Đã đến lúc blogger phải đòi quyền được an toàn

Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.12.21
000_Was2820123-305.jpg Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói chuyện về tự do Internet tại Washington, DC hôm 21/1/2010
AFP PHOTO/Mandel NGAN

Khánh An mời quý vị gặp lại các bạn trẻ là Hải Di ở Na Uy, Toàn, Dịu hiện ở TPHCM, Blogger Mẹ Nấm – Như Quỳnh ở Nha Trang và Vy từ Đà Nẵng trong kỳ cuối về vấn đề viết blog và sử dụng trang mạng xã hội, đó là chủ đề về Quyền an toàn cho các blogger.

"Sống chung với lũ"

Trước hết là ý kiến của Toàn: Giới trẻ bây giờ có một vấn đề là những cái gì nó tò mò và thích thú, tức là gợi trí tò mò của nó thì nó sẽ tìm hiểu, nhưng mà với vấn đề không ảnh hường gì tới ai thì nó sẽ tìm hiểu. Còn ví dụ như vấn đề mà như mình nói là "nhạy cảm" thì người ta bị tâm lý là vấn đề này mình không nên soi mói, không nên xem lại làm gì vì nhiều khi mình đi ngược lại những bài viết cũ là những nơi còn lưu lại những bài đó thì những nơi đó cũng là có vấn đề, cho nên nhiều khi cũng không dám đụng tới.

Đó là cái tâm lý gọi là "tâm lý muốn yên thân" như Quỳnh nói. Còn những chuyện thực sự mà giới trẻ cần quan tâm để gây ảnh hưởng tốt tới xã hội thì họ lại không quan tâm lắm đâu, thậm chí họ còn trù dập mình nữa.

Ví dụ như ngày xưa Toàn có viết một câu "phản động là chống đối chính quyền chứ không phải là không yêu nước", chỉ một câu đó thôi mà người ta cũng phản bác rất nhiều và thậm chí người ta còn trù dập mình và bảo "đừng nói những câu như vậy, coi chừng bị bắt".

Tâm lý người ta sợ sệt và cái tâm lý sợ sệt đó nó lan truyền và thậm chí mình bị trù dập và hù dọa, cho nên người này sợ dẫn đến người kia sợ theo và cái chính quyền này nó đang cố gắng làm cho mọi người đều sợ sệt và có tâm lý muốn yên thân.

Mình “sống chung với lũ”, tức là mình chấp nhận, nhưng mà tôi chấp nhận không có nghĩa là tôi im lặng và tôi thừa nhận là anh đúng.

Bạn Quỳnh

Khánh An: Vâng. Đó là cảm nhận riêng của Toàn với kinh nghiệm thực tế của bạn. Mình lại muốn hỏi Dịu, tại vì rõ ràng mình thấy Dịu có vẻ không được vui, có thể vì quan điểm của bạn, bạn cảm thấy bạn không được chia sẻ, thì mình muốn hỏi Dịu là những chuyện giống như các bạn vừa nói vừa rồi là các bạn trẻ tìm tâm lý yên thân, không muốn đụng chạm đến những chuyện nhạy cảm.

Dịu: Mỗi người có một quan điểm riêng và với bạn thân mình cũng vậy thôi. Khi mà mình sống trong môi trường xã hội chủ nghĩa thì kể cả khi mình sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài cũng vậy thôi, ở mỗi một đất nước thì đều có những quy chế, những quy định khác nhau. Thực sự mình thấy rằng khi mà mình sống trong môi trường xã hội chủ nghĩa như vậy thì bản thân mình phải hòa nhập với cái môi trường đó.

Hkg349211-200.jpg
Cà phê Internet ở Hà Nội. AFP photo
Cà phê Internet ở Hà Nội. AFP photo
Mình thấy việc mọi người cảm thấy bức xúc khi mà không được tự do nói, không được tự do viết, thực sự là với mình, quan niệm sống của mình là sống cho mình và sống cho mọi người nó khác với các bạn, bởi vì cuộc sống của mình không có nhiều màu sắc chính trị như là các bạn đang theo đuổi. Mình không cảm thấy quá khó chịu và không cảm thấy quá gò bó như cảm giác của các bạn.

