Đô thị hóa và bình đẳng giới

Đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh chóng ở các thành phố ngày nay làm nẩy sinh nhiều vấn đề như việc làm, ô nhiễm môi trường, tội phạm ...
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.03.22
vietha-305.jpg Cuộc hội thảo về đô thị hóa do Asia Society tổ chức vào giữa tháng 3 tại Washington DC
Photo by Việt Hà/RFA

Các báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cho thấy phụ nữ và trẻ em thường là những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các vấn đề của đô thị hóa. Theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc bình đẳng giới có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển bền vững và có mối quan hệ tương tác với các vấn đề của đô thị hóa.

Đó cũng là chủ đề của một cuộc hội thảo do Asia Society tổ chức vào giữa tháng 3 tại Washington DC, mà tạp chí phụ nữ tuần này muốn đề cập tới. 

Tốc độ đô thị hóa

Sự phát triển về kinh tế của các nước châu Á trong nhiều năm qua đã khiến thế giới phải quan tâm và thậm chí thán phục. Nhưng cùng với sự bay lên của những con rồng châu Á, người ta cũng đang nói đến các vấn đề về sự bất bình đẳng giới trong mối quan hệ với phát triển bền vững và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở đây.

Ông Christopher Williams, Giám đốc cơ quan UN Habitat có văn phòng tại New York cho biết về xu hướng đô thị hóa trên thế giới nói chung và các nước châu Á nói riêng như sau:

"Chúng ta sẽ thấy là từ 2010 đến 2030, dân số toàn cầu sẽ chuyển dịch từ 51% đến 60% sống ở các thành phố. Điều chú ý là những dịch chuyển này không diễn ra ở các nước Bắc Mỹ, hay châu Âu vì tại những châu lục này việc đô thị hóa nhanh chóng đã diễn ra từ lâu. Quá trình này hiện nay chủ yếu diễn ra tại châu Á và châu Phi. Tại châu Á thì chủ yếu là Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á. Trong vòng 30 năm tới chúng ta sẽ thấy sự di cư lớn từ nông thôn vào thành thị và sự gia tăng dân số trong bản thân các thành phố."

Đô thị hóa ở Trung Quốc xảy ra từ khoảng cuối những năm 80 đầu 90 và lúc đó đô thị hóa được hiểu theo kiểu là đêm trước anh đi ngủ anh là người nông thôn nhưng sáng hôm sau tỉnh dạy anh đã là người thành phố.

Ông Jonathan Woetzel

Theo ông Jonathan Woetzel, đồng sáng lập viên của cơ quan sáng kiến thành thị Trung Quốc thì đô thị hóa ngày nay đã có sự khác biệt so với trước kia. Ông nói:

"Đô thị hóa ở Trung Quốc xảy ra từ khoảng cuối những năm 80 đầu 90 và lúc đó đô thị hóa được hiểu theo kiểu là đêm trước anh đi ngủ anh là người nông thôn nhưng sáng hôm sau tỉnh dạy anh đã là người thành phố. Các thành phố đã mở rộng biên giới của mình ra vùng nông thôn.

Xu hướng đó chấm dứt vào cuối những năm 1990, tức là Trung Quốc ngừng việc mở rộng thêm số lượng thành phố và dẫn đến kết quả là từ năm 1996 trở đi thì số lượng các thành phố không tăng lên mà dừng ở khoảng 650 thành phố. Điều này không làm cho người dân ngừng di chuyển. Và trên thực tế chúng ta thấy có rất nhiều thành phố không chính thức hình thành, có khoảng 200 thị trấn tại Trung Quốc hiện cũng có những đặc điểm giống như các thành phố vậy."

dothi-250.jpg
Một khu đô thị mới ở quận 4 TPHCM chụp tháng 2/2011. RFA photo
Một khu đô thị mới ở quận 4 TPHCM chụp tháng 2/2011. RFA photo
Ông Williams đưa ra các con số cụ thể là sự dịch chuyển dân số về các thành thị tại châu Á sẽ tăng từ 42% đến 55%, chủ yếu là tại Trung Quốc. Các nước có sư di dân lớn về thành thị bao gồm Pakistan từ 37% đến 50%, Indonesia từ 52% đến 67%, và Philippine từ 66% đến 76%.

Tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt cũng tạo ra những thách thức. Ông Christopher Williams giải thích:

"Đây chính là một thách thức đối với các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các tổ chức có liên quan vì quá trình này chủ yếu diễn ra ở những nơi mà sự phát triển kinh tế lại không tương đồng và ở một vài nơi thì tốc độ công nghiệp hóa còn rất chậm."

Tổ chức UN Habitat đã cảnh báo là nếu chính phủ các nước không có những biện pháp thích hợp và kịp thời để giải quyết các vấn đề của các đô thị phát triển thì con số của những khu nhà ổ chuột tại các thành phố sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Một trong các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc là cải thiện cuộc sống của ít nhất 100 triệu người dân tại các khu ổ chuột từ nay cho đến năm 2020. Theo UN Habitat thì điều kiện sống tại các khu ổ chuột thường không giống nhau nhưng nhìn chung là chen chúc, nhà được xây bằng các vật liệu không chắc chắn, dễ bị dột nát.

Vấn đề bất bình đẳng giới

Báo cáo của UN Habitat năm 2008 – 2009 cho thấy tại một số nước, phụ nữ là chủ của các gia đình thường bị chịu ảnh hưởng bởi điều kiện sống không đảm bảo, thiếu nước sạch, không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó các gia đình có phụ nữ là người chủ lại đang trở thành khá phổ biến ở các đô thị, chiếm khoảng 20% các hộ gia đình tại đây trong 160 nước được Liên Hiệp Quốc điều tra.

