“Phụ nữ ở tuyến đầu của mọi thay đổi”

Từ ngày 20 đến 22 tháng năm vừa qua, hơn 1.370 phụ nữ tiêu biểu là các chính trị gia, nhà lãnh đạo chính phủ, và nữ doanh nhân của hơn 80 quốc gia trên thế giới đã tham gia hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 20 tại Bắc Kinh.
Việt Hà RFA
2010.06.08
OpeningCeremony(-globewomen.org-305 Bà Irene Natividad đọc diễn văn khai mạc Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 20 tại Bắc Kinh vào tháng 5/2010.
Photo courtesy of globewomen.org

Hội nghị lần này có chủ đề là ‘Phụ nữ ở tuyến đầu của mọi thay đổi’. Cũng trong hội nghị lần này Globewomen đã lần đầu tiên công bố một bản báo cáo toàn bộ về tình hình phụ nữ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các ban điều hành ở các công ty trên 45 nước trên thế giới, các chiến lược đang được áp dụng tại các quốc gia để tăng số phụ nữ là lãnh đạo tại các công ty.

Vị trí người phụ nữ trong xã hội

Nhân dịp này, tạp chí phụ nữ đã phỏng vấn bà Irene Natividad, chủ tịch thượng đỉnh phụ nữ thế giới, người tổ chức thượng đỉnh lần này. Trước hết, bà Natividad giới thiệu về bản báo cáo tại hội nghị:

Bản báo cáo mà chúng tôi công bố ở hội nghị thượng đỉnh phụ nữ thế giới ở Bắc kinh muốn là một bản báo cáo đầy đủ. Chúng tôi đã tiến hành các cuộc điều nghiên với các phụ nữ ở trong ban lãnh đạo ở các công ty ở các nước và vùng khác nhau. Chúng tôi đã tổng hợp các báo cáo này lại để có cái nhìn tổng thể về chỗ đứng của người phụ nữ trong các ban giám đốc công ty trên toàn thế giới. Điều này là hết sức quan trọng bởi rất nhiều công ty thuê hàng trăm hay hàng ngàn người ở các nước khác nhau.

Chúng tôi đã tổng hợp các báo cáo này lại để có cái nhìn tổng thể về chỗ đứng của người phụ nữ trong các ban giám đốc công ty trên toàn thế giới.

Irene Natividad


Ban giám đốc quyết định những điều là hết sức quan trọng, và phụ nữ ở trong các ban giám đốc đó cũng quan trọng không kém. Khi tổng hợp các báo cáo đó, chúng tôi có các thông tin về phụ nữ là giám đốc ở 45 nước.  Qua các nghiên cứu của chúng tôi và các nghiên cứu do các nơi khác tiến hành, và cơ bản qua những báo cáo cho thấy, là ngoại trừ các nước Bắc Âu như Na Uy, Phần Lan, Thuỵ Điển, Iceland, phần lớn các nước khác có rất ít phụ nữ giữ chức vụ quan trọng trong các ban điều hành ở các công ty lớn. Vậy thì các nước đã làm gì?

Thế là chúng tôi nghiên cứu vấn đề về chỉ tiêu, ở các nước có các điều luật về chỉ tiêu ở nhiều nước châu âu, ở Na Uy có luật quy định là phụ nữ phải được tham gia đến 40% vào ban điều hành của tất cả các công ty trong thời gian 2 năm. Và nếu công ty nào không thực hiện thì sẽ bị giải tán. Bởi vì họ đã thành công trong việc thực hiện điều luật này, bây giờ họ có 44% giám đốc các tổng công ty ở Na Uy là phụ nữ. Một số nước khác ở Châu Âu cũng theo gương.

