Báo động nạn bạo hành gia đình ở VN

Nạn bạo hành gia đình đang trở nên phổ biến tại Việt nam. Tạp chí phụ nữ tuần này xin tìm hiểu về nguyên nhân và một số các giải pháp hiện có trước tình hình này.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.02.22
bao-luc-gd-305.jpg Áp phích chống bạo hành gia đình ở VN
RFA file

Bệnh dịch thầm lặng

Tại Việt Nam, ngay từ năm 2007 đã thông qua luật phòng chống bạo lực gia đình. Việt Nam cũng có luật bình đẳng giới cho thấy những quan tâm nhất định từ chính quyền đến vấn đề gai góc này. Tuy thế, nạn bạo lực gia đình vẫn tiếp tục lan rộng và theo nhận xét của các chuyên gia quốc tế ở Việt Nam thì có thể coi là một bệnh dịch thầm lặng có tình trạng đáng báo động. Bác sĩ Henrica Jansen, cố vấn trưởng chương trình nghiên cứu bạo lực gia đình tại Việt Nam, cho biết:

"Đây là vấn đề bị che giấu tại Việt Nam. Tại sao lại như vậy? trong số các phụ nữ được phỏng vấn, thì chúng tôi thấy là một nửa phụ nữ trong số những nạn nhân của bạo lực gia đình chưa từng nói với bất cứ ai vấn đề của họ cho đến khi cuộc điều tra này diễn ra. Điều này cho thấy đây là vấn đề bị che giấu. Họ coi đây là chuyện của gia đình, chuyện riêng tư, và họ không dám nói vì sợ những phản ứng không tốt từ gia đình, cũng như quan niệm chung của xã hội, hoặc là sợ bị những hậu quả sau này nếu nói ra, nhất là cho con cái họ."

Theo bác sĩ Jansen, có ít hơn10% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình đi tìm sự giúp đỡ. Họ chỉ đi tìm sự giúp đỡ khi bị đánh thương nặng, không thể chịu đựng được nữa, hoặc khi con cái họ bị nguy hiểm. Ngay kể cả khi đi khám bệnh hoặc thương tật, họ cũng không nói lý do thực của việc đi khám vì ngượng và xấu hổ.

Nạn nhân sợ sệt lắm. Nếu ly hôn thì không nói gì, còn nếu không thì còn sống chung gia đình với người ta, có bạo lực cũng không dám trình bày nhiều vì còn lệ thuộc.

Chị Nguyễn Thu Hà, hội phụ nữ

Tại các vùng nông thôn, người phụ nữ thầm lặng chịu đựng những bạo lực về thể xác và tinh thần một phần vì quan niệm xã hội, một phần vì họ sống phụ thuộc quá nhiều vào chồng và gia đình nhà chồng nên càng không thể lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của mình. Chị Nguyễn Thu Hà, phụ trách hội phụ nữ xã Phú Quới, tỉnh Vĩnh Long cho biết:

"Nạn nhân sợ sệt lắm. Nếu ly hôn thì không nói gì, còn nếu không thì còn sống chung gia đình với người ta, có bạo lực cũng không dám trình bày nhiều vì còn lệ thuộc."

Bạo lực gia đình xảy ra không chỉ ở nông thôn, mà còn ở cả thành thị, trong cả các gia đình trí thức. Điều đáng lo là ở thành thị, trong các gia đình trí thức, chị em phụ nữ thường âm thầm chịu đựng bạo lực tinh thần hàng chục năm để giữ thể diện không chỉ cho chồng mà còn cả cho mình. Nếu mới nhìn vào những gia đình này không một ai có thể biết được vấn đề. Chị Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình phụ nữ và vị thành niên, cho biết:

"Bạo lực gia đình thì có ở mọi tầng lớp, mọi vùng miền, trình độ học thức hay độ giàu nghèo. Bạo lực ở thành phố hoặc gia đình trí thức thì đôi khi không nhìn thấy, nhìn ngoài vẫn cười vui vẻ nhưng trong gia đình vẫn có bạo lực. Trong gia đình trí thức thì bạo lực tinh thần thường nhiều hơn và tinh vi hơn và người phụ nữ trí thức càng ít bộc lộ".

Chưa thực sự bảo vệ phụ nữ

Đó là chưa kể, việc thiếu hiểu biết của một số cán bộ địa phương về nạn bạo lực gia đình đã khiến các chị em phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình mất lòng tin vào chính quyền khi giải quyết vấn đề này. Chị Thu, nạn nhân của bạo lực gia đình tại Hà Nội cho biết:

000_Hkg3834217-250.jpg
Hạnh phúc đơn sơ. AFP photo
Hạnh phúc đơn sơ. AFP photo
"Tôi nhờ hội phụ nữ, nhưng người ta chỉ hòa giải thôi, tổ dân phố cũng thế. Tôi chỉ làm cho hết thủ tục vậy thôi chứ có giải quyết gì đâu."

