Phụ nữ Việt bên dòng sông Tonlesap (Phần 1)
2010.08.18
Như cánh hoa lục bình
Người xuống nước chài lưới, bắt tôm bắt cá, kẻ trên bờ làm mướn làm thuê, sinh sống đắp đổi qua ngày. Trong số họ, có những chị em phụ nữ đang phải đối diện với hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nhất là đối với những phụ nữ nay đã ngoài 50, khi rời Việt Nam chỉ là các thiếu nữ trong lứa tuổi xuân thì.
Có thể nói, đời sống của các chị em người Việt bên
dòng sông Mê Kông như cánh hoa lục bình trôi dạt vô định một cách vất vưởng mà
rất ít người đoái hoài quan tâm. Đa số đều đi làm mướn vì không phải ai cũng có
tiền mua ghe, ngư cụ để sinh sống, làm giàu trên dòng nước bao la với vựa tôm
cá khổng lồ. Mỗi người một hoàn cảnh, khi rời Việt Nam, chị em nào cũng mong có
một đời sống khá hơn bên cạnh hạnh phúc mình vừa tìm được. Thế nhưng, cuộc đời
đâu phải lúc nào cũng như mình mơ ước. Chị Hoàng Thị Anh Thư, năm nay 55 tuổi,
cho hay rằng:
Năm đó, mình chỉ có hai mươi mấy tuổi thôi. Mình đi, chỉ nghĩ là chỉ đi làm ăn thôi, ai dè ở bên này luôn, không có tiền đi về thăm nhà.
Chị Hoàng Thị Anh Thư
“Làm ăn vất vả lắm, mình qua đây năm 1984, lấy chồng, theo chồng qua đây ở. Chồng đi làm cá, theo chồng đi làm cá luôn. Quê mình ở Ban Mê Thuột, còn quê chồng ở Sa Đéc. Năm đó, mình chỉ có hai mươi mấy tuổi thôi. Mình đi, chỉ nghĩ là chỉ đi làm ăn thôi, ai dè ở bên này luôn, không có tiền đi về thăm nhà. Cuộc sống vất vả lắm, làm ăn thì bị người ta (người bản xứ) chèn ép, dân mình không được đối xử như dân của người ta, làm ăn khó khăn nên không có tiền về xứ nữa.”
Khi đặt chân lên xứ chùa tháp, cả hai vợ chồng sống trên dòng Mê Kông, lưới cá cũng qua ngày, chắc chị cũng không bao giờ nghĩ rằng có ngày chị lại phải đi bán ve chai, ngày ngày đẩy chiếc xe tự chế, trên chất đầy đồ phế thải để kiếm tiền sinh sống, chị nói:
“Mình làm nghề cá rồi bị người ta đuổi, đi lên bờ, làm nghề ve chai, mình đi lượm ve chai, đẩy xe, đi mua các đồ phế liệu về bán. Con mình thì học chữ được chữ không. Ở đại sứ quán, người ta dậy, mình cho cháu đi học, mười bốn, mười lăm tuổi rồi mà chỉ học tới lớp hai thôi.”
Trường hợp của chị Hứa Thị Hoàng thì thật trớ trêu, vì chuyến vượt biên bằng đường bộ của chị đã đưa đẩy chị đến nơi này, chị kể lại:
“Hồi nhỏ thì ở với bà ngoại, cha thì đi lính, cuộc sống cũng nghèo khổ, không có đất cát gì hết. Bây giờ thì bà ngoại, mẹ chết hết rồi. Sanh ra thì ở Sóc Trăng, nhưng lớn lên thì về Phụng Hiệp, làm giấy tờ ở trong đó. Nghèo, tính đi qua nước ngoài mà đi không được, mà số không đi được, nên ở bên đây đi “mần” kiếm cơm ăn. Hồi đó đi lên núi Ba Chúc ở Núi Sam, đi qua mấy dẫy núi, chỉ còn một dẫy núi sau cùng là tới đất đỏ, thì bị Miên bắt lại, thành ra ở đây luôn.