Tây Ban Nha đã thông qua luật này; Pháp đang chờ thượng viện thông qua và có thể là sẽ được chấp thuận; Hà lan đã thông qua; Iceland và Phần Lan đều có luật về vấn đề này, vân vân, và đó là những bước đầu. Điều thứ hai là thị trường chứng khoán, và uỷ ban điều hành tổng công ty được dùng như là các hướng dẫn cho các công ty ở các nước khác nhau.

Bây giờ họ yêu cầu các công ty có tên trên thị trường chứng khoán phải giải thích về thành phần ban giám đốc và sự đa dạng trong ban. Và nếu họ không giải trình thì tại sao, nó giống như là một cách để làm họ phải thấy xấu hổ, đó là biện pháp đang được áp dụng ở nhiều nước, Úc đang làm, Nam phi đang làm … vân vân.

ZhiliAward2(40)-250
Bà Chen Zhili (T), chủ tịch Tổng liên đoàn phụ nữ TQ nhận giải thưởng từ bà Irene Natividad tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 20 tại Bắc Kinh năm nay. Photo courtesy of globewomen.org
Bà Chen Zhili (T), chủ tịch Tổng liên đoàn phụ nữ TQ nhận giải thưởng từ bà Irene Natividad tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 20 tại Bắc Kinh năm nay. Photo courtesy of globewomen.org
Tôi xem qua các chiến lược đang được áp dụng ở các nước, bao gồm cả việc can thiệp vào phần tổ chức, có những cơ quan nắm cổ phần lớn như quỹ hưu trí, quỹ công đoàn, họ là những cơ quan có cổ phần lớn và họ có tiếng nói quan trọng về vấn đề điều hành hay tổ chức công ty. Bây giờ họ yêu cầu phải có nhiều thêm phụ nữ và đa dạng hoá trong ban điều hành. Đó là chiến lược thứ hai.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp các cổ đông lớn dù là người nghiên cứu, là bộ trưởng chính phủ, chủ tịch thị trường chứng khoán, để họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm với nhau, để chúng tôi có thể thúc đẩy nhanh hơn, thứ hai chúng tôi tiếp tục làm các so sánh nếu chúng tôi có số liệu ở 45 nước, có khoảng hơn 140 nước khác nữa mà số liệu chưa có sẵn, cho nên chúng tôi sẵn sàng dạy các nước khác làm thế nào để tiến hành các cuộc điều tra như vậy.

Đó là điều khác biệt về báo cáo này, nó không phải là một bản tổng hợp các số liệu mà là một tổng hợp những gì đã làm và phải làm điều mà chúng tôi chưa làm trước kia. Chúng tôi nghĩ khi đưa ra báo cáo này vào ngày kỷ niệm 20 năm rất là quan trọng để chia sẻ với các nước khác để họ sau đó có thể mang nó về nước mình.

Tỉ lệ nữ giới giữ chức vụ quan trọng

Việt Hà: Trong bản báo cáo năm nay chúng ta thấy có những điểm đáng mừng và những điểm quan ngại. Mừng là số công ty có nhiều hơn một phụ nữ trong ban điều hành đã nhiều hơn số công ty chỉ có một phụ nữ trong ban điều hành. Điểm quan ngại là phần trăm phụ nữ trong ban điều hành trên toàn thế giới tiếp tục giảm, đặc biệt các nước châu Á. Phần lớn các công ty không có phụ nữ là giám đốc. Bà có nhận xét gì về điều này.

Irene Natividad: Điều này có nghĩa là các nước châu Á cần phải chuyển động nhanh hơn trong việc đa dạng hoá ban điều hành công ty, tại châu Á thì Trung quốc là một ngoại lệ, nếu bạn nhìn vào bản báo cáo, trong danh sách 10 công ty đứng đầu có phần trăm phụ nữ cao nhất trong ban điều hành, Trung quốc nằm ở giữa, có một công ty Trung quốc, theo tôi biết đó là một công ty bảo hiểm nằm trong đó, và nhìn chung Trung quốc có khoảng 7,7% giám đốc là phụ nữ, đây là báo cáo chúng tôi công bố ở Bắc kinh. Vẫn còn thấp, nhưng đã cao hơn một số nước Châu Âu và cao hơn nhiều nước khác trên thế giới. Cho nên bức tranh về châu Á là khá đa dạng.