Ngoài ra, theo quy định, các chị em phụ nữ muốn tố cáo chồng bạo hành còn phải làm đơn lên công an xã, rồi phải có cơ quan giám định thương tật, rất mất thời gian nên nhiều chị em đã không chọn cách làm này mà chỉ cắn răng chịu đựng. Không những thế, ở vùng nông thôn, khi người chồng bị phạt hành chính, tức phạt tiền, thì người vợ lại phải lo chi trả, trong khi vẫn tiếp tục vẫn phải sống với ông chồng vũ phu nên cũng khiến nhiều chị em chọn cách im lặng.

Sự nín nhịn của người phụ nữ phần nào đã khiến cho bạo lực gia đình không thể được giải quyết rốt ráo. Ngoài chuyện  phụ thuộc gia đình nhà chồng hay quan niệm xã hội, trong phần lớn các trường hợp, người phụ nữ không tìm kiếm giải pháp ly hôn hay ly thân vì lo cho con cái thiếu tình cảm cha, hoặc vẫn cứ hy vọng chồng mình sẽ hối cải. Chị Thu, nạn nhân của nạn bạo hành gia đinh trong suốt 25 nói về kinh nghiệm của bản thân cũng như những nạn nhân khác mà chị đã tiếp xúc trong câu lạc bộ nạn nhân bạo lực gia đình ở Hà Nội:

"Nói về từ bỏ người chồng thì có giai đoạn thế này, nó là chu kỳ, khi người chồng cư xử lên đỉnh điểm của sự xấu xa thì người phụ nữ có cách hoặc là ra cơ quan, hoặc là muốn ly hôn, Khi đó người đàn ông cảm thấy là mình sắp sửa mất thì anh ta sợ bị lên cơ quan, sợ tan vỡ gia đình, anh ta bao biện thì người phụ nữ lại lắng xuống. Hàng xóm va chạm nhau còn nguôi huống chi đây lại là người chồng, người cha của con mình."

Những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình trong một thời gian dài thường phải chịu những hậu quả về sức khỏe thể xác và tinh thần nghiêm trọng sau này. Bác sĩ Jansen giải thích về kết quả của cuộc nghiên cứu gần đây tại Việt Nam liên quan đến vấn đề này như sau:

"Một trong các kết quả quan trọng mà cuộc điều tra đưa ra nữa là hậu quả của bạo lực và nhất là sức khỏe của người phụ nữ. Cứ 1 trong 4 người phụ nữ đã chịu bạo lực thể xác hoặc tình dục cho biết họ đã bị thương, và thường là nhiều hơn một lần. Hậu quả sức khỏe lâu dài thì những phụ nữ bị bạo lực tình dục thường dễ bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài khi lớn tuổi và thường bị ảnh hưởng tâm lý nặng nhiều hơn gấp 3 lần các phụ nữ khác, ví dụ họ muốn tự sát."

Ngoài ra, con cái của những người phụ nữ này cũng chịu những tác động xấu trong tương lai. Bác sĩ Jansen giải thích tiếp:

Tôi nhờ hội phụ nữ, nhưng người ta chỉ hòa giải thôi, tổ dân phố cũng thế. Tôi chỉ làm cho hết thủ tục vậy thôi chứ có giải quyết gì đâu.

Chị Thu, một nạn nhân

"Chúng tôi cũng điều tra đối với các trẻ em ở gia đình có bạo lực và không có bạo lực, và so sánh về thái độ và thấy là những trẻ trong các gia đình có bạo lực thì thường có các vấn đề như bị ác mộng, đái dầm hoặc có thái độ hành xử không tốt, học kém so với các trẻ từ gia đình bình thường khác. Chúng tôi cũng thấy là trẻ chứng kiến bạo lực trong gia đình mình thường học những gì chúng thấy. Chúng cho rằng bạo lực là cách hành xử giữa các cặp vợ chồng."

Các nghiên cứu cũng cho thấy, những trẻ trai chứng kiến bạo lực gia đình hồi nhỏ thì sau này cũng có nhiều khả năng sử dụng bạo lực đối với chính vợ con của mình.
Hiện tại, ở Việt Nam vẫn chưa có con số thống kê chính thức về những thiệt hại do bạo lực gia đình gây nên cho nền kinh tế, nhưng theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới thì tại một số các nước ở Thái Bình Dương, bạo lực gia đình làm tốn kém đến 7% GDP của một nước. Riêng tại Mỹ, bạo lực gia đinh hàng năm tiêu tốn đến 5,8 tỷ đô la.

Giải pháp nào?

Vậy đâu là giải pháp cho nạn bạo lực gia đình tại Việt Nam? Câu trả lời không chỉ nằm trong các luật đã được ban hành như luật chống bạo lực gia đình hay luật bình đẳng giới, mà còn nằm ở việc thực thi luật từ trung ương đến địa phương.

