lại sau chuyến công du này, chứ không phải là trước, hoặc sau một sự kiện nào khác?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Dân chủ là do người dân làm chủ, nhưng mà sự thật người dân Việt Nam có được làm chủ hay không? Thì bây giờ tôi chỉ nói 1 vấn đề đơn giản ngay như là thông tin.

Dân chủ là do người dân làm chủ, nhưng mà sự thật người dân Việt Nam có được làm chủ hay không?

Tại sao có những vụ việc mà người trong nước không hề biết gì cả, mà khi chúng tôi lên internet, vào những trang web mà Việt Nam gọi là phản động thì chúng tôi mới biết được những tin tức đó? Nếu anh cho là anh có dân chủ thì tại sao anh lại phải ngăn chặn thông tin? Phải chăng anh sợ người ta nói lên tiếng nói sự thật?

Đấy tôi nói đấy là điều đầu tiên đã không có dân chủ, đó là tôi chưa nhắc đến bầu cử đấy. Mà Việt Nam mình muốn sánh vai với các cường quốc năm châu như lời những người trong cộng sản nói thì trước hết phải cho người dân được cái quyền làm chủ.

Ở Việt Nam thực tế là chưa có dân chủ, mà họ cũng quá biết điều này. Tôi thấy là những cái khẩu hiệu thì nên dẹp bỏ. Suốt ngày cứ "Hồ Chí Minh muôn năm"rồi đại loại như thế. Tôi thấy là không cần thiết.

Cái cần thiết đi vào lòng người nhất là làm sao cho đất nước đi lên. Đấy là cái muôn năm chứ không phải cứ tung hô "ông nọ muôn năm, ông kia vạn tuế". Tôi nói thật với chị là tôi rất hoan nghênh thủ tướng PVKhải đến Mỹ, cảm thấy rất là mừng. Có nghĩa là mình phải nhìn lên 1 tầm cao hơn mình để mình theo nó phát triển, chứ mình mà lùi lại quá khứ là mình sẽ tụt hậu.

Hy vọng một sự đổi mới

Trà Mi: Trong kỳ tiếp xúc, gặp gỡ lần này với tổng thống Bush của Hoa Kỳ, 2 bên sẽ có những trao đổi với nhau. Theo chị, Hoa Kỳ sẽ đặt ra những vấn đề nào đối Việt Nam?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Theo tôi nghĩ vấn đề đầu tiên mà phía Mỹ muốn áp đặt cho Việt Nam là vấn đề tự do tôn giáo và tự do nhân quyền.

Trà Mi: Chị có nghĩ là lần này, chính phủ Việt Nam sẽ có những đáp ứng tương xứng với những lời kêu gọi đó không?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Nói chung đây là vấn đề rất tế nhị và rất nhạy cảm thì chúng tôi là những người trẻ trong nước rất hy vọng. Tôi xin dùng từ "hy vọng". Tôi nghĩ là lần này cần phải có 1 sự đổi mới, một sự thay đổi một cách nhảy vọt để cho Việt Nam mình có thể tiến xa hơn.

Mong muốn được biết một nền dân chủ thật sự

Trà Mi: Xin hỏi thăm, chị có cơ hội được ra nước ngoài để du học hay làm việc chưa ạ?

Nếu bây giờ hỏi tôi muốn đến nước Mỹ làm gì thì tôi sẽ trả lời là đến để xem cái nền tự do dân chủ thật sự của họ như thế nào, bởi vì chúng tôi chỉ được nghe nói đến dân chủ, nhưng dân chủ đối với Việt Nam chỉ là lý thuyết, chưa có thực tế.

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Tôi chưa có dịp được bước chân ra nước ngoài. Tôi cũng rất là muốn là một ngày nào đó được nhìn sự tự do thật sự ở 1 nước khác cạnh mình chẳng hạn, để xem người ta tự do như thế nào.

Nếu bây giờ hỏi tôi muốn đến nước Mỹ làm gì thì tôi sẽ trả lời là đến để xem cái nền tự do dân chủ thật sự của họ như thế nào, bởi vì chúng tôi chỉ được nghe nói đến dân chủ, nhưng dân chủ đối với Việt Nam chỉ là lý thuyết, chưa có thực tế.