Irene-Natividad-250
Bà Irene Natividad trao cho Tổng thống Chi Lê Michelle Bachelet Giải thưởng cho những phụ nữ lãnh đạo toàn cầu năm 2009. Photo courtesy of globewomen.org
Bà Irene Natividad trao cho Tổng thống Chi Lê Michelle Bachelet Giải thưởng cho những phụ nữ lãnh đạo toàn cầu năm 2009. Photo courtesy of globewomen.org
Tại Nhật bản khoảng 2,4% giám đốc là phụ nữ. Chúng tôi có báo cáo riêng cho 100 công ty lớn tại Nhật vào tháng 11 năm ngoái, trong báo cáo đó chỉ có 2,4% giám đốc là phụ nữ tương đương con số là 15 người. Cho nên Nhật bản đang tụt lại phía sau, Hàn quốc thì không có ai, Ấn độ cũng có con số thấp. Cho nên châu Á nói chung cần phải chuyển động nhanh hơn nữa trong việc thay đổi thành phần người trong ban điều hành.

Câu hỏi là tại sao phải vậy. Một trong các chiến lược mà tôi đã đưa ra trong bản báo cáo mà tôi đã nói và công bố ở Bắc kinh, gọi là chiến lược về kinh doanh, bây giờ đã có những nghiên cứu thực hiện ở Mỹ và Anh, Phần lan, kể cả ở Việt Nam, Hồng Kông, cho thấy sự kết hợp của hoạt động tài chính tốt hơn khi ban điều hành đa dạng. Nói khác đi, càng có nhiều phụ nữ tham gia vào ban điều hành thì các công ty càng có khả năng hoạt động tốt hơn về mặt tài chính. Không phải là cái này nguyên nhân và cái kia là kết quả, mà đó là một sự kết hợp. Nhưng thực tế là có rất nhiều báo cáo sử dụng chung một số liệu. Phần Lan đã làm nghiên cứu trên 14,000 công ty và họ cũng có cùng kết quả. Việt Nam, Hồng Kông, Hoa kỳ và Anh. Và đó là lý do mà các công ty ở châu Á nên nhìn nhận vấn đề này.

Riêng Việt Nam là trường hợp ngoại lệ. Khoảng 1/3 công ty ở Việt nam do phụ nữ đứng đầu, Việt nam là một ví dụ thú vị, họ làm nghiên cứu về các công ty, về sự đa dạng hoá trong ban điều hành công ty. Họ có phó chủ tịch nước là phụ nữ, họ là trường hợp ngoại lệ.

Nói khác đi, càng có nhiều phụ nữ tham gia vào ban điều hành thì các công ty càng có khả năng hoạt động tốt hơn về mặt tài chính.

Irene Natividad


Việt Hà: Xin bà cho biết tại sao hội nghị thượng đỉnh phụ nữ lần này chọn chủ đề ‘Phụ nữ ở tuyến đầu của mọi thay đổi’

Irene Natividad: Bởi chúng ta đúng là đang ở tuyến đầu của mọi thay đổi, chúng ta đang thay đổi bộ mặt kinh tế ở tất cả các nước trên thế giới. Chúng ta chiếm đa số trong người tiêu dùng trong việc phát triển kinh tế, chúng ta là bộ mặt của doanh nghiệp dù là nhỏ, vừa hay lớn. Đó là nơi mà người phụ nữ tìm thấy sự bình đẳng giới, chúng ta cũng là những công nhân của tương lai.