Quỳnh: Bạn nghĩ là tụi mình thấy khó chịu và gò bó thì chắc cũng hơi oan cho tụi mình, tại nếu mà thấy khó chịu và gò bó thì chắc tụi mình không có cười vui vẻ như hồi nãy tới giờ đâu (nhiều người cũng cười). Mình nói cái tâm lý là mình “sống chung với lũ”, tức là mình chấp nhận, chấp nhận hết, chấp nhận hết những chuyện giống như bạn nói, cái xã hội nào nó cũng phải có cái ràng buộc này, cái ràng buộc kia. Đúng. Tốt, tôi chấp nhận hết, nhưng mà tôi chấp nhận không có nghĩa là tôi im lặng và tôi thừa nhận là anh đúng.

Không có! Tôi chấp nhận sống chung với anh nhưng anh sai thì tôi vẫn phải nói anh sai. Có thể ngày hôm nay, ngày mai, chuyện tụi mình nói, tụi mình phản ứng nó chưa làm bạn thấy bức xúc đâu. Có thể là bạn đi ra đường bạn gặp bất công, bạn thấy bất công nhưng nó vẫn chưa làm bạn bức xúc đâu.

Chừng nào bạn trải qua cái cảm giác đó rồi thì mình nghĩ là bạn mới hiểu được phản ứng của những người trong cuộc. Nhưng mà thực sự mà nói thì mình không thấy khó chịu, không thấy bức bối gì đâu, mình thấy rất vui vẻ thoải mái như mọi người khác bởi vì dù cho nó có gò bó đi nữa thì người ta vẫn đủ thông mình, đủ khôn ngoan để nói lên tiếng nói của mình. Không ai cảm thấy khó chịu đâu Dịu.

Toàn: Có thêm một điều nữa nè, Dịu nói ở mỗi quốc gia, mỗi phạm vi lãnh thổ thì nó sẽ có những luật riêng của nó, đồng ý. Tất nhiên có những cái luật rất vô lý, mình đồng ý, nếu chấp nhận thì mình sống, còn không thì mình sẽ thoát ly ra. Đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng, cái khó chịu ở đây là người ta có như vậy nhưng người ta lại không nói như vậy, tức là những quy luật bất thành văn. Khó chịu là khi nói với một người sai, họ sai nhưng họ lại không công nhận họ sai.

Vy: Em nghĩ thế này. Lúc nãy bạn Dịu nói là ở bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào cũng có luật riêng, đúng vậy, Dịu nói giống như “nhập gia tùy tục” vậy đó. Nói như vậy thì bạn có bao giờ nghĩ đên Martin Luther King không ạ? Tức là cái ông đòi hỏi quyền lợi cho người da đen ở nước Mỹ. Nếu mà bạn là một người biết ông Martin Luther King thì bạn sẽ nghĩ là "Thôi, chúng ta sống trong cái xã hội toàn là người da trắng hết, mà chúng ta là người da đen, thôi thì chúng ta im, chúng ta không nói” à? Bạn nghĩ như vậy chăng?

Sự thận trọng của blogger

Quỳnh: Không. Mình thì, tại vì quan điểm của Dịu lại là quan điểm của nhiều người ở Việt Nam. Mình chỉ nói như thế này. Mình hay nghe cái câu “hội nhập và phát triển”, đúng không? Một khi mình hội nhập, tức là mình vô sân chơi của quốc tế, mình ký cam kết với quốc tế thì mình không thể nào nói một cách vô trách nhiệm là "Ơi mấy anh quốc tế, mấy anh ở nước khác mấy anh có luật của mấy anh, tôi có luật của tôi". Không có điều đó.

me-nam-blog-250.jpg
Trang blog Mẹ Nấm.
Trang blog Mẹ Nấm.
Tất cả những ai ký vào cái văn bản đó là chúng tôi đồng tuân theo những luật như thế này, như thế này, thì không có lý gì mà về nước mình thì nó lại thành "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Không được. Không thể nào như vậy được. Đó là cái tuyên bố chung của thế giới và mình phải giữ mặt mũi và chữ tín với thế giới.

Chưa kể bây giờ Quỳnh chỉ ví dụ nghe. Ví dụ như mình coi đá banh ở trên sân: bóng đá có quy luật quốc tế, đúng không? Hai mươi hai cầu thủ, nó cái luật gọi là luật việt vị, đâu có cái cớ gì đá banh bên Mỹ như vậy mà đem về Việt Nam thì khi anh chạy xuống bị người ta thổi việt vị thì anh nói: "Không có, ở nước tui không có việt vị." (Mọi  người cùng cười).