Đối với những người phụ nữ này, ngôi nhà không chỉ là nơi để sống, mà còn là nơi họ nuôi con và thậm chí làm việc kiếm sống để nuôi gia đình.
Cũng theo báo cáo này thì phụ nữ và các em gái tại các khu ổ chuột thường là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của việc thiếu nước sạch, mất cơ hội được học tập, cơ hội việc làm và được đào tạo. Khi kinh tế khủng hoảng, sự nghèo đói tại thành thị đã đẩy những người phụ nữ và trẻ em gái tìm mọi cách kiếm sống, trong đó có mại dâm, do đó cũng làm tăng nguy cơ lây lan của căn bệnh HIV/AIDS tại thành thị.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, việc đảm bảo bình đẳng giới và phát triển bền vững phải được coi là then chốt đối với sự tồn tại và phát triển của các thành phố.

Trên thực tế báo cáo về phát triển con người của Liên Hiệp Quốc năm 2010 cho thấy tại các nước Nam Á, sự bất bình đẳng giới vẫn còn khá rõ rệt. Điểm xếp hạng bình đẳng giới của các nước Nam Á đã thua xa so với các khu vực khác trên thế giới. So với đàn ông, phụ nữ tại nhiều nước Nam Á không có được tiếp cận đầy đủ với giáo dục, việc làm cũng như được đại diện tại quốc hội.

bitexco-200.jpg
Tòa nhà Bitexco ở TPHCM. RFA photo
Tòa nhà Bitexco ở TPHCM. RFA photo
Ông Jonathan Woetzel thì nói dường như tại các nước Nam Á, đô thị hóa càng mạnh thì sự bất bình đẳng giới lại càng lớn.

Đến với buổi hội thảo có bà Oyungerel Tsedevdamba, Giám đốc quỹ địa phương và là cố vấn về quyền con người cho Thủ tướng Mông Cổ. Bà trình bày về tình hình phát triển ở thủ đô Ulan bator và những ảnh hưởng của nó đến phụ nữ.

Bà Tsedevdamba giới thiệu một đoạn phim tài liệu ngắn về Mông cổ, và nhiều hình ảnh khác.
Bầu trời thành phố Ulan Bator vào các sáng mùa đông thường rất u ám, người ta có cảm giác lúc nào cũng như có sương mù dày đặc. Nhưng trên thực tế đó chỉ là do ô nhiễm môi trường vì cư dân thành phố sử dụng nhiên liệu là than để sưởi rất nhiều. Vừa chỉ vào bức hình của Ulan Bator, bà Tsedevdamba vừa nói:

"Đây là hình ảnh đường phố của Ulanbator vào một buổi sáng mùa đông. Nhà nào cũng cố sưởi cho căn nhà thật ấm, và cả buổi chiều nữa. Nhưng vào giữa trưa thì bầu trời Ulanbator quang hơn chút ít, nhưng cứ sáng và chiều thì bầu trời Ulanbator lại âm u như bức hình này trong 6 đến 8 tháng. Năm nay mùa đông dài hơn và chúng ta thấy cảnh tượng này nhiều hơn."

Theo bà, một gia đình ở Ulanbarto với một căn hộ 3 tầng một mùa đông có sử dụng hết khoảng 50 tấn than để sưởi ấm. Phụ nữ và trẻ em là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm môi trường tại Ulanbator:

"Phụ nữ chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì sự ô nhiễm này. Ô nhiễm cao thì số trẻ sinh ra bị bệnh bẩm sinh lại càng cao. Cứ 100 trẻ sinh ra thì có 11 trẻ bị bệnh bẩm sinh, đây là con số thống kê ở Ulanbator và nó cao hơn so với con số thống kê của cả nước."

Tại Mông Cổ, những người phụ nữ sinh con bị dị tật bẩm sinh thường bị gia đình nhà chồng cho là bị nguyền rủa và bị bỏ rơi. Bà Tsedevdamba và quỹ địa phương do bà đại diện đã giúp đỡ những phụ nữ không may mắn như vậy. Họ trở thành những người đứng đầu các cộng đồng nhỏ tại Mông Cổ và giúp đỡ những người phụ nữ không may mắn khác.

Quá trình (đô thị hóa) chủ yếu diễn ra ở những nơi mà sự phát triển kinh tế lại không tương đồng và ở một vài nơi thì tốc độ công nghiệp hóa còn rất chậm.

Ông Christopher Williams

Bà Tsedevdamba cho rằng rất nhiều các vấn đề đang tồn tại ở Ulanbator là do thiếu sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình đưa ra các quyết định ở cấp thành phố.

Đại diện của UN Habitat, ông Christopher Williams nói với kinh nghiệm của UN Habitat tại các nước như Afghanistan, Pakistan hay châu Phi, việc giúp phụ nữ tham gia trực tiếp vào các công việc trong cộng đồng bao gồm cả công việc xây dựng và tái thiết vốn thường bị coi là nặng nhọc và chỉ hợp với đàn ông, có thể giúp cải thiện sự bất bình đẳng giới.

Việt mất bình đẳng giới tại Mông Cổ, theo bà Tsedevdamba đã khiến người phụ nữ phải làm rất nhiều việc nhưng lại không được tham gia vào việc đưa ra các quyết định quan trọng. Chính vì vậy, các diễn giả của buổi hội thảo đều cho rằng để đảm bảo phát triển bền vững tại các thành phố nhất là những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh ở Nam Á, bình đẳng giới cần phải được coi là vấn đề ưu tiên. Vấn đề này đòi hỏi sự tham gia tích cực của các tổ chức dân sự trong việc giúp chính phủ các nước hoạch định chính sách phát triển phù hợp.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.