Trà Mi: Sở dĩ đặt ra câu hỏi này là vì Trà Mi thấy chị là thế hệ trẻ trong nước mà lại có những suy nghĩ rất táo bạo, thẳng thắn, không biết làm cách nào chị có những cái nhìn và nhận xét đa chiều như thế?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Thứ nhất là mình lên internet chẳng hạn, mình được đọc những cuốn sách rất là hay mà mình nghĩ rằng nếu mình không lên net thì chẳng không bao giờ mình tìm hiểu xa hơn, rộng hơn, chị ạ.

Tìm hiểu thêm thông tin bên ngoài

Trà Mi: Khi tìm hiểu những thông tin từ các trang web mà trong nước coi là phản động, chị có cảm giác là mình đang đọc những nội dung phản động hay không? Chị có bất bình trước những thông tin đó không?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Không. Tôi là người trẻ sinh sau năm 75, và hơn nữa tôi là người được đi học, được đọc sách báo khá nhiều, thì tôi không có cảm thấy gì gọi là phản động, khi tôi đọc những trang web ấy cả.

Tôi là người trẻ sinh sau năm 75, và hơn nữa tôi là người được đi học, được đọc sách báo khá nhiều, thì tôi không có cảm thấy gì gọi là phản động, khi tôi đọc những trang web ấy cả.

Mình đọc những bài báo ấy để tôi nhìn về 2 khía cạnh, chứ tôi không có quan niệm là đang bị những thế lực phản động nhồi nhét. Mà tôi chỉ muốn học hỏi và tìm hiểu thêm những cái gì mà tôi chưa được biết. Qua đó, tôi tự sàng lọc những điều đó cho bản thân tôi.

Tất nhiên là không phải những bài báo nào của nước ngoài nói cũng đúng cả, hoặc ngược lại, trong nước nói là cũng đúng cả. Đó là do sự nhận xét, nhìn nhận của mỗi cá nhân. Có bất đồng ý kiến thì cũng là 1 chuyện hết sức đơn giản.

Khao khát được nói lên nguyện vọng

Trà Mi: Là 1 người trong nước, khi chị nêu lên những nhìn nhận thẳng thắn, nhạy cảm đối với Việt Nam, chị có e sợ điều gì bất lợi sẽ xảy đến cho mình không?

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Thật sự thì cũng rất là lo chị ạ. Lỡ mà...nhưng mà thôi, đó là cái khao khát của mình bao nhiêu năm giờ mình được nói, chứ tôi nghĩ rằng tôi cũng chẳng chống phá gì. Tôi không sợ, mà tôi chỉ khao khát được nói lên nguyện vọng, trăn trở thực tế thôi.

Chứ mình không có làm gì 1 điều gì đó quá đáng để họ động đến mình, nhưng mà cũng không ngoại trừ trường hợp có thể xảy ra chị ạ. Đây là 1 cơ hội để mình nói lên cái tâm tư nguyện vọng đối với đất nước.

Bạn nghĩ gì về ý kiến này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Với tư cách là 1 người trẻ trong nước, thì tôi chỉ nêu lên những suy nghĩ của tôi. Hy vọng 1 vị lãnh đạo nào trong nước nghe được những nỗi niềm của tôi, dù rằng là tiếng nói của tôi rất là nhỏ bé. Nhưng tôi tin là có 80 triệu người đứng sau tôi, và họ cũng đồng ý với ý kiến của tôi là đúng.

Trà Mi: Rất cảm ơn chị vì thời gian dành cho cuộc phỏng vấn này.

Nữ kỹ sư trẻ trong nước: Hy vọng 1 ngày nào đó tôi với chị cùng nói là Việt Nam đã có dân chủ rồi, thì lúc đó sẽ còn hay biết mấy. Khi đó, tất cả những người dân trong nước đều được nghe tiếng nói tâm huyết từ những kiều bào xa tổ quốc. Tôi rất là mong được ngày đó, và hy vọng nó không xa. Nếu mà nói là ngay sau khi ông PVKhải trở về thì tôi nghĩ là điều đó chưa thể có. Một ngày không xa đúng không chị?

Trà Mi: Vâng, một lần nữa, xin được cảm ơn chị.

Trang Phụ nữ xin chia tay với quý vị tại đây. Những chuyên đề về nữ giới đã được thực hiện trong thời gian qua được lưu giữ tại trang web của Đài ACTD ở địa chỉ www.rfa.org, để quý vị có thể nghe và xem lại. Trà Mi hẹn gặp lại quý vị trong một chuyên đề mới vào tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.