Đi lên núi Ba Chúc với một chị bạn gái, lớn tuổi hơn mình với một ông là người yêu của chị ấy, nghe nói là đại tá trong tòa đại sứ Mỹ ngày xưa, đi qua tới vịnh đất đỏ, rồi bị bắt lại. Ông đó thì chạy được, còn tôi với người bạn gái thì bị Miên bắt lại rồi thả ra.”
Trôi theo dòng đời
Theo lời chị cho biết, sau chuyến vượt biên băng rừng lội suối, ròng rã cả mười mấy ngày đói khát, rồi bị lính Campuchia bắt giam trong hai tuần và giao cho bộ đội Việt Nam biên phòng xử lý, chị được trả về quê cũ. Thế nhưng, khi về lại quê nhà, không tiền bạc, không có miếng đất cắm dùi, quá cực khổ, chị lại kiếm đường quay trở lại Campuchia để tìm đường vượt biên sang Thái Lan lần thứ hai, chị nói:
“Về VN, tôi thấy gia đình nghèo quá, tôi lại đi nữa, rồi không tìm được đường đi được nữa, tôi đành ở bên Miên luôn, tôi ở dòng sông Mê Kông. Lúc đó thì đi lấy ve chai, làm mướn, sống qua ngày…Mình cũng mướn đất ở nhưng mắc quá, không ở được, rồi cũng tá túc với cô bác qua ngày.”
Chị cũng tâm sự rằng, khi bỏ xứ ra đi, lòng chị đau như cắt vì phải bỏ đứa con gái duy nhất bé bỏng mới lên 3, là kết quả cuả cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối, bị gia đình chồng lên án kịch liệt, chị kể:
“Lấy chồng hồi còn nhỏ, lúc đó mới 16, 17 tuổi, ở với nhau được hai năm, lúc đó chị có bầu, nói đúng ra, người ta chê mình nghèo, người ta bỏ mình. Con chị được 3 tuổi, chị gửi cho bà ngoại nuôi, chị tính tìm đường đi, nhưng đi không được thì ở bên đây, cũng “mần” kiếm chút đỉnh gửi về cho bà ngọai nuôi cháu…Tới giờ thì bà ngoại cũng mất rồi, mẹ cũng mất rồi, chỉ còn một mình chị bên Miên này thôi.”
Bên cạnh những chị em phụ nữ vì hoàn cảnh đẩy đưa
như chị Thư và chị Hoàng, còn có những người phụ nữ vì bị chính gia đình bỏ
rơi, hay không chịu nổi sự hành hạ của họ hàng ruột thịt nên đành nhắm mắt liều
mình theo tiếng gọi của tình yêu để mong sao gửi gấm đời mình, như trường hợp của
chị Nguyễn thị Nại:
Mình đi làm ăn, rồi tự ý bỏ đi như vậy, cho nên bây giờ cũng mắc cỡ với gia đình, em út ở Việt Nam. Tụi nó ở VN thì đầy đủ, mình ở bên này cực khổ, không bằng em, nên về xứ, mắc cỡ không muốn về.
Chị Hoàng Thị Anh Thư
“Hồi còn nhỏ thì cha mẹ nuôi không được nên gửi xuống bà ngọai nuôi, ở quận 1, phường 13. Lớn lên thì đi bán chè trước cổng trường Bùi Thị Xuân, vừa bán vừa đi học trường Bùi Thị Xuân. Khi bà ngoại chết thì ở với cậu mợ. Vì bán vất vả quá nên học cũng đâu tới nơi tới chốn. Nghỉ học rồi bắt đầu đi lao động của TNXP, vì “giải phóng” vô, sợ quá, rồi vô tổ hợp thêu may, rồi phường thấy tội nghiệp, cho vô hợp tác xã làm thủ kho, được 4 năm, sống một mình như vậy rồi đến khi lấy chồng thì đi bên Miên luôn vì sống trong hòan cảnh bị cậu mợ chửi bới hoài, buồn quá, cha mẹ thì chết hết rồi.
Qua Miên sống một thời gian có 3 đứa con thì ảnh bỏ. Lúc đó con 9 tuổi, 7 tuổi và 4 tuổi, mình đi bán “đá bào” nuôi con lớn lên.”