Toàn: Tức là nó có thêm một cái nữa, khi người ta nói là tự do ở mỗi nơi có những tình tiết riêng, tức là nó có những định nghĩa riêng, thì mình không đồng ý cái đó, vì văn hóa thì có bản sắc văn hóa tức là nó có màu sắc riêng, còn tự do thì nó cũng giống như cái trò đá banh mà Quỳnh nói đó. Nó đều có những nguyên tắc rõ ràng và không có chuyện bản sắc riêng ở đây. Nó không có màu sắc riêng ở đây.

Khánh An: Thế thì đâu là thái độ khôn ngoan khi mà các bạn viết blog, cũng như khi các bạn tham gia vào các trang mạng xã hội? Các bạn có nghĩ rằng trang blog hay là những trang mạng xã hội mà chính các bạn viết, các bạn tham gia vào, nó có thể làm thay đổi được tình trạng xã hội, làm cho xã hội được tốt hơn không?

Thứ nhất là lựa chọn cách viết, thứ hai là có trách nhiệm với nguồn tin là hai thái độ buộc mình phải có khi tham gia viết blog ở Việt Nam.

Bạn Quỳnh

Quỳnh: Thứ nhất là lựa chọn cách viết, thứ hai là có trách nhiệm với nguồn tin là hai thái độ buộc mình phải có khi tham gia viết blog ở Việt Nam.

Hải Di: Khi một người đã quyết định viết về chính trị rồi thì người đó phải xác định là mình viết không phải là viết cho mình hay là viết cho người cũng quan điểm với mình, mà còn viết cho người có quan điểm khác nữa, thì phải chọn cách viết như thế nào để người ta có thể lắng nghe được, chứ không thì sẽ tạo hiệu ứng ngược.

Toàn: Tất cả các bạn nếu có ý muốn viết thì vẫn nên viết bởi vì ít nhất thì mình cũng chia sẻ được cái suy nghĩ của mình và nhiều khi mình cũng níu kéo được một bộ phận giới trẻ họ hiểu vấn đề mình đang nói. Chứ nhiều khi mình không viết thì có thể là giới trẻ càng ngày càng thờ ơ, bàng quan với thời cuộc, tức là mình vẫn nên viết và nên viết khi nào mình vẫn còn sức viết, còn khả năng viết và tất nhiên là mình còn ở ngoài cái phòng nào đó để có thể viết. Còn ở trong một cái phòng mình không thể viết thì lúc đó tính tiếp.

Quyền được an toàn

Khánh An: Nhưng mà như thế nào để mà cứ được ở ngoài mà viết thoải mái? Mình phải lựa chọn cách viết chứ, phải không?

Toàn: Đúng rồi. Như hồi nãy Quỳnh có nói là khôn ngoan trong cách dùng từ ngữ và cách nói, làm sao để thứ nhất là tiếp cận người đọc đã và tất nhiên khi mình đã chọn con đường thì mình nên chấp nhận là mình sẽ bị nguy hiểm ở một mức độ nào đó. Toàn nghĩ vậy.

Quỳnh: Nãy giờ mình đang muốn hỏi nè. Mình cứ luôn nói là mình mất an toàn, mình bị nguy hiểm, đúng không? Bây giờ đã đến lúc mình đặt câu hỏi lại là mình phải đòi hỏi được an toàn và đòi hỏi mình phải được bảo vệ chớ?

china-internet-250.jpg
Ảnh minh họa. AFP photo
Ảnh minh họa. AFP photo
Khánh An: Hoan hô! Một câu hỏi rất hay.

Quỳnh: Mình đã rất tuân thủ luật chơi, mình công khai danh tính, mình chịu trách nhiệm về những gì mình viết và mình có trách nhiệm với nó.

Vy: Em thấy câu của chị Quỳnh rất là hay, nhưng mà em cứ nghĩ thế này. Em nghĩ chừng nào chúng ta vẫn còn sống trong chế độ này thì chúng ta vẫn tiếp tục không được an toàn, chị ạ. Em thấy TS. Cù Huy Hà Vũ viết rất nhiều. Chính ông là một luật sư tranh đấu cho người khác, tranh đấu cho tự do, cho quyền lợi và sự công bằng cho người khác, mà cuối cùng lại thì ông lại chính là nạn nhân, ông bị bắt. Với em, khi em viết bài thì em đã đặt mình vào tình thế không an toàn, cho nên em nghĩ là câu hỏi của chị Quỳnh rất là hay, em cũng mong được như thế.