000_Hkg4197359-250.jpg
Một phụ nữ mưu sinh với gánh hàng rong ở Hà Nội. AFP photo
Một phụ nữ mưu sinh với gánh hàng rong ở Hà Nội. AFP photo
Theo chị Nguyễn Vân Anh thuộc CSAGA, những luật này mới được ban hành tại Việt Nam cách đây không lâu nên việc thực thi vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện Việt Nam cũng đang xây dựng chương trình chiến lược quốc gia và đây cũng là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên theo chị, điều đáng nói nằm ở các dịch vụ sẵn có và chương trình hỗ trợ nạn nhân. Hiện các dịch vụ này còn rất hạn chế:

"Cái đáng nói ở Việt Nam không phải là cái tỷ lệ, cái đáng nói là dịch vụ sẵn có cho nạn nhân và chương trình hỗ trợ cho nạn nhân. Những cái hỗ trợ này từ chính quyền còn rất ít. Cả Việt Nam hiện mới có một chỗ tạm lánh và tới đây sẽ có thêm hai nhà tạm lánh nữa."

Trung tâm phát triển phụ nữ Hà Nội thuộc Hội Liên Hiệp Phụ nữ hiện đang quản lý một nhà tạm lánh cho các trường hợp chị em phụ nữ và con cái họ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tại trung tâm này, chị em phụ nữ tìm được nơi ở tạm an toàn, tránh xa bạo lực và có thể tiếp xúc được với các nguồn thông tin để tìm cách bảo vệ cho mình và con cái mình. Tuy nhiên điểm hạn chế là ở chỗ trung tâm hiện chỉ chứa được 24 người, một con số quá ít ỏi so với hàng ngàn phụ nữ đang là nạn nhân của bạo lực gia đình.

CSAGA cũng là nơi đầu tiên thành lập các câu lạc bộ nạn nhân bạo lực gia đình. Những chị em phụ nữ tìm đến đây để tìm thấy sự động viên tinh thần lẫn nhau. Bên cạnh đó các chị cũng chia sẻ kinh nghiệm cho nhau làm thế nào để đối phó với bạo lực gia đình. Các chị được học để hiểu về quyền của mình, được tiếp cận với những trợ giúp về y tế và pháp lý khi cần thiết. Hiện CSAGA đã có được 20 câu lạc bộ như vậy tại Hà Nội, mỗi câu lạc bộ có từ 3 đến 40 chị. Chị Nguyễn Vân Anh cho biết:

"Các hoạt động câu lạc bộ giờ rất tiến bộ, những thành viên ban đầu hầu hết đã trở thành những người đi giúp các nạn nhân khác chứ không phải chỉ đến sinh hoạt như các nạn nhân nữa. Họ đến để chia sẻ những kinh nghiệm đi giúp đỡ những người vẫn còn đang bị bạo lực. Trước tiên họ ý thức được quyền của mình, họ về nhà họ cũng cố gắng thay đổi ông chồng của họ, họ cũng cảm thấy mạnh mẽ lên.

Các hoạt động câu lạc bộ giờ rất tiến bộ, những thành viên ban đầu hầu hết đã trở thành những người đi giúp các nạn nhân khác chứ không phải chỉ đến sinh hoạt như các nạn nhân nữa.

Chị Nguyễn Vân Anh, CSAGA

Khi họ mạnh mẽ lên và có kiến thức và thêm nữa  họ hiểu quyền của mình thì họ biết cách tự bảo vệ họ trước tiên và sau đó họ tìm cách thay đổi ông chồng. Rất nhiều người sau đó gia đình trở nên hạnh phúc và gia đình không có bạo lực. Có một số người thì đã ly hôn thành công."

CSAGA cũng lập một đường dây nóng để các chị em phụ nữ gặp vấn đề có thể trực tiếp gọi điện xin tư vấn 24/24. Đường dây này cũng tiếp nhận các cuộc gọi từ các ông chồng khi những người đàn ông này muốn giải quyết các vấn đề trong gia đình không bằng con đường bạo lực.

Để giải quyết bạo lực gia đình, truyền thông cũng được ưu tiên không chỉ hướng tới các chị em phụ nữ mà còn ở cả giới mày râu. Ví dụ như chương trình mình là đàn ông, mình chống bạo lực gia đình do Bộ văn hóa thể thao và du lịch kết hợp với tổ chức hòa bình và phát triển của Tây Ban Nha thực hiện tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam từ năm 2009.

Bạo lực gia đình tại Việt Nam giờ đây đã không còn chỉ là câu chuyện đằng sau cánh cửa khép kín của mỗi gia đình. Những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình ở Việt Nam đã bắt đầu dũng cảm cất lên tiếng nói để bảo vệ cho quyền lợi của mình như chị Thu và nhiều chị em khác ở câu lạc bộ các nạn nhân ở Hà Nội. Lời khuyên mà chị Thu muốn đưa đến cho các chị cùng cảnh ngộ là hãy dũng cảm đương đầu với sự thật và tìm cách giải quyết trước khi quá muộn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.