Giờ đây, khi đã ở tuổi 56, chị hồi tưởng lại lúc đi cùng với người chồng cũ cách nay cũng gần 30 năm: “Đi lén, vì ông xã biết đường đi, đi bằng ghe, đi xe đò tới Châu Đốc, rồi đi ghe lên nữa, lên tới Hố Lương, Hố Lương rồi là lên đến đất Miên. Cái khoảng từ Châu Đốc tới Hố Lương là phải đi đò chẻ vì sợ bị bắt, người ta sang cái đò nhỏ, đi 3, 4 người, người ta chở mình đi.”
Với chị, cái cảm giác sợ hãi lúc bấy giờ chẳng là bao vì bên chị đã có người chồng luôn nâng đỡ. Lòng đầy háo hức mơ về một tương lai xán lạn có cơm no áo ấm. Thế nhưng, cũng đồng số phận như chị em khác, cái nghèo lại càng nghèo hơn, kéo đến càng nhanh hơn khi chồng chị đã bỏ đi biệt tích bao năm trời nay.
Da diết nỗi nhớ quê
Lòng nhớ nhà, nhớ Việt Nam da diết nhưng chỉ biết để dòng lệ rơi âm thầm hòa với dòng nước sông Mê kông. Chị Võ Thị Sanh, năm nay 55 tuổi, cũng thế, chị kể: “Ở bên này lâu rồi, khổ lắm chị ơi, ngày xưa thì ở Hồng Ngự, là quê của ông nội. Ở đó thì cũng đâu có đất có ruộng gì đâu, cũng đói khổ…
Năm 1982 mình mới lên trên này (dòng Mê Kông) để ở, ở miền dưới thì cũng đâu có đất có ruộng, nên lên đây “đặng đi làm mướn cho người ta”.
Theo lời chị cho hay, sau khi chị sanh được 8 đứa con, cuộc sống càng ngày càng khổ, chồng chết vì lao lực, chị ở vậy nuôi con, chị nói tiếp:
“Có 8 đứa con, ở “giá” 17 năm rồi, có chiếc ghe nhỏ, ở dưới bè nhỏ, con đi làm mướn, thì cũng sống qua ngày, đâu có tiền gì đâu, thì cũng sống qua ngày thôi. 8 đứa con còn nhỏ xíu, mình đi làm mướn cũng có, đi chài lưới cũng có, bữa cơm bữa cháo, từ ngày đó đến bây giờ, lây lất qua ngày, nghèo quá, có ai giúp đỡ gì đâu mà có với người ta được. Sống ở sông Mê Kông ba mươi mấy năm rồi, bị “bể” (đuổi) thì lại chạy đến vùng khác ở nữa.”
Nhớ lắm, nhớ quê hương Việt Nam lắm, nhưng mà mình đâu có về đó được, vì đâu có đất có ruộng đâu…
Chị Võ Thị Sanh
Hầu như tất cả chị em người Việt đang sinh sống bên dòng Mê Kông, nơi xứ người đều có một nỗi nhớ nhà tha thiết, nhưng sự hồi hương không phải là dễ dàng như lời chị Thư tâm sự: "Cũng có, gia đình lâu lâu gửi cho ít tiền, nhưng mình mắc cỡ, không dám nhận…
Mình đi làm ăn, rồi tự ý bỏ đi như vậy, cho nên bây giờ cũng mắc cỡ với gia đình, em út ở Việt Nam. Tụi nó ở VN thì đầy đủ, mình ở bên này cực khổ, không bằng em, nên về xứ, mắc cỡ không muốn về.”
Có những chị em, sẵn sàng trở về quê sinh sống, ngặt nỗi, nghĩ đến kế sinh nhai thì lại chùn chân đổi ý như chị Sanh cho hay: “Nhớ lắm, nhớ quê hương Việt Nam lắm, nhưng mà mình đâu có về đó được, vì đâu có đất có ruộng đâu…”
Hiện tại, cuộc sống của những chị em này ra sao? Nhất là khi không còn được phép trôi nổi với ghe thuyền trên dòng Mê Kông nữa. Và với tuổi già nhanh chóng ập đến, ước mơ của họ là gì trên xứ người? Mời quí vị đón xem bài sau.