Tại sao chúng ta không có quyền lấy lại sự an toàn của chúng ta, nhưng chúng ta lấy lại cách nào đây? Em chưa bao giờ nghĩ ra được đáp án.

Quỳnh: Quỳnh thì nghĩ như thế này. Mình đòi quyền tự do của mình là đòi quyền tự do được nói, chứ không tính đến những vấn đề to lớn như tự do dân chủ hay không. Bên cạnh đó, mình nên tập cho người xung quanh mình thoát cái tâm lý sợ hãi bằng cách là không chỉ mình viết, mà trong cuộc sống hàng ngày, mình phải chỉ cho họ thấy là "À, cái chỗ này, những người có chức năng, có công vụ họ sai và mình có quyền phản ứng, không có gì phải sợ sệt”.

Đó là cái cách mình có thể làm trong cuộc sống. Một khi mình tôn trọng sự thật thì những người họ gây khó khăn cho mình họ cũng phải chùn bước. Đó là trường hợp mà Quỳnh thấy bản thân cá nhân của mình nó cũng có một chút tác dụng. Cho nên là phải tập cho mọi người quyền nói.

Khánh An: Thế thì bạn nghĩ sẽ tập như thế nào, đặc biệt chúng ta là những người trẻ?

Quỳnh: Cá nhân Quỳnh thì Quỳnh thấy bản thân mình trước hết phải là chuẩn mực trong cuộc sống cái đã. Ngoài việc mình kiếm tiền thì trong cuộc sống này tất cả các vấn đề xã hội đều liên quan đến chính trị hết. Với những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như hôm nay vàng lên hay là đô-la lên thì mình sẽ chỉ là “Đây, chính vì chính sách này nó ảnh hưởng đến giá cả chớ không phải là nó không ảnh hưởng đâu và quyền lợi của mình nằm ở đó mà”.

Tại sao chúng ta không có quyền lấy lại sự an toàn của chúng ta, nhưng chúng ta lấy lại cách nào đây? Em chưa bao giờ nghĩ ra được đáp án.

Bạn Vy

Khánh An: Nói tóm lại là mình đẩy các bạn trẻ đi thêm một bước nữa trong những vấn đề hàng ngày mà họ gặp, phải không?

Quỳnh: Đúng rồi. Mình nêu vấn đề thôi, còn việc chọn thái độ như thế nào thì đó là việc của họ.

Khánh An: Bây giờ mình muốn hỏi Dịu, tại vì Dịu xem Dịu là người khác quan điểm với các bạn ở đây, thế thì mình muốn hỏi Dịu là đối với những gì mà nãy giờ các bạn chia sẻ thì Dịu có cảm thấy khó để bạn tiếp nhận không?

Dịu: Với quan niệm của mình, mình viết blog là mình viết trước hết cho mình, thứ hai là cho bạn bè và thứ ba là mình viết theo con đường mà mình lựa chọn mình đi. Mình không như các bạn. Thực sự từ trước tới giờ mình không có nặng nề theo những cái gọi là chính trị đang bị gò bó.

Khánh An: Vâng. Và khi mà bạn nghe đến những điều này thì bạn cảm thấy là khó tiếp nhận, phải không?

Dịu: Dạ vâng.

Khánh An: Vâng. Như thế thì mình cũng có câu trả lời rồi. Mình chỉ muốn đưa ra ở đây là các bạn chính là những người đại diện cho giới trẻ của xã hội Việt Nam hiện nay. Tất cả những quan niệm của các bạn là những cái nhìn đại diện, phản ánh thực tế ở tại Việt Nam. Thế thì mình để dành câu trả lời lại cho mỗi người tự trả lời ở trong vấn đề sử dụng những công cụ mạng mà xã hội đã cung cấp, làm thế nào để mình cảm thấy nó có lợi nhất cho chính bản thân mình và cho xã hội mà mình đang sống.
Khánh An rất cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho chương trình Cafe Wifi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.