Hiện có từ 40 đến 50% lực lượng lao động được trả lương là phụ nữ và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng. Và ngày một nhiều nước chuyển từ công nghiệp chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, đó là cái mà bạn thấy ở Mỹ, châu Âu và Nhật bản và Hàn quốc và đó là những nơi mà phụ nữ có xu hướng đạt được thành công, ở các nước mà đội ngũ lao động đang giảm như châu Âu và Nhật, và Trung quốc cũng sẽ phải đối mặt trong tương lai do chính sách 1 con, thì có nghĩa là phụ nữ là những người mà các bạn phải dựa vào để duy trì sự phát triển kinh tế. Chúng ta là tuyến đầu của mọi thay đổi.

INatividad-Medium-Web-view-250
Bà Irene Natividad nói chuyện tại APEC 2007 tại Việt Nam. Photo courtesy of globewomen.org
Bà Irene Natividad nói chuyện tại APEC 2007 tại Việt Nam. Photo courtesy of globewomen.org
Chúng ta cũng là người chăm sóc gia đình, rất quan tâm đến những ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, về sức khoẻ, khí hậu, phụ nữ là tiếng nói cho tất cả, và chúng ta sẽ quyết định đường hướng của phát triển kinh tế thế kỷ 21. Vì thế cho nên có phụ nữ trong ban điều hành là hết sức quan trọng. Và ở hội nghị thượng đỉnh tôi đã nhấn mạnh điều này để phụ nữ được đào tạo để trở thành các nhà lãnh đạo trong các ban điều hành.

Vấn đề bình đẳng giới

Việt Hà: Bà đánh giá thế nào về những tiến bộ trong quyền của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế kể từ chương trình hành động Bắc Kinh năm 1995?

Irene Natividad: Theo tôi, đã có những tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ, vẫn có sự khác biệt trong lương trả cho phụ nữ và nam giới cho cùng một công việc; vẫn có sự phân biệt ở chỗ làm giữa nam và nữ ở nhiều nước dù phát triển hay không. Tôi không nghĩ nên có sự phân biệt quá lớn giữa hai nền kinh tế bởi cùng vấn đề nhưng chỉ có sự khác nhau về mức độ mà thôi. Ở nước Mỹ cũng vẫn có sự khác biệt về lương như vậy.

Không có nước nào trên thế giới xóa bỏ được toàn bộ phân biệt đối xử ở chỗ làm, không có nước nào trên thế giới đã hiểu được làm thế nào người phụ nữ cân đối được việc làm và gia đình. Cho nên không nên phân biệt giữa kinh tế phát triển hay không phát triển. Chưa có ai giải quyết được những vấn đề này.

Không có nước nào trên thế giới xóa bỏ được toàn bộ phân biệt đối xử ở chỗ làm, không có nước nào trên thế giới đã hiểu được làm thế nào người phụ nữ cân đối được việc làm và gia đình.

Irene Natividad

 


Lý do mà chúng tôi tổ chức họp thượng đỉnh này là vì chúng tôi cố gắng tập trung vào một số giải pháp và một số chiến lược đã có kết quả, và hy vọng là chúng ta có thể đưa những nỗ lực đó lên cao hơn nữa và không ai bắt đầu từ số 0 và … tôi gọi là cố gắng trao đổi cho nhau những công thức của thành công, dù bạn là bộ trưởng, chúng tôi có khoảng 30 bộ trưởng trong thượng đỉnh lần này, hay là lãnh đạo công ty hay là chủ doanh nghiệp, đây là những gì mà một số người đã làm và thành công mà bạn có thể mang về nước mình để học.

Nó là một diễn đàn thực tế hơn là một cuộc tập họp đơn thuần của các nước với những lời hứa, mang vào những tài liệu nói rằng sẽ thực hiện mà đôi khi họ quên đi. Chúng tôi đề cập đến những vấn đề có thể cản trở phụ nữ tiến bước. Chúng tôi luôn muốn hội nghị là diễn đàn của những giải pháp và hy vọng là sẽ có người tìm thấy các giải pháp cho mình